Header Ads

  • Breaking News

    Vụ án Hồ Duy Hải – Kỳ 2: Đại diện VKS Long An nhận khuyết điểm “sơ suất!”. Vụ án Hồ Duy Hải – Kỳ 1: Phiên Giám Đốc Thẩm sẽ có công lý?

    Sáng ngày 6 Tháng Năm, 2020 TANDTC Việt nam đã mở phiên Giám Đốc Thẩm xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải bị kết án tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) năm 2008.
    Vụ án Hồ Duy Hải – Kỳ 2: Đại diện VKS Long An nhận khuyết điểm “sơ suất!”
    Chủ tọa phiên Giám Đốc Thẩm là Chánh Án TANDTC Nguyễn Hòa Bình.

    Bị cáo Hồ Duy Hải không được tham dự phiên xét xử này.

    Theo Báo Mới, phiên Giám Đốc Thẩm có sự hiện diện của Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC, Viện Kiểm Sát, các cơ quan tố tụng các cấp sơ thẩm, phúc thẩm, cơ quan điều tra, truy tố, xét xử của tỉnh Long An, TP.HCM, các cơ quan Trung Ương và luật sư Trần Hồng Phong tham gia bào chữa vụ án.

    Những người quan tâm theo dõi vụ án này đặc biệt chú ý đến sự hiện diện của các điều tra viên tham gia điều tra vụ án là ông Lê Thành Trung (hiện là Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An); Ông Nguyễn Văn Linh (hiện là Phó Trưởng phòng PC06, Công an Long An); Các cán bộ giám định hiện trường, bác sĩ khám nghiệm tử thi được tòa mời đến đều có mặt. Đặc biệt có mặt ông Lê Quang Hùng, Thẩm phán phiên tòa sơ thẩm.

    Bản tin không nói lý do vắng mặt của ông Nguyễn Thanh Phong (hiện là Phó Trưởng Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) là cán bộ điều tra vụ án, lập biên bản, quyết định lệnh tạm giam đối với Hồ Duy Hải). (1)

    Luật sư Trần Hồng Phong trình bày chứng cứ mới

    Mở đầu, Chánh Án Nguyễn Hòa Bình đánh giá: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra từ tháng 1/2008, khiến hai nhân viên Bưu điện Cầu Voi tử vong.

    Vẫn theo ông Chánh Án, nhiệm vụ của phiên Giám Đốc Thẩm là kiểm tra, thẩm định, đánh giá tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án và chủ yếu làm rõ những nội dung trong kháng nghị của VKSNDTC.

    Phần giờ đầu của phiên tòa, sau khi VKSNDTC trình bày toàn văn quyết định kháng nghị Giám Đốc Thẩm, luật sư Trần Hồng Phong được phép trình bày ý kiến trong vòng 30 phút. Theo lời luật sư Phong sau đó, ông đã đưa ra một số chứng cứ mới mà trong hồ sơ vụ án không thể hiện, hoặc được diễn giải không đúng. Trả lời phỏng vấn Báo Sạch sau khi ra về, luật sư Phong nói rằng phía gia đình Hồ Duy Hải và ông đã gửi ba lá đơn: Đơn đề nghị giám đốc thẩm, đơn tố giác nghi can Nguyễn Văn Nghị (bạn trai của một trong hai nạn nhân – PV) và đơn tố cáo hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án. Những đơn này đã có phiếu nhận, chuyển và theo quy định là sẽ giải quyết, trả lời. Chính vì vậy cần thiết được Hội Đồng Giám Đốc Thẩm xem xét. Nghe vậy, chánh án TAND Tối cao – chủ tọa phiên tòa nói: “Tôi đã đọc các lá đơn này”.

    Luật sư Phong cũng trình bày với Hội Đồng Thẩm Phán rằng việc tòa sơ thẩm và phúc thẩm không mời hai nhân chứng đã có lời khai là anh Lê Phụng Hiếu và Đinh Vũ Thường tham gia các phiên tòa là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

    Việc CQĐT có mời làm việc nhưng trong quyết định kháng nghị lại nói: “Không có lời khai ban đầu của anh Lê Phụng Hiếu, không cho anh Thường nhận dạng…”, tức là có dấu hiệu đã rút tài liệu khỏi hồ sơ vụ án.

