Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Kim - Quan hệ Mỹ-Trung: Lịch sử đã dẫn dắt như thế nào?

    Với Mỹ, từ thời George W. Bush đến Barack Obama, chính sách ngoại giao có thể tổng hợp gồm ba phần. Với Trung Quốc, họ cũng xây dựng chiến lược mới. Cách chọn lựa những gì cần làm và cách dứt khoát như thế nào những gì cần loại bỏ trong các đề mục của đối sách đối ngoại ở bối cảnh mới của mối quan hệ sẽ là những yếu tố quyết định thành bại, nếu không muốn nói là mang tính sinh tử đối với cả hai…


    Bài 3: Điều chỉnh và tái cân bằng

    Duy trì cân bằng

    Với thế đang lên của Trung Quốc, cùng sự gắn kết móc xích kinh tế giữa Mỹ và nước này, Washington (thời George W. Bush và Barack Obama) hiểu rằng sẽ là hạ sách nếu cố kiềm tỏa Bắc Kinh bằng chính sách cô lập triệt để như từng dùng thời Chiến tranh lạnh với Liên Xô và Đông Âu. Phương án được chọn của Mỹ là tìm cách cân bằng.

    Thứ nhất, đó là triển khai mạnh sự hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương. Đấu pháp này thật ra không phải bắt đầu sau khi Barack Obama ngồi ghế tổng thống (năm 2009) mà đã hình thành từ thời Bill Clinton, khi Clinton – tiên liệu được sức mạnh mang tính đe dọa quyền lợi Mỹ của Trung Quốc tại đấu trường châu Á – đã quyết định duy trì một lực lượng ổn định với tối thiểu 100.000 quân tại châu Á-Thái Bình Dương. Sau Clinton, sang thời George W. Bush, trái với nhiều nhận định rằng Bush đã bỏ lỏng châu Á cho Trung Quốc khi dồn lực vào cuộc chiến chống khủng bố, chính nội các Bush mới là nơi khai sinh khái niệm “tái phối trí”, khi Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld triển khai mạnh chương trình tái phối trí lực lượng quân sự Mỹ khắp toàn cầu với sự tăng cường hiện diện tại châu Á. Quân đội Mỹ được phân bổ dàn rộng hơn (không tập trung ở những căn cứ truyền thống như Okinawa và Hàn Quốc), với yếu tố tác chiến cơ động được đề cao – như lời đô đốc William J. Fallon giải thích: “Chúng tôi đưa lực lượng mình đến những nơi mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng mà không cần phải xin phép bất kỳ ai”.

    Trước khi Bush rời Nhà trắng, hải quân lẫn không quân Mỹ đều đã tăng cường những đơn vị tinh nhuệ có khả năng chiến đấu cao nhất đến Thái Bình Dương. Năm 2007, lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh lạnh, hơn ½ tàu chiến của Mỹ đã được điều động đến Thái Bình Dương, trong đó có 6 (trong tổng số 11) hàng không mẫu hạm; gần như tất cả 18 chiếc khu trục hạm lớp Aegis (có khả năng bắn chặn tên lửa); 26 (trong tổng số 57) tàu ngầm tấn công… Năm 2007, tư lệnh trưởng Bộ tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Timothy Keating, nói: “Chúng tôi phải duy trì khả năng vượt trội tại bất kỳ hoàn cảnh nào và bất kỳ môi trường nào. Không có ngoại lệ”.

    Thứ hai, đó là việc tăng cường liên kết đồng minh. Một lần nữa, điều này cũng được dàn dựng vào thời Clinton và tiếp tục duy trì thời Bush. Năm 1997 rồi lần nữa vào năm 2005, giới chức Mỹ-Nhật đã thảo luận sâu về vấn đề hợp tác quốc phòng cũng như tìm cách tháo gỡ rào cản pháp lý liên quan việc mở rộng quân đội Nhật (vốn bị hạn chế bởi Hiến pháp Nhật được soạn sau Thế chiến thứ hai). Để tránh bị qui kết can thiệp nội bộ Tokyo, Nội các Bush đã ngầm ủng hộ nhóm chính trị gia Nhật kêu gọi sửa đổi Hiến pháp. Ngoài Nhật, Washington cũng mở rộng liên kết hợp tác quân sự với Úc và một số nước trong đó có Philippines, Singapore và Thái Lan…

