Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Chủ nhật 5 tháng 7 năm 2020


    67% người dân Đài Loan xác định họ là người Đài Loan, không phải người Trung Quốc

    Tờ Taiwan News cho biết, kết quả một cuộc khảo sát mới nhất cho thấy, khoảng 67 phần trăm người dân Đài Loan xác định họ là người Đài Loan. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành đầu tiên vào năm 1992.

    Cuộc khảo sát cho thấy tỷ lệ những người nhận họ là người Đài Loan đã tăng mạnh từ 56,9% vào năm 2019 lên 67%. Những người coi mình là người Đài Loan và người Trung Quốc đã giảm xuống còn 27,5%, mức thấp nhất kể từ khi cuộc khảo sát được tiến hành đầu tiên vào năm 1992. Những người nhận họ là người Trung Quốc là 2,4%.

    Ngoài ra, kết quả một cuộc khảo sát riêng biệt khác hỏi về tương lai của Đài Loan cho thấy, khoảng 27,7 phần trăm người dân ủng hộ việc duy trì tình trạng hiện tại và dần tiến tới độc lập, tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1994.

    Những người ủng hộ việc duy trì tình trạng hiện tại còn độc lập thì sẽ quyết định sau đã giảm xuống còn 28,7%, trong khi những người muốn duy trì tình trạng hiện tại vô thời hạn cũng đã giảm xuống còn 23,6%.

    Đối tượng khảo sát là công dân Đài Loan từ 20 tuổi trở lên.

    Ấn Độ sẽ ngừng mua 2.8 tỷ USD thiết bị điện từ Trung Quốc


    Bloomberg ngày 3/7 đưa tin, trong một cuộc họp với các quan chức ngành năng lượng, Bộ trưởng Năng lượng Ấn Độ Raj Kumar Singh phát biểu rằng quốc gia Nam Á hoàn toàn có khả năng sản xuất mọi thiết bị điện.

    Ông Singh tuyên bố Ấn Độ sẽ ngừng nhập toàn bộ thiết bị điện từ Trung Quốc và lên án việc Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ và khiến quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. “Vậy mà chúng ta lại tạo ra công việc tại quốc gia đó mà không ở chính nước chúng ta. Điều này không thể xảy ra”.

    Theo ông Singh, Trung Quốc xuất khẩu 210 tỷ rúp (2,8 tỷ USD) thiết bị điện sang Ấn Độ trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2019 trên tổng số 710 tỷ rúp thiết bị mà New Delhi nhập khẩu cho các dự án điện không tái tạo.

    Tổng thống Trump ‘thách’ ông Biden kiểm tra nhận thức

    “Ông ấy không thể vượt qua bài kiểm tra mà tôi đã đạt điểm tuyệt đối. Ông ấy nên thử thực hiện bài kiểm tra này”, Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter hôm 3/7.

    Trước đó, Tổng thống Trump từng hoài nghi về sức khỏe tinh thần của cựu phó Tổng thống Joe Biden – ứng viên tổng thống đảng Dân chủ. Ông Trump từng nhiều lần gọi ông Biden là “Joe Ngủ Gật”, thậm chí cho rằng cựu phó tổng thống Mỹ có chỉ số thông minh thấp.

    Washington Post hồi tháng trước đưa tin Tổng thống Trump từng nói với một số trợ lý Nhà Trắng rằng, ông không tin ông Biden sẽ vượt qua bài kiểm tra nhận thức do bác sĩ Nhà Trắng từng đưa ra cách đây 2 năm để kiểm tra sức khỏe của ông.

    Ông Biden năm nay 77 tuổi. Nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, ông sẽ trở thành Tổng thống Mỹ lớn tuổi nhất từng tuyên thệ nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu tiên.

    Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp giảm, thêm hàng triệu người có việc làm

    Vào ngày 2/7, chính phủ Mỹ cho biết, nền kinh tế Hoa Kỳ có thêm 4,8 triệu việc làm trong tháng 6 dù phải chật vật phục hồi sau khi bị đóng cửa vì đại dịch Covid-19.

    Văn phòng Thống kê Lao động Hoa Kỳ nói tỷ lệ thất nghiệp trong nước đã cải thiện, còn ở mức 11,1% vào tháng 6 so với con số chính thức 13,3% trong tháng 5.

    Tổng cộng có tất cả 48,4 triệu lao động xin trợ cấp thất nghiệp trong thời gian 3 tháng rưỡi ghi nhận lây nhiễm virus corona tại Mỹ. Trước khi đại dịch đổ bộ lên bờ biển nước Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp đã xuống mức thấp nhất trong gần 50 năm, ở mức 3,5%.

    Hàng triệu người thất nghiệp hiện đã trở lại làm việc, nhưng những người vẫn chưa có việc làm đang đối mặt với những khó khăn tài chính mới, với việc chính phủ Mỹ ấn định vào cuối tháng 7 sẽ chấm dứt khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung là 600 USD/tuần.

    Tổng thống Trump gọi biểu tình Mỹ là ‘chiến dịch xóa sạch lịch sử’


    “Đó là chiến dịch xóa sạch lịch sử, phỉ báng các anh hùng, xóa bỏ những giá trị của chúng ta và cố gắng thay đổi suy nghĩ của con cháu chúng ta. Tình trạng bạo lực mà chúng ta chứng kiến là kết quả có thể dự đoán sau nhiều năm truyền bá tư tưởng cực đoan và thiên vị trong giáo dục, nền báo chí và các tổ chức văn hóa khác”, Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu hôm 3/7.

    Bình luận được đưa ra trong chuyến thăm núi Rushmore ở bang Nam Dakota, nơi chân dung 4 Tổng thống Mỹ gồm George Washington, Thomas Jefferson, Theodore Roosevelt và Abraham Lincoln được khắc trên vách đá.

    Trong chuyến thăm núi Rushmore, ông Trump cũng tuyên bố sẽ không bao giờ giải tán cảnh sát hoặc tước quyền mang vũ khí của người dân. “Họ muốn bịt miệng chúng ta, nhưng chúng ta sẽ không im lặng”, ông phát biểu, đồng thời cam kết thành lập “một công viên ngoài trời rộng lớn để đặt tượng của những người Mỹ vĩ đại nhất từng tồn tại”.

    Mỹ bổ sung lực lượng tại Châu Á-Thái Bình Dương đối phó Trung Quốc


    Đối mặt với điều mà một quan chức chính quyền Trump gần đây gọi là “thách thức địa chính trị quan trọng nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh” tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, quân đội Mỹ sẽ bắt tay vào việc tái phân bổ lực lượng quân sự toàn cầu, theo Nikkei.

    Vài ngàn binh sĩ hiện hiện đang đồn trú ở Đức dự kiến sẽ được tái phân bổ đến các căn cứ của Mỹ ở đảo Guam, Hawaii, Alaska, Nhật Bản và Úc.

    Danh sách ưu tiên đã thay đổi. Trong Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia quốc phòng Mỹ cho rằng điều quan trọng là phải duy trì một lực lượng trên bộ quy mô lớn ở châu Âu để kiềm chân Liên Xô. Trong những năm 2000, trọng tâm chủ yếu tập trung vào Trung Đông khi Hoa Kỳ tiến hành “cuộc chiến chống khủng bố” tại Iraq và Afghanistan.

    Bây giờ cuộc chơi tập trung vào Trung Quốc.

    Đảng cầm quyền Nhật Bản kêu gọi hủy chuyến thăm của ông Tập Cận Bình


    Các nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tự do – Đảng cầm quyền tại Nhật Bản – cho biết hôm thứ Sáu (3/7) họ sẽ thúc giục chính phủ hủy bỏ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, viện dẫn mối lo ngại về việc Bắc Kinh đàn áp các nhà bất đồng chính kiến ở Hồng Kông theo luật an ninh quốc gia mới, theo Japan Times.

    Các thành viên cấp cao của hai ủy ban đối ngoại đảng Dân chủ Tự do đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết lên án luật an ninh được Bắc Kinh chính thức thực thi hôm thứ Ba (30/6).

    Hai ủy ban dự kiến sẽ chính thức thông qua dự thảo dự thảo nghị quyết vào tuần tới và đệ trình lên văn phòng của Thủ tướng Shinzo Abe.

