Header Ads

  • Breaking News

    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 8 tháng 6 năm 2020

    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 8 tháng 6 năm 2020


    Bản tin Biển Đông cập nhật ngày 8 tháng 6 năm 2020
    Tình hình nổi bật

    Tư lệnh Các lực lượng Mỹ ở Nhật, Trung tướng Kevin Schneider ngày 5/6 cáo buộc Trung Quốc lợi dụng Covid-19 để thúc đẩy yêu sách Biển Đông. Trung Quốc gia tăng hoạt động của tàu hải quân, tàu hải cảnh và tàu dân binh nhằm quấy rối các tàu nước khác ở Biển Đông. Theo Tướng Schneider, việc Trung Quốc tăng hoạt động trên các vùng biển tranh chấp sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới.

    Một nhóm các chính trị gia từ 8 quốc gia và EU ngày 5/6 đã thành lập Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (Inter-Parlimentar Alliance on China - IPAC) nhằm thúc giục các chính quyền có lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

    Damos Agusman, (Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế Bộ Ngoại giao Indonesia) ngày 5/6 đã trả lời về đề nghị đàm phán các yêu sách chủ quyền chồng chéo giữa hai nước của Trung Quốc trong Công hàm gửi Tổng thư ký LHQ ngày 2/6 của nước này như sau: dựa trên UNCLOS 1982, Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc nên không tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào về phân định ranh giới trên biển. Ông cũng nhấn mạnh, trong tuyên bố chính thức của BNG Indonesia vào đầu tháng 1/2020, Indonesia đã khẳng định không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông và bác bỏ thuật ngữ về "vùng biển liên quan" của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc đối với EEZ của Indonesia với lý do ngư dân Trung Quốc hoạt động lâu nay ở các vùng biển này là “đơn phương, không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận.

    Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản ngày 5/6 trả lời câu hỏi phỏng vấn của báo chí về đánh giá hoạt động của Trung Quốc gần đây, đã nêu lên một số điểm đáng chú ý bao gồm việc Trung Quốc gia tăng ngân sách quốc phòng 6,6%; mặc dù số lượt vi phạm không phận trong tháng 5 giảm, nhưng máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản đã vượt quá 150 lần trong 3 tháng đầu năm 2020; và tàu Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng tiếp giáp lãnh hải và lãnh hải của Quần đảo Senkaku. Hơn nữa, Bộ trưởng bày tỏ quan ngại sâu sắc về hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng dựa vào yêu sách đơn phương tại Biển Đông. BTQP cũng nói thêm rằng trong tình hình dịch Covid 19, việc Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào thời điểm hiện tại khó khả thi.

    Mạng Quan Sát (Trung Quốc) ngày 5/6 trích tin từ báo Đài Loan cho biết Tàu chiến Mỹ tiếp tục đi qua eo biển Đài Loan và đây là lần thứ 7 tàu chiến Mỹ đi qua khu vực này kể từ đầu năm 2020 đến nay. Về việc này, “Bộ Quốc phòng” Đài Loan cho biết, tàu khu trục USS Russell đã đi từ phía Bắc xuống phía Nam qua eo biển Đài Loan, thực hiện nhiệm vụ hàng hải thông thường, quân đội Đài Loan luôn giám sát toàn bộ hoạt động của các tàu và máy bay xung quanh Đài Loan, tình hình vẫn bình thường. Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc đến nay vẫn chưa bình luận gì về động thái mới này của Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối việc tàu chiến Mỹ xuất hiện ở eo biển Đài Loan, chỉ trích Mỹ can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, “phá hoại” ổn định hòa bình eo biển Đài Loan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước và hai quân đội Trung - Mỹ; đưa ra tín hiệu sai lầm cho các thế lực “Đài Loan độc lập”, Trung Quốc quyết không dung thứ cho các hành động và âm mưu chia cắt đòi “Đài Loan độc lập”.

    Cục Hải sự Trung Quốc ngày 2 - 5/6 đã phát bốn cảnh báo hàng hải, cho biết một số lượng lớn giàn khoan nước này tác nghiệp dầu khí tại Biển Đông và gần mỏ Lăng Thủy 17-2. Cụ thể, cảnh báo hàng hải số 0024 của Cục Hải sự Bắc Hải (Quảng Tây) cho biết tại giếng dầu WZ11-2-9d, tàu kéo Hải Dương Thạch Du 671 kéo dàn khoan Nam Hải 04 từ tọa độ 20-53.58N/108-56.77E đến tọa độ 20-48.69N/108-48.50E, tốc độ 5 knot; cảnh báo hàng hải số 0110 của Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông, cảnh báo hàng hải số 0045 và 0048 của Cục Hải sự thành phố Tam Á cho biết tại Biển Đông, từ ngày 3/6 - 3/8, Giàn khoan “Nam Hải 02” sẽ tiến hành tác nghiệp khoan tại vùng biển có bán kính 1 hải lý tính từ điểm có tọa độ 20-24-47.98N 113-25-29.12E; 16 tàu xây dựng, giàn khoan của Trung Quốc tiến hành rải đường ống, cáp ngầm và lắp đặt các kết cấu dưới biển tại mỏ dầu khí Lăng Thủy 17-2 trong phạm vi gần tọa độ 17 độ Bắc và 110 độ Đông; từ ngày 4 - 6/6/2020, tàu Phong Dương Hải Công tiến hành thử nghiệm lắp đặt thiết bị tại khu vực nối 4 điểm 18-00N 109-48.2E , 17-55.8N 109-49.8E, 17-58.2N 109-54.5E , 18-02.2N 109-52.6E.

    Báo Reuters ngày 5/6 dẫn nguồn từ quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho quân đội rút 9500 quân nhân khỏi Đức, tương đương với gần 1/4 trong tổng số 34500 binh sĩ Mỹ đang hoạt động ở nước này. Theo đó, 9500 quân nhân sau khi rút khỏi Đức sẽ được điều đi nơi khác, một số tới Ba Lan, một số tới các nước đồng minh và một số sẽ trở về Mỹ. Nhà Trắng không có thông báo liên quan tới vụ việc, nhưng khẳng định ông Trump vẫn "liên tục đánh giá lại tình thế tốt nhất cho các lực lượng quân đội Mỹ".

    Chính phủ Anh ngày 5/6 cho biết đã gửi đề nghị mong muốn trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh Anh sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác tại châu Á giữa thời điểm khu vực ngày càng thể hiện tầm quan trọng. “Qua việc trở thành một trong những đối tác đối thoại của ASEAN, chúng ta có thể tăng cường năng lực hợp tác trên khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về mọi vấn đề từ biến đối khí hậu cho đến ổn định khu vực”.

    Tàu khu trục tên lửa USS Russell ngày 4/6 đi qua Eo biển Đài Loan đúng dịp 31 năm sự kiện Thiên An Môn. Người phát ngôn Hạm đội 7 Reann Mommsen cho biết: “Tàu USS Russell đi qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động bay, di chuyển tàu thuyền ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Đây là lần thứ hai trong 3 tuần qua Mỹ điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan. Trước đó hôm 13/5, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell (DDG-85) đi quan Eo biển này.

    Tờ Times of India ngày 4/6 cho biết, theo các nguồn tin, Ấn Độ đang đàm phán ký thỏa thuận về hậu quân sự với Nhật Bản. Ấn Độ hiện cũng đang đàm phán các thỏa thuận hậu cần quân sự tương tự với Nga và Anh. Cho đến hiện tại, Ấn Độ đã ký các thỏa thuận hậu cần quân sự với Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Singapre và Úc.

    Góc nhìn Quốc tế

    + Trung Quốc

    Nhật báo Giải phóng quân Trung Quốc ngày 6/6 đăng bài viết tựa đề “Hải quân trên đảo “Vĩnh Hưng, Tây Sa” (Phú Lâm - Hoàng Sa) lần đầu tiên trồng rau trên bãi cát thành công” và đã thu được 750kg rau xanh. Bái báo cho rằng, việc biến cát biển thành đất trồng trọt không chỉ là sự tiến bộ lớn về khoa học công nghệ, mà việc có thể trồng rau xanh trên các đảo ở Hoàng Sa còn có “ý nghĩa quan trọng” đối với sức khỏe của người dân và binh lính trên đảo, nếu như thời gian tới có thể mở rộng diện tích gieo trồng, hy vọng có thể giải quyết được vấn đề khan hiếm rau xanh của binh lính và người dân ở “Tam Sa”. Thậm chí có ý kiến cho rằng, bước đột phá về kỹ thuật trồng trọt này còn góp phần phản bác luận điệu của nước ngoài cho rằng các đảo ở Biển Đông không thể duy trì được cuộc sống của con người, củng cố thêm cơ sở cho việc các đảo ở Biển Đông có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là “danh chính ngôn thuận”, chứng minh đặc trưng địa lý của các đảo đã đạt được điều kiện duy trì đời sống kinh tế xã hội của con người.

    Học giả Lưu Diên Hoa (Viện Nghiên cứu Nam Hải) ngày 21/5 biện minh “Tam Sa” lập “quận” là hợp lý, hợp pháp, đúng thời điểm, chỉ trích Việt Nam và Philippines tiến hành “quản lý hành chính phi pháp” trên các đảo “chiếm đóng” ở Biển Đông. Tác giả cho rằng từ lâu đã có những tiếng nói kêu gọi thiết lập một “thành phố cấp địa khu” (trực thuộc tỉnh) tại “Nam Hải” (Biển Đông) nhưng đến ngày 21/6/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc mới phê chuẩn thành lập “thành phố Tam Sa”; chỉ trích Việt Nam và Philippines cũng thiết lập cơ quan hành chính tại quần đảo “Nam Sa” (Trường Sa) nhưng các cơ quan này được đặt tại các đảo, đá “xâm chiếm trái phép”; ngoài ra tác giả phản bác ý kiến của nước ngoài chỉ trích Trung Quốc lập “quận” tại “Tam Sa” là lợi dụng các nước đang bận đối phó dịch Covid-19 để trục lợi ở Biển Đông, cho rằng việc thiết lập các “quận” này đã có quy hoạch từ lâu và phải dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về địa lý, thủy văn của các đảo, bãi và vùng biển liên quan, không phải muốn lập “quận” là lập ngay được; và kết luận rằng thiết lập “quận” là “con đường tất yếu” trong sự phát triển của “Tam Sa”.

    + Đông Nam Á:

    Học giả Martin Sebastian (MIMA-Malaysia) ngày 5/6 trên New Straits Times cho rằng trong lúc Trung Quốc vừa tăng cường quân sự hoá trên thực địa vừa đưa “thòng lọng” COC để trói các nước, Malaysia cần (i) thận trọng và khôn ngoan hơn trong việc bảo vệ lợi ích của mình trên Biển Đông để chứng tỏ không phải “phên dậu” của nước nào và (ii) tập trung hơn vào quản lý nguồn tài nguyên cá và dầu khí thuộc quyền chủ quyền của mình.

    Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 4/6 trên Foreign Affairs đã lập luận rằng Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước các sự lựa chọn chính sách quan trọng liên quan tới việc chấp nhận hợp tác hay đối đầu với nhau. Những lựa chọn của hai cường quốc này sẽ có các tác động quan trọng tới trật tự khu vực châu Á, sự thịnh vượng của khu vực, cũng như nỗ lực giải quyết các thách thức xuyên quốc gia. Trong bối cảnh đó, các nước khu vực mong muốn không bị ép buộc phải chọn bên mà hướng tới xây dựng trật tự dung nạp và quan hệ tối với cả Mỹ và Trung Quốc.

    + Châu Âu - Mỹ:

    Tờ CNN ngày 8/6 nhận định Indonesia và Malasia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng phát triển năng lực và đẩy mạnh các hành vi gây hấn và kiểm soát trển biển. Điều này khiến họ khó có thể tiếp tục né tránh Biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc.

    Greg Poling (AMTI) ngày 6/6 khuyên các nước Đông Nam Á không được chỉ nhìn vấn đề Biển Đông dưới góc độ xung đột Mỹ - Trung và ỷ lại vào sự giúp đỡ của Mỹ. Các nước có cùng lập trường với Mỹ cũng nên có hành động phản đối Trung Quốc rõ ràng, đồng thời Mỹ cũng cần chủ động tăng cường hợp tác với các nước thay vì hành động một mình.

    Alexander Vuving (trung tâm An ninh APCSS - Mỹ) ngày 5/6 nhận định Trung Quốc có khả năng lập ADIZ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và đàm phán COC đang đến giai đoạn kết thúc. Có thể nhiều quốc gia sẽ thấy không cần thiết phải phản đối ADIZ của Trung Quốc trong bối cảnh số lượng các chuyến bay qua Biển Đông vẫn ở mức hạn chế do dịch bệnh. Ngoài Việt Nam, Malaysia và Philippines đang phải trông chờ viện trợ của Trung Quốc để đối phó với dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có lý do để lập ADIZ để tối đa hoá lợi thế trên thực địa trước khi COC được ký kết. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng phải tính toán kỹ càng trước khi lập ADIZ bởi nó nguy cơ sẽ làm trầm trọng quan hệ giữa nước này và các láng giềng. Việc Trung Quốc lập ADIZ cũng sẽ làm gia tăng cạnh tranh chiến lược với Mỹ ở cấp độ toàn cầu, và với Nhật Bản, Ấn Độ ở cấp độ khu vực. Quan trọng không kém, việc làm này của Trung Quốc có thể sẽ khiến quan hệ Trung-Việt xuống thấp tới điểm khó có thể đảo ngược.

    Báo BBC ngày 4/6 dẫn nguồn học giả nhận định việc Mỹ gửi công hàm phản đối Trung Quốc về Biển Đông lên LHQ có thể là động thái 'dọn đường' pháp lý, chính trị để đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an. Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Mỹ) cho biết công hàm của Mỹ gửi sau công hàm của Việt Nam gần một tháng, có nôi dung gần tương tự và cùng yêu cầu Tồng Thư Ký Liên Hiệp Quốc lưu hành đến "tất cả các thành viên của Liên Hiệp Quốc". "Phải chăng đây là những hành động dọn đường để có thể đưa ra Hội Đồng Bảo An của Liên Hiệp Quốc nếu xảy ra xung đột vũ trang ở vùng này?" Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Đại học Maine (Mỹ), đánh giá Mỹ đã đợi đến 6 tháng sau mới gởi công hàm trên là vì muốn chờ cho các nước trong khu vực (trong đó có Việt Nam, Phillipines, và Indonesia) gởi các công hàm phản đối các đòi hỏi của Trung Quốc trước. Do đó, ý nghĩa chính yếu và nổi bật nhất là Mỹ ủng hộ các nước trong khu vực bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và Phán quyết của Toà Trọng Tài tháng 7 năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

    + Các nước khác:

    Học giả Satoshi Sugiyama và Jesse Johnson ngày 7/6 nhận định trong tình hình quan hệ Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, Nhật Bản cần phải duy trì quan hệ với cả hai nước, và chính quyền ông Abe đang làm tốt việc này. Quan hệ hai nước Nhật - Trung đang dần tốt đẹp qua nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước của Thủ tướng Nhật Bản, tuy nhiên kinh tế Nhật lộ ra điểm yếu chính là quá phụ thuộc vào Trung Quốc khi du lịch và hoạt động nhà máy bị đình trệ do Covid 19. Khi được hỏi về liệu Nhật Bản sẽ đứng về bên nào trong cuộc cạnh tranh, Thủ tướng Abe đã né tránh trả lời trực tiếp nhưng nhận định Nhật sẽ duy trì quan hệ với cả hai nước ngay cả khi căng thẳng gia tăng.

    Manish Tewari (Luật sư, Đại biểu Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Ấn Độ) ngày 1/6 cho rằng Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp tại Ladakh và Biển Đông để đánh lạc hướng chỉ trích về đại dịch; đề xuất 5 phương án kiềm chế hành động của Trung Quốc.

    http://nghiencuubiendong.vn/

    Không có nhận xét nào