Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin Thế giới ngày Thứ bảy 25 tháng 7 năm 2020

    Điểm tin Thế giới ngày Thứ bảy 25 tháng 7 năm 2020
    Điểm tin Thế giới ngày Thứ bảy 25 tháng 7 năm 2020
    Biển Đông : Hải Quân Indonesia tập trận thách thức Trung Quốc

    24 tàu chiến của Indonesia đã tham gia đợt thao dợt 4 ngày ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách « đường chín đoạn » của Bắc Kinh. Hải Quân Indonesia hôm qua 24/07/2020 cho biết như trên.

    Đợt diễn tập bắt đầu vào hôm thứ Ba 21/07, trong số 24 tàu chiến tham gia, có hai tàu khu trục tên lửa và bốn tàu hộ tống. Đợt diễn tập trên biển lần này được tiến hành cùng với hoạt động huấn luyện trên đất liền. Một phần của cuộc thao dợt được tổ chức gần quần đảo Natuna của Indonesia. Đường ranh giới vùng đặc quyền kinh tế xung quanh quần đảo Natuna trùng với bản đồ « đường 9 đoạn » mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.

    Trang Nikkei Asian Review ngày 25/07/2020 dẫn lời chuẩn đô đốc Ahmadi Heri Purwono cho biết hoạt động của quân đội Indonesia không bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19. Trong một thông cáo, Hải quân Indonesia cho biết cuộc diễn tập gần quần đảo Natuna lần này nhằm xây dựng các phương án và chiến lược bảo vệ Natuna.

    Tòa Lãnh sự Trung Quốc ở Houston gỡ quốc huy, hạ quốc kỳ, tháo bảng tên

    Trong khi trước đó một ngày, người đứng đầu Lãnh sự quán nói rằng sẽ không đóng cửa và kiên trì tới cùng cho tới khi Hoa Kỳ xóa bỏ yêu cầu.

    Trung Quốc tuyên bố sẽ không đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston trước yêu cầu hạn chót của Hoa Kỳ là 4 giờ chiều ngày thứ Sáu (24/7), nhưng các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ đã phát hiện ra Tổng lãnh sự quán Trung Quốc đã âm thầm gỡ quốc huy, hạ cờ.

    Theo Tiếng nói Hoa Kỳ, vào chiều thứ Sáu, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston đã gỡ bỏ quốc huy, hạ quốc kỳ và bảng tên, đồng thời cửa đã được khóa chặt. Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là tổng lãnh sự quán đầu tiên được mở sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Washington, và bây giờ đây là tổng lãnh sự quán đầu tiên bị đóng cửa tại Hoa Kỳ sau khi hoạt động được hơn 40 năm (20/11/1979).

    Vào lúc 2 giờ chiều (giờ địa phương), một nhà dân chủ địa phương nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ trước Tổng lãnh sự quán ở Houston rằng ông dự định đến lãnh sự quán để phản đối Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng khi ông đã đến đã thấy “chỗ treo quốc huy dưới cổng lãnh sự quán Trung Quốc bây giờ đã trống rỗng, quốc huy đã bị gỡ xuống”, “lá quốc kỳ trên cột phía trước cổng cũng đã bị hạ xuống” và “bảng tên của lãnh sự quán Trung Quốc bên cạnh cổng cũng đã bị gỡ”.

    sự quán Trung Quốc tại Houston từ chối đóng cửa

    Theo truyền thông Hoa Kỳ Politico một ngày trước đó (23/7), trong một cuộc phỏng vấn với các phương tiện truyền thông, Thái Vỹ, người đứng đầu Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, tuyên bố rằng chính quyền Bắc Kinh đang phản đối việc đóng cửa lãnh sự quán của Hoa Kỳ. Lãnh sự quán sẽ tiếp tục mở cửa bình thường và ông sẽ kiên trì tới khi có “thông báo cuối cùng”.

    Thái Vỹ nói: “Hôm nay chúng tôi vẫn hoạt động bình thường”.

    Tuy nhiên, các chuyên gia về các vấn đề của Trung Quốc tin rằng Thái Vỹ không có quyền tự quyết định liệu có nên tiếp tục mở lãnh sự quán hay không, ông ta phải chờ đợi và làm theo lệnh của Bắc Kinh. Nếu chính quyền Bắc Kinh cố gắng giữ cho lãnh sự quán của mình mở, Hoa Kỳ có thể rút thị thực của Thái Vỹ và nhân viên lãnh sự quán của mình, từ đó ủy quyền cho các đặc vụ liên bang bắt giữ và có thể trục xuất ông ta.