    “Chúng ta không thể chỉ đứng nhìn. Chúng ta lên án mạnh mẽ [luật an ninh này]”, bản nghị quyết có ghi. “Chúng ta không thể không chất vấn việc liệu các giá trị cơ bản như tự do, nhân quyền và dân chủ có được duy trì” ở Hồng Kông hay không.

    Cố vấn Nhà Trắng: “Các phần tử cực đoan” muốn “khởi xướng một cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc khác” tại Mỹ

    Trên đài Fox News hôm thứ Bảy (4/7), Cố vấn Thương mại Nhà Trắng, ông Peter Navarro, cho biết có “những phần tử cực đoan” ở Mỹ, “về cơ bản muốn khởi xướng một cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc khác nhằm phá hủy văn hóa, thói quen, phong tục và tư duy của chúng ta”. Ông kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết buộc Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm cho việc họ che giấu dịch Covid-19 khiến dịch bệnh cục bộ tại đại lục bùng phát thành đại dịch toàn cầu, thay vì hướng sự tức giận và sợ hãi của họ trước Covid-19, nền kinh tế và lệnh phong tỏa vào lẫn nhau, theo Breibart.

    Ông Navarro cho biết, “Tôi nghĩ rằng, đêm qua, bài phát biểu của tổng thống Trump là một lời kêu gọi sự đoàn kết. Những gì tôi hiện đang nhìn thấy là sự bất bình của người dân Mỹ đối với tình trạng phong tỏa, sự bất an với nền kinh tế tương lai, và nỗi lo sợ bị nhiễm virus. Và những gì chúng ta đã làm là lấy tất cả năng lượng tiêu cực đó và hướng vào nhau, và sau đó chúng ta cũng có những phần tử cấp tiến cực đoan về cơ bản muốn khởi xướng một cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc khác để phá hủy văn hóa, thói quen, phong tục và tư duy của chúng ta, những gì Mao gọi là phá tứ cựu. Và những gì chúng ta phải làm là đoàn kết xung quanh sự thật chủ chốt này: Trung Quốc nói dối khiến người dân [thế giới] tử vong. ĐCSTQ nói dối khiến người Mỹ tử vong”.

    Huawei đối mặt lệnh cấm 5G ở Anh trong vài tháng tới

    Thủ tướng Anh Boris Johnson đang bắt đầu loại bỏ dần việc sử dụng công nghệ Huawei trong mạng lưới 5G của Anh ngay trong năm nay, trong một động thái mang tính bước ngoặt, tờ The Telegraph cho hay.

    Cơ quan Tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) đã sửa đổi đánh giá trước đây của mình, rằng các rủi ro do gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc mang lại có thể được kiểm soát một cách an toàn.

    Một báo cáo sẽ được trình lên Thủ tướng Anh trong tuần này, trong đó kết luận rằng các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Huawei sẽ buộc công ty này sử dụng các công nghệ không đáng tin cậy, khiến rủi ro vượt ngoài tầm kiểm soát nếu để Huawei thầu mạng 5G của Anh.

    Trung Quốc đổi tên Viện Khổng Tử

    Bắc Kinh đã đổi tên Viện Khổng Tử thành “Trung tâm Hợp tác và Giáo dục Ngôn ngữ” sau khi vấp phải một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên toàn cầu., theo tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (South China Morning Post).

    Các Viện Khổng Tử đã được lập ra trên khắp thế giới trong vòng 16 năm qua nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc thông qua các lớp học và sách giáo khoa do viện này cấp. Tính đến năm 2018, đã có 548 học viện và gần 2.000 phòng học Khổng Tử ở 154 quốc gia, hầu hết đặt tại các trường đại học hoặc tổ chức nước ngoài.

    Tuy bề mặt là một cơ sở quảng bá văn hóa Trung Quốc, nhưng mạng lưới Viện Khổng Tử là một công cụ quan trọng để Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng chính trị và gieo thông tin lệch lạc “tẩy não” giới trẻ hòng can dự vào chính trường nước sở tại.

    Không có nhận xét nào