Header Ads

  • Breaking News

    Covid 19 đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống đáy

    Đại dịch đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống đáy vì cả hai nước đều tìm cách vượt mặt nhau để định hình trật tự thế giới.

    Hình minh họa
    Những tháng gần đây, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn căng thẳng trong nhiều năm qua, xấu đi nhanh chóng, khiến lợi ích chung giữa hai nước giảm bớt trong khi xung đột lại gia tăng.

    Chính quyền Trump đã tới lôi kéo phần lớn bộ máy công quyền Mỹ vào một chiến dịch bao gồm các cuộc điều tra, khởi tố và các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Theo một phân tích về các chính sách của Mỹ, gần như toàn bộ các quan chức nội các và cấp nội các đều chấp nhận lập trường thù địch hoặc từ bỏ các chương trình hợp tác đã có với Bắc Kinh.

    Giới chức Trung Quốc ủng hộ đến cùng lời kêu gọi mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào mùa Thu năm 2019 về việc chống lại bất cứ điều gì mà họ cho là đang cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc. Họ đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đông có tranh chấp và tăng cường đe dọa đồng minh của Mỹ là Đài Loan, và truyền thông nhà nước đã có hành động bất thường khi công khai chỉ trích Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

    Đại dịch COVID-19 đã khoét sâu mối hận thù, đẩy quan hệ giữa hai nước xuống đáy. Chính quyền hai nước đều đang từ bỏ quan hệ hợp tác và tìm cách vượt mặt nhau để định hình các sự kiện trong trật tự thế giới hậu đại dịch.

    Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch khi mới bùng phát, cho biết ông đang cân nhắc sử dụng thuế quan và các biện pháp khác để buộc nước này phải bồi thường, cho dù các quan chức cấp cao mới đây đã đưa ra tín hiệu cho thấy Chính quyền Mỹ đang trì hoãn việc trừng phạt Trung Quốc về mặt kinh tế.

    Tác động trở lại của các yếu tố địa chính trị

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phát biểu công khai rằng quân đội Mỹ đã đưa virus SARS-CoV-2 vào Trung Quốc – ý tưởng mà truyền thông nhà nước Trung Quốc thổi phồng trong khi Lầu Năm Góc lại cho là lố bịch. Một báo cáo mới đây của Bộ Ngoại Giao Mỹ đã đưa ra kết luận rằng Trung Quốc và đồng minh của họ đang tiến hành một chiến dịch bóp méo thông tin nhằm vào Mỹ trước tình hình đại dịch bùng phát ở nước này.

    Matt Turpin, cựu cố vấn về Trung Quốc trong Hội đồng an ninh quốc gia của Chính quyền Trump, cho rằng về cơ bản đó là tác động trở lại của các yếu tố địa chính trị. Theo ông, Mỹ cần đối đầu với Trung Quốc vì né tránh không khiến tình hình khá hơn.

    Những người ủng hộ Mỹ thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc cho rằng chính sách này đang phát huy hiệu quả khi mang lại một thỏa thuận thương mại một phần mà theo đó, Bắc Kinh cam kết tăng cường mua hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Nói rộng ra, cách tiếp cận này đang cản trở Trung Quốc bằng việc chứng tỏ sức mạnh của Mỹ và thiết lập lại mối quan hệ mà trước đó nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.

    Một số quan chức và nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại lo ngại rằng sự nghi ngờ lẫn nhau đang làm suy giảm những lợi ích chung còn sót lại giữa hai nước. Trên một diễn đàn trực tuyến có sự tham gia của các chuyên gia Mỹ và Trung Quốc vào tháng 4/2020, Vương Tập Tư, Viện trưởng Viện nghiên cứu quốc tế và chiến lược thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Suy nghĩ chung của người dân Trung Quốc là Mỹ không muốn Trung Quốc trỗi dậy thành một cường quốc toàn cầu”.

    Theo một khảo sát được Trung tâm nghiên cứu Pew tiến hành hồi tháng 3/2020, khoảng 2/3 trong số 1.000 người Mỹ được hỏi có cái nhìn thiếu thiện cảm về Trung Quốc. Đó là kết quả tồi tệ nhất kể từ khi Pew bắt đầu khảo sát về vấn đề này vào năm 2005, và tăng gần 20 điểm phần trăm kể từ khi Chính quyền Trump bắt đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ người có đánh giá tích cực về Tập Cận Bình cũng ở mức thấp mới.

    Các thành viên tham gia chiến dịch tái tranh cử của Trump muốn biến chính sách cứng rắn của ông đối với Trung Quốc thành vấn đề trọng tâm. Họ tin rằng chính sách này sẽ thu hút những người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động và trói buộc nhân vật được cho là đối thủ của Trump trong đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, với cái mà nhiều người ở Washington cho là lập trường ôn hòa hơn của Chính quyền Obama đối với Bắc Kinh.

    Theo những người thông thạo về vấn đề này, Trump vẫn chưa hoàn toàn chấp thuận chiến thuật này và đã từ chối thông qua một quảng cáo nhằm công kích Biden và Trung Quốc. Tuy nhiên, những người này cũng cho biết đại dịch và thiệt hại mà nó gây ra đã khiến Trump trở nên cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.

    Trong một cuộc điện đàm gần đây với phóng viên Wall Street Journal, Trump cho biết ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 một phần nhờ vào việc chỉ trích giới lãnh đạo chính trị Mỹ vì đã để Trung Quốc qua mặt thay vì trực tiếp công kích các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ông cho rằng cách tiếp cận đó đã giúp gây sức ép buộc Bắc Kinh phải ký thỏa thuận thương mại một phần hồi tháng 1.

    Trump nói rằng ông giận dữ với Trung Quốc vì đại dịch và sự chết chóc mà nó gây ra. Ông nói: “Lẽ ra chúng ta đã có thể ngăn chặn được đại dịch này”. Điều mà ông muốn Tập Cận Bình làm chính là điều mà Mỹ đang làm – truy tìm nguồn gốc của đại dịch.

    Tháng 4/2020, các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ đang tìm cách xác định liệu có phải virus SARS-CoV-2 đã rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc, nơi đại dịch bắt đầu bùng phát, hay không.

    Sức ép trong nước

    Cho dù chỉ đạo một chính sách đối phó với Trung Quốc mà nhiều người xem là cứng rắn nhất trong lịch sử 40 năm quan hệ giữa hai nước, nhưng Trump vẫn thường xuyên ca ngợi Tập Cận Bình và nói về mối quan hệ giữa họ – một chiến thuật mà theo các quan chức của Chính quyền Trump là nhằm mang lại cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cơ hội để đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc thay đổi.

    Đầu năm 2020, một vài cố vấn chính trị của Trump, bao gồm những người có tham gia và không tham gia chiến dịch tranh cử, đã thúc giục ông đối đầu trực tiếp hơn với Trung Quốc, điều mà họ cho rằng hẳn sẽ có sức hấp dẫn lưỡng đảng. Ý tưởng mà họ đề xuất là thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và việc liệu Bắc Kinh có phản ứng thích đáng để kiểm soát sự bùng phát của đại dịch hay không.

    Tháng 1/2020, Trump đã hai lần bác bỏ đề xuất từ êkíp của ông về việc thúc giục Tập Cận Bình phải minh bạch hơn về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 và triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus này gây ra. Theo các quan chức Nhà Trắng, một trong hai lần đó, Trump còn phát biểu rằng việc chỉ trích có thể khiến Bắc Kinh trở nên kém nhiệt tình.

    Sức ép trong nước ở cả Mỹ lẫn Trung Quốc có thể làm xấu thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng. Những người ủng hộ Biden cũng đã tạo ra những quảng cáo tập trung vào việc công kích Trung Quốc. Tập Cận Bình cũng vấp phải những chỉ trích trong nước vì đại dịch, và chính quyền của ông đã tìm cách phô trương sức mạnh khi làm việc với phía Mỹ vì ông muốn khôi phục một nền kinh tế đã đình trệ vì đại dịch, kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao và chấm dứt tình trạng bạo loạn chống chính quyền vẫn diễn ra dai dẳng ở Hong Kong.

    Thập kỷ căng thẳng

    Quan hệ Mỹ-Trung đã ở trong tình trạng bất ổn hơn một thập kỷ qua, với những căng thẳng thương mại đã tồn tại từ lâu, những cáo buộc về việc Trung Quốc ăn cắp công nghệ, và việc nước này đẩy mạnh chính sách quân sự và đối ngoại quyết đoán hơn. Bắc Kinh đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của mình một cách hung hăng hơn, gây tổn hại cho một nước Mỹ vốn bị cho là đã suy yếu vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau khi lên nắm quyền cuối năm 2012, Tập Cận Bình đã đẩy nhanh nỗ lực, tận dụng năng lực quân sự và sức mạnh thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc để thuyết phục các nước khác chú ý đến các lợi ích của Trung Quốc.

    Vài tuần sau khi đảm nhiệm cương vị chủ tịch nước, Tập Cận Bình đã có bài phát biểu nội bộ với các đảng viên cốt cán trong chính phủ, quân đội và các cơ quan khác. Lấy Liên Xô trước đây làm bài học, ông cảnh báo rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc phải duy trì vai trò lãnh đạo về mặt tư tưởng đối với xã hội, nếu không sẽ có nguy cơ bị sụp đổ và phải chịu khuất phục trước phương Tây.

    Mặc dù khi đó chỉ có bản tóm tắt của bài phát biểu được công bố, nhưng các quan điểm mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đã được làm rõ trong các cuộc thảo luận diễn ra sau đó cũng như trong các văn kiện đảng, và xác lập đường hướng của Trung Quốc là cạnh tranh chứ không hội nhập với trật tự toàn cầu do Mỹ đứng đầu. Tập Cận Bình kiểm soát chặt chẽ hơn mọi phát ngôn, đặt ra các quy định mới về an ninh công nghệ, cũng như tăng cường các cuộc điều tra chống độc quyền và các vấn đề khác.

    Những động thái đó khiến Trung Quốc bị giới doanh nghiệp Mỹ, bộ phận cử tri từ lâu đã đặt nền tảng cho quan hệ song phương, xa lánh. Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã ủng hộ chính sách “cùng phát triển” với Trung Quốc, nhưng sự lạc quan đó đã biến thành sự nghi ngờ, chủ yếu do những bước đi hung hăng của Trung Quốc tập trung vào việc thâu tóm công nghệ Mỹ và việc nước này tiếp tục các chính sách nhằm hạn chế quyền tiếp cận của các doanh nghiệp nước ngoài đối với thị trường của họ.

    Khi mới đắc cử, Trump đã do dự trong việc đưa ra một số lời đe dọa nghiêm trọng hơn so với thời điểm vận động tranh cử đối với Bắc Kinh để có được sự trợ giúp của Trung Quốc trong việc đối phó với Triều Tiên, quốc gia đang tăng tốc chương trình hạt nhân, tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa và đe dọa gây chiến.

    Tuy nhiên, khoảng 1 năm sau khi tại nhiệm, Chính quyền Trump đã trở nên bớt nhân nhượng hơn trước. Trump đã từ chối nhượng bộ Bắc Kinh để được quyền tiếp cận thị trường của họ và bắt đầu sử dụng thuế quan, mở màn cho một cuộc chiến thương mại. Lần đầu tiên trong Chiến lược an ninh quốc gia mới của mình, Mỹ xác định không chỉ Nga mà cả Trung Quốc cũng là đối thủ phá rối đang có ý định thách thức trật tự do Mỹ dẫn dắt.

    Các chính sách thù địch

    Quan điểm về Trung Quốc đã trở nên cứng rắn trong những năm cuối nhiệm kỳ của Chính quyền Obama, khi Tập Cận Bình ra sức củng cố quyền lực, nhưng Nhà Trắng lại tìm cách duy trì các lĩnh vực hợp tác, chủ yếu là chống biến đổi khí hậu và kinh tế toàn cầu. Với việc xác định Trung Quốc là một mối đe dọa, chiến lược của Trump đánh dấu sự đoạn tuyệt của chính quyền ông với các chính quyền tiền nhiệm.

    Tướng lục quân về hưu H. R. McMaster, người chỉ đạo chiến lược này trong vai trò cố vấn an ninh giai đoạn đầu nhiệm kỳ của Chính quyền Trump, nói: “Chúng tôi đã đánh giá thấp mức độ mà ý thức hệ chi phối Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vì vậy, trong nhiều năm, chúng tôi đã tự phụ khi cho rằng có thể thay đổi Trung Quốc bằng việc chào đón họ gia nhập trật tự quốc tế. Đến năm 2017, mọi thứ đã chứng tỏ suy nghĩ này là không đúng”.

    Một phân tích về các chính sách của Chính quyền Trump đối với Trung Quốc cho thấy gần như tất cả 23 quan chức nội các và cấp nội các đều ủng hộ việc thực hiện các chính sách thù địch đối với nước này hoặc giảm hợp tác với họ. Bộ Tư pháp Mỹ đã triển khai “Sáng kiến Trung Quốc”, khuyến khích khởi tố các hành vi gián điệp, ăn cắp và truy cập bất hợp pháp mạng máy tính liên quan đến Trung Quốc.

    Năm 2019, Bộ Giáo dục Mỹ đã bắt đầu điều tra nguồn đầu tư nước ngoài tại các trường đại học của nước này. Cuộc điều tra buộc các trường phải tuân thủ một quy định của luật pháp mà nhiều trường đã bỏ qua và báo cáo nguồn đầu tư nước ngoài trị giá 6,5 tỷ USD đã được giấu kín trước đó.

    Các cơ quan độc lập như Ủy ban truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cũng đã hành động. FFC đã bắt đầu cắt giảm đáng kể quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng viễn thông Mỹ. Chủ tịch FCC Ajit Pai đã đăng trên trang Twitter các bài viết về những hành vi của Trung Quốc mà ông căm ghét, mỗi bài viết đều gắn dòng chữ mỉa mai “Bạn không nói”. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết một trong những người theo dõi ông trên trang Twitter là người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên. Tuy nhiên, ông nói: “Tôi không để chế độ theo dõi lại người này vì tôi không muốn ông ta nhắn tin trực tiếp cho tôi trên mạng xã hội”.

    Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo kêu gọi Mỹ đối đầu với Trung Quốc dựa trên tình hình hiện tại thay vì dựa trên tình hình mà họ mong muốn. Trong một bài phát biểu về chính sách đối với Trung Quốc vào tháng 10/2019, ông nói: “Giờ đây, chúng ta cuối cùng cũng nhận ra mức độ thù địch thực sự của Trung Quốc đối với nước Mỹ và các giá trị của chúng ta”.

    Theo một nguồn tin thân cận, năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ đạo tất cả các đại sứ quán của nước này trên thế giới thành lập các nhóm làm nhiệm vụ giám sát ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và báo cáo lại để giúp xây dựng các chiến lược đối phó. Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ nhiệm một đặc phái viên để đối phó với cái mà một nữ phát ngôn viên gọi là “những ảnh hưởng xấu” của Trung Quốc và nhiều nước khác tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác. Nhiệm vụ đầu tiên của đặc phái viên này, cũng như các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại, là ngăn chặn ứng cử viên được Trung Quốc hậu thuẫn trở thành người đứng đầu cơ quan của Liên hợp quốc có nhiệm vụ thúc đẩy việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

    Trung Quốc đã có những phản ứng phù hợp với phát biểu của Tập Cận Bình trước các cán bộ nguồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại học viện chuyên đào tạo giới tinh hoa của nước này hồi tháng 9/2019. Ông kêu gọi các cán bộ phải “dám đấu tranh và giỏi tranh đấu”.

    Trong đại dịch COVID-19, Bắc Kinh đã viện trợ đồ dùng bảo hộ và các thiết bị y tế khác cho các nước mà họ đang tìm cách lấy lòng, đồng thời cũng huy động các đoàn ngoại giao gây áp lực cho các nước tiếp nhận viện trợ để đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ nhận được những lời khen ngợi từ cộng đồng quốc tế. Khi Chính quyền Trump chỉ trích Tổ chức y tế thế giới (WHO) vì đã bao che cho Trung Quốc và ngừng khoản viện trợ hàng năm lên tới hàng trăm triệu USD cho WHO, Bắc Kinh đã tài trợ thêm cho tổ chức này 30 triệu USD.

    Trong nước, cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn Pompeo là mục tiêu của các cuộc công kích gay gắt đến mức bất thường nhằm vào một chính trị gia cấp cao của Mỹ. Trong bản tin buổi tối, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc đã gọi Pompeo là “kẻ thù chung của nhân loại” và “ác quỷ” với lý do ông ta đã bôi nhọ Trung Quốc vì đại dịch.

    Ngày 6/5/2020, một nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thách thức Pompeo đưa ra bằng chứng chứng minh tuyên bố mới đây của ông rằng virus SARS-CoV-2 xuất phát từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

    Các tác giả Kate O’Keeffe, Michael C. Bender Chun Han Wong 

    Nguồn: The Street Journal.

    (Nghiên cứu Biển Đông)

    Không có nhận xét nào