Header Ads

  • Breaking News

    Virus corona: Anh và Việt Nam tương phản nhau về cách chống dịch

    Luật sư Hoàng Đức Thắng ở London (Anh) so sánh cách chống dịch 'lạnh lùng' của chính phủ Anh và phong trào 'toàn dân chống Covid-19' ở Việt Nam:

    Một cảnh sát được kiểm tra thân nhiệt tại sân vận động Cẩm Phả (Quảng Ninh)
    Cho tới hôm 14/3/2020, “mồng 51 Tết” như cách gọi bất đắc dĩ của các cha mẹ học sinh ở Việt Nam có con phải nghỉ học để phòng dịch, thì dịch Covid-19 đã lan ra gần như toàn thế giới.

    Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố đại dịch toàn cầu, qua đó mở đường tạo cơ sở pháp lý và hành chính cho các nước áp dụng rộng rãi các biện pháp quyết liệt như tạm thời dừng xuất nhập cảnh từ các khu vực có dịch, khu trú cách ly bắt buộc các khu vực có dịch, hạn chế một số quyền con người có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao như quyền tụ tập, hội họp đông người, quyền tự do di chuyển, quyền tự do biểu đạt…

    Nhiều nước đã nhanh tay áp dụng các quyền này, dù điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động thường nhật của xã hội từ việc học tập, thương mại, vận tải, giải trí… Và với đà lây lan dường như chưa có điểm dừng hiện nay của dịch bệnh, những nước còn lại có lẽ sẽ cũng sớm theo lối đi của những nước đi trước.

    Cách thức phòng chống virus corona của từng quốc gia khác nhau, tùy theo tình hình và điều kiện từng nước, với nhiều điểm khác biệt khá thú vị.

    Ở đây tôi chỉ xin nhắc đến vài điểm trong việc phòng chống dịch ở Vương quốc Anh và Việt Nam, trong đó chủ yếu nói về Vương quốc Anh.

    Chính phủ và y tế Anh nói thật và 'ngửa bài' với dân

    Thứ nhất, về nhận thức về dịch bệnh, thông tin từ các cơ quan y tế Anh như PHE, NHS và MOH đều chỉ rõ đây là virus nằm trong dải virus cúm nhưng là chủng mới có chung gốc với Virus SARS ngày trước...

    Vấn đề đặt ra là với các loại virus, y học hiện đại hiện mới dừng ở mức độ sử dụng vacxin (vaccine) để phòng ngừa và sử dụng thuốc kháng virus (anti-viral) để điều trị khi cơ thể đã bị nhiễm virus, mà cả hai phương thức này đều chưa có với virus corona.

    Ngay các dự kiến lạc quan nhất cũng dự báo, sẽ chỉ có vaccine từ sau tháng 9 năm nay và thuốc kháng virus vau 12 tháng nữa.

    Nói một cách giản đơn, đây là căn bệnh vô phương cứu chữa với một số nhóm dân cư.

    Nói cách khác, thẳng thắn tuy có phần phản cảm, với căn bệnh này thì khỏe sống yếu chết, không phân biệt sang hèn và cũng không đếm xỉa gì đến địa vị xã hội hay vị thế cá nhân.

    Người nhiễm bệnh nếu cơ thể chống chọi được khỏi sẽ tự khỏi còn nếu cơ thể quá yếu thì sẽ ra đi dù có can thiệp bằng máy tim phổi nhân tạo (ECMO) đi chăng nữa, và các bệnh viện sẽ không thể chữa khỏi bệnh mà chỉ giúp người bệnh kháng cự bằng cách cố gắng duy trì chức năng nhân tạo cho các cơ quan đang kiệt quệ - theo cách cơ quan y tế Anh giải thích.

    Sự thẳng thắn đến mức trần trụi này có lẽ tương phản với truyền thông từ phía Việt Nam, khi mà thông tin nhà nước đăng hàng ngày đều nói, các bệnh viện Việt Nam đã chữa khỏi bệnh nhân bị nhiễm virus corona.

    Các mạng xã hội của Việt Nam và Trung Quốc, tuy vậy, lại dẫn rất nhiều nguồn đích danh các bác sĩ đang điều trị các bệnh nhân nhiễm virus corona tại các bệnh viện, theo đó khẳng định bệnh nhân tự khỏi và các biện pháp can thiệp của bênh viện chỉ gồm các giải pháp tăng cường thể lực chung như truyền dịch, bù điện giải, giảm sốt...v.v…

    Thứ hai, về biện pháp phòng tránh, Việt Nam dựa vào sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, liên tục, theo kiểu mệnh lệnh hành chính, với các quy phạm rất cụ thể được đưa vào các văn bản có tính quy phạm pháp luật mà ví dụ cụ thể gần nhất là Chỉ thị số 13-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 11/3/2020, trong đó yêu cầu “tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới”.

    Anh thì công bố ngay từ rất sớm quy trình chống dịch theo 4 bước (Contain-Delay-Research-Mitigate, tôi tạm dịch là Gói gọn mầm bệnh – Làm chậm lây nhiễm – Nghiên cứu miễn dịch, và – Giảm nhẹ thiệt hại). 4 bước này được tiến hành song song, chuẩn bị và hỗ trợ cho nhau.

    Trên cơ sở chiến lược phòng chống này, chính phủ Anh tiếp tục đưa ra các điều chỉnh dựa trên các kết quả khoa học, sự phát triển về nhận thức cũng như tình hình phát triển dịch bệnh trên thực tế.

    Các biện pháp trên thực tế mà phía Anh Quốc áp dụng đều dựa trên cách tiếp cận bình tĩnh và có phần lạnh lùng như nói ở trên, hướng tới việc giảm nhẹ thiệt hại, không chỉ về con người mà còn đỡ tổn thất cho các mặt đời sống xã hội và tránh việc ngừng trệ các dịch vụ thiết yếu.

    Đồng thời, phía Anh cũng hướng tới việc sử dụng các biện pháp tác động gây ảnh hưởng “ kép” không chỉ giúp khắc phục tình trạng hiện tại, mà còn giúp phục hồi sức sản xuất, phục hồi nhịp sinh hoạt thường nhật khi dịch giảm nhẹ.

    Vậy nên các biện pháp đang được sử dụng hầu hết đều mang tính đòn bẩy (giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, chi trả tiền nghỉ ốm theo mức chuẩn quốc gia cho người lao động xin nghỉ tự nguyện để phòng dịch, không gọi trở lại hàng loạt y bác sỹ nghỉ hưu mà phân luồng bệnh nhân từ xa và phát huy triệt để khả năng tự kháng bệnh của cá nhân, không cấm nhập cảnh hoặc đóng cửa biên giới mà kiểm soát người nhiễm trên cơ sở triệu chứng bệnh, không đóng cửa trường học mà cho nghỉ các học sinh ốm và tăng cường khử khuẩn...).

    Tương phản với Anh, Việt Nam đang áp dụng một chính sách quyết liệt hơn nhiều, mà tôi gọi là theo mô hình “Trung Quốc trừ“, giống như Trung Quốc đã làm nhưng giảm nhẹ hơn một chút. Các trường học đóng cửa trên phạm vi toàn quốc, các địa điểm có người đã xác nhận mắc bệnh bị cô lập bắt buộc trên diện rộng và những người nhiễm hoặc nghi nhiễm bị cách ly.

    Mới đây nhất, Việt Nam còn từ chối nhập cảnh với những người đến từ vùng có dịch, hoặc chỉ đơn giản là có dừng đổi máy bay ở vùng có dịch, trong đó có Anh Quốc và toàn bộ các nước thuộc EU.

    Tính hiệu quả của các biện pháp này với tổng thể bệnh dịch chung là điều sẽ chỉ được đánh giá sau khi cơn dịch này lắng xuống, nhưng có thể thấy ở thời điểm hiện tại, ngay tại Anh. có nhiều ý kiến phản đối và cho rằng, chính phủ Anh đã không vào cuộc quyết liệt và bỏ lỡ thời cơ chặn dịch lây lan.

    Thủ tướng Boris Johnson trong cuộc họp báo được tường thuật trực tiếp về virus corona hôm thứ Năm 12/3
    Truyền thông giải thích liên tục

    Thứ ba, về chính sách áp dụng. Bên cạnh các biện pháp cụ thể mang định hướng y tế, ở tầm chính sách chung, chính phủ Anh ban hành nhiều văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thông nhất cho việc áp dụng các biện pháp liên quan đến bệnh dịch, trong đó nổi bât là Luật Phòng chống virus corona 2020 (The Health Protection - Coronavirus- 2020).

