Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 28 tháng 6 năm 2020

    Áo, Bỉ lên án Bắc Kinh thu hoạch nội tạng cưỡng bức
                                           (Ảnh chụp màn hình Youtube, Trái: Sky News Australia, Phải: CGTN)

    Hoạt động thu hoạch nội tạng sống (mổ cướp nội tạng) của Bắc Kinh một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý trong tháng này khi hai quốc gia châu Âu lên tiếng phản đối các thương vụ giao dịch bất hợp pháp, theo The Epoch Times.

    Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Trung Quốc đã phải đối mặt với các cáo buộc chồng chất rằng nó đang sát hại các tù nhân lương tâm để bán nội tạng của họ trên thị trường cấy ghép.

    “Chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề này, nó chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được”, ông Gudrun Kugler, thành viên Nghị viện Áo, nói hôm 23/6, sau khi ủy ban nhân quyền của Nghị viện nước này nhất trí thông qua nghị quyết chống nạn buôn bán nội tạng và con người.

    “Hết lần này đến lần khác các báo cáo về nạn buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể người ở Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc đã xuất hiện. Đây là hành vi đi ngược lại tất cả các tiêu chuẩn nhân quyền và đạo đức”, trích báo cáo từ văn phòng của ông Kugler.

    Liên Hợp Quốc nói rằng thế giới không thể quay trở lại ’tình trạng bình thường trước đó’ sau đại dịch

    Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed đã nói trên một diễn đàn quốc tế hôm thứ Sáu (26/7) rằng xã hội không thể trở lại “trạng thái bình thường trước đó” khi ông đệ trình các giải pháp đối phó kinh tế xã hội trong bối cảnh đại dịch, theo Fox News.

    “Chúng ta phải quan sát mức độ nghiêm trọng của tình hình”, ông Mohammed nói. “Sự trở lại bình thường tại một số khu vực không nên khiến chúng ta hình thành một cảm giác an toàn giả tạo”.

    Ông Mohammed nói rằng nhiều quốc gia vẫn chưa qua đỉnh địch, và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính có thể mất 300 triệu việc làm toàn cầu – một con số cao gấp 15 lần so với thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

    Đến nay, dịch Covid-19 đã lây nhiễm hơn 10 triệu người và giết chết hơn 500.000 người trên toàn cầu.

    Chủ mỏ Trung Quốc bắn 2 công nhân Zimbabwe gây phẫn nộ công chúng

    Một chủ doanh nghiệp khai thác mỏ người Trung Quốc đã bắn liên tiếp 2 công nhân người Zimbabwe mới đây đã gây chấn động dư luận, khiến Bắc Kinh một lần nữa bị lên án về tình trạng ngược đãi người châu Phi.

    Hãng tin CNN trích dẫn các nguồn tin địa phương cho biết, ông Zhang Xuen, một chủ mỏ Trung Quốc, đã bắn một nhân viên 5 lần và làm bị thương một người khác tại khu mỏ mà ông ta vận hành ở tỉnh Gweru thuộc miền trung Zimbabwe, một quốc gia ở Nam Phi.

    Phẫn nộ gia tăng trước báo cáo Nga cung cấp tiền thưởng cho các chiến binh Afghanistan sát hại lính Mỹ

    Các quan chức Mỹ tin rằng một đơn vị tình báo Nga đã cung cấp tiền thưởng cho các chiến binh có liên hệ đến Taliban để sát hại lính nước ngoài ở Afghanistan, bao gồm lính Mỹ.

    Câu chuyện xuất hiện lần đầu trên Thời báo New York, trích dẫn nguồn tin từ các quan chức giấu tên, và theo sau bởi tờ Washington Post. Các báo cáo nói rằng Mỹ đã đi đến kết luận về hoạt động này vài tháng trước và rằng Nga đã cung cấp phần thưởng cho các cuộc tấn công thành công vào năm ngoái.

    Tờ New York Times viết: “Kết quả phát hiện tình báo đã được thông báo cho tổng thống Trump, và Hội đồng Bảo an Quốc gia thuộc Nhà Trắng đã thảo luận về vấn đề này tại một cuộc họp liên ngành cuối tháng 3”.

    Các quan chức Nhà Trắng dường như đã đưa ra một số giải pháp để đáp trả Điện Kremlin, từ khiển trách ngoại giao cho đến việc áp các lệnh trừng phạt mới.

    Mỹ nhấn mạnh các trại giam người Duy Ngô Nhĩ trong thông điệp ủng hộ các nạn nhân bị tra tấn trên thế giới
    Mỹ đã nhấn mạnh việc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Trung Quốc trong bình luận tôn vinh các nạn nhân bị tra tấn trên toàn thế giới hôm thứ Sáu, khi các nhóm bảo vệ nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng quyền con người, theo RFA.

    “Tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, dân tộc Kazakhstan, Kyrgyz và thành viên các nhóm thiểu số theo Hồi giáo chủ yếu khác ở Tân Cương đã bị bắt giam một cách tùy tiện trong các trại giam, nơi có nhiều báo cáo về việc tra tấn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Morgan Ortagus nói trong một tuyên bố.