    Luật sư Trần Hồng Phong rất bất ngờ khi không được tham dự đầy đủ ba ngày phiên Giám Đốc Thẩm như trong giấy mời. Ông tiếp tục làm đơn đề nghị được tham dự nhưng bị ông Chánh Án từ chối. Ông Phong nói:

    “Buổi làm việc sau giờ giải lao, ông Chánh Án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói ngay là đã nhận được đơn của tôi, Hội Đồng Thẩm Phán đã hội ý và thấy tôi không cần phải tham gia, vì bây giờ bước vô phần ‘xem xét nội bộ’ (chữ ông Nguyễn Hòa Bình dùng) nên tôi đã xong trách nhiệm của mình rồi.”

    Đại diện VKS Long An nhận khuyết điểm “sơ suất”

    Đề cập đến việc bị cáo Hồ Duy Hải có nhiều lời khai không nhất quán, không phù hợp với hiện trường vụ án, ông Lê Thành Trung (điều tra viên tham gia vụ án lúc đó, này là Trưởng Công An huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) cho biết giai đoạn đầu vụ án, do sợ bị mức án cao, Hồ Duy Hải lúc khai thiếu, lúc khai thừa tình tiết để kéo dài thời gian điều tra. Đến các bản hỏi cung ngày 27-6, 7-7, 11-7-2008, có điều tra viên và kiểm sát viên tham gia, Hải đã khai toàn bộ tình tiết sự thật. (2)

    Trả lời câu hỏi của đại diện VKSNDTC về kết luận Hải dùng thớt đập vào đầu nạn nhân căn cứ vào đâu, ông Trung cho biết Hải đã khai như thế, và lời khai này cũng phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường.

    Thế nhưng tại hiện trường lại không thu được cái thớt, mà sau đó, công an yêu cầu cô Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân) đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho cơ quan điều tra để làm vật mô phỏng. Ông Trung nhận khuyết điểm do sơ suất, “nhận định của điều tra viên còn hạn chế, chưa xác định rõ dấu vết, nhận định khả năng hung khí gây ra là dao nên trong quá trình khám nghiệm không chú tâm vào hung khí là thớt.” (!)

    Cuối cùng, đại diện VKSND tỉnh Long An cho rằng việc thay đổi lời khai của Hồ Duy Hải đã được làm rõ, có đủ cơ sở, phù hợp với biên bản khám nghiệm hiện trường, phù hợp với các chứng cứ khác.

    VKSNDTC đề nghị hủy toàn bộ bản án, điều tra lại

    Sau phần lý giải của đại diện VKS Long An, đại diện VKSNDTC cho rằng bản án sơ và phúc thẩm có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án.

    Việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ, có nhiều điều mâu thuẫn như thời gian sau khi gây án, việc tiêu thụ tài sản, hành vi hiếp dâm bị hại… Kết quả khám nghiệm hiện trường và lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn.

    Bên cạnh đó, VKSNDTC cũng cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, khi bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án, dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

    Từ những nhận định trên, VKSNDTC đề nghị Hội Đồng Thẩm Phán TANDTC xem xét hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại theo quy định của pháp luật.

    Trước những nội dung trình bày kháng nghị nêu trên, chủ tọa phiên họp – Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết sẽ xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan, chính xác từng vấn đề.

    Nhận định

    Tuy đại diện VKS Long An Lê Thành Trung nhận khuyết điểm về sơ suất, do “nhận định của điều tra viên còn hạn chế” nên có những hành động mua chứng cứ mới,… thế nhưng ông vẫn giữ vững lập trường về quyết định của VKS Long An, không muốn thay đổi kết quả vụ án. Việc này trước đây (năm 2011) đã được sự đồng tình của ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện Trưởng VKSNDTC khi quyết định không kháng nghị vụ án.

    Nhiều người theo dõi vụ án nhiều năm cho rằng năm nay, trong phiên Giám Đốc Thẩm, với cương vị Chánh Án TANDTC, ông Nguyễn Hòa Bình sẽ có cái nhìn khác về vụ án này. Không nói đến việc Hồ Duy Hải có tội hay không, việc tòa án cấp dưới cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án cũng đủ điều kiện cho ông ra quyết định hủy bỏ toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm, để điều tra lại từ đầu.

    Tuy nhiên, nếu vụ án này “chằng may” có liên quan đến một vài nhân vật quan trọng trong chính phủ đương thời, mà quyền lực của họ có thể bao trùm sinh mạng chính trị của nhiều người, có thể ông Nguyễn Hòa Bình sẽ phải quyết định theo “tiền đồ” của mình.

    Nguồn:

    (1) https://baomoi.com/giam-doc-tham-vu-ho-duy-hai-mot-so-luat-su-kiem-sat-vien-vang-mat/c/34951753.epi?utm_source=dapp&utm_medium=browser&utm_campaign=share&fbclid=IwAR1HjZ-x28_QEoC-LbRySzzCuxrkSms4NyMpQ_Wyl7NJCKio7iCI-fraKT4

    (2) https://plo.vn/phap-luat/dieu-tra-vien-ly-giai-loi-khai-mau-thuan-cua-ho-duy-hai-910781.html

    (3) https://plo.vn/phap-luat/vien-toi-cao-de-nghi-gi-voi-hoi-dong-giam-doc-tham-ho-duy-hai-910729.html

    https://saigonnhonews.com/thoi-su/tin-news/vu-an-ho-duy-hai-ky-2-dai-dien-vks-long-an-nhan-khuyet-diem-so-suat/

    Vụ án Hồ Duy Hải – Kỳ 1: Phiên Giám Đốc Thẩm sẽ có công lý?

    May 5, 2020


    VŨ ĐÌNH TRỌNG

    Vụ án Hồ Duy Hải là một vụ án hình sự nổi tiếng ở Việt Nam xảy ra vào tối ngày 13 tháng 1 năm 2008 tại bưu điện Cầu Voi, ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Trong đó, hai nữ nhân viên bưu điện tên Nguyễn Thị Ánh Hồng (sinh năm 1985) và Nguyễn Thị Thu Vân (sinh năm 1987) bị giết bằng cách cắt cổ. Nghi phạm Hồ Duy Hải sinh năm 1985 bị bắt. Qua hai lần xử sơ thẩm (năm 2008 tại TAND tỉnh Long An) và phúc thẩm (năm 2009 tại Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM), Hồ Duy Hải bị kết án tử hình. Tuy nhiên, gia đình Hồ Duy Hải liên tục kêu oan.

    Phiên tòa tổ chức như thế nào?

    Năm 2011, Viện Trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án.

    Năm 2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó trước sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, ông Sang buộc ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải. Việc này chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Tòa án nhân dân tối cao.

    5 năm sau, ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7.

    Dự kiến, sáng 6 Tháng 5, phiên tòa Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải sẽ được diễn ra tại tụ sở TAND Tối Cao (Hà Nội). Chủ tọa phiên tòa Giám Đốc Thẩm là Chánh Án TAND Tối Cao Nguyễn Hòa Bình, người đã từng ra quyết định không kháng nghị vụ án này năm 2011.

    Văn phòng TAND Tối cao cho biết, phiên Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải là phiên tòa đặc biệt nên bị cáo này không được triệu tập như phiên sơ thẩm và phúc thẩm:

    “Phiên tòa này Hội thẩm phán chủ yếu xử trên hồ sơ, không có bị cáo, không nhân thân đương sự, không có bị hại. Theo đó, Hội đồng thẩm phán chỉ triệu tập những người đã thực hiện các tố tụng ở các cấp đã xét xử như điều tra viên, kiểm sát viên, giám định viên, luật sư theo đúng quy định của luật mới.”

    Văn phòng TAND Tối cao cho biết thêm, phiên xét xử chỉ có một số ít phóng viên báo chí tham dự “do phòng xét xử nhỏ và thực hiện quy định về phòng chống dịch COVID-19”. Luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng có mặt với tư cách đại diện cho quyền lợi bị cáo Hồ Duy Hải tại phiên tòa đặc biệt này.

    Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong ba ngày (từ 6-8/5).

    Mẹ của Hồ Duy Hải nhiều năm kêu oan cho con trai.

    Tại sao Hồ Duy Hải không được tham dự phiên Giám Đốc Thẩm của mình?

    Câu trả lời ngắn gọn là do luật của nước CHXHCN Việt Nam như thế.

    Giám Đốc Thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Như vậy, phiên toà giám đốc thẩm được tiến hành với hình thức như một cuộc họp. Hầu hết các phiên tòa Giám Đốc Thẩm không có mặt những người tham gia tố tụng như: nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người bào chữa, người làm chứng. (1)

    Theo nhiều luật sư, việc nguyên đơn, bị đơn dân sự không có mặt tại phiên toà giám đốc thẩm cũng có thể là một hạn chế của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam. Hội Đồng Giám Đốc Thẩm chỉ dựa vào hồ sơ vụ án để phán quyết thì vẫn có thể bị mắc sai lầm. Thật không hợp lý nếu đương sự không được tham gia vào quá trình Toà án xem xét lại bản án đối với vụ việc của chính mình – nghĩa là phiên toà Giám Đốc Thẩm diễn ra không công khai đối với ngay cả đương sự – chứ chưa nói gì đến người dân nói chung.

    Bốn vấn đề cần làm rõ trong phiên Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải

    Dựa vào kháng nghị của Viện KSND Tối cao và hàng loạt chứng cứ mà luật sư của Hải cùng gia đình chỉ ra để kêu oan suốt 12 năm qua, có thể thấy vụ án này còn nhiều điểm cần được xem xét thận trọng tại phiên giám đốc thẩm.


    Dấu vân tay tại hiện trường của ai? Cơ quan điều tra đã thu được “dấu vết đường vân ở trên tay nắm mở vòi nước” của lavabo rửa mặt tại hiện trường vụ án. Tuy nhiên, theo bản kết luận giám định thì dấu vân tay này lại không trùng khớp với 10 dấu vân tay của Hải.

    Mặc dầu vậy, kết quả giám định này đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Tòa sơ thẩm cho rằng “vết máu thu giữ tại hiện trường khi giám định không phải là của bị cáo, song các thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được vết vân tay.”


    Nhân chứng có nhìn thấy Hồ Duy Hải? Cáo trạng vụ án ghi: “Nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” lúc gây án.

    Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa án đã không triệu tập nhân chứng này.

    Luật sư Lê Hồng Phong (người bào chữa cho Hồ Duy Hải) đã trực tiếp đi tìm và gặp Đinh Vũ Thường. Anh Thường đồng ý viết một giấy xác nhận, có nội dung: “Tôi xác định, chiếc xe tôi nhìn thấy tại Bưu điện Cầu Voi tối ngày 13/1/2008 là loại xe Dream cao. Tòa án không mời tôi tham dự phiên tòa. Tôi không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà thôi thấy tối hôm 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi”.


    Vật chứng vụ án được mua ở chợ? Theo cáo buộc, khoảng sau 20h30 ngày 13/1/2008, Hải dùng thớt đánh vào mặt; dùng dao giết nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng; dùng ghế xếp bằng inox, dao giết nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân.

    Những vật chứng này không được thu giữ, và sau đó cơ quan điều tra cho người mua mới những vật chứng này để bổ sung, đưa vào hồ sơ vụ án.

    Ông Nguyễn Văn Thu, một trong những người dọn dẹp hiện trường, khai với cơ quan điều tra là đã ra chợ mua một con dao khác để thay vào hồ sơ vụ án theo yêu cầu của công an.

    Tương tự, công an cũng yêu cầu cô Lê Thị Thu Hiếu (bạn của hai nạn nhân) đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho cơ quan điều tra để làm vật mô phỏng.