    Chính phủ Anh và các cơ quan truyền thông Anh Quốc, gồm BBC, cũng rất nhanh nhậy trong việc mở một cuộc chiến truyền thông, để bảo đảm thông tin đầy đủ và nhanh chóng đến người dân và kíp thời giải đáp những thắc mắc của họ.

    Thời lượng chiếm sóng của các chương trình liên quan đến virus corona trực tuyến trên các phương tiện tương tác cao như mạng internet hay truyền hình việc rất lớn đến mức độ hầu như suốt ngày bạn đều có thể xem môt kênh truyền hình hỏi đáp trực tuyến liên quan những thắc mắc của người dân về virus corona.
    Rất nhiều trang mạng riêng cho việc phổ biến thông tin về virus corona được thiết lập và cặp nhật theo thời gian thực. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet được yêu cầu định tuyến dịch vụ để các thông tin cấp thiết về virus corona được hiện lên trên mọi kết quả tìm kiếm.

    Các nhà lãnh đạo thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để trực tiếp cặp nhật thông tin chính sách có liên quan đến virus corona cho người dân với tần suất dày đặc. Ví dụ như, với Thủ tướng Anh Boris Johnson, không có ngày nào người đứng đầu chính phủ này không xuất hiện trước ống kính truyền hình về virus corona. Có ngày, ông trực tiếp thông tin cho đại chúng đến bốn lần.

    Cách sử dụng ngôn từ của ông Johnson cũng hướng đến sự đồng cảm và thẳng thắn. Ví như trong lời phát biểu của ông trước các phóng viên về virus corona, ông đã nói: “I have to level with you, I have to level with public, that some family may lose loved ones before their time” (Xin tạm dịch là: “Tôi phải ngửa bài với các quý vị, tôi phải thắng thắn với đại chúng rằng, vì đại dịch này mà nhiều gia đình trong chúng ta sẽ phải vĩnh biệt người thân của mình sớm hơn lẽ thường").

    Tại thời điểm ấy, ông cũng nhắc đến việc, mặc dù lúc đó số người bị nhiễm bệnh ở Anh Quốc chỉ hơn 600 người, nhưng các chính sách của chính phủ, dựa trên dự đoán theo mô hình (modelling) của các nhà khoa học, là thực ra trong cộng đồng hiện nay, số người mắc bệnh sẽ khoảng 10-20 lần hơn như thế.

    Cách tiếp cận như vậy tuy có gây bức xúc cho một số người nhưng không gây hoảng loạn trong đại đa số người dân và mang lại sự sự bình tĩnh trong cộng đồng, với ngầm ý là chúng ta đã có sự chuẩn bị cho mọi tình huống.

    Đây cũng là cách tiếp cận của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, ví dụ như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã dự đoán có thể 60-80% dân số Đức sẽ nhiễm virus; còn Văn phòng Nhà Trắng của Mỹ thì dự đoán khoảng 20% dân số Mỹ có thể nhiễm bệnh.

    Cách tiếp cận như vậy khác biệt nhiều với cách tiếp cận kiểu “đại đoàn kết” của Việt Nam, nơi “cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc”. Và với sức mạnh ấy, cho tới nay, Việt Nam chưa có ca tử vong nào và số người nhiễm bệnh chỉ vài chục người.

    Có người nói rằng, chính sức mạnh tổng hợp ấy, chứ không phải thời tiết nóng ấm và khả năng tự kháng của con người Việt Nam - do không khí ẩm ướt, nóng và lạnh đan xen, cộng với nồng độ bụi cao, nên mức độ nhiễm lạnh và cúm mùa của người Việt Nam hang năm có thể đạt mức gần tuyệt đối - sẽ làm nên chiến thắng cho Việt Nam trong cuộc chiến chống bệnh dịch này.

    Bên cạnh đó, Luật Phòng chống virus corona 2020 ở trên lại làm gợi nhớ đến xu hướng lập pháp theo kiểu làm luật “khung” của Viêt Nam và câu hỏi bao giờ Việt Nam có thể ban hành các văn bản luật điều chỉnh trực tiếp và trọn vẹn một vấn đề thực tế, dù định hướng ấy đã nhiều lần được bàn thảo và Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật cũng đã được sửa đổi nhiều lần?

    Vì sao dân Anh bình tĩnh đến lạ lùng?

    Thứ tư, về phản ứng của cộng đồng. Người dân Anh phản ứng với virus corona một cách khá bình tĩnh.

