Header Ads

  • Breaking News

    Nghiêm trọng! Thư ngỏ của Đặng Phác Phương (1), gửi đại biểu Lưỡng hội (2) Trung Quốc

    Đặng Phác Phương: Con trai cả của Đặng Tiểu Bình, sinh ngày 16-4-1944, tốt nghiệp Đại học Vật lý Đại học Bắc Kinh, vào Đảng CSTQ năm 1965. Trong Cách mạng Văn hóa, vì bố bị Mao bắt đi đày nên bản thân bị liên lụy, năm 1968, đang là Giảng viên ĐH Bắc Kinh, bị Hồng vệ binh bắt giam và ngược đãi, gãy một đốt xương sống và tê liệt toàn bộ thân dưới. Về sau khi bố trở lại chính trường, ông cũng được mời tham gia chính sự, như giữ các chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 11, Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc lần thứ 5... Việc chính của ông là đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Khang Hoa 康华 Trung Quốc.
    Nghiêm trọng! Thư ngỏ của Đặng Phác Phương (1), gửi đại biểu Lưỡng hội (2) Trung Quốc
    Các vị đại biểu. các vị ủy viên,

    "Lưỡng hội" đã sắp đến kỳ khai mạc. Trong thời điểm đặc biệt này, tôi biết tâm trạng mọi người ít lâu nay rất phức tạp, có nhiều điều nghi hoặc trong lòng mà không giải đáp được, có những lời muốn nói không dám thốt ra, có những vấn đề muốn hỏi lại không dám hỏi, thậm chí đến Bắc Kinh tham gia hai hội đều căng thẳng bất an. Tâm tình của mọi người tôi có thể hiểu được.

    Gần mười năm qua, vì lý do sức khỏe, tôi đã không tưởng đến chuyện chính sự nữa rồi. Thế mà mấy năm gần đây, tại Trung Quốc lại phát sinh rất nhiều chuyện lớn, có những chuyện còn liên quan đến an nguy của quốc gia. Nếu lúc này không có người nào đứng lên nói, ví thử sau này có muốn nói cũng chẳng thể nào nói được nữa. Do trình độ văn hóa có hạn, hôm nay tôi viết cho mọi người bức thư công khai, chủ yếu muốn đưa ra một số vấn đề để mọi người tham khảo:

    1. Trong tư cách đại biểu của "Lưỡng hội", việc bảo vệ lợi ích của đất nước và nhân dân hay bảo vệ quyền vị của một người chuyên quyền nào đó là trọng yếu?

    2. Hiến pháp quy định rõ ràng rằng đại biểu của "Lưỡng hội" có quyền giám sát và sửa chữa các quyết định sai trái của chính quyền trung ương, thế mà mấy năm trước, chính quyền trung ương lại nêu ra "tội nói càn", và năm nay lại nêu thêm "tội không biết kính sợ". Trong tình cảnh như vậy, xin mọi người thử nghĩ về tầm quan trọng của sự tồn tại của các vị đại biểu "Lưỡng hội" là để làm gì?

    3. Người đang chấp chính muốn định vị cho mình là người quy tụ quyền lực cao nhất ("nhất tôn"). Xin hỏi các vị đại biểu, người quy tụ quyền lực cao nhất của nước ta rốt cuộc là vị Hoàng đế giữ quyền thế tập của hoàng gia? Hay là vị Tổng thống do dân bầu? Hay là Tổng bí thư từ trong nội bộ đảng cử ra? Rõ ràng đều không phải. Thế thì nó là quyền lực cao nhất của ai?

    4. Trước những sai lầm hệ trọng nhiều lần lặp đi lặp lại của Trung ương, đảng viên có nêu ý kiến thì gọi là "đổ vấy cho trung ương", dân chúng có nêu ý kiến thì gọi là "kích động". Xin hỏi các vị đại biểu, đất nước của chúng ra rốt cuộc là đất nước của ai?

    5. Bệnh viêm phổi Vũ Hán đã lan ra toàn thế giới. Có hay không việc chính quyền trung ương trì hoãn thời gian phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh? Có phải sự thật của dịch bệnh đã bị che giấu khỏi công chúng? Chúng ta có nên có một lời giải thích cho người dân trên thế giới biết những điều này? Và tình huống vượt ra ngoài tầm kiểm soát ở đây thì ai nên chịu trách nhiệm chính?

    6. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục căng thẳng và xấu đi, các nhà lãnh đạo chủ yếu của trung ương nên chịu trách nhiệm gì?

    7. Tình trạng động loạn ở Hồng Kông đã diễn ra được gần một năm. Rốt cuộc thì ai đã phá hủy cục diện tốt đẹp một quốc gia, hai thể chế của Hồng Kông? Các nhà lãnh đạo chủ yếu của trung ương phải chịu trách nhiệm gì?

    8. Đầu tư một cách phi lý vào chiến lược "Vành đai và Con đường", không có sự phê chuẩn của đại biểu Đại hội nhân dân toàn quốc, không đoái hoài đến hiện tình kinh tế quốc gia và đời sống nhân dân như thế nào, các nhà lãnh đạo chủ yếu của Trung ương chỉ cần dựa trên sở thích và không thích cá nhân mà vung tiền đi khắp bốn phương. Bây giờ dự án sắp bị hủy bỏ, ai nên chịu trách nhiệm này?