    Những nhận xét này đã được ban hành cho Ngày Quốc tế Hỗ trợ Nạn nhân bị Tra tấn, một hoạt động thường niên vào ngày kỷ niệm ngày Công ước Liên hợp quốc về Chống tra tấn bắt đầu có hiệu lực vào năm 1987.

    Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc không được coi Biển Đông là ‘đế chế’ của mìnH.

    Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm 28/6 viết trên Twitter rằng Mỹ phản đối Trung Quốc coi Biển Đông là của riêng mình, đồng thời ủng hộ ASEAN giải quyết tranh chấp trên biển theo luật quốc tế.

    “Mỹ hoan nghênh lập trường của các lãnh đạo ASEAN rằng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trung Quốc không được phép coi Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Chúng ta sẽ sớm bàn thêm về chủ đề này”, ông Mike Pompeo viết.

    Cũng trong bài đăng của mình, ông Mike Pompeo dẫn lại Tuyên bố “Tầm nhìn về ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng” được các nhà lãnh đạo trong khu vực thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36 vào ngày 26/6.

    Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo ngày 2/6 viết trên Twitter rằng Mỹ đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc để “phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông”. Mỹ cũng đề nghị Liên Hợp Quốc chuyển thư này tới tất cả các nước thành viên.

    Nhân viên chính phủ phá hủy nhà thờ Trung Quốc, đánh đập giáo dân

    Khoảng 200 nhân viên chính phủ Trung Quốc đã đột nhập vào một nhà thờ Cơ đốc giáo ở tỉnh Hà Nam vào đầu tháng này, sau đó phá hủy nhà thờ và đánh đập những tín hữu Ki tô cố gắng ngăn cản họ, tờ Christian Post đưa tin hôm Chủ nhật (28/6).

    Sáng 12/6, một nhóm lớn nhân viên công lực ở huyện Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, đã xuất hiện trước nhà thờ Sunzhuang cùng cần cẩu và máy ủi. Họ không trình lệnh khám xét nhưng vẫn tự ý yêu cầu mọi người ra ngoài, sau đó dọn dẹp đồ đạc bên trong trước khi san phẳng nhà thờ thành bình địa.

    Hai thành viên nữ trong nhà thờ đã phải nhập viện sau khi cố gắng ngăn cản nhóm người đang “thi hành công vụ”, một trong hai người đã bất tỉnh sau khi bị ném xuống đất. Các nhân viên chính phủ cũng bắt giữ một thành viên nam trong nhà thờ.

    Trung Quốc đe doạ: ‘Nhật tiếp nhận hỏa tiễn Mỹ là không yên với Bắc Kinh’


    Quân đội Trung Quốc tuyên bố sẽ không ngồi yên nếu các hoả tiễn tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ xuất hiện trên đất Nhật, đồng thời cảnh báo sẽ tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”, theo SCMP.

    Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói hôm 24/6 rằng không chỉ Nhật mà các nước khác cũng nên nói “KHÔNG” với Mỹ và hành động thận trọng, tính đến hòa bình và ổn định chung.

    Ngô Khiêm cho rằng nếu làm được như vậy, các nước sẽ không trở thành nạn nhân trong âm mưu địa chính trị của Mỹ ở khu vực. Ngô Khiêm cũng cảnh báo Tokyo nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định, bởi Trung Quốc sẽ không ngồi yên và tiến hành “tất cả các biện pháp đáp trả cần thiết”.

    “Trung Quốc hy vọng Nhật Bản và các quốc gia khác cân nhắc sự ổn định và hòa bình ở khu vực, hành động cẩn trọng và nói không với Mỹ – quốc gia muốn triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ các nước – nhằm tránh trở thành nạn nhân của kế hoạch địa chính trị của Washington”, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

    Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đưa thủ đô Washington trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ

    Theo AP, Hạ Viện Mỹ, hiện do phía đảng Dân Chủ kiểm soát, hôm 26/6 đã thông qua dự luật đưa thủ đô Washington, D.C. trở thành tiểu bang thứ 51 của Hoa Kỳ.

    Các nhà lập pháp tại Hạ Viện bỏ phiếu thông qua dự luật theo đường lối đảng phái, với 232 phiếu thuận và 180 phiếu chống. Dân Biểu Collin Peterson ở tiểu bang Minnesota là người duy nhất thuộc đảng Dân Chủ bỏ phiếu chống. Phía đảng Cộng Hòa, không có ai bỏ phiếu thuận.

    Dự luật này sẽ được chuyển sang Thượng Viện, hiện do phía Cộng Hòa kiểm soát, nơi dự luật chắc chắn sẽ gặp phải sự phản đối và gần như không có hy vọng được thông qua. Những thành viên phản đối dự luật thuộc Đảng Cộng Hòa cho biết, dự luật chỉ là hành động tranh giành quyền lực ở thủ đô Washington, vốn đa số theo Dân Chủ, đồng thời nhấn mạnh rằng các tổ phụ nước Mỹ đã cố ý để thủ đô tách rời khỏi các tiểu bang khác.

