Header Ads

  • Breaking News

    Tin vắn Hoa Kỳ trong tuần

     
     
    SIẾT CHẶT LUẬT DI TRÚ

    Năm 1996, dưới thời TT Clinton, có một luật mới ra đời, bắt những người nhập cư vào Mỹ phải có người bảo lãnh, và người bảo lãnh đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm tiền bạc cho các vấn đề an sinh và y tế cho người mình bảo lãnh, ít nhất là trong 10 năm sau khi người di dân đã vào Mỹ.

    Một cách cụ thể, ông A bảo lãnh cho ông B vào Mỹ. Nếu ông B có vấn đề gì về sức khỏe, phải đi nhà thương, bác sĩ, mổ xẻ, thuốc men,... ông A sẽ chịu trách nhiệm trả tiền nếu ông B không trả nổi. Hay nếu ông B nhận được trợ cấp nào đó, chẳng hạn như phiếu thực phẩm, thì ông B cũng phải hoàn trả lại, nếu không trả lại được, thì ông A sẽ chịu trách nhiệm hoàn trả chính phủ Mỹ.

    Luật này có từ thời Clinton, nhưng được áp dụng rất lỏng lẻo, không đồng nhất, khi áp dụng khi không, hay khi áp dụng nửa chừng, đúng theo mô thức làm việc lè phè của công chức.

    Bây giờ, TT Trump ra lệnh thi hành luật này một cách nghiêm chỉnh và tuyệt đối qua một văn thứ xác nhận lại. Theo lệnh TT Trump, bộ An Ninh Lãnh Thổ có thời hạn 90 ngày để ra chỉ thị rõ ràng hơn về việc áp dụng luật này.

    Điều chưa rõ ràng lắm là không biết luật này có áp dụng hồi tố hay không, tức là có áp dụng cho những người nhập cư hiện đã ở Mỹ (trước ngày bộ An Ninh ra chi tiết áp dụng) dưới sự bảo lãnh của một thân nhân nào hay không, đã nhận trợ cấp hay đã nhận tiền dịch vụ y tế hay đã nhận phiếu thực phẩm mà chưa trả lại cho chính phủ hay không. Trên nguyên tắc, không thể nói chuyện ‘hồi tố’ được vì đây không phải là luật mới mà là luật đã có từ hơn 20 năm rồi. Bây giờ chỉ là chuyện thi hành luật nghiêm chỉnh thôi.

    Nhiều người sẽ công kích TT Trump vô nhân đạo mà quên mất đây là luật của quốc hội do đa số DC biểu quyết và TT Clinton ký, không phải là luật do TT Trump mới sáng chế ra. Làm luật là phải áp dụng chứ làm luật cho có mà không áp dụng là lừa dân.

    Nếu nói áp dụng đúng luật là tàn ác, thì đảng DC đang nắm đa số tại Hạ Viện đó, sao không sửa lại luật đó đi?

    Một điều quan trọng nữa đáng ghi nhận là luật hoàn trả tiền chỉ áp dụng cho trường hợp bảo lãnh di dân nhập cư –immigrants-, chứ không áp dụng cho trường hợp qua Mỹ tỵ nạn –refugees- hay theo diện HO.

    CHUYỆN DÀI BÁO CÁO MUELLER

    Như cái gân gà của Tào Tháo, nuốt không được mà nhổ thì tiếc, đảng DC vẫn cố nhai báo cáo Mueller với hy vọng cuối cùng sẽ nuốt được khúc gân quá ngon. Phe DC với sự tiếp tay của TTDC, tiếp tục cố vặn vẹo công tố Mueller cho ra chuyện.

    Trước áp lực nặng của quốc hội, công tố Mueller đã phải ra mắt báo chí. Đây là lần đầu tiên ông công khai họp báo kể từ ngày được bổ nhiệm làm công tố. Nhưng họp báo chỉ để đọc một bài viết sẵn, không cho ai đặt câu hỏi.

    Cuộc họp báo hoàn toàn vô ích vì chẳng có gì mới lạ hết. Ông Mueller nói những gì ông viết trong báo cáo đã quá đầy đủ, không có gì để nói thêm. Cho dù quốc hội có bắt ông ra điều trần thì ông cũng không có gì để thêm bớt. Báo cáo của ông chính là điều trần của ông.

    Ông Mueller không nói gì về chuyện TT Trump ‘thông đồng với Nga’ là mục tiêu chính của cuộc điều tra của ông. Coi như câu chuyện khoá sổ, khỏi bàn thêm.

    Về vấn đề cách chức giám đốc FBI có là cản trở công lý hay không và tại sao ông Mueller không truy tố TT Trump, ông Mueller giải thích “Nếu chúng tôi tin tưởng chắc chắn Trump không phạm tội, chúng tôi đã nói rõ như vậy rồi” và cũng nói thêm “chúng tôi cũng đã không lấy kết luận là tổng thống đã phạm tội gì hay không”. Đây là chuyện ông bộ trưởng Tư Pháp Barr đã viết ngay trong tóm lược báo cáo: công Mueller cho biết việc cách chức giám đốc FBI hoàn toàn hợp lệ, làm đúng thủ tục và quyền hạn của tổng thống. Nhưng ông Mueller không thể kết luận là có cản trở công lý hay không vì ông không biết ‘ý định’ thực của TT Trump.

    Ngoài ra, ông Mueller cũng cho biết “Truy tố tổng thống không phải là một ‘lựa chọn’ –option- cho ông vì luật hiện hành không cho phép chuyện này”. Ông nói “sẽ không công bằng –unfair- khi truy tố một tổng thống về một tội mà không có tòa nào cho là tội tòa có thể xử lý”. Ông cũng nói thêm “nếu tổng thống có phạm tội gì thì Hiến Pháp đã quy định những cách khác”. Có nghiã là tổng thống có thể bị truy tố, nhưng bằng cách khác, tức là qua đàn hặc, không phải qua một công tố của bộ Tư Pháp.

    Diễn giải của phe DC và TTDC: ông Trump có tội, nhưng ông Mueller bị bộ Tư Pháp trói tay không cho truy tố, do đó quốc hội cần đàn hặc. Thông điệp của ông Mueller theo diễn dịch qua tiếng nôm của kẻ này hơi khác: quốc hội muốn truy tố tổng thống, cứ việc đàn hặc ông ta đi, đừng bán cái qua cho tôi, bắt tôi làm chuyện mà tôi không có quyền.

    Nhưng câu chuyện không giản dị như vậy. Ngay ngày hôm sau, văn phòng ông Mueller ra thông báo cho biết ý ông không muốn nói là ông thấy TT Trump có tội nhưng không truy tố vì luật hiện hành không cho phép, mà ý ông chỉ muốn nhấn mạnh ông đã KHÔNG CÓ KẾT LUẬN TT Trump có tội hay không có tội; còn chuyện có truy tố tổng thống đương nhiệm được hay không là chuyện khác. Ông Mueller ca tụng việc ông Barr đã xử thế với báo cáo của ông với đầy thiện ý -good faith-. Ông viết cuộc điều tra đã chấm dứt, và kêu gọi dân Mỹ cần đoàn kết lại để canh chừng kẻ thù chung, ý muốn nói canh chừng nước ngoài xen vào chuyện nội bộ. Cuối cùng, ông Mueller cho biết ông đã đóng cửa văn phòng công tố và đã từ chức rồi.

    Dĩ nhiên là lời kêu gọi của ông Mueller như nước đổ đầu vịt, và đảng DC và TTDC phớt lờ thông báo sau của ông Mueller, vì đã có chủ ý khai thác câu nói của ông Mueller hôm trước cho mục đích đàn hặc TT Trump.

    Ý kiến ba xu cá nhân của kẻ này: ông Mueller đã không chu toàn trách nhiệm một cách đúng đắn khi ông kết luận “chúng tôi không khẳng định được TT Trump có tội hay không có tội”. Đây là cách nói ẫm ờ đi nước đôi có tính thủ thân, thiếu can đảm chính trị. Một là đưa bằng chứng rồi nói có tội, hai là nói không có tội vì chẳng có bằng chứng gì hết. Chỉ cần vậy thôi, còn chuyện truy tố TT Trump hay không là chuyện của bộ Tư Pháp lo, ông Mueller không cần phải giải thích lòng vòng rồi cải chính tới lui.

    Trong câu chuyện này, CNN viết bài tố TT Trump đã tuýt ra ‘một tràng nói láo’ –“a flurry of lies”- và CNN vạch ra như sau:

    - Chi phí điều tra: CNN tố TT Trump nói láo khi nói cuộc điều tra đã tốn 40 triệu đô. Theo chính CNN, chi phí cho nhóm ông Mueller chưa có con số cuối cùng, do đó, con số TT Trump đưa ra là nói láo. Nếu con số cuối cùng CNN chưa biết thì sao có thể nói là TT Trump ‘nói láo’? TT Trump đứng đầu hành pháp có thể đã biết con số này rồi thì sao? Nếu như sau đó, đúng như con số của TT Trump đưa ra thì sao? Ai nói láo?

