Header Ads

  • Breaking News

    Ngu hết phần thiên hạ!

    Cũ với cổ mà không có gía trị kinh tế thì cũng đập cho bằng hết. Tỉnh nào cũng có khu thương mại, quảng trường mấy chục ngàn tỷ! Đà Lạt là đầu tàu du lịch mà không có mấy trung tâm vậy để phục vụ du khách thì sao xứng là cái đầu tàu!?

    Khu Hoà Bình nhìn từ dốc Duy Tân - Dalat năm 1968
    Có nhiều người nói rằng cái gì cũ thì phải đập bỏ đi, xây cái mới để Đà Lạt phát triển. Đúng là cần phát triển, nhưng bỏ đi cái cũ hết thì hồn phố cũng mất theo.

    Hồn phố núi

    Hồn Đà lạt là những giọt sương sớm khi thưở Đà Lạt còn lạnh nhiều, sáng sớm co ro đi trong cái lạnh phà ra hơi thở trắng như sương, có lúc lại là những hạt sương li ti đọng trên mi mắt.

    Hồn Đà lạt là mùi lá và nhựa thông ngai ngái phảng phất trong nắng sớm khi đường còn vắng lặng, ít xe qua lại, đây đó những người nông dân gánh rau kĩu kịt ra phố. Mùa khô bắt đầu lại có mùi khen khét của hoa quỳ vàng rực rỡ, tiếng lá thông reo trên đồi cao.

    Hồn Đà Lạt là những con phố nhỏ quanh co, với các ngôi nhà thâm thấp, mái ngói lô xô màu nâu đậm. Hồn Đà lạt là những biệt thự kiểu Pháp mà không cái nào giống cái nào nằm rải rác trên những con đường đẹp nhất.

    Hồn Đà Lạt là những người ăn nói nhỏ nhẹ, từ tốn và hiền lành khi xe máy chỉ cần khoá cổ để ngay sau khu Hoà Bình rồi đi xuống chợ cả buổi rồi quay lại mà xe vẫn còn nguyên ở chỗ cũ. 

    Khu Hoà Bình, một toà nhà góc cạnh, nằm ở giữa trung tâm thành phố. Bên trong là rạp chiếu phim, hai bên là những cửa hàng nhỏ nhỏ. Đằng sau rạp chiếu phim là một phòng triển lãm nho nhỏ đủ loại tuỳ theo dịp lễ lạt gì đó cần được tuyên truyền trong năm. Khu Hoà Bình chỉ đông trong những dịp lễ lớn khi du khách đổ về Đà Lạt. Ngay đằng sau khu Hoà Bình là bến xe Tùng Nghĩa, từ đó có thể đi lên đồi Dinh Tỉnh trưởng được.

    Dinh tỉnh trưởng nằm trên một cái đồi có thể nói là cao nhất Đà Lạt. Từ trên đồi cao có thể phóng tầm mắt nhìn tận ấp Ánh Sáng, Hồ Xuân Hương, nhà thờ Con Gà, phía bên tay phải có thể nhìn thấy luôn sân bay Cam Ly.

    Đồi thông bao quanh dinh hoang vắng lạ thường, đứng ở đó chỉ nghe tiếng gió và tiếng thông reo. Người ta có thể đi tắt từ bến xe Tùng Nghĩa đi lên dinh rồi băng qua một cái xóm nhỏ để đâm ra ngã ba đường Bùi Thị Xuân và Tăng Văn Danh. Con đường thông lên dinh đã bị người dân bít lại và Đài Truyền Hình Lâm Đồng xây rào, làm cổng bảo vệ gần 20 năm nay.

    Ai nói lãnh đạo ngu dốt?

    Ông Đoàn Văn Việt đã ký quyết định phá bỏ khu Hoà Bình một nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của thành phố và Dinh Tỉnh Trưởng. Một khi được quy hoạch lại, đồi Dinh Tỉnh Trưởng sẽ là khu thương mại phức hợp hiện đã có chủ đầu tư.

    Theo mô hình toà nhà cao ngất trên đồi cao có mái vòm xanh mang hơi hướng trung đông. Khu Hoà Bình sẽ trở thành toà nhà kính có trồng cỏ mang hơi hướng Singapore. Tất cả là để phụ vụ giải trí cho người dân địa phương và khách du lịch.

    Chưa biết là sẽ phục vụ giải trí cho người dân địa phương bằng cách nào, nhưng chắc chắn một điều đất Đà Lạt đang lên cơn sốt kinh khủng. Giá đất ở đường Bùi Thị Xuân ngay phía bên kia đồi Dinh Tỉnh Trưởng hiện đang có giá 150 triệu một mét thì giờ nhờ cái chữ ký cho dự án đập phá này sẽ tăng cao chóng mặt. Các trục đường và đất đai quanh đó như đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Bội Châu sẽ trở thành đất vàng.