    Giáo sư Trung Quốc bị Mỹ kết tội gián điệp kinh tế

    Theo Dailymail, các công tố viên liên bang Mỹ ngày 26/6 tuyên bố Hao Zhang, 41 tuổi, giáo sư tại Đại học Thiên Tân (Trung Quốc), đã thông đồng với một đồng nghiệp tại Đại học Nam California để bán các bí mật của Mỹ cho chính phủ và quân đội Trung Quốc.

    Theo các công tố viên, Zhang đã đánh cắp bí mật từ hai công ty tại Mỹ gồm Skyworks Solutions có trụ sở tại Woburn, Massachusetts và Avago Technologies có trụ sở tại San Jose, California. Cả hai công ty này đều phát triển công nghệ được sử dụng trong các hệ thống quân sự. Zhang bị cáo buộc đánh cắp các mã nguồn và thiết kế của các máy móc để “lọc những tín hiệu không mong muốn trong điện thoại di động”.

    Theo bản án của tòa, Zhang đối mặt với mức án 15 năm tù vì hành vi gián điệp kinh tế và 10 năm tù vì hành vi đánh cắp bí mật thương mại.

    Quần đảo thuộc Indonesia nói ‘không’ với nhà đầu tư Trung Quốc

    Trả lời phỏng vấn tờ Age và Sydney Morning Herald của Úc, ông Abdul Hamid Rizal, người giữ chức Bupati (tương tự với thống đốc tỉnh) ở quần đảo Natuna, cho biết ông muốn kêu gọi đầu tư từ Mỹ, Nhật Bản hay Úc, nhưng “không hoan nghênh” các khoản đầu tư đến từ Trung Quốc.

    “Chúng tôi chào đón các khoản đầu tư từ nước ngoài nhưng nếu có thể sẽ là nhà đầu tư từ Nhật Bản, Úc, hay các nước khác. Nếu là nhà đầu tư Trung Quốc, chúng tôi không muốn đón nhận vào thời điểm này. Chúng tôi lo ngại, sẽ thế nào nếu các lao động họ mang tới đây không phải là lao động thông thường mà là quân đội thì sao?”, ông cho biết.

    Theo ông Rizal, các khoản đầu tư đến từ các nước ủng hộ tự do trên Biển Đông sẽ “thuộc về phạm trù kinh doanh, không dính dáng nhiều tới chính trị”. “Nhưng đối với Trung Quốc, chúng tôi lo ngại rằng có chính trị trong đó”, ông nói thêm.

    Đây là lần đầu tiên một quan chức Indonesia công khai nói rằng nguồn đầu tư từ Trung Quốc “không được hoan nghênh”.

    Trung Quốc tuyển võ sĩ cho lực lượng biên giới


    Theo SCMP, Trung Quốc đã tuyển được 20 võ sĩ MMA (được gọi là võ tổng hợp – võ được xây dựng dựa trên nhiều loại võ khác nhau như Muay Thái, Judo, đấu vật và cả Boxing) đến từ câu lạc bộ võ thuật Enbo ở tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc để lập thành đội dân quân biên phòng đóng tại Lhasa, thủ phủ khu tự trị Tây Tạng. Câu lạc bộ võ thuật Enbo nổi tiếng là lò đào tạo võ sĩ tham gia các giải đấu quốc tế như UFC ở Mỹ.

    Không rõ liệu các võ sĩ MMA có được triển khai đến biên giới với Ấn Độ hay không. Nhiệm vụ chính của họ là giúp lực lượng biên phòng và đặc nhiệm huấn luyện đánh giáp lá cà.

    Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang trong tình trạng căng thẳng sau vụ ẩu đả giữa binh lính hai nước tại thung lũng Galwan, vùng Ladakh ngày 15/6, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc cũng bị thương vong, nhưng không công bố con số. Vụ ẩu đả giữa binh lính hai bên không dùng súng đạn mà tấn công nhau bằng nấm đấm, đá và gậy hàn đinh.

    Ngũ Giác Đài huy động 1.700 lính cùng phi cơ và chiến xa mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ

    Ngũ Giác Đài hôm 26/6 thông báo năm nay, cũng giống như năm ngoái, sẽ huy động các quân nhân và phương tiện cơ giới, gồm cả phi cơ và chiến xa, để hỗ trợ cho chương trình mừng Lễ Độc Lập của Nhà Trắng.

    Theo bản tin của USA Today, khoảng 1.700 quân nhân sẽ hỗ trợ cho Bộ Nội Vụ Hoa Kỳ trong các buổi chào mừng có tên “Chào Mừng Nước Mỹ” (Salute to America) được tổ chức ở Washington, D.C. cũng như các chuyến bay theo đội hình trên bầu trời các thành phố, gồm cả New York, Boston, Baltimore, Philadelphia và khu kỷ niệm quốc gia Mount Rushmore.

    Bản thông báo không cho biết các loại phi cơ nào sẽ xuất hiện cũng như thời điểm có các chuyến bay. Tuy nhiên, theo bản thông báo, chi phí cho các giờ bay đã được tính vào giờ huấn luyện cho các phi hành đoàn tham dự.
       
    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào