Header Ads

  • Breaking News

    Sài Gòn những ngày dịch COVID-19



    Khoảng gần 4h chiều 24/3/2020, báo chí đưa tin TP HCM đóng cửa tất cả các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, beer club, quán ăn có công suất phục vụ 30 người trở lên, quán bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, cắt tóc, uốn tóc ngay từ 6h chiều nay, cho đến hết tháng 3. Tức chỉ còn có 2 tiếng nữa.


     Sài Gòn những ngày dịch COVID-19



    6h, quán cháo ếch Singapore ngay ngã ba Hai Bà Trưng-Nguyễn Hữu Cầu ở khu ăn đêm nổi tiếng Tân Định quận 1 vẫn đóng cửa im ỉm. Quán cháo này bán chưa quá lâu nhưng khách đông nghịt, tối cuối tuần họ kê những chiếc bàn nhựa chữ nhật nhỏ san sát ra vỉa hè, cả trăm người chen vai thích cánh ngồi tràn ra một góc ngã ba, ngay cạnh những nồi cháo sôi sùng sục trên lò than đỏ rực.

    Giờ, cửa đóng im ỉm, không một bóng người.

    Chú thợ may già ở kế đó nói giờ này quán chưa mở đâu, chừng 7h, 8h tối quay lại mới đông, hoặc hổng chừng bữa nay mùng 1 người ta ăn chay nhiều nên quán nghỉ cũng có. Hỏi chú có biết thông báo của thành phố chưa, chú nói: “Hổng có đâu, chút nữa người ta bán thôi”.

    Gần đó là hai quán chè thập cẩm. Ngày thường, xe của khách phải dựng ra gần tới giữa đường. Bữa nay một quán có hai anh con trai ngồi với nhau, quán kia không có ma nào. Thực ra giờ này cũng chưa ai đi ăn chè. Chú giữ xe nói hồi sáng ủy ban phường xuống đưa giấy rồi (thông báo đóng cửa từ 6h), nhưng quán mình đâu tới 30 khách, vắng hoe hà, nên mình được bán. Không biết nhìn tôi có giống đại diện phường đi kiểm tra không mà chú nói với cái giọng nhỏ nhẹ đến tội.

    Dọc con đường Nguyễn Hữu Cầu chỉ còn những sạp chợ và trái cây bán đêm. Các xe hàng rong bánh mì Bé Bự, xôi gà nổi tiếng vẫn đông người chờ mua chung quanh. Nhưng phía đối diện, dãy tiệm quần áo san sát mọi khi mở cửa sáng choang đến 9 giờ đêm, nay đều kéo cửa nên cả con đường tối và buồn bã hẳn đi.

    Chắc tội nghiệp tôi đi vòng vòng hỏi quán, một bà chị đi vượt lên tôi nói một hơi: “Thôi dìa nhà ăn cơm đi em, bữa nay hổng có quán nào bán cho em ăn đâu, nghỉ hết trơn cả tháng nay rồi mà.Tại lỡ mà một người dính là nghỉ hết cả quán nên đâu ai dám bán. Chị phụ việc cho quán mà chủ nghỉ rồi nên chị cũng nghỉ nè”.

    -Rồi nghỉ cả tháng nay lấy gì ăn chị ơi?
    -Chị mua mì gói thủ, mua gạo thủ (thủ thân). Kệ chớ sao giờ.

    Rồi chị rẽ vô cái hẻm to nhất thông vô chợ, đi mất.

    Đầu hẻm này buổi sáng là tụ điểm sinh hoạt ăn sáng, cà phê lai rai của dân sống ở đây. Mấy đứa con nít đi học trưa về đói bụng hay lúc chờ giờ học thêm ngồi xuống làm một tô, dì Bảy dì Tám vừa múc vừa hỏi thăm hay rầy la tùy buổi, rồi để đó chừng nào ba má nó về thì trả. Mấy ông bà già ra đây quây quần rề rà mỗi sáng mỗi chiều, ngồi xải lai bắc chân chữ ngũ ngắm ông đi qua bà đi lại, nghe con cháu và hàng xóm tám vang rân đủ thứ chuyện trên đời. Buổi tối, có mấy xe hột vịt lộn, trứng cút lộn xào me, sò ốc, bắp xào, khô mực, khô cá, chủ yếu là đàn ông và các cặp trai gái mới lớn ngồi kín vỉa hè.





    Bữa nay, đầu hẻm tối thui vắng tanh. Không biết mấy xe khô mực khô cá, hột vịt lộn chưa dọn ra hay là vắng khách quá nên cũng nghỉ rồi?

    Đi xuống qua ngã ba Thạch Thị Thanh, đã quá giờ đóng cửa nhưng mấy quán Huế vẫn đang mở cửa cho khách ra vô, tuy nhưng không còn nườm nượp như trước.

    Quán gà rán Lotteria ngay góc ngã tư Nguyễn Hữu Cầu-Trần Quang Khải, nhân viên tay chân còn thoăn thoắt hơn mọi khi. Không có khách ngồi ăn. Hai người phụ nữ dựa lên cái bàn đơn đứng chờ, im lặng, cách xa nhau. Góc trái có hai anh giao hàng. Nhân viên vừa thấy mặt khách đã nói ngay: “Bữa nay tụi em không bán ở quán, chỉ bán mang về, quý khách thông cảm”. Nhìn vô trong, cái chạn để gà sau khi chiên đã trống trơn.

    Cô nhân viên nói phường mới vừa xuống thông báo lúc hơn 5h, gấp quá nên không trở tay kịp. Giờ cứ bán ráng thêm chút rồi đóng cửa liền. Ngày mai thì sao? “Dạ không biết nữa, ngày mai chờ thông báo mới. Nhưng quán vẫn bán giao hàng đi nha anh chị.” Lúc này khoảng 6h 30.

    Ngã tư này và các con đường xung quanh vốn là khu ăn uống mua sắm sầm uất rộn rã. Đối diện với gà rán Lotteria là tòa lầu 4 tầng Bánh tráng Trảng Bàng nổi tiếng. Nhân viên nói quán được bán bình thường, đến 10 h đêm mới nghỉ. Ngày mai thì chỉ giao đem đi.

    Đường Trần Quang Khải đi lên phía Bưu điện TP san sát các quán ăn và xe đẩy lề đường, đủ các món Tàu, Việt, món Trung, món Bắc, món Nam xen nhau. Hôm nay các xe đẩy hủ tiếu có vẻ nhiều khách hơn các quán. Một quán bún đậu mắm tôm nói quán nhỏ nên vẫn được bán. Bên trong, khách ngồi sát nhau như bình thường.

    Quán phở Hiền nổi tiếng gần chân cầu Hoàng Hoa Thám vẫn sáng rực, khách kín nửa quán. Hỏi ngày mai có giao hàng không, anh chàng nhân viên nhanh mồm nhanh miệng nói ai đóng thì đóng chứ quán em vẫn bán bình thường, “quán em là được bán!”. Khẳng định hai ba lần dứt khoát lắm nhưng thấy tụi tôi nghi ngờ hỏi lại, cậu chữa cháy: “Là em nói vậy chứ chủ quán nói sao thì tụi em làm vậy”.

    Gần đoạn cuối đường Trần Quang Khải là quán dê Anh em. Một cái sân rộng lộ thiên chứa được cả trăm người. Hàng đêm, quán chen chúc kín khách, đèn sáng rực rỡ. Bữa nay bàn ghế vẫn bày đủ nhưng chỉ có hai nhóm khách nhỏ rải rác. Chủ quán nói mới nhận được thông báo của phường lúc chiều, nhưng lúc đó có khách rồi nên chờ khách về thì cũng dẹp luôn. Thức ăn còn thì gói mang về cho bà con. “Nhưng quán bán từ sáng nên cũng gần hết hàng rồi”-anh nói.

    Trước cửa một quán ăn, người đàn ông trung niên bảo vệ chà đôi tay ướt đẫm gel rửa tay.

    Tôi chưa bao giờ thấy Sài Gòn như tối nay. Dọc các con đường trung tâm ngày thường đông đúc đến mức mất cả nửa tiếng có thể chưa qua được đường như Phạm Ngọc Thạch, hôm nay chỉ thấy nhiều nhất màu áo xanh bảo vệ của các tòa nhà công sở, tư sở, nhóm nọ nhìn ngắm nhóm kia. Vỉa hè bỗng trở nên rộng vắng mênh mông. Suốt con đường chỉ vài ba người đi bộ. Ở những ngã tư, vào cao điểm 6h chiều nay ở trung tâm quận 3 khi đèn đỏ chỉ có khoảng 10-20 chiếc xe máy và bốn năm chiếc xe hơi, giảm đến 9 phần so với trước.

    Đường vắng đến nỗi đèn đỏ nhưng một chiếc bus lớn cứ lao bừa qua ngã tư Phạm Ngọc Thạch-Điện Biên Phủ. Vừa kịp thấy chiếc xe hơi đúng chiều vẫn đang đi đến gần sát, nó hốt hoảng thốt ra mấy tiếng còi tuýt tuýt vội vã nhưng vẫn đang đà lao qua. May mấy chiếc xe kia qua ngã tư nên không chạy nhanh lắm, nếu không, có lẽ tôi vừa phải làm chứng nhân của đại dịch, vừa phải làm chứng nhân của một vụ tai nạn.

    Quán beer club Poc Poc nổi tiếng trên Phạm Ngọc Thạch, mọi đêm tiếng nhạc và ánh sáng rực sáng cả một vùng. Nay-một vùng tối đen. Trước cái sân rộng chỉ có hai nhân viên đang loay hoay xịt nước rửa nom đến não lòng.

    Mấy quán nhậu nhỏ chuyên bán món Bắc rất được dân công sở gần đấy ưa chuộng vẫn mở cửa nhưng chỉ một hai nhóm khách kê bàn ngồi ngay trước cửa. Trong một ngôi nhà he hé cửa khác, một bàn nhậu 6,7 người ngồi sát nhau bên món lẩu, ai nấy vẫn mặc sơ mi trắng. Không biết họ là người nhà hay bạn bè, đồng nghiệp.

    Anh tài xế Goviet nói ngày thường ở trung tâm anh chạy xe nhanh nhất là 15-20 km/h. Nay 35 km/h vun vút. Cơn đại dịch đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu của chính quyền TP: toàn thành phố chẳng có chỗ kẹt xe nào.

    Tiệm Như Lan, tôi ghé vào định mua ổ bánh mì. Chàng trai bán hàng trẻ, tay trần cầm ổ bánh mì xẻ ra cho người khách trước tôi. Nghe tôi thắc mắc, anh nhìn qua rồi xỏ vào chiếc găng tay nilon.

    Cô bánh mì Bé Mập trong hẻm đường Hai Bà Trưng kể hồi chiều quán nhậu mới dọn ra xong thì (có lệnh nên) dọn vô hết. Cổ kể bạn cô làm ở quán cà phê Starbuck, dọn hết, bán mang đi và chừa trong quán còn đúng 29 cái ghế (TP chỉ đóng cửa các cơ sở ăn uống công suất từ 30 người trở lên).

    Mới hôm qua, Sài Gòn tuy vắng vẻ hơn rất nhiều so với chính nó vào ngày thường, nhưng quang cảnh chung vẫn giống như những ngày tết vậy thôi. Gia đình tôi mọi người vẫn đi làm và mua thức ăn chỉ cho 1 tuần như ngày thường. Quá bận bịu với công việc, những tin tức về dịch bệnh với chúng tôi vẫn đang chỉ là tin tức; biết đang xảy ra nhưng rất xa mới liên quan đến mình. Song, từ 6h tối 24/3/2020, mọi chuyện dường như đang quay với vận tốc đột biến. Trận đại dịch có lẽ đã âm thầm đến tận trước cửa nhà chúng tôi rồi, và nó có lẽ không cần xin phép chủ nhà mới vào đâu.

    Trong vài ngày nữa liệu có lệnh phong tỏa Sài Gòn không? Có phong tỏa Hà Nội không? Tòa nhà chúng tôi làm việc, nơi chúng tôi ở có bị phong tỏa, cách ly không? Thành phố nơi cha mẹ chúng tôi sinh sống có bị phong tỏa không?

    Không một ai nói trước được.

    Có lẽ chúng tôi sẽ cần mua trữ một ít lương thực và thực phẩm cho khoảng hai tuần để dự liệu tình huống kể trên. Chuẩn bị tinh thần bị nhốt trong nhà. Chuẩn bị cho cả tình huống mình hoặc người nhà nhiễm bệnh.

    Nhưng trên hết và trước hết, có lẽ nên tận hưởng những ngày vẫn đang tự do đi lại.

    Và, tha thiết cảm ơn vì bầu trời Việt Nam đang xanh ngắt với nắng vàng rực rỡ mỗi ngày. Cảm ơn cái nóng cháy trên da giúp chúng tôi yêu thương và lo lắng những đồng loại đang sống nơi bầu trời đầy mây xám xịt, tuyết rơi và lạnh tê tái. Cảm ơn vì những bữa ăn vẫn đầy ắp rau xanh, trái cây và thực phẩm tươi. Cảm ơn những giọng hát karaOK sai nhạc đến bật cười nhưng vẫn hớn hở cất lên mỗi chiều trong xóm-có lẽ nếu bị phong tỏa thì chúng tôi sẽ có thời gian để hòa giọng cùng họ. Cảm ơn những cây cối đang xanh tươi, hoa vẫn nở thắm và làn gió lồng lộng mỗi xế chiều, bầy chim ríu rít mỗi ban mai. Cảm ơn những gương mặt người vẫn đang được nhìn thấy nhau trực diện, dù ai cũng che chắn sau lớp khẩu trang. Những điều bé nhỏ quá đỗi bình thường, lúc này bỗng lấp lánh như kim cương.


    Huỳnh Lê Dương Vũ

    Không có nhận xét nào