Header Ads

  • Breaking News

    Mỹ Thuận - Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước



    (VNTB) – “Để làm vụ ba, chúng ta làm đê bao ngăn lũ, thậm chí là dự án thoát lũ ra biển Tây, vì chúng ta coi lũ là thiên tai, trong khi lũ là hệ sinh thái cần thiết. Chúng ta làm ngược lại quy luật tự nhiên, nên đất mất đi lớp nước trữ, khô hạn sẽ gia tăng”
    .
    Mỹ Thuận - Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước



    Người miền Tây giờ thì ‘tối mặt, tối mày’ mà vẫn nghèo

    Ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nói rằng từ xưa, những vùng trũng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là vùng tự nhiên chứa nước lũ, người dân bỏ đất không làm vụ ba, cho ngập lũ đón phù sa. Có giai đoạn đất nước sau chiến tranh còn nghèo, thiếu ăn, nên phải bảo đảm an ninh lương thực bằng cách mỗi địa phương tự sản xuất lúa, dự trữ càng nhiều càng tốt. Số lương thực này còn được chính quyền dùng để trả các khoản nợ mà Hà Nội đã vay để phục vụ cho cuộc chiến tranh Bắc – Nam.

    “Bây giờ, tư duy tích trữ ấy vẫn còn ảnh hưởng. Để làm vụ ba, chúng ta làm đê bao ngăn lũ, thậm chí là dự án thoát lũ ra biển Tây, vì chúng ta coi lũ là thiên tai, trong khi lũ là hệ sinh thái cần thiết. Chúng ta làm ngược lại quy luật tự nhiên, nên đất mất đi lớp nước trữ, khô hạn sẽ gia tăng”. Ông Lê Anh Tuấn nhận xét.

    Trong những buổi tọa đàm liên quan việc ‘đê bao’ ở miền Tây, nhiều nhà khoa học khẳng định đê bao khép kín, sản xuất lúa vụ 3 mặc dù đem lại sự tăng trưởng mạnh về sản lượng, nhưng cũng tạo ra những thiệt hại nặng nề cho vùng này, đặc biệt là làm giảm đi nguồn cá, mất phù sa, đồng ruộng bạc màu, dịch bệnh phát triển, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, ô nhiễm môi trường…

    Cảnh báo “đê bao càng dài, mặn càng lấn sâu” của nhiều nhà khoa học vào đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước, gần như không được chính quyền cầu thị.

    Những năm 1990, khi các tuyến đê bao khép kín ngăn lũ hình thành, người dân có thể làm lúa ngay mùa nước nổi. Cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây (An Giang, Kiên Giang), cứ thế những tuyến đê bao ngăn lũ ngày càng được đắp dài ở hai vùng trũng là Đồng Tháp Mười (phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và vùng Tứ Giác Long Xuyên (phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang).

    Đến nay, hệ thống đê bao khép kín có tổng chiều dài khoảng 7.000 km, đưa hàng triệu người dân ổn định nhà cửa phía trong đê. Khắp nơi, người dân say sưa làm lúa vụ 3, thậm chí trong 2 năm làm 7 vụ lúa. Sản lượng lúa gia tăng nhanh chóng, đưa Việt Nam trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

    Lưu ý, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản lượng gạo nhiều nhất nhì thế giới, nhưng xét về giá thì chẳng thể so bì với ai. Và hệ lụy ở đây cho thấy hoàn toàn là chuyện của lợi bất cập hại. Người nông dân Nam bộ đã thiệt đơn, thiệt kép trong vụ việc này.

    Miền Tây chứ phải đâu sông Hồng mà cần đắp đê (!)

    Hằng năm khi lũ sông Mê Kông đổ về làm cho Biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300.000 ha trong mùa khô lên 1,5 triệu ha. Từ Biển Hồ nước chảy vào Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho hai vùng này ngập sâu 3 – 4 m. Từ đây, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu, vào mùa khô đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào.

    Thế nhưng, sau khi hình thành hệ thống đê bao khép kín, một khảo sát từ năm 2000 đến 2011 (thời kỳ chưa chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các đập thủy điện của Trung Quốc), cho thấy lượng nước ở Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ m3 xuống còn khoảng 4,5 tỉ m3 do diện tích khoảng 1.100 km2 ô đê bao khép kín ngăn lại.

    “Điều này cũng đồng nghĩa đồng bằng sông Cửu Long đã mất 4,7 tỉ m3 nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Hai vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không còn nước tích trữ đủ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn ra xa nên xâm nhập mặn lại càng lấn sâu. Tệ hơn khi biến đổi khí hậu càng tác động mạnh, El Nino gây hạn hán xảy ra khắp lưu vực sông Mê Kông”, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về thủy điện và sông Mê Kông, nhận định.

    Tài liệu có tên “Đánh giá các hệ thống ngăn mặn vùng ven biển châu thổ Cửu Long và dự án thủy lợi sông Cái Lớn – Cái Bé” của nhóm nghiên cứu gồm Lê Anh Tuấn – Nguyễn Hữu Thiện – Dương Văn Ni – Nguyễn Hồng Tín – Đặng Kiều Nhân, cho biết như sau (trích): “Một điều mà nhiều người nhận xét, ở những nơi có cống – đập chặn dòng, tình trạng di dân ngày càng phổ biến. Việc canh tác khó khăn, chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận giảm, cộng thêm tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều người đã bỏ đồng ruộng đi mưu sinh ở các khu công nghiệp hoặc thành phố (ở địa phương quen gọi một tên chung là “đi Bình Dương”).

    Hiện tượng này không phải do vấn đề dân số, tốc độ tăng dân số của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là âm, mà do kinh tế nông thôn đang đi xuống. Trong vấn đề di dân, phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

    Do sông ngòi ô nhiễm, trẻ em nông thôn ngày nay không biết bơi, chỉ những đứa trẻ trừ ở các nhánh sông lớn như Sông Tiền, Sông Hậu. Đây là một nét văn hóa đã bị mất của đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động giao thông thủy sút giảm cũng là mất một nét quan trọng của văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Lượng cá trắng sút giảm nghiêm trọng nên một số món ăn mất hình ảnh con cá trên thực đơn…”.

    Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước, thời chưa có cái ngày ‘30 tháng tư lịch sử’.

    Nguồn : https://vietnamthoibao.org/

    Không có nhận xét nào