Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Quang - Xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền

    Phan Châu Trinh, một nhà lãnh đạo của phong trào dân quyền đầu thế kỷ 20.
    Nguyễn Quang - Xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền
    Quyền con người là nguồn gốc đồng thời là mục đích của nhà nước pháp quyền.

    Xã hội dân sự là đối trọng để thực hiện các quyền con người mà các chính quyền không bao giờ có thể hoàn chỉnh.

    Cụ thể như vụ Công ty bột ngọt Vedan gây ô nhiễm môi trường trầm trọng cho người dân đến cả một dòng sông có tên Thị Vải thuộc Bà Rịa – Vũng Tàu đen ngoàm do ô nhiễm, nhưng các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương không ai lên tiếng kể cả các cơ quan môi trường, cho đến khi người dân ý thức và tự chính mỗi người không tiêu thụ sản phẩm của Vedan, lúc đó công ty này mới chịu đền bù cho các nạn nhân bị hóa chất của công ty này thải ra bừa bãi!

    Thế nhưng cái quyền đó nhanh chóng bay đi khi một nhà nước cố tránh né hay nói khác đi không chấp nhận sự hình thành của các xã hội công dân mà vốn yếu tính của nó chỉ phát triển trong một xã hội đa nguyên dân chủ, nhà nước CSVN hiện nay chống lại điều đó.

    Thảm hại hơn, chính sự toa rập giữa nhà nước và nhà đầu tư, giữa kẻ có quyền và người xâm phạm quyền và người bảo vệ quyền, họ định giá bằng tiền để bồi thường và xem như thế là xong! Nhân quyền tại Việt Nam bị biến thành giá trị tiền tệ!

    Người dân khi đi tìm công lý thiếu thốn đủ mọi bề, như nào về kiến thức pháp luật, thiếu sự đồng hành của các cơ quan nhà nước vì qua các điều tra về sau cơ quan nào cũng nhận tiền hối lộ để ém nhẹm sự vi phạm từ công ty này. Tiếp cận công lý là một quyền con người trong nhà nước pháp quyền. Khi hành trình đến với công lý còn trở ngại thì rõ ràng nhà nước pháp quyền nếu có chưa rõ sự hình thành đó là mô hình gì trong sự mập mờ, nó chỉ là thứ bình phong để thống trị trong sự nhân danh!

    Khát vọng về dân chủ và công bằng vốn là nhu cầu thiết yếu của nhân loại từ ngàn xưa. Có tự do, dân chủ mới thực hiện công bằng giữa người dân Việt, đồng thời công bằng là thước đo về sự tiến bộ xã hội, thể hiện qua sự tôn trọng pháp luật của đại diện dân đứng ra điều hành đất nước và các công dân. Biết luật để trọng luật chứ không phải càng thông hiểu luật pháp hầu lách luật.

    Từ ngàn xưa Quản Trọng, khoảng thế kỷ thứ sáu trước công nguyên đã từng khẳng định: “Pháp” là cái quy tắc của thiên hạ…Quan sai khiến dân mà có pháp thì dân theo, không có pháp thì dân dừng lại. Dân lấy pháp ‘luật’ chống nhau với quan. Người dưới lấy pháp phục vụ người trên, cho nên bọn dối trá không thể lừa chủ, bọn ghen ghét không thể có cái bụng kẻ giặc, bọn xu nịnh không thể khoe cái khéo, ngoài ngàn dặm không dám làm điều trái" (Quản Tử. Quyển 21). Chính vì lẽ đó mà phái pháp gia bị phái nho gia vốn chủ trương "đức trị" "nhân trị" chống lại kịch liệt. Khổng Tử nói: "sở dĩ dân có thể tôn quý người sang, người sang nhờ thế giữ gìn được cơ nghiệp mình. Người sang người hèn không lẫn lộn, cái đó gọi là pháp độ…Nay bỏ pháp độ này mà làm cái vạc ghi pháp luật, thì dân chỉ biết cái vạc lấy gì để tôn quý ‘người sang’? Người sang còn có cơ nghiệp nào để giữ Người sang kẻ hèn không có trên dưới, lấy gì để làm thành nước?" (Tả truyện. Quyển 26).

    Như vậy nhân trị, đức trị hay pháp trị, tất cả đều lệ thuộc chính yếu vào nhân cách người lãnh đạo, nhân cách cá nhân định hình nên nhân cách nhà nước mạnh mẽ hơn những pho luật dày cộm mang tính hàn lâm chỉ dành cho các nhà nghiên cứu. Chẳng may dân tộc nào đó rơi vào tay các bạo chúa người dân đành chịu vậy. Về phương diện lý thuyết chủ nghĩa CS sẽ mang lại sự giải phóng con người nhưng trên bình diện thực tiễn đã xảy ra, đó là các lãnh tụ CS đều độc tài gian ác khiến con người tha hóa, nô lệ dưới bàn tay sắc máu nhân danh giải phóng con người của chính họ!

