Header Ads

  • Breaking News

    Hiền Vương – Hồi ức vụ án Năm Cam

    Tháng 2-2003, tôi quyết định mua một laptop, khi ấy có giá 999 USD, hiệu Acer, ổ cứng 20Gb. Mục đích chính là có thể làm công việc tường thuật ngay sân tòa án TP.HCM sau buổi xét xử vụ án ông trùm Năm Cam để kịp gửi ra tòa soạn Hà Nội. Giờ, laptop đã ‘vào viện bảo tàng’, nhưng vụ án Năm Cam xem chừng vẫn chưa kết thúc.

    Hồi ức vụ án Năm Cam
    Thời gian xét xử vụ án kéo dài 100 ngày, từ 25-02-2003 đến 05-06-2003. Hình phạt nặng nhất trong vụ án gồm 06 án tử hình và 04 án chung thân. Nhiều đồng nghiệp của tôi ở báo Công an TP.HCM, báo Tuổi Trẻ cũng dính án tù. Nhiều đồng nghiệp khác thì vạ lây, và nghe đâu con số cả trăm bị cáo cũng được cho là ‘đồng phạm’, dù chưa thực tế họ chưa bao giờ biết đến ‘anh Năm’.

    Tướng Nguyễn Việt Thành được báo chí thời đó gọi bằng cái tên dân dã là Tư Bốn, giám đốc Công an Tiền Giang được Trung ương chọn làm Trưởng ban chuyên án. Người mà tướng Thành phải triệt hạ khi ấy là ông Bùi Quốc Huy, tên thường gọi Năm Huy, nguyên Thiếu tướng An ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Giám đốc Công an TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công an, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông Năm Huy xuất thân ở Công an tỉnh An Giang, từng là ‘tay trong’ ở một vụ án liên quan đến lật đổ chế độ sau tháng tư năm 1975.

    Ông Năm Huy được cho là đã phạm tội liên quan trong vụ án Năm Cam. Ông bị cách chức, bị tước quân tịch, quân hàm, bị tù và đã được ân xá sau chưa đầy 2 năm kể từ khi tuyên án. Cùng đợt đặc xá với ông Năm Huy, là cựu trưởng phòng cảnh sát hình sự công an TP.HCM Dương Minh Ngọc, bản án 6 năm tù trong vụ Năm Cam.

    Nhiều nhà báo được tòa soạn phân công ‘đeo đuổi’ vụ án Năm Cam, đến nay hầu hết đã rời khỏi cơ quan báo chí nhà nước. Những nhà báo vạ lây với án tù trong vụ án đình đám bậc nhất thời ấy, hiện cũng đã trở về với đời thường từ lâu rồi. Song dường như vụ án vẫn chưa thể khép lại, khi hôm 5-3, bất ngờ Bộ Công an tổ chức buổi xin lỗi hai công dân bị bắt oan trong vụ án Năm Cam. Hai công dân này là hai doanh nhân tên tuổi của tỉnh Bình Dương.

    Trong một chia sẻ trên tài khoản cá nhân facebook, luật sư Đặng Đình Mạnh không giấu cảm xúc chua chát: “Thực ra, không chỉ hai người được Bộ Công An tổ chức buổi xin lỗi vì bị giam giữ oan uổng. Mà ít nhất, có đến cả trăm bị cáo khi ấy cũng bị oan khi bị đưa chung vào một vụ đại án đầy tai tiếng mang tên “Trương Văn Cam và đồng phạm”.

    Rất có thể tội trạng của họ hoặc hình phạt là không oan, tương xứng với hành vi phạm tội của họ. Nhưng cả hàng trăm người trong vụ án đã phạm tội khi không có bất kỳ sự liên quan nào đến ông Trương Văn Cam, thậm chí, họ, người đầu vụ hoặc đồng phạm còn không biết đến nhau. Việc gộp chung họ vào một vụ án đầy tai tiếng như thế là không chính đáng, khiến nhân thân của họ mang tiếng xấu khó có thể gột rửa hoặc dễ dàng giải thích cho con cháu của họ được.

    Ông Đ., một trong bốn thân chủ của tôi trong vụ án. Ông được mô tả như là một đối thủ cạnh tranh để tranh giành lãnh địa với ông Trương Văn Cam, theo kiểu “một rừng không thể có hai hổ”. Mặc dù hành vi của ông và ông Trương Văn Cam là hoàn toàn độc lập, không liên quan, không ai nhận lệnh của ai. Nhưng cuối cùng, ông đã phải bất đắc dĩ làm bị cáo chung trong một vụ án mang tên của đối thủ : “Trương Văn Cam và đồng phạm”. Khôi hài hơn, khi ông lại bị xem như là đồng phạm với đối thủ.

    Không chỉ ông, mà cả ba thân chủ khác của tôi cũng trong hoàn cảnh tương tự trong vụ đại án.

    02 người được Bộ Công An xin lỗi hôm nay đã may mắn, nhưng rất nhiều người bị tai tiếng oan trong một vụ đại án tày trời mà họ không có liên quan, không phải là đồng phạm … thì đã chưa có sự may mắn đó.

    Vụ án “Trương Văn Cam và đồng phạm” đạt kỷ lục với những con số vô địch, trong đó, được cộng bằng cả sự oan uổng của nhiều người dân”.

    Với những phóng viên pháp đình như tôi thuở đó, mãi khi đến phiên phúc thẩm vụ án ông trùm Năm Cam, mới nhận ra mang máng đàng sau hậu trường chính trị là những vở tuồng triệt hạ nhau giữa những người vẫn hay gọi nhau là đồng chí.

    Và mãi cho đến lúc này, mặc dù vụ án ông trùm đang được xới lại, thì một nhân vật có tên Tống Viết Hòa được cho là duyên cớ khởi sự vụ án ông trùm Năm Cam, tuy Hòa vẫn hầu tòa, song vẫn là ‘tờ giấy trắng’, liệu tới đây Tống Viết Hòa có được ‘xướng tên’?.

    Liệu sắp tới đây, khi đảng chuẩn bị ‘so găng’ lẫn nhau để bước vào nhiệm kỳ mới, những đồng chí nào sẽ ‘lộ mặt’, và ‘gót chân Achilles’ sẽ ứng vào ai?

    “Tiền không phải là tất cả, nhưng con người có thể làm tất cả vì tiền” – đó là câu nói được cho là để đời của ông trùm giang hồ một thời của Sài Gòn có tên Trương Văn Cam (1947 – 2004).

    Hiền Vương

    (Việt Nam Thời Báo)

    Không có nhận xét nào