    Lãnh đạo nào không có vài miếng đất lận lưng? Một miếng đất giờ bán ra khi giá sốt từng ngày, từng giờ sẽ giúp cho lãnh đạo kiếm vài chục tỷ như trở bàn tay. Chưa kể chủ đầu tư dự án không phải tự nhiên mà trúng thầu, hay trúng thầu rồi tự nhiên không phải chia chác phần trăm nào.

    Khác du lịch sẽ giải trí gì ở khu thương mại phức hợp? Họ không tới Đà Lạt để coi phim. Họ tới Đà lạt cũng không phải để mua sắm đồ Made in China. Khu thương mại hoành tránh sẽ trát một lớp son phấn mới cho bộ mặt của Đà lạt. Cô gái Đà Lạt má hồng hồng duyên dáng sẽ đẹp như búp bê Barbie hay ít ra là diễn viên Hàn Quốc mà nhìn đâu cũng y như một khuôn. Khách du lịch sẽ được tham quan một Sài Gòn ở độ cao 1500 mét.

    Họ đang tước đi quyền của con cháu 

    Họ đã băm nát khu vực hồ Tuyền Lâm để xây khu nghỉ dưỡng. Các khu nhà đẹp kiểu biệt thự Châu Âu mọc lên trong rừng vắng để làm cái công việc của những toà biệt thự cũ đặc trưng kiểu Pháp đã được giao cách đây hơn trăm năm.

    Hàng chục ngàn cây thông đã bị đốn ngã để xây các khu nghỉ dưỡng, nhân tiện chiếm thêm luôn đất rừng để có cơ hội sẽ được phân lô để bán trục lợi. Khu Hoà Bình mới sẽ kéo theo những toà nhà mới mọc theo quanh đó để biến người Đà Lạt thành người lạ trong thành phố quen.

    Những đứa trẻ lớn lên sau này sẽ không còn biết tới một Đà Lạt yên bình với những căn nhà thấp trong tiếng thông reo. Chúng sẽ chỉ biết một Đà Lạt hiện đại, hoành tráng nhưng vô hồn như Hongkong, Thâm Quyến hay Thượng Hải, với chúng khu Hoà Bình, La Tulip, Mộng Đẹp ... không còn có ý nghĩa gì hết.

    Họ tước đi cái quyền được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc cả trăm năm có lẻ từng chứng kiến những thăng trầm của Đà Lạt. Họ tước đi cái quyền được ở trong những ngôi nhà có khung cảnh đẹp từ cửa sổ để có thể thả hồn mơ mộng trong một buổi chiều tà rồi mang chúng nhốt vô những cái hộp bê tông trắng xoá, nhìn quanh chỉ thấy các bức tường câm lặng.

    Những đứa trẻ sẽ bị mất cái quyền được phát triển cái mới nhưng vẫn đảm bảo tôn tạo và bảo trì các dấu ấn lịch sử trong các công trình kiến trúc như ở các quốc gia phương tây. Họ tước đi của chúng cái quyền được thẩm thấu cái đẹp, cái hài hoà với thiên nhiên của từng viên gạch, mái ngói, hàng cây, bụi cỏ.

    Họ tước đi cái quyền được tham quan phố cổ mang đậm dấu ấn của người Pháp ở Đông Dương, học tước đi cái quyền được cảm nhận vì sao Đà Lạt đã từng là nơi nghỉ dưỡng của những người giàu sang lúc trước. Họ bắt chúng, muốn tìm hiểu được chút hơi thở của Đà Lạt xưa thì phải đi sang tận làng quê nước Pháp hay Thuỵ sỹ.

    Cái xe lửa chạy bằng răng cưa năm xưa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt thấy vậy mà còn may hơn những biệt thự ở Đà lạt. Người Thuỵ Sỹ mua đống sắt vụn từ Việt Nam về với giá có một triệu đô la, bây giờ muốn ngồi lên cái xe lửa chạy ỳ ạch đó trên khúc đường chưa tới 20 cây số người ta phải trả tới cả trăm đô la. May là nó vô tay người Thuỵ sỹ nên còn được cho tới ngày hôm nay.

    Còn biệt thự cổ vô tay lãnh đạo? Cũ với cổ mà không có gía trị kinh tế thì cũng đập cho bằng hết. Tỉnh nào cũng có khu thương mại, quảng trường mấy chục ngàn tỷ! Đà Lạt đầu tàu du lịch mà không có mấy trung tâm vậy để phục vụ du khách thì sao xứng là cái đầu tàu!?

    Phương Thảo

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào