Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ năm 30 tháng 7 năm 2020

    Ứng dụng TikTok của Trung Quốc đang được cơ quan quản lý liên bang, CFIUS, đánh giá mức độ gây hại đối với an ninh nước Mỹ, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, Steven Mnuchin, đã xác nhận thông tin này hôm thứ Tư, theo SCMP.


    Washington đánh giá nguy hại của Tik Tok

    Ông Mnuchin nói rằng cơ quan của ông sẽ sớm đề xuất hành động đối với ứng dụng này lên Tổng thống Trump. “TikTok đang được CFIUS xem xét và chúng tôi sẽ trình khuyến nghị lên tổng thống trong tuần này”, ông Mnuchin, đứng bên cạnh ông Trump, nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng. “Chúng tôi có rất nhiều lựa chọn [để hành động]”.

    Hôm thứ Ba, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã viết thư cho các quan chức an ninh quốc gia để yêu cầu một cuộc điều tra về việc liệu TikTok có đang phục vụ những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc “gây ảnh hưởng” ở xã hội Mỹ hay không, bao gồm cả những nỗ lực nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào cuối năm nay.

    Trung Quốc kêu gọi thế giới chống ‘bá quyền’ Mỹ

    Ông Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi tất cả các quốc gia “chống lại” các hành động “vô lý và bá quyền” của Hoa Kỳ, đồng thời giúp thế giới ngăn chặn điều mà ông cho rằng là một cuốc chiến tranh lạnh mới, SCMP đưa tin hôm thứ Tư.

    “Tất cả các quốc gia nên hành động để chống lại bất kỳ hành động đơn phương hoặc bá quyền nào, cũng như bảo vệ hòa bình và sự phát triển của thế giới”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Nghị.

    Ông Nghị cũng nói rằng quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng như hiện tại là do “một phe chính trị nhất định ở Mỹ, bị thúc đẩy bởi lòng tham và mong muốn duy trì trạng thái bá quyền đơn cực”.

    Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Jean-Yves Le Drian, vào thứ Ba, ông Nghị nói Bắc Kinh sẽ có “những phản ứng hợp lý và rõ ràng” với Hoa Kỳ, nhưng cũng nhấn mạnh rằng đất nước của ông sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ ổn định với Washington.

    Đây là lần thứ tư trong vòng chưa đầy hai tuần, ông Nghị đã đề cập tới Hoa Kỳ trong các cuộc trò chuyện với các quan chức nước ngoài. Ông đã có cuộc thảo luận qua điện thoại với các đối tác Nga, Việt Nam và Đức.

    Mỹ rút 12.000 lính khỏi Đức

    Hôm thứ Tư, Hoa Kỳ đã công bố kế hoạch điều chuyển 12.000 quân ở Đức đi những nơi khác, Fox News cho hay, đây là một động thái điều chỉnh của Washington trong kế hoạch ngăn chặn ảnh hưởng của Nga và trấn an các đông mình châu Âu.

    Theo kế hoạch, 6.400 lính Mỹ sẽ được đưa về nước, trong khi đó, 5.600 quân nhân khác sẽ được điều tới các đơn vị khác ở châu Âu. Việc này sẽ được thực hiện “trong hai tuần”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho hay.

    “Những thay đổi này sẽ đạt được các nguyên tắc cốt lõi trong việc tăng cường sự răn đe của Mỹ và NATO đối với Nga, củng cố NATO, trấn an các đồng minh và cải thiện tính linh hoạt trong chiến lược của Hoa Kỳ”, ông Esper nói.

    Hơn một nửa bệnh nhân Covid thở máy ở Đức tử vong

    Cứ 5 bệnh nhân ở Đức phải nhập viện vì bệnh viêm phổi Vũ Hán thì có 1 người không qua khỏi, trong khi đó tỷ lệ tử vong đối với những người phải thở máy lên tới 53%, một nghiên cứu công bố kết quả này vào thứ Tư, theo AFP.

    Nghiên cứu này được thực hiện bởi Hiệp hội chăm sóc sức khỏe và cấp cứu liên ngành Đức, Đại học kỹ thuật Berlin và nhóm bảo hiểm y tế AOK.

    Nghiên cứu đưa ra kết luận dựa trên việc phân tích bộ dữ liệu của 10.000 bệnh nhân nhập viện ở 930 bệnh viện của Đức, trong khoảng thời gian từ 26/2 đến 19/4.

    Nghiên cứu cho biết thêm, bệnh nhân nam phải nhập viện ở Đức có tỷ lệ tử vong cao hơn nữ giới, con số tương ứng là 25% so với 19%.