    Bài báo cũng nói rằng việc từ chối đóng cửa lãnh sự quán là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử quan hệ Mỹ-Trung.

    Bộ Ngoại giao Bắc Kinh đã ban hành một tuyên bố ngay sau khi Hoa Kỳ công bố lệnh đóng cửa, yêu cầu Hoa Kỳ ngay lập tức thu hồi quyết định liên quan, “tạo điều kiện cần thiết để đưa quan hệ song phương trở lại bình thường“.

    Nhiều lý do cho việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston được đưa ra

    Theo Fox News, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Bắc Kinh tại Houston. Lý do là lãnh sự quán đã chỉ đạo và bảo vệ các đặc vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc, cố gắng ăn cắp dữ liệu từ hệ thống y tế toàn quốc của Đại học A& M và Trung tâm ung thư Anderson của Đại học Texas ở Houston.

    Một nguồn tin khác chỉ ra rằng các hoạt động gián điệp được thực hiện bởi lãnh sự quán vượt xa điều này. Theo đó, việc chính quyền Trump đóng cửa lãnh sự quán Houston phần lớn là do các công ty năng lượng của Mỹ đã trở thành mục tiêu của ĐCSTQ. Nhiều nguồn tin tình báo nói với Fox News hôm thứ Năm rằng, một trong những lý do chính khiến lãnh sự quán này phải đóng cửa là ĐCSTQ đã sử dụng các mối đe dọa và phương pháp đe dọa đối với các công ty năng lượng của Mỹ ở Biển Đông, và các nhân viên ở lãnh sự quán Houston đã thực hiện công việc này.

    Sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố hôm thứ Tư rằng chính phủ đã đóng cửa lãnh sự quán vì các hoạt động gián điệp tràn lan của nó, chủ tịch của Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ, Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói rằng việc này phải nên làm sớm.

    Hoa Kỳ không sợ sự trả đũa của Bắc Kinh

    Chính quyền Bắc Kinh tuyên bố hôm thứ Sáu (24/7) rằng họ đã thông báo cho Hoa Kỳ đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Thành Đô, nói rằng đây là “phản ứng chính đáng và cần thiết” đối với yêu cầu của Hoa Kỳ về việc đóng Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston.

    Thành Đô là thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên giáp Tây Tạng. Lãnh sự quán Thành Đô là lãnh sự quán Hoa Kỳ ở khu vực cực tây của Trung Quốc. Đồng thời, lãnh sự quán cũng là cơ quan ngoại giao gần nhất của Mỹ với Khu tự trị Tân Cương. Trong số các lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, lãnh sự quán Thành Đô có ý nghĩa lớn hơn đối với Hoa Kỳ để giám sát chính quyền Bắc Kinh, vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng và Tân Cương.

    Associated Press cho biết: “Lãnh sự quán ở Thành Đô chịu trách nhiệm giám sát Tây Tạng và các khu vực có người dân tộc thiểu số ở phía tây nam Trung Quốc. Bắc Kinh coi các khu vực này đặc biệt nhạy cảm”.

    Ngoài ra, sự cố Vương Lập Quân năm 2012 cũng khiến lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô trở thành trung tâm của sự chú ý. Trong khi vụ việc này phơi bày sự đấu đá quyết liệt của ĐCSTQ, nó cũng đã mở ra một bức màn sắt về cuộc đàn áp tàn khốc của ĐCSTQ đối với người tập Pháp Luân Công.

    Tuy nhiên, Associated Press phân tích tin rằng việc ĐCSTQ đóng cửa lãnh sự quán là một động thái bất lực không có lựa chọn nào khác. Theo bài báo của Tiếng nói Hoa Kỳ, các chuyên gia về Trung Quốc tin rằng sự lựa chọn của Lãnh sự quán Thành Đô là một sự trả đũa chống lại Hoa Kỳ phản ánh tình trạng tiến thoái lưỡng nan của Bắc Kinh, rằng họ không muốn thể hiện sự yếu thể cũng như diễn biến tình hình trở nên quá nhanh.

    Thêm một gián điệp Trung Quốc sa lưới Tư Pháp Hoa Kỳ

    Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ ngày 24/07/2020 cho biết đã bắt được nhà nghiên cứu Trung Quốc Juan Tang từng trốn trong tòa lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco. Bà là một trong 4 người bị Cục Điều Tra Liên Bang cáo buộc dùng hộ chiếu giả nhập cảnh vào Mỹ và che giấu liên hệ với quân đội Trung Quốc.

    Một quan chức bộ Tư Pháp Mỹ xác nhận với báo giới, « Một người chạy trốn vào tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco trong đêm Thứ Năm 23/07/2020 đã bị bắt ». Đương sự đang bị tạm giam và trình diện trước một tòa án nội trong ngày 24/07. Quan chức này cho biết thêm người vừa bị bắt là Juan Tang, người Trung Quốc. Bà là một chuyên gia về bệnh ung thư và từ tháng Giêng 2020 đã làm việc tại Đại Học California.

    Trung Quốc tuyển dụng công dân Singapor dọ thám Mỹ

    Trong bối cảnh cực kỳ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh hiện tại, hôm 24/07/2020 trước một tòa án Liên Bang Mỹ, một công dân Singapore thú nhận làm gián điệp cho Trung Quốc. Thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco cho biết thêm :

    « Công dân Singapore này hoạt động tại Mỹ dưới một danh tính giả và tự nhận là người tuyển dụng nhân viên phục vụ cho chính phủ và quân đội Hoa Kỳ. Trên thực tế hãng của anh ta có nhiệm vụ thu thập những thông tin nhậy cảm của Mỹ để cung cấp cho phía chính quyền Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.

    Sa lưới cơ quan phản gián thuộc FBI, bị truy tố về « tội làm gián điệp cho một lực lượng nước ngoài » đương sự nhận tội vào hôm qua trước một tòa án Liên Bang tại Washington. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các gián điệp được phơi bày ra ánh sáng và căng thẳng Mỹ - Trung càng lúc càng tăng cao.

    Giới trẻ Thái Lan đốt ảnh, đòi Thủ Tướng Chan-ocha từ chức

    Giới trẻ hoạt động chính trị tại Thái Lan đốt ảnh của Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha bên ngoài Văn phòng chính phủ hôm thứ Sáu 24/7. Đám đông kêu gọi ông Chan-ocha từ chức giữa lúc áp lực đang gia tăng đối với các tướng lãnh đã cầm đầu cuộc đảo chánh năm 2014, đòi họ phải rời bỏ chức vụ.

    Trong tuần qua đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình nhỏ tại ít nhất 6 tỉnh nhằm mục đích đẩy ông Chan-ocha ra khỏi vị thế quyền lực, trong khi các vụ tranh cãi trong nôi bộ đảng đã khiến 6 thành viên trong nội các chính phủ Thái Lan từ chức.

    Hôm thứ Sáu 24/7, những người biểu tình đốt ảnh của Thủ Tướng Prayuth Chan-ocha và người đứng phó của ông, Prawit Wongsuwan, cả hai từng nắm giữ chức vụ Tổng Tư lệnh quân đội.

    “Chúng tôi muốn đốt đi hết những điều xấu xa ở Thái Lan”, anh Niwiboon Chomphoo, 20 tuổi, một người biểu tình nói.

    Anh Chomphoo nói rằng ông Prayuth Chan-ocha vẫn nắm quyền là nhờ ở “một bản hiến pháp không đáng tin cậy và bất công đối với nền dân chủ”.

    Những người chống đối nói quân đội Thái Lan đã soạn thảo một luật cơ bản nhằm bảo đảm lãnh tụ chế độ quân nhân cầm quyền, ông Prayuth Chan-ông Chan-ocha, duy trì vị thế quyền lực trong vai trò một Thủ Tướng dân sự sau các cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, với các quân nhân thuộc cánh bảo hoàng nắm các vị trí then chốt.

    Úc gửi công hàm bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

    “Chính phủ Úc bác bỏ tất cả yêu sách của Trung Quốc không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), đặc biệt là những yêu sách trên biển không tuân thủ các quy tắc của công ước về đường cơ sở, các khu vực trên biển và việc phân loại thực thể”, nội dung trong công hàm của phái đoàn Úc tại Liên Hợp Quốc ngày 24/7 nêu rõ, theo Bloomberg.

    Công hàm nhấn mạnh thêm: “Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể trên biển hoặc nhóm đảo ở Biển Đông. Úc phản đối yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông”.

    Động thái trên của Úc diễn ra sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi các yêu sách này là “phi pháp”.

    Gần đây, Úc – một đồng minh của Mỹ – liên tục có những động thái cứng rắn với Trung Quốc, như việc kêu gọi điều tra nghi vấn Bắc Kinh giấu dịch Covid-19.

    FBI truy lùng “gián điệp quân sự” của Trung Quốc khắp nước Mỹ

    Reuters đưa tin, thông qua hàng loạt cuộc thẩm vấn gần đây ở 25 thành phố của Mỹ, FBI cho biết họ đã phát hiện nhiều công dân Trung Quốc làm nghiên cứu khoa học ở Mỹ để “che giấu mối liên hệ thực sự” của họ với quân đội Trung Quốc nhằm “lợi dụng nước Mỹ và người dân Mỹ”.

    Cũng theo Bộ Tư pháp Mỹ, 4 người trong số đó đã bị truy tố vì gian lận thị thực, trong đó 3 người đã bị bắt, 1 người được cho là đang “cố thủ” hơn 1 tháng qua trong lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố San Francisco.

    Tháng trước, Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng, khoảng một nửa trong số gần 5.000 cuộc điều tra phản gián mà FBI đang tiến hành có liên quan đến Trung Quốc. Giới chuyên gia gọi đây là chiến dịch truy quét hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ lớn chưa từng có kể từ khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.

    EU nhất trí trừng phạt luật an ninh Hồng Kông

    Reuters dẫn một dự thảo của EU cho biết, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu EU ngày 24/7 đồng ý loạt biện pháp trừng phạt nhằm thể hiện sự “lo ngại sâu sắc” với luật an ninh Hồng Kông của Trung Quốc. Các biện pháp này bao gồm hạn chế thương mại và xem xét lại các thỏa thuận thị thực với đặc khu hành chính Hồng Kông.

    Dự thảo cho biết, liên minh sẽ “xem xét kỹ lưỡng hơn và hạn chế xuất khẩu các thiết bị cùng công nghệ nhạy cảm có thể được sử dụng tại Hồng Kông”, đặc biệt nếu có cơ sở nghi ngờ chúng được sử dụng “trái mong muốn” trong hoạt động “trấn áp, ngăn chặn liên lạc nội bộ hoặc giám sát không gian mạng”. Đề xuất này dự kiến có hiệu lực từ ngày 28/7.

    Trước đó, vào ngày 30/6, Trung Quốc đã ban hành luật an ninh Hồng Kông, trong đó hình sự hóa 4 loại tội phạm an ninh quốc gia gồm ly khai, lật đổ, khủng bố và thông đồng với nước ngoài hoặc các phần tử bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh. Người Hồng Kông vi phạm luật có thể bị kết án chung thân, quyền tố tụng và xét xử các “trường hợp nghiêm trọng” thuộc về chính quyền trung ương ở Trung Quốc đại lục.

    Trên 40 nước tố cáo Triều Tiên vi phạm chế tài Liên hiệp quốc

    Theo Reuters, hơn 40 nước vào ngày 24/7 đã khiếu nại Triều Tiên vi phạm mức trần của Liên hiệp quốc về nhập cảng dầu tinh chế.

    Trước đó, vào tháng 12/2017, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc gồm 15 thành viên đã áp mức trần tối đa hàng năm cho Triều Tiên là 500.000 thùng nhằm cắt nguồn nguyên liệu cho chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạo của nước này.

    Trong khiếu nại lên ủy ban chế tài Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, 43 nước, trong đó có Mỹ, Anh và Pháp, nói họ ước tính trong 5 tháng đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã nhập khẩu hơn 1,6 triệu thùng dầu tinh chế qua 56 chuyến tàu chở dầu bất hợp pháp.

    Các nước yêu cầu ủy ban chế tài của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc có quyết định chính thức rằng Triều Tiên đã vượt quá mức giới hạn và “thông báo cho các nước thành viên phải ngưng ngay việc bán, cung cấp, hay chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên trong những tháng còn lại trong năm nay”.

    Không có nhận xét nào