Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim - 45 năm rồi, “nội chiến” như thế đã đủ chưa?

    45 năm rồi, “nội chiến” như thế đã đủ chưa?
    Các cuộc khẩu chiến chưa bao giờ chấm dứt giữa người Việt với người Việt, giữa “ba củ” và “ba que”. Mức độ cực đoan là ngang nhau. Mạ lỵ, chụp mũ, tạo tin giả…, hai bên đều có. Tại sao cuộc chiến “huynh đệ tương tàn” này không chấm dứt? Bởi oán thù quá khứ đã vĩnh viễn tạo ra sự phân cách người Việt hay vì lý do nào khác? Chỉ riêng việc sử dụng từ “ba que” đã chứa đầy hiềm khích, hận thù và chia rẽ; và cách dùng từ “ba củ” cũng cho thấy sự rẻ rúng và khinh thị, gần như là một kiểu “phân biệt chủng tộc”.

    Đây có phải là di chứng những năm hai miền chia cắt bởi chiến tuyến “cộng sản” và “cộng hòa”, giữa bên “thua trận” và phe “thắng trận”? Yếu tố lịch sử và quá khứ là có nhưng không phải là lý do duy nhất và nguyên nhân lớn nhất. Người Việt hải ngoại vẫn tưởng niệm ngày “Quốc hận”; 30-4 được xem là “ngày mất nước”; cờ vàng ba sọc với họ là cờ tổ quốc và họ vẫn đứng nghiêm chào trang trọng với Quốc ca VNCH. Chế độ cộng sản đang cai trị, với họ, là một chế độ không chính danh và không xứng đáng…

    Trong khi đó, với nhà cầm quyền Việt Nam, thái độ của người Việt hải ngoại là sự hằn học và ấm ức của kẻ “thua cuộc”. Những người “không thức thời” này không hiểu rằng cờ đỏ sao vàng mới là lá cờ được quốc tế công nhận… Tuy nhiên, nếu đó là một thực tế không thể phủ nhận thì cũng nên thừa nhận những thực tế khác. Sự chỉ trích người hải ngoại của nhà cầm quyền không phản ánh đầy đủ bản chất vấn đề. Sự tức giận của người Việt hải ngoại thật ra không chỉ là tâm trạng uất giận của “thế hệ mất nước” sống với quá khứ. Chính hiện tại và thực trạng mới khiến sự căm thù cộng sản của người Việt hải ngoại trở nên không nguôi. Cộng sản với họ chỉ là một bọn ăn hại và tàn phá. Đây mới là yếu tố khiến người Việt hải ngoại thù ghét cộng sản dai dẳng. 30-4 có thể chỉ là một ký ức không hơn không kém, nếu 45 năm qua Việt Nam đã trở thành một cường quốc khu vực, và 45 năm qua Việt Nam đã bứt khỏi cái bóng Trung Cộng.

    Trong khi thái độ người Việt hải ngoại xuất phát chủ yếu từ cảm xúc, dù cảm xúc quá khích đến mức cực đoan, thì nhà cầm quyền Việt Nam lại thực hiện chủ trương chia rẽ như một chính sách. “Ba củ” không phải là “cảm xúc” bột phát. Nó là một tổ chức, được đào tạo và huấn luyện để đánh “ba que” trên “mặt trận đấu tranh tư tưởng”. Các cuộc ra quân của “ba củ” ở những thời điểm cụ thể cho thấy rằng chính quyền luôn thiết lập chiến tuyến để phân biệt “địch-ta”, không chỉ đối với người Việt hải ngoại mà cả với người trong nước. Đến bao giờ chính quyền mới ngưng “phân hóa nội bộ” để tạo nên một xã hội văn minh và một dân tộc đoàn kết thật sự?

    Nếu xem đây là một “thành công” của nhà cầm quyền khi họ xoa tay nhìn các bên sập bẫy khẩu chiến thì “thành công” này trả giá quá đắt. Nó không chỉ cho thấy dân tộc này mãi bất hạnh. Vì, chính quyền Việt Nam không là kẻ duy nhất “hưởng lợi” từ chính sách chia rẽ bằng việc sử dụng công cụ “ba củ” để “ổn định xã hội”. Kẻ hả hê nhất - khi chứng kiến các cuộc ném đá vỡ đầu sứt trán giữa người Việt với người Việt, khi người Việt với người Việt xem nhau như kẻ thù không đội trời chung - chẳng ai khác hơn là Trung Quốc. Khi người Việt còn mãi cãi nhau về việc có nên công nhận chính thức chính thể VNCH hay không, chính quyền Việt Nam còn đang “phân vân” trong chính sách hòa hợp-hòa giải, kẻ chiến thắng cuối cùng là Trung Quốc. Khi nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục dung dưỡng “ba củ” để đánh “ba que” thì Việt Nam chẳng bao giờ có khả năng hội tụ sức mạnh dân tộc để hợp lực thoát khỏi cái bóng Trung Cộng. 45 năm rồi, “nội chiến” như thế đã đủ chưa?

    Mạnh Kim

    (FB Mạnh Kim)

    Không có nhận xét nào