    9. Không thông qua sự phê chuẩn của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, cũng không thông qua luận chứng của các chuyên gia, các nhà lãnh đạo chủ yếu của Trung ương đã quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng khu vực mới Hùng An trên cơ sở đề xuất của một số người. Đây là loại hành vi gì? Bây giờ dự án đã hủy bỏ, ai nên chịu trách nhiệm này?

    10. Vì sao Đài Loan và Đại lục trên đường đi dần dà mỗi ngày một cách xa nhau? Trung ương nên chịu trách nhiệm gì trước việc này?

    11. Một số lượng lớn các công ty nước ngoài đã rút khỏi Trung Quốc, một số lượng lớn các doanh nghiệp tư nhân đã đóng cửa, và một số lượng lớn công nhân đã mất việc làm. Điều này có liên quan gì đến quyết sách sai lầm của Trung ương không? Nếu vậy, ai nên chịu trách nhiệm này?

    12. Người lãnh đạo đương nhiệm sử dụng quyền lực trong tay để sửa đổi Hiến pháp nhằm hủy bỏ chế độ nhiệm kỳ. Đây là loại hành vi gì? Nếu bất cứ ai có quyền cũng có thể vì mình mà lập pháp thì Hiến pháp của quốc gia còn dùng để làm gì nữa.

    13. Chính phủ trung ương đã đưa ra quyết định áp dụng lại mô hình kinh tế theo kế hoạch đã bị thế giới loại bỏ từ lâu. Đây rốt cuộc có phải là để ổn định chính quyền trong tay cá nhân? Hay là cốt lo nghĩ cho lợi ích của đất nước và nhân dân?

    14. Trong những năm gần đây, hình ảnh Trung Quốc trong con mắt quốc tế đã rơi sâu xuống nghìn trượng và tín dụng quốc gia đã biến mất. Ai nên gánh lấy trách nhiệm này?

    15. Để ngăn trở các đồng chí cũ đề xuất một lời kêu gọi tập thể nhằm triệu tập một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị, Trung ương ngang nhiên huy động lực lượng quân cảnh đưa một nhóm các đồng chí lão thành cũng như đảng viên đương chức trong Chính phủ và quân đội vào diện "được bảo vệ đặc biệt". Gọi là "được bảo vệ đặc biệt" kỳ thực là hạn chế quyền tiếp nhận thông tin, hạn chế quyền tự do hoạt động, hạn chế khách khứa tới viếng thăm. Đó là hành vi gì? Ai đã cho họ cái quyền ấy?

    Các vị đại biểu, trên vai các vị đang gánh vác niềm tin của đảng và nhân dân ủy thác cho mình. Tôi tin chắc rằng các vị sẽ không bị nhầm lẫn khi đối mặt với những vấn đề đúng và sai vô cùng lớn lao quan hệ đến sinh tử tồn vong của đất nước. Khi các vị thực hiện quyền biểu quyết, các vị phải có trách nhiệm với nhân dân, với quốc gia, với lịch sử, chứ không phải là trách nhiệm với ai đó đang nắm quyền. Nếu không, tất cả chúng ta sẽ trở thành tội nhân muôn thuở.

    Cuối cùng, chúc các vị đại biểu mạnh khỏe! Chúc đại hội thành công mỹ mãn!

    Đảng viên Đảng CSTQ Đặng Phác Phương

    Viết tại Bắc Kinh ngày 30/4/2020 (3)

    Chú thích

    (1) Đặng Phác Phương: Con trai cả của Đặng Tiểu Bình, sinh ngày 16-4-1944, tốt nghiệp Đại học Vật lý Đại học Bắc Kinh, vào Đảng CSTQ năm 1965. Trong Cách mạng Văn hóa, vì bố bị Mao bắt đi đày nên bản thân bị liên lụy, năm 1968, đang là Giảng viên ĐH Bắc Kinh, bị Hồng vệ binh bắt giam và ngược đãi, gãy một đốt xương sống và tê liệt toàn bộ thân dưới. Về sau khi bố trở lại chính trường, ông cũng được mời tham gia chính sự, như giữ các chức Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 11, Chủ tịch danh dự Đoàn Chủ tịch Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc lần thứ 5... Việc chính của ông là đảm nhiệm chức Chủ tịch Tập đoàn Phát triển Khang Hoa 康华 Trung Quốc.

    (2) Lưỡng hội: Đại hội chung giữa hai tổ chức Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (một hình thức Mặt trận của ĐCSTQ, bao gồm nhiều đảng phái, đóng vai trò một cơ quan cố vấn chính trị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa). Đại hội này thường được tổ chức mỗi năm một lần vào đầu năm.

    (3) Chúng tôi có tham khảo bản dịch trên mạng: https://www.facebook.com

    Nguồn : https://boxitvn.blogspot.com/

    Không có nhận xét nào