    Lịch sử đã quá bi thảm hay nhờ những nhà viết sử tô vẽ cho những trang giấy của mình qua cuộc "đại cách mạng văn hoá vô sản" diễn ra trên quê hương của các nhà tư tưởng cổ đại có đến hơn 550.000 ‘kẻ sĩ’ các loại bị bắt và đưa đi đày hay bị giết chết dưới thời Mao!

    -Xin nhớ rằng thời đại chúng ta được gọi là ‘thời của văn minh, khoa học, nhân bản tiến bộ…đầy đủ các danh từ hoa mỹ hơn mọi thời đại với sự mãi mãi nằm xuống ở tuổi thanh xuân của hơn chục triệu người Việt và hàng trăm triệu người Nga!

    Hàn Phi Tử, một triết gia Trung Quốc thời cổ đại ‘Pháp luật không hùa theo người sang. Sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu. Cho nên điều sửa chữa được sự sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật’ (Hàn Phi Tử. Quyển 2. Thiên VI)

    Tư tưởng vẫn chỉ là tư tưởng, cho dù sức mạnh của một tác phẩm nhân văn có thể ảnh hưởng vũ bão hơn cả quân đoàn! Những con người dám nói lên sự thật gồm các triết gia, các nhà văn lương tâm như Hàn Phi, họ biết chắc rằng nói ra để chết chứ không phải sống, nhưng như hạt mầm sẽ nảy nở cho nhân loại đi về hướng tốt hơn. Thật vậy, khi Tần Thuỷ Hoàng đọc tác phẩm của Hàn Phi đã nói: "Ta được làm bạn với con người này thì có chết cũng không uổng”, nhưng rồi chính Hàn Phi bị bức phải uống thuộc độc để chết trong ngục của nước Tần!

    ‘Thế gian như thị’ không sai như lời Đức Phật dạy!

    Kẻ sĩ Ta và Tàu ngày nay đang đứng ở đâu? Hầu như chỉ có những trí nô đang lộng giả thành chân trên phần địa cầu này.

    Trong không lâu nữa khi chế độ toàn trị không còn trên đất nước này, xã hội dân sự tất yếu hình thành gắn liền với nhà nước pháp quyền như niềm mơ ước của người dân Việt cũng như nhân loại, không chỉ mới hôm nay nhưng mãi mãi, quyền con người và quyền công dân là những vấn đề nền tảng để xây dựng mối tương quan giữa các tổ chức độc lập thuộc xã hội công dân như hình với bóng trong nhà nước pháp quyền.

    J.J Rosseau, nhà tư tưởng thời Phục Hưng đã nói: "Con người sinh ra đã là tự do, vậy mà ở khắp mọi nơi con người lại bị cùm kẹp?” Từ khi cuốn "Khế ước xã hội" của Rousseau ra đời, trong tư duy của loài người, quyền lực dường như vô hạn của vua, chúa đã bị hạ bệ với việc khẳng định quyền của dân, quyền phải xuất phát từ dân, nhà nước được xem như là người ký hợp đồng với quốc dân.

    - Nhưng thực tế nhà nước dường như chỉ có những hợp đồng đầy gian lận với các công dân!

    Học thuyết về Nhà nước pháp quyền ra đời từ thế kỷ XIX với luận chứng qua dấu ấn ‘Nhà Nước Pháp Quyền của Hegel’, ‘Biện Chứng Chủ Nô’ cùng tác phẩm Hiện Tượng Luận về Tinh Thần vẫn còn trong dấu ấn nhân loại trong ước mơ ngày càng đến một Nhà nước hoàn thiện tối thượng.

    Nhưng Mác đã lật ngược lại biện chứng này của Hegel và thực tế với thứ nhà nước chuyên chính vô sản, thật sự là thứ độc tài tàn ác có thể nói vào hạng nhất trong kịch sử nhân loại!

    Với Cộng sản không có nhà nước pháp quyền!

    Nhà nước pháp quyền phải được tổ chức trên nền tảng Tam Quyền Phân Lập để kiểm soát lẫn nhau, tất cả phải công khai minh bạch qua pháp định, các công dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát…bằng chính lá phiếu tự do chọn lựa của mình.

    Không có Nhà nước pháp quyền và tại Việt Nam ngày nay cũng không có xã hội dân sự!

    Không thể có xã hội dân sự dưới bất cứ chế độ độc tài, nên hãy dứt khoát vứt ngay thứ chế độ chống lại nhân loại càng sớm càng tốt để cùng nhau tiến đến một xã hội văn minh, trong đó một xã hội dân sự trưởng thành chính là những đối quyền với nhà nước pháp quyền trở nên động lực mạnh mẽ phát triển cộng đồng.

    Nguyễn Quang

    Không có nhận xét nào