Header Ads

  • Breaking News

    Khai thác cát gây nguy hiểm cho nông dân Đông Nam Á

    Nông dân Đông Nam Á (ĐNA) đối mặt với áp lực gia tăng để nuôi sống khu vực trong đại dịch, nhưng trên cả hạn hán và thay đổi khí hậu, họ đang đối mặt với ảnh hưởng của việc khai thác cát.
    “Đất nầy của tôi, nó sạt lở dần từ bờ sông và một lúc sau, toàn bộ khối đất hoàn toàn sụp đổ,” Than Zaw Oo, một nông dân ở ven sông Salween trong vùng đông nam Khu Hành chánh Mon, Myanmar, nói với Reuters mới đây. Ông nói ông mất ¾ đất vì sạt lở, và nay đang thiếu vài ngàn USD nợ dùng cho việc gia cố bờ, trong cố gắng để duy trì nông trại của ông.

    Trong khi Covid-19 gây chấn động kinh tế và việc đóng cửa tạm thời khiến nhiều người không có thu nhập, đại dịch nêu câu hỏi về an ninh của nguồn lương thực. Nông nghiệp ở ĐNA cho đến nay vẫn ổn định, mặc dù nông dân trong vùng đã chật vật với những thách thức đáng kể từ hạn hán và thay đổi khí hậu trước khi có đại dịch.

    Nhưng nay,nông dân cũng đang nhận thấy ảnh hưởng từ việc khai thác cát, một kỹ nghệ đang vươn ra được thúc đẩy bởi nhu cầu cát cho bê tông và kiếng cho các thành phố và dự án hạ tầng cơ sở.

    Dọc theo các sông và duyên hải trên khắp ĐNA, những người khai thác cát dùng máy xúc để lấy cát, đổ đống trên các xà lan để mang sang các thành phố khổng lồ như Bangkok hay Jakarta hay xa hơn. Quốc gia nhập cảng cát lớn nhất thế giới là Singapore, dùng cát cho các dự án cải tạo đất. Những nguồn lớn nhất cho việc khai thác cát ở trong vùng là Cambodia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Việt Nam.

    Theo một phúc trình của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UN Environmental Programme (UNEP)), nhu cầu cát toàn cầu gia tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua đến 50 tỉ tấn mỗi năm, nhiều hơn bất cứ tài nguyên thiên nhiên nào khác. Phúc trình cũng cho thấy việc khai cát cát gây ô nhiễm, ngập lụt, hạ thấp mực nước ngầm và hạn hán. [Lời người dịch: Khai thác cát có thể gây ô nhiễm; nhưng nó chưa được chứng minh là gây ngập lụt, hạ thấp mực nước ngầm, và gây hạn hán.]

    Ảnh hưởng của việc khai cát cát làm cho hệ thống lương thực của ĐNA giảm sức chịu đựng và khiến cho nông dân trong vùng dễ bị tổn thương hơn là ảnh hưởng của thay đổi khí hậu và những chấn động như đại dịch Covid-19.

    Khi cát được xúc từ lòng sông, nó thay đổi tình trạng thủy học của sông và gây thiệt hại cho hệ sinh thái. Nó hủy hoại nơi cư trú của cá và lấy đi chất dinh dưỡng cho thú và nông nghiệp. Khai cát cát từ lòng sông cũng gây sạt lở, dọc theo sông nơi khai thác cát hay dọc theo bờ biển, nơi phù sa từ sông bồi đất. Ở các châu thổ, việc khai thác cát cũng có thể làm cho xâm nhập của nước mặn trở thành mối đe dọa. [Lời người dịch: Điều nầy cũng chưa được chứng minh.]

    Nông dân ĐNA đang mất đất vì sạt lở

    Sạt lở do khai thác cát đang gập nhấm đất đai của nông dân như Than Zaw Oo và nó có thể gây nguy hiểm cho nguồn lương thực của Myanmar. Cư dân dọc theo sông Salween và Irrawaddy, nơi Myanmar trồng hầu hết lương thực, nói với các phóng viên và nhà nghiên cứu rằng sạt lở đã gia tăng nhanh chóng từ khi có việc khai thác cát.

    Marc Goichot, một chuyên viên về nước ở Á Châu Thái Bình Dương của WWF, nói với Frontier Myanmar rằng các nhà nghiên cứu của ông nhận thấy Châu thổ Irrawaddy đã bị mất dần vì phù sa bị lấy đi từ hệ thống sông. Năm 2008, châu thổ bị tàn phá bởi bão Nargis, làm cho 138.000 người chết. Ông Goichot nói, nếu châu thổ, một vùng sản xuất lương thực quan trọng, bị một cơn bão tương tự trong lúc nầy, ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều. Khi thay đổi khí hậu khiến cho giông bão mạnh hơn và thường xuyên hơn trên khắp vùng, nguy cơ đối với các châu thổ cạn kiệt như Irrawaddy gia tăng.

    Sự bùng phát khai thác cát hiện nay ở Myanmar bắt đầu một phần vì Philippines, Malaysia, Cambodia và Việt nam đã hạn chế hay cấm xuất cảng cát sang Singapore, nâng cao nhu cầu ở Myanmar.

    Khai thác cát làm cho nước mặn tràn ngập nông nghiệp ở châu thổ

    Ảnh hưởng của việc khai thác cát cũng khiến cho các châu thổ hệ trọng của khu vực dễ bị tổn thương vì xâm nhập của nước mặn từ biển, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ĐBSCL). Đây là một trong những vùng nông nghiệp trù phú nhất của ĐNA và thiết yếu cho hệ thống lương thực trong khu vực và toàn cầu.

    Nhưng việc khai thác cát làm lòng sông sâu thêm, nó cho phép nước biển thâm nhập càng ngày càng sâu hơn vào hệ thống sông trong mùa khô. Lòng sông sâu hơn và lưu lượng thấp hơn cũng có nghĩa là nước biển ở trong ĐBSCL lâu hơn, và hủy hoại mùa màng. Giữa thu hoạch ít hơn và thu nhập thấp hơn của nông dân, sự xâm nhập của nước mặn là một đe dọa lớn đối với nông nghiệp của ĐBSCL: năm nay, nó gây thiệt hại cho mùa màng sâu đến 110 km vào đất liền. [Lời người dịch: Đây có vẻ là mức xâm nhập của nước mặn trong sông Vàm Cỏ Tây. Việc gây thiệt hại cho mùa màng không được chứng minh.]

    Nguồn: Chmee2

    Vấn đề thêm nghiêm trọng vì hạn hán và mực nước thấp kỷ lục trong sông Mekong và hồ Tonle Sap ở Cambodia, cung cấp 1/3 nhu cầu nước của ĐBSCL. Không có lưu lượng thêm vào đó, nước biển có thể xâm nhập sâu thêm 30-40% vào đất liền trong mùa khô năm nay.

    ĐBSCL cũng dễ tổn thương đối với những thay đổi thủy học nhiều hơn dự đoán trước đây, như một nghiên cứu của Đại học Utrecht ở Netherlands cho thấy là ĐBSCL, trên trung bình, chỉ cao hơn mực nước biển 0,8 m, thấp hơn 2 m so với các đo đạc trước đây. [Lời người dịch: kết quả nghiên cứu của Đại học Utrecht không phù hợp với thực tế.]

    Theo WWF và Ủy hội Sông Mekong, cát được khai thác từ Mekong lên đến trên 55 triệu tấn mỗi năm – gần gấp đôi số lượng được sông mang đến. Nhưng số lượng phù sa tự nhiên cũng giảm nhanh với việc xây cất các đập thủy điện: một nghiên cứu của UNEP và Viện Môi trường Stockholm năm 2017 cho thấy rằng, nếu các chánh phủ Mekong tiếp tục với 11 đập dự trù trên dòng chánh Mekong, nó có thể ngăn chận 94% phù sa đến ĐBSCL.

    Lòng sông ở nhiều nơi trong hạ lưu Mekong sâu thêm từ 20 đến 30 cm mỗi năm. Giữa khai thác cát và ảnh hưởng của đập, ĐBSCL có thể mất hầu hết phù sa để ngăn chận sự sục sạo của nước biển.

    Nhu cầu cao thúc đẩy khai thác trái phép, ngay trong Covid-19

    Indonesia, Cambodia, Malaysia và Việt Nam tất cả đã cấm hay kiểm soát việc khai thác cát, một số để bán cho Singapore. Nhưng hầu hết đều trái phép: từ năm 2007 đến 2016, chỉ có 3,5% cát xuất cảng từ Cambodia sang Singapore được chánh phủ Cambodia ghi nhận.

    Ở Việt Nam, mức độ khai thác cát trái phép gia tăng đáng kể trong lúc quốc gia nầy đóng cửa vì Covid-19, theo cư dân địa phương. Cư dân ở huyện Ba Vì, Hà Nội báo cáo một sự gia tăng lớn các xà lan khai thác cát ở trong vùng của sông Hồng. Người địa phương trong tỉnh Bình Phước ở phía nam cũng báo cáo một sự gia tăng tương tự, với xe vận tải đến và rời cộng đồng mỗi ngày.

    Giới chức Việt Nam cố gắng theo dõi việc khai thác trái phép và bắt giữ một số người vi phạm, nhưng vấn đề vẫn như trước. Kế hoạch sắp tới của chánh phủ là nâng mức phạt đối với việc khai thác trái phép và có thể sửa luật để xếp việc vi phạm thành tội ăn trộm.

    Nhưng mặt khác, trong một nền kinh tế bấp bênh, khai thác cát cho thu nhập rất nhanh. Một mẻ cát có thể mang lại từ 700 đến 1.000 USD, so với lợi tức trung bình hàng tháng của người Việt Nam là 269 USD. Giá cát cũng đang gia tăng nhanh chóng - ở Việt Nam, giá cát tăng gấp 4 lần trong năm 2017. Với ảnh hưởng kinh tế của đại dịch, các chánh phủ sẽ phải hỗ trợ các người khai thác cát để tìm sinh kế khác.

    Từ sạt lở đến nước mặn xâm nhập, vét lòng sông tạo thêm nguy hiểm khiến nông dân trong vùng dễ bị tổn thương hơn – vào lúc nhiều người đang lo lắng về sự ổn định của nguồn lương thực. Khai thác cát đặt nông nghiệp ĐNA vào nơi nguy hiểm, và nếu không có luật lệ cẩn thận, thi hành luật pháp và những bước để giảm nhu cầu, nông dân ở nhiều nơi sẽ rất chật vật để nuôi sống cả vùng.

    Không có nhận xét nào