    Ấn Độ nhận 5 máy bay chiến đấu từ Pháp

    Vào thứ Tư, Ân Độ đã nhận về 5 máy bay chiến đấu, trị giá hàng tỷ đô la, của hãng sản xuất Rafale, Pháp. AFP cho hay, Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã đề cập tới sự kiện này như một cảnh báo tới nước láng giềng Trung Quốc sau khi Ấn-Trung xảy ra xung đột lãnh thổ căng thẳng thời gian qua.

    Đại bác đã được bắn lên để chào mừng 5 máy bay chiến đấu hạ cánh xuống căn cứ không quân Ambala ở bang Haryana, phía bắc Ấn Độ.

    Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ, Rajnath Singh, nói rằng sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu mua từ Pháp đã đánh dấu “sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới trong lịch sử quân sự của chúng ta”.

    Ấn Độ đã đặt mua 36 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp trong một thỏa thuận trị giá 9,4 tỷ USD. Những chiếc máy bay cuối cùng sẽ được nhà sản xuất Rafale giao cho Ấn Độ vào cuối năm 2021.

    Biển Hoa Đông: Mỹ cam kết giúp Nhật giám sát tàu Trung Quốc



    Một tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động trong vùng quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang có tranh chấp Trung-Nhật. Ảnh tư liệu do tuần duyên Nhật Bản chụp ngày 22/12/2015. AP

    Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Nhật Bản ngày 29/07/2020 đã cho biết sẽ giúp Tokyo giám sát các hành vi xâm nhập nhiều “chưa từng thấy” của tàu Trung Quốc vào vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, hiện do Nhật kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền. Cam kết được đưa ra vào lúc tàu đánh cá Trung Quốc bị tình nghi là sẽ tràn ngập vùng biển Nhật Bản.

    Phát biểu nhân một cuộc họp báo trực tuyến, tướng Kevin Schneider khẳng định: “Hoa Kỳ cam kết sẽ giúp đỡ chính phủ Nhật Bản 100% để giải quyết tình hìnhở khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.”

    Theo vị tư lệnh Mỹ, nếu trước đây tàu Trung Quốc chỉ ra vào khu vực tranh chấp vài lần mỗi tháng, thì giờ đây “ta thấy là các chiếc tàu đó thực sự là ồ ạt tiến vào và thách thức quyền quản lý của Nhật Bản”.

    Lực lượng tàu thuyền Trung Quốc bao gồm những đội tàu cá có khả năng sẽ tràn ngập vùng Senkaku/Điếu Ngư sau khi lệnh cấm đánh cá hàng năm mà Bắc Kinh áp đặt hết hiệu lực từ ngày 15/08 tới đây. Kèm theo đội tàu này là các tàu dân quân biển đội lốt tàu cá, được tàu hải cảnh, thậm chí tàu hải quân Trung Quốc đi theo bảo vệ.

    Tướng Schneider đã tuyên bố như trên trong bối cảnh bản thân ông, cũng như nhiều quan chức cao cấp khác của Hoa Kỳ, đã chỉ trích Bắc Kinh lợi dụng lúc dịch Covid-19 đang hoành hành ở châu Á để đẩy mạnh các hoạt động áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại cả vùng Biển Hoa Đông lẫn Biển Đông.

    Tư lệnh Mỹ không ngần ngại đánh giá rằng Trung Quốc đã có những hành vi “hung hăng và thâm hiểm”.

    Không đầy một tiếng đồng hồ sau tuyên bố của phía Mỹ, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã lên tiếng nhắc lại rằng “tất cả các đảo trong khu vực tranh chấp đều là lãnh thổ Trung Quốc” và kêu gọi các bên “duy trì sự ổn định trong khu vực".

    Mỹ sẽ giảm mạnh số lượng nhà ngoại giao Trung Quốc



    Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas, vào ngày 24/7/2020 (ảnh chụp màn hình Twitter/IzavelPty).

    Bộ Ngoại giao Mỹ đang lên kế hoạch giảm đáng kể số lượng các nhà ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ để sao cho tương xứng với số lượng các nhà ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Thông báo dự kiến sẽ được đưa ra ​​trong những ngày tới, theo tờ The Washington Times.

    Quyết định này nhằm tìm cách giảm bớt gánh nặng đối với cơ quan phản gián của FBI, vốn hiện có khoảng 2.000 đặc vụ chuyên truy bắt các điệp viên Trung Quốc và các trợ lý của họ.

    Theo dữ liệu được Giám đốc FBI Christopher Wray hé lộ gần đây, có ít nhất 5.000 vụ gián điệp mở ở Mỹ, và một nửa trong số đó có liên quan đến Trung Quốc.

    Quyết định này được đưa ra đúng vào thời điểm căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai cường quốc liên quan tới việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston và đòn đáp trả của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đóng cửa Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.

    Điều cần nhấn mạnh là sự tương phản giữa hai quyết định: việc đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là phản ứng trước hoạt động gián điệp của Trung Quốc trên đất Mỹ, trong khi việc đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô chỉ đơn thuần là một đòn đáp trả của ĐCSTQ, the BL nhận định.

    Mỹ truy tố giáo sư che giấu quan hệ với Trung Quốc

    Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hôm nay cho biết ông Simon Saw-Teong Ang, giáo sư tại Đại học Arkansas, bị truy tố 44 tội danh, trong đó có gian lận visa và che giấu quan hệ với các công ty và chính phủ Trung Quốc, theo AP.

    FBI chi nhánh Little Rock, bang Arkansas, Mỹ hôm nay công bố cáo trạng truy tố gồm 44 tội danh đối với giáo sư Ang, người từng công tác tại Đại học Arkansas-Fayetteville (UA) ở Fayetteville từ năm 1988. Ông Ang, 63 tuổi, giáo sư kỹ thuật điện và nhà nghiên cứu tại UA, bị các đặc vụ FBI bắt hôm 8/5.

    Cáo trạng cáo buộc Ang đã che giấu mối quan hệ giữa ông với các công ty Trung Quốc khi ông nhận tiền tài trợ của Mỹ cho các công trình nghiên cứu của mình.

    Cụ thể, FBI cáo buộc ông Ang “lừa gạt Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và UA bằng cách không tiết lộ việc ông giữ các vị trí khác tại một trường đại học Trung Quốc và nhiều công ty Trung Quốc”, vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích. FBI cho biết thêm, trong quá trình nghiên cứu của mình, ông Ang đã nhận tài trợ và hợp đồng từ một số cơ quan liên bang, trong đó có NASA.

    Nếu bị kết án, ông Ang có thể đối mặt với án tù 20 năm.

    Hàn Quốc bắt 3 người Việt trốn khỏi khu cách ly

    Yonhap dẫn thông báo ngày 30/7 của cảnh sát Hàn Quốc cho biết, 3 người Việt Nam trốn khỏi cơ sở cách ly Covid-19 ở Gimpo, Seoul hồi đầu tuần đã bị bắt.

    Ba người Việt Nam đều là nam giới ngoài 20 tuổi. Họ bị cáo buộc trốn khỏi cơ sở cách ly mà không được phép hôm 27/7 sau khi nhập cảnh vào Hàn Quốc hôm 20/7. Ba người này đang đối mặt với việc bị trục xuất vì vi phạm Đạo luật phòng chống và kiểm soát bệnh truyền nhiễm Hàn Quốc.

    Họ đều có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 khi tới Hàn Quốc nhưng bị buộc phải cách ly 2 tuần theo quy định.

    Ấn Độ có thể điều thêm quân tới biên giới giáp Trung Quốc

    Bloomberg dẫn lời một số quan chức cấp cao giấu tên của Ấn Độ ngày 29/7 cho biết, quân đội Ấn Độ chuẩn bị bố trí thêm 35.000 binh sĩ đến khu vực dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) dài gần 3.500km ở biên giới với Trung Quốc.

    Động thái trên diễn ra hơn 1 tháng sau vụ đụng độ đẫm máu giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới tranh chấp ở Ladakh. Quân đội Ấn Độ hiện chưa bình luận về thông tin trên. Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm 28/7 tuyên bố nước này và Ấn Độ đã hoàn tất việc rút quân tại hầu hết các khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.

    Úc có số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục

    Úc hôm nay ghi nhận thêm số ca nhiễm nCov kỷ lục trong 24 giờ, hơn 700 ca nhiễm mới và ít nhất 13 ca tử vong, theo Reuters.

    Theo thống kê của worldometers lúc 16h39 ngày 30/7 (giờ Việt Nam), số ca mắc nCov và tử vong ở Úc lần lượt là 16.298 và 189. Bang Victoria là vùng dịch nghiêm trọng nhất ở Úc. Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew cho biết số ca nhiễm mới tăng nhanh một phần đến từ các viện dưỡng lão. Hầu hết những ca tử vong gần đây đều ở độ tuổi 70-90.

    Không có nhận xét nào