    Bên cạnh đó, chiếc ghế xếp bằng inox Hải khai đã dùng để đập vào đầu nạn nhân N.T.T.V., cũng không được thu giữ, Hơn hai tháng sau, công an đưa vào một chiếc ghế inox khác kiểu dáng làm vật chứng. (3)

    Tính mạng con người luôn mong manh dưới “đế giày” công an

    Như trình bày ở trên, trong phiên Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải ngày 6 Tháng 5, sẽ không có mặt bị cáo và thân nhân. Sự có mặt của luật sư biện hộ đã là một điều đáng mừng. Như thế thì vai trò xem xét của Hội Đồng Thẩm Phán và nhất là Chánh Án TANDTC rất quan trọng. Phán quyết của Chánh Án sẽ trở thành kết quả không thể đảo ngược.

    Gia đình tử tù Hồ Duy Hải và nhiều người dân theo dõi vụ án từ đầu rất hy vọng Công Lý sẽ được thực thi tại phiên tòa này sau 12 năm bà mẹ của người tử tù này miệt mài tìm kiếm. Thế nhưng, khi nhìn vào người lãnh đạo cao nhất của TANDTC thời gian trước và bây giờ, nhiều người lại lo nhiều hơn vui, vì có liên quan đến hai ông tướng công an.

    Theo nhận định, mặc dù hai ông này đều làm đại biểu Quốc hội (tức là đại biểu của nhân dân), đã chuyển sang ngạch dân sự nhưng bản chất còn rất công an. “Chỉ cần có nghi vấn, thì cho là tội phạm phải bị trừng phạt đích đáng, xem tính mạng dân thấp như cỏ rác.” (4)

    Ông Trương Hòa Bình được bầu giữ chức Chánh án TANDTC Việt Nam hai nhiệm kỳ 2007-2016. Năm 2011, ông ký quyết định không kháng nghị và có Tờ trình đề nghị Chủ Tịch Nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

    Bốn năm sau, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13, khi bị ông Đỗ Văn Đương (đại biểu Quốc hội TP.HCM) chất vấn về vụ án Hồ Duy Hải, ông Trương Hòa Bình đã cho rằng không có căn cứ kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải. Theo ông Bình, “quá trình điều tra tuy có sai sót nhưng không làm thay đổi vụ án vì vậy tòa vẫn giữ nguyên bản án tử hình”. Ông còn cho biết Hồ Duy Hải từng có đơn xin được thi hành án tử hình sớm. (!)

    Còn ông tướng công an Nguyễn Hòa Bình, lúc trước là Bí Thư Quảng Ngãi, năm 2011 được bầu làm Viện Trưởng VKSNDTC, và như một điều đương nhiên, ông Hòa Bình này cũng có ý kiến “giống y” ông Hòa Bình kia, quyết định không kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.

    Về nhận định vai trò của những ông tướng công an này trong bộ máy tư pháp và lập pháp, nhà báo Đỗ Thành Nhân cho rằng “khi tướng công an nắm thêm quyền tư pháp, lập pháp: Tính mạng con người quá mong manh…” (4)

    Ở Hà Nội, có câu “Công Lý là tên một anh hề” xem ra không phải nói về một con người mà nói về ngành tư pháp!

    Chúng ta hãy chờ xem.

    (Còn tiếp)

    Nguồn:

    (1) https://luatminhkhue.vn/tinh-cong-khai-cua-phien-toa-giam-doc-tham-dan-su.aspx

    (2) https://www.luatkhoa.org/2017/12/9-dieu-can-biet-ve-tu-tu-ho-duy-hai/

    (3) https://m.tintuc.vn/4-van-de-can-lam-ro-trong-phien-giam-doc-tham-vu-an-ho-duy-hai-post1665431?fbclid=IwAR0ikjZVkLbi8js4GtOobR0btO1rFSk8mTIO-_AE0iIAqZukD4MYNFRaVEA

    (4) https://baotiengdan.com/2020/05/04/ho-duy-hai-va-hai-ong-tuong-cong-an/?fbclid=IwAR3Ua0LHUmM3KfaubzNh5KqwftpVpNEfin_e9jjxWYron7p3xERgsNDIOa4

    Nguồn : https://saigonnhonews.com/

    Không có nhận xét nào