    - Hợp tác điều tra: TT Trump cho biết hành pháp đã hợp tác tuyệt đối, CNN cho là ‘nói láo’, bằng chứng là TT Trump đã không chịu cho ông Mueller thẩm vấn. Thật ra, ông Mueller đã hoàn toàn tự do điều tra, tự ý thuê gần hai tá luật sư đắt tiền nhất, phần lớn là theo phe DC, chính phủ trả tiền hết, thẩm vấn cả 500 người, có được 2.800 trát hầu tòa, được sự hợp tác vô hạn của hơn 40 nhân viên FBI,.., ròng rã cả hai năm trời. Như vậy chưa là hợp tác sao? Chỉ có một chuyện duy nhất là không có thẩm vấn tổng thống vì hai bên không đi đến thỏa thuận về điều kiện phỏng vấn trực tiếp, nhưng TT Trump đã trả lời một danh sách tràng giang đại hải câu hỏi trên giấy. Sau đó ông Mueller chấp nhận và không đòi thẩm vấn trực tiếp nữa. Trong hơn 250 năm lịch sử Mỹ, chưa có một công tố nào có quyền bắt một tổng thống phải chịu thẩm vấn. TT Clinton là người đã tự nguyện chịu thẩm vấn theo những điều kiện do chính ông đặt ra.

    - Xung khắc quyền lợi (conflict of interests): TT Trump tố cáo việc điều tra vi phạm trắng trợn luật xung khắc quyền lợi. CNN cho là ‘nói láo’ vì ông Mueller đã được bộ Tư Pháp bổ nhiệm, sau khi đã thấy không có xung khắc quyền lợi gì hết. Thật ra, việc ông Mueller là bạn tâm giao với ông Comey từ đời TT Bush con mà lại đi điều tra việc ông Comey bị cách chức thì khó mà nói không có xung khắc quyền lợi. Hơn nữa, 12 luật sư của ông Mueller đã là những người công khai ủng hộ đảng DC, đã từng ủng hộ tiền cho đảng DC, có một người là luật sư riêng của bà Hillary, và một người đã từng truy tố con rể TT Trump. Như vậy chưa là xung khắc quyền lợi sao?

    - Việc truy tố: TT Trump tuýt, nói ông không bị truy tố gì hết. CNN cho là ‘nói láo’, ông Mueller không truy tố chỉ vì luật không cho truy tố. Luật không cho truy tố là luật đã có từ đời nào rồi chứ có phải luật do TT Trump đặt ra đâu? Mà TT Trump nói ông không bị truy tố là sự thật, nói láo ở chỗ nào?

    CNN bi thảm hoá vấn đề bằng cách chạy tít “a flurry of lies” nghe như cả trăm hay cả mấy chục chuyện nói áo, thật ra chỉ là 4 chuyện, mà cả bốn đều chẳng chứng minh được TT Trump đã nói láo.

    TT TRUMP ĐÁNH THUẾ QUAN TRÊN HÀNG CỦA MỄ

    TT Trump vừa ra quyết định sẽ đánh thuế quan 5% trên tất cả hàng nhập cảng từ Mễ kể từ ngày 10/6/2019 để ép Mễ phải có biện pháp ngăn chặn di dân từ Trung Mỹ băng qua Mễ để tràn vào Mỹ. Ông còn cho biết mức thuế quan này sẽ tiếp tục tăng dần cho đến 25% nếu chính quyền Mễ không có biện pháp nào giúp ngăn chặn làn sóng di dân này.

    TT Mễ đã phản đối ngay, công kích TT Trump đã lấy biện pháp kinh tế để giải quyết một vấn đề xã hội. Nhưng ngay sau đó, ông đã gửi ngoại trưởng qua Hoa Thịnh Đốn để nói chuyện lại với TT Trump.

    Quyết định mới nhất của TT Trump đã đe dọa việc phê chuẩn và thi hành thỏa ước mậu dịch mới giữa ba nước Mỹ, Mễ và Canada, là công trình TT Trump đã điều đình cả năm nay. Có tin nhiều nhân viên nội các then chốt cũng như dân biểu và nghị sĩ CH cũng không đồng ý với việc tăng thuế quan này. Do đó, chưa ai rõ đây có phải là quyết định cuối cùng hay chỉ là đòn ‘hét giá’ của TT Trump để bắt chính quyền Mễ phải có hành động cụ thể trong vấn nạn di dân.

    Hay đây là cách TT Trump giữ lời hứa bắt Mễ trả tiền xây tường biên giới?

    Dù sao thì người ta cũng thấy TT Trump coi vấn nạn di dân là ưu tiên, quan trọng hơn thỏa ước mậu dịch mới.

    CẬP NHẬT BẦU CỬ

    Danh sách ứng cử viên tổng thống của đảng DC có lẽ đã khóa sổ thật, với 24 ứng cử viên.

    Con số nghe lớn, nhưng thực tế chỉ có khoảng nửa tá có chút hy vọng, số còn lại ra để lấy tiếng, như các dân biểu, nghị sĩ và thống đốc có thể ra tranh cử để củng cố vị thế của mình cho cuộc bầu cử tới của mình thôi. Hay anh thất nghiệp Beto O’Rourke ra kiếm tiền yểm trợ để sống qua ngày? [Anh ta đã kiếm được gần 10 triệu đô]

    Bảng kê dưới đây cho thấy số tiền các ứng cử viên tổng thống đã thu nhận được tính đến cuối tháng Ba vừa qua. Cần ghi nhận khi đó, 4 ứng cử viên dưới cùng bảng chưa ra tranh cử nên chưa vận động được đồng nào.

    TT Trump không có địch thủ nên nhận được tất cả tiền của khối CH.


    Tin buồn cho phe DC; ba chuyên gia phân tách các kịch bản chính trị về cuộc bầu cử tổng thống năm tới, và cả ba đều đi đến kết luận là TT Trump sẽ tái đắc cử.

    Đặc biệt là ông Mark Zandi, kinh tế gia của Moody, một công ty đầu tư lớn, đã ‘vẽ’ ra 12 kịch bản, dựa trên các thay đổi ứng cử viên, và thay đổi hoàn cảnh chính trị. Ông Zandi kết luận TT Trump thắng trong tất cả cái tá kịch bản đó.

    Ngay cả ông Steven Rattner, cựu viên chức cao cấp của bộ Tài Chánh của TT Obama trong một bài viết trên báo phe ta New York Times, cũng đã nhìn nhận TT Trump có hy vọng rất lớn tái đác cử.

    Thật ra, nếu ta nhìn vào những ứng cử viên của đảng DC, và nhất là nhìn vào khoảng trống về sách lược kinh bang tế thế của đảng DC, thì sẽ không là chuyện lạ gì nếu TT Trump tái đắc cử. Chương trình của đảng DC có thể tóm lược lại trong hai chữ: ‘Hạ Trump”. Để rồi chẳng ai biết đảng DC sẽ làm gì nếu hạ được TT Trump.

    Trong khi đó thì đúng như thống đốc Bill Clinton đã nhận định, trong một cuộc bầu cử tổng thống, kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu của cử tri. Khẩu hiệu của ông khi tranh cử năm 1992 rất giản dị: ‘It’s the economy, stupid!”. Mà nhìn vào tình hình kinh tế hiện tại thì đảng DC coi như vô phương. Ngụy biện ‘đó là kinh tế Obama kéo dài’ chỉ làm thiên hạ cười ruồi.

    Một chuyên gia đã từng có thành tích tiên đoán trúng kết quả của 9 cuộc bầu tổng thống từ năm 1984 tới nay, ông Allan Litchman đã phán TT Trump sẽ tái đắc cử, ngoại trừ đúng một trường hợp là Hạ Viện đàn hặc ông. Theo ông Lichtman, có 13 yếu tố quyết định việc đắc cử, và trong tình trạng hiện hữu, TT Trump có lợi thế trong 10 yếu tố, và trong tương lai gần, ông không thấy làm sao những lợi thế đó có thể bị lật ngược được.

    Nói cách khác, Hạ Viện không đàn hặc thì TT Trump sẽ thắng cử thôi. Chỉ xác nhận phe DC đang cố tìm cách đàn hặc không phải vì TT Trump có tội gì mà chỉ vì đó là cách duy nhất có thể hạ được ông thôi.

    Tin khác: thống đốc DC của Nevada đã phủ quyết một dự luật quốc hội Nevada đã thông qua theo đó, đại biểu cử tri đoàn của Nevada đi bầu tổng thống sẽ bị bắt buộc phải bầu cho ứng cử viên được nhiều phiếu nhất trên cả nước thay vì bầu cho người được nhiều phiếu nhất tại tiểu bang theo như luật hiện hành. Âm mưu sửa luật bầu tổng thống của đảng DC bị một đòn nặng, càng khó thành công hơn.

    TT TRUMP THOẢ THUẬN VỚI HẠ VIỆN

    TT Trump và Ủy Ban An Ninh của Hạ Viện đã đạt được thỏa thuận, hoãn việc ra trát đòi tài liệu về tình trạng tài chánh của TT Trump từ các ngân hàng Deustch Bank (Đức) và Capital One. Thỏa thuận này đã đạt được sau khi một quan tòa phán Hạ Viện có quyền đòi những tài liệu này.

    Hiện nay, không rõ thỏa thuận này đã đạt được qua các điều kiện hay nhượng bộ nào của bên nào.

    TỐI CAO PHÁP VIỆN PHÁN QUYẾT VỀ PHÁ THAI

    Một trường hợp liên quan đến luật phá thai của tiểu bang Indiana (do PTT Mike Pence ký khi, đó còn làm thống đốc Indiana) đã được TCPV cứu xét.

    Có hai vấn đề được nêu lên:

    - Vấn đề phá thai nếu thai nhi có triệu chứng bất thường –abnormality-. Theo luật mới của Indiana, sẽ không được phá thai nếu chỉ dựa trên các thử nghiệm cho thấy thai nhi