    Trên nhiều diễn đàn, nỗi lo lắng có xuất hiện, nhưng kèm theo sự hài hước vốn có của người Anh.

    Ngoài phố, chỉ lác đác một số người gốc Á hoặc du khách Trung Quốc đeo khẩu trang.

    Và tại các siêu thị, vẫn rất nhiều hàng hóa. Có chuyện là một số hàng hóa mà người gốc Á tiêu thụ là chủ yếu, như gạo nếp - 'sticky rice' mà dân Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan thường ăn - có hôm tăng giá khoảng 5% nhưng lại giảm ngay.

    Ngay với các tin tức gây 'sốc' như dự báo đánh giá của chính phủ Anh rằng, số lượng người ốm có thể lên đến phần đông dân số, với khoảng 20% lực lượng lao động ốm tới mức phải nghỉ làm việc; hay đánh giá của các chuyên gia dịch tễ học hàng đầu rằng, cách tốt nhất để vượt qua dịch bệnh này là hướng tới việc dịch bị tự bão hòa trong quần thể dân cư - tôi tạm dịch như vậy từ chữ 'herd immunity', thường được dịch là miễn dịch đám đông - khi 60-70% dân số bị nhiễm virus, cũng không làm đại đa số người dân hoảng sợ, mà họ chú ý hơn đến những dự đoán về tính chịu nhiệt kém của virus và khả năng dịch bệnh bị đẩy lui một cách tự nhiên khi mùa hè đến.

    Việc các quan chức cấp cao cũng nhiễm bệnh (như trường hợp Thứ trưởng Y tế Anh gần đây, hay rộng ra, vợ Thủ tướng Canada khi thăm Anh, hoặc là các quan chức châu Âu khác) cũng cho thấy tính “bình đẳng” của virus này và người dân cũng không soi mói danh tính của những người nhiễm bệnh.

    Ngược với không khí tại Anh, ở Viêt Nam có sự lo lắng thường xuyên và liên tục về khả năng bị nhiễm virus và dường như, có một niềm tin rằng, mình có thể tránh được virus một cách tuyệt đối, trong khi số đông những người khác có thể bị nhiễm.

    Nhiều phương tiện thông tin đại chúng đeo bám và đăng tải chi tiết nhân thân của những người nhiễm bệnh và nhiều bậc cha mẹ lo lắng tới mức tìm mọi cách đưa con cái đang học ở châu Âu về Việt Nam để “ tránh” lây nhiễm virus.

    Không chỉ muốn sống mà hãy nâng cao giá trị sống

    Tâm lý lo sợ và hoảng hốt trong phần lớn người dân ở một đất nước, mà chỉ gần đây thôi, nhiều người dân còn quen câu cửa miệng “sống nay chết mai”, hay “sống cho qua ngày”, và nhiều người sẵn sàng thí mạng trong các cơn nóng giận chỉ vì các tranh chấp nhỏ, khiến cho người ta thấy ngạc nhiên.

    Nhưng nếu căn bệnh này giúp người dân nâng cao được ý thức của mình, không chỉ vì mạng sống mà còn về các giá trị sống, thì cũng thật đáng mừng.

    Về mặt cá nhân, tôi nghĩ mùa dịch này là lúc chúng ta hãy thêm yêu đời, yêu người hãy ở bên các bậc cha mẹ và người thân già yếu, hãy làm những việc mình còn đắn đo, hãy chăm sóc và nâng niu những gì mình đã lỡ làng...

    Có thể, chúng ta không có được sự uyên thâm của các chuyên gia, chúng ta chẳng có được sự cân nhắc các lợi ích đa chiều như của các nhà chính trị; và thậm chí, chúng ta cũng chẳng có được sự tự quyết bất đắc dĩ của “người tiêu dùng/người dân thông thái”.

    Nhưng có lẽ, chúng ta sẽ duy trì được sự bình tĩnh và điềm đạm để đón nhận và xử lý sự việc bằng nhận thức và hiểu biết chung, cũng như có được sự vững tin vào một mùa hè nắng đẹp đang đến gần, dù rằng bây giờ có lẽ nhiều người ở Anh cũng ao ước “bao giờ cho hết tháng Ba”.

    Mùa hè, chỉ ba tháng nữa thôi, rất gần rồi!

    Luật sư Hoàng Đức Thắng

    * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư Hoàng Đức Thắng, người sống và hành nghề tại London, Anh Quốc.

    (BBC News)

    Không có nhận xét nào