    Thứ ba, đó là sự hạn chế đà phát triển của quân đội Trung Quốc. Đây là bài toán thật sự hóc búa đối với Mỹ. Làm thế nào để tăng cường xuất khẩu Mỹ (sang Trung Quốc) mà không làm ảnh hưởng an ninh quốc gia? Mặt hàng nào nên được xếp vào nhóm “nhạy cảm”? Sau sự kiện Thiên An Môn, Tổng thống George H. Bush (Bush-bố) đã áp đặt lệnh cấm vận toàn diện đối với các thương vụ vũ khí sát thương dành cho Trung Quốc; đồng thời thuyết phục các nước đồng minh áp dụng tương tự.


    Năm 1991 và một lần nữa vào năm 1993, Bush-bố rồi Clinton đã chặn đứng việc xuất khẩu vệ tinh cho Trung Quốc. Tuy nhiên, khi miếng bánh thị trường Trung Quốc đang bị mất dần vào tay Nhật và châu Âu, giới doanh nghiệp Mỹ liên tục vận động hậu trường để được Washington cho “xả cảng”. Vậy là, trong suốt thập niên 1990, dù ngày càng có nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại sự bành trướng quân đội Trung Quốc, Bộ thương mại Hoa Kỳ vẫn phải chuẩn y hàng trăm giấy phép bán những kỹ thuật kép cho Trung Quốc trong đó có bán dẫn, máy móc chính xác cao và những thiết bị kiểm định đặc biệt. Những mặt hàng này, như sau này được biết, đã chạy thẳng đến các nhà máy và phòng thí nghiệm quân sự Trung Quốc, để từ đó tạo ra những radar quân sự, tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân…

    Tuy vậy, về tổng thể, Clinton lẫn Bush-con đều cố kiểm soát tình hình bất kỳ khi nào có thể. Năm 2004, một cuộc tranh luận về việc tháo bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Trung Quốc một lần nữa lại bùng lên tại châu Âu. Với chính giới châu Âu, lệnh cấm vận 15 năm dành cho Trung Quốc đã làm thiệt hại đáng kể ngành công nghiệp quốc phòng và không gian của họ. Đã đến lúc phải gạt bỏ tư tưởng hoài nghi dành cho Bắc Kinh – châu Âu đề nghị. Suýt chút nữa thì chiến dịch vận động xóa cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc của châu Âu đã thành công, nếu nội các Tổng thống Bush-con không quyết liệt can thiệp vào giờ chót. Trong khi đó, Mỹ tăng cường xuất cảng vũ khí, đặc biệt thời Obama, khi Mỹ vận hành chính sách “xoay trục”. Năm 2011, Loren Thompson, nhà tư vấn quốc phòng kỳ cựu, từng nói rằng Obama có khuynh hướng ủng hộ xuất khẩu vũ khí “hơn bất kỳ Nội các Dân chủ nào trước đó”.


    Trung Quốc làm gì?

    Mục tiêu lớn nhất của Trung Quốc là phải trục Mỹ khỏi sân chơi Đông Nam Á, một cách gián tiếp, không đối đầu trực diện; bằng những “thủ pháp” sau:

    Thứ nhất, phải tìm cách trì hoãn hoặc thậm chí loại bỏ bất kỳ phản ứng có thể nào của Mỹ, đối với chiến thuật tăng cường hiện diện thông qua hợp tác mà Mỹ đang áp dụng. Thứ hai, Trung Quốc phải lập ra những thể chế chính trị khu vực được thiết kế sao cho Mỹ không thể tham gia. Thứ ba, ổn định những vùng đệm an toàn tại khu vực; sao cho, thứ tư, Trung Quốc có thể tập trung hơn vào chiến lược thống trị biển Đông trong khuôn khổ chủ thuyết “đường lưỡi bò”.

    Dựa theo bài bản xây dựng đồng minh của Mỹ tại châu Á, Trung Quốc cũng có những dự án xây dựng thể chế để gắn kết đồng minh riêng, trong đó có Tổ chức hợp tác Thượng Hải hay cơ chế “cộng ba” đối với khối ASEAN. Với Trung Á, Trung Quốc đã không bỏ lỡ thời cơ tìm kiếm những cơ hội nảy sinh khi khối Liên Xô tan rã. Và bằng cách tạo ra mô hình “đối tác chiến lược” với các nước láng giềng, trong khuôn khổ chính sách “biên giới mềm” – như cách nói của nhà báo Ross Munro, Trung Quốc không chỉ tăng cường ảnh hưởng mà còn hạn chế những rủi ro đe dọa trong tương lai.

    Để thực hiện chiến lược “biên giới mềm” nhằm tăng cường ảnh hưởng khu vực ngoại vi, theo Munro, Trung Quốc đã áp dụng nhiều thủ đoạn trong đó có hối lộ giới chức quốc gia sở tại, tuyển dụng giới doanh nghiệp và viên chức địa phương để cung cấp thông tin cho Trung Quốc (những thông tin này khi được tình báo Trung Quốc sàng lọc sẽ giúp Bắc Kinh có cái nhìn rõ hơn về tình hình chính trị quốc gia sở tại), áp dụng thủ thuật chèn ép tinh vi trong đàm phán biên giới để buộc các nước láng giềng yếu hơn không chỉ nhường đất mà còn phân tán lực lượng biên phòng của họ, và cuối cùng, là âm thầm tổ chức các cuộc di dân từ Trung Quốc sang quốc gia ngoại vi…

    ***

    Để kết thúc chuỗi lịch sử từ thời Nixon đến cuối thời Obama, có lẽ cần nhắc lại một nhân vật: Henry Kissinger – kẻ được mệnh danh “ông ngoại của chính sách đối ngoại (“granddaddy of U.S. foreign policy”), người vẫn dùng ảnh hưởng của mình để xây dựng một “viễn kiến” về “trật tự thế giới mới” trong đó Mỹ phải nên chia sẻ quyền lực với Trung Quốc.

    Cần nhắc lại, cuối năm 2016, khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kết thúc với chiến thắng thuộc về Donald Trump, Kissinger đã mò sang Bắc Kinh. Ngày 1-12, Kissinger gặp nhân vật chính trị cấp cao Vương Kỳ Sơn (hiện ngồi ghế Phó Chủ tịch Trung Quốc). Ngày 2-12, báo chí Trung Quốc đăng ảnh Kissinger gặp Tập Cận Bình. Hôm đó, Kissinger nói với Tập: “Chúng tôi hy vọng chứng kiến quan hệ Mỹ-Trung đi lên với cách thức ổn định và liên tục”. Và trong cuộc phỏng vấn (đăng trên nguyệt san The Atlantic 12-2016), khi được nhà báo Jeffrey Goldberg hỏi rằng ông có lo sợ không, nếu “tất cả những chuyện này, xuất phát từ Trump, dẫn đến một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc”; Kissinger trả lời: “Hơn bất kỳ gì khác, một trật tự thế giới hòa bình và cân bằng luôn dựa vào mối quan hệ ổn định giữa Mỹ với Trung Quốc. Tập Cận Bình miêu tả sự liên tương kinh tế là sự “cân bằng và thúc đẩy” cho quan hệ song phương rộng hơn của chúng ta. Một cuộc chiến mậu dịch sẽ tàn phá cả hai nước”.

    Lập luận này tiếp tục được lặp lại trong cuộc họp mà Kissinger chủ trì tại New York trung tuần tháng 12-2016. Gần đây nhất, giữa cơn khủng hoảng dịch bệnh, khi viết trên Wall Street Journal (3-4-2020), Kissinger vẫn còn bóng gió về cái gọi là sự chuyển dịch đến một trật tự hậu đại dịch (the transition to the post-coronavirus order).

    Nguồn : https://saigonnhonews.com/quoc-te/bai-3

    Không có nhận xét nào