Header Ads

  • Breaking News

    Kinh tế : Những bài học lớn từ một con virus nhỏ

    Guồng máy sản xuất đang ngon trớn của thế giới bị chựng lại. Dịch virus corona (Covid-19) làm lộ rõ nhược điểm của mô hình kinh tế toàn cầu hóa, nhưng sẽ là một sai lầm khi nghĩ rằng, dịch viêm phổi chủng mới đang lan rộng trên thế giới lần này sẽ chặn đứng tham vọng của các nhà sản xuất di dời cơ sở đến những
      Kinh tế : Những bài học lớn từ một con virus nhỏ

    Virus corona sẽ giúp Donald Trump thúc đẩy các doanh nghiệp quay trở lại về Mỹ ? Dịch bệnh lần này có "hiệu quả" hơn các chương trình "Choose France" hay "Made in France" quảng bá cho hình ảnh của nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư Pháp và các nước bạn ?

    Các ngân hàng trung ương trên thế giới lần lượt tuyên bố hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thử thách do dịch Covid-19 gây nên. Bộ trưởng 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới, khối G7, họp bàn về tác động của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu và những biện pháp hỗ trợ kinh tế.

    Virus corona làm lộ rõ nhược điểm của kinh tế thế giới : lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, vào các nhà sản xuất ở phương xa mà quên mất rằng chuỗi cung ứng có thể bị "động" vì những yếu tố bất ngờ. Những yếu tố bất ngờ đó có thể là dịch bệnh như lần này, hay do xung đột địa chính trị, gây xáo trộn các trục giao thông, trên biển, trên bộ và trên không.

    Nhìn từ góc độ vi mô, với Covid-19, dây chuyền sản xuất của hầu hết mọi ngành nghề đều bị đe dọa gián đoạn. Chỉ cần các nhà máy ở tận Vũ Hán đóng cửa trong nhiều tuần lễ cũng đủ để nhân viên hãng xe Ý Fiat-Chrysler đặt tại Kragujevac, miền trung Serbia phải nghỉ việc bất đắc dĩ. Dịch Covid-19 hoành hành tại Trung Quốc khiến các nhà máy sản xuất sốt cà chua nổi tiếng của Ý không có hàng để phân phối cho các siêu thị Pháp.

    ADVERTISING

    Ads by Teads

    Các hãng dược phẩm tên tuổi của Âu, Mỹ đang lo thiếu các hoạt chất nhập khẩu từ Trung Quốc để chế tạo những loại thuốc cần thiết nhất trong đời sống hàng ngày, từ thuốc chữa bệnh tiểu đường đến thuốc điều trị về tim mạch, thuốc chống trầm cảm ... Không chỉ có nhà bào chế của châu Âu hay Hoa Kỳ lo lắng vì đã "khoán trắng" cho các tập đoàn Trung Quốc sản xuất các hoạt chất cần thiết cho bào chế thuốc, mà cả Ấn Độ, một nguồn cung cấp thuốc quan trọng khác của thế giới, cũng phải nhập khẩu đến 80 % các hoạt chất "made in China".

    Dẹp bỏ các nhà kho chứa hàng

    Câu hỏi đặt ra là vì sao ngay từ khi dịch bệnh còn khoanh vùng tại Hoa lục, các công ty lớn nhỏ từ Âu sang Á đều dự báo mức sản xuất sụt giảm trong những tháng tới ? Câu trả lời khá đơn giản. Trong thế giới mở rộng, dây chuyền sản xuất đã được quốc tế hóa. Thí dụ như những thiết bị phụ tùng cho phép sản xuất ra từ chiếc điện thoại thông minh, đến động cơ của máy bay Airbus hay Boeing đều được nhập từ khắp mọi nơi. Xe ô tô điện của Pháp, của Nhật hay của Mỹ dùng các bình điện của Trung Quốc.

    Trong cuộc chạy đua tìm lợi nhuận và cắt giảm tối đa các chi phí sản xuất, các doanh nghiệp đã dẹp bớt rất nhiều các nhà kho. Thậm chí một số công ty còn chủ trương là không cần phải thuê đất dựng bãi kho ở gần các nhà máy, bởi vì quản lý các nhà kho vừa tốn chỗ, vừa tốn kém trong lúc trên nguyên tắc, hàng vẫn được cung cấp đều đặn. Hệ quả kèm theo là khi Trung Quốc "ho", các cơ sở sản xuất của Âu, Mỹ thiếu nguyên liệu để hoạt động.

    Chính vì muốn biến Trung Quốc thành "nhà kho" mà thành phố Vũ Hán mới chỉ bị bế quan toả cảng trong vòng 2 tuần lễ đầu, tập đoàn xe hơi Hyundai ở Hàn Quốc đã phải tạm cho nhân viên nghỉ việc vì không được cung cấp đúng thời hạn các phụ tùng xe hơi. Khi dịch viêm phổi vừa bùng phát tại Trung Quốc, hãng điện thoại Apple ở mãi tận Cupertino, bang California đã vội vàng thông báo, số lượng điện thoại bán ra trong quý I năm 2020 giảm từ 5 đến 10 %.

    Ngưỡng tử vong hơn 3.100 người và trên 90.000 ca lây nhiễm virus corona trên toàn thế giới cũng đủ để các cơ quan tài chính đa quốc gia nêu lên "tình trạng khẩn cấp về kinh tế". Trên thị trường tài chính, tuần lễ cuối của tháng 2/2020, các chỉ số chứng khoán rơi xuống mức thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và 42 tỷ đô la bốc hơi. Trả lời đài RFI tiếng Việt, Eric Chaney, cố vấn kinh tế viện nghiên cứu Montaigne Paris giải thích về hiện tượng hoảng hốt này :

    "Cỗ máy sản xuất tại Trung Quốc đã bị chựng lại vì mục tiêu ngăn chận virus corona lây lan. Kinh tế qua đó bị đình trệ. Vấn đề đặt ra là ngày nay, với GDP gần bằng 20 % của địa cầu, Trung Quốc đã chiếm một vị trí rất quan trọng trên bàn cờ thế giới. Trung Quốc là một nguồn nhập khẩu lớn của thế giới, là một khách hàng không thể thiếu của châu Âu, Mỹ hay Úc. Thành thử các quốc gia này cũng bị vạ lây. Với tình trạng hiện nay, tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I năm nay sẽ bị giảm ít nhất là 2 %. Trong trường hợp khả quan nhất, phải đợi đến quý tới cỗ máy sản xuất mới hoạt động lại bình thường. Nhìn rộng ra cả năm, tổng sản phẩm đội địa của nước này có thể sụt giảm tối thiểu là từ 2 đến 3 điểm. Còn thế giới thì sẽ mất đi khoảng 0,5 điểm GDP vì virus corona".

    Báo động về mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc

    40 % hàng dệt may của thế giới do Trung Quốc xuất khẩu; hơn 1/4 đồ nội thất cũng do Trung Quốc làm ra. Về viễn thông, 25 % cáp quang sử dụng trên thế giới được sản xuất ngay tại thành phố Vũ Hán, 95 % động cơ xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc, trên dưới 85 % pin điện mặt trời cũng do Trung Quốc tạo ra, trong lúc Pháp, Đức đều đã làm chủ công nghệ này từ trước nhưng không thể cạnh tranh nổi với nhân công rẻ của nước đông dân nhất địa cầu.

    Chuyên gia Eric Chaney giải thích thêm virus corona đang làm lộ rõ những bất cập cụ thể của mô hình kinh tế toàn cầu hóa quá đã đi quá xa và cái giá phải trả :

    "Kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới đầu những năm 2000, đã có rất nhiều doanh nghiệp di dời cơ sở sản xuất sang Trung Quốc. Là một thị trường lớn, có nhân công rẻ và một mô hình kinh tế có hiệu quả, chọn Trung Quốc là tính toán rất khôn ngoan. Tuy nhiên chiến tranh thương mại Mỹ- Trung từ năm 2017 đã bắt đầu buộc giới đầu tư phải suy tính lại. Dịch Covid-19 có lẽ lại càng thôi thúc các chủ doanh nghiệp phải cân nhắc kỹ hơn cái được, cái thua trong quyết định đi tìm những địa bàn có nhân công rẻ để giảm giá thành. Dịch bệnh tại Trung Quốc lần này cho thấy, chúng ta cũng phải trả giá cho mô hình toàn cầu hóa đó, và đôi khi đó là cái giá mà chung ta không lường trước được. Rất có thể là với kinh nghiệm lần này, các doanh nghiệp sẽ phải tính tới chuyện thu hẹp khoảng cách về địa lý giữa các nhà máy và người tiêu dùng".

    Phương Tây lạm dụng công xưởng của thế giới ?

    Thảm họa sóng thần Nhật Bản năm 2011 và đợt lũ lụt kéo dài trong nhiều tuần lễ tại miền bắc Thái Lan cùng năm, từng làm xáo trộn dây chuyền sản xuất của một số công ty trên thế giới. Gần đây hơn, từ cuối năm 2017 chiến tranh thương mại Mỹ- Trung do tổng thống Donald Trump khơi mào đã khiến một số công ty chuyển hướng đầu tư quay trở về nguyên quán, hoặc đi tìm những địa bàn mới, gần với các nhà máy sản xuất, gần với thị trường tiêu dùng chính của mình hơn.

    Tại Hoa Kỳ, một trong những yếu tố khiến nhà tỷ phú New York Donald Trump đắc cử năm 2016 là cam kết "làm sống lại những vùng công nghiệp" của Mỹ với khẩu hiệu "America First". Tại châu Âu, các làn sóng dân túy tràn lên từ uất hận của một phần công luận trước hiện tượng các nhà máy liên tục đóng cửa, công ty mẹ dời cơ sở sản xuất đến những vùng có nhân công rẻ, ít bị ràng buộc vì luật lao động hay các chuẩn mực môi trường.

    Không chỉ trong ngành công nghiệp, mà ngay cả một số dịch vụ cũng đã di dời cơ sở sang những miền "đất hứa". Thí dụ như một người Pháp liên lạc với ngân hàng qua điện thoại, đầu dây bên kia được đặt mãi ở tận Tunisia, Maroc hay thậm chí là Ấn Độ !

    Ảo vọng nếu cho rằng Covid-19 khai tử mô hình kinh tế toàn cầu

    Trở lại với khu vực sản xuất, câu hỏi đặt ra là liệu sau kinh nghiệm lần này, khi mà dây chuyền của thế giới bị đe dọa gián đoạn, các công ty có xem Covid-19 như một khúc quanh và tính tới khả năng giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc hay không ? Theo chuyên gia Eric Chaney, viện nghiên cứu Montaigne - Paris, câu trả lời là Không. Ông giải thích :

    "Theo tôi, chúng ta đã trông thấy khúc quanh từ thời điểm 2017, có điều để nói một cách ví von, các khúc ngoặt ngày càng gắt thành thử ta phải bẻ tay lái nhanh hơn. Ngay từ cuối 2017 chính quyền Trump đã lao vào cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc. Châu Âu ý thức được về một số giới hạn trong việc trao đổi với Trung Quốc. Do vậy nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu rà soát lại mô hình sản xuất và đã bắt đầu tái di dời sản xuất – thí dụ như một vài doanh nghiệp Mỹ đã từ Mêhicô trở lại về Hoa Kỳ. Covid-19 lại càng làm lộ rõ những thiếu sót của mô hình kinh tế toàn cầu. Rất có thể là nhịp độ phi toàn cầu hóa sẽ tăng mạnh hơn với khủng hoảng lần này (..)

    Đây sẽ là giai đoạn để bố trí lại các chính sách phát triển của các doanh nghiệp, giảm vốn đầu tư vào Trung Quốc để chuyển hướng đi nơi khác với những lý do có thể là không liên quan gì đến virus corona cả. Phương Tây thận trọng trước các vụ cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trước mô hình quản lý thiếu minh bạch và cạnh tranh bất bình đẳng của Trung Quốc.

    Bản thân Trung Quốc cũng sẽ giảm các dự án vào châu Âu hay Mỹ. Thực ra, Trung Quốc không còn lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp nước ngoài như hồi đầu những năm 2000 nữa. Bắc Kinh đã phát triển những công nghệ riêng và những nghiên cứu khoa học riêng. Tuy nhiên, sẽ hoàn toàn không có chuyện phương Tây đột nhiên đóng cửa với Trung Quốc".

    Bốn bài học của virus corona

    Bài học thứ nhất từ dịch Covid-19 lần này là từ lâu nay, thế giới đã "ỷ lại" vào Trung Quốc, tin tưởng vào sức mạnh sản xuất của nước đông dân nhất địa cầu. Mức độ tin tưởng đó cao đến nỗi trong vài thập niên, ông khổng lồ châu Á này vừa là hầu bao của thiên hạ, vừa là nguồn tiêu thụ vừa là nhà cung ứng "nuôi" cả thế giới.

    Bài học thứ nhì virus corona đang đem lại là trên con đường đi tìm lợi nhuận, các hãng xưởng, bất luận đông hay tây, đã trông thấy nguồn nhân lực dồi dào và rẻ của Trung Quốc, thấy thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân, trông thấy lợi thế khi các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động hết công sức nhả khói gây ô nhiễm cho môi trường và không khí hay sông ngòi bị ô nhiễm đó thì dân Trung Quốc hứng chịu. Có điều, chuỗi cung ứng đó cũng có những lỗ hổng, và có thể bị một con virus nhỏ đe dọa.

    Điểm thứ ba là mâu thuẫn trong mục tiêu chống biến đổi khí hậu mà nhiều nước phương Tây đang trên tuyến đầu. Thế giới đề ra mục tiêu giảm hiệu ứng nhà kính làm hâm nóng bầu khí quyển, mà không nghĩ đến chuyện giới hạn những chuyến tàu chở hàng, đi cả vòng trái đất để đưa hàng Trung Quốc đến tay người tiêu dùng ở bên kia địa cầu.

    Bài học thứ tư là vào thời điểm này, Bắc Kinh đang lo sợ dịch bệnh càng kéo dài, uy tín của Trung Quốc trong mắt các nhà đầu tư càng mai một. Tuy nhiên cầm chắc là một khi Covid-19 chìm vào quá khứ thì mọi việc đâu sẽ hoàn đấy : không còn mấy ai nói đến một mô hình kinh tế "phi quốc tế hóa" hay "phi toàn cầu hóa", bởi vì giới tư bản luôn có những sáng kiến trên con đường đi tìm lợi nhuận.

    Vả lại nếu Trung Quốc không còn được xem là một bãi đáp an toàn, thì các doanh nghiệp quốc tế sẽ đi tìm những bãi đáp mới. Cũng có không ít các quốc gia đang phát triển muốn được trở thành "công xưởng của thế giới" như con đường mà Trung Quốc đã đi qua.

    RFI

    Không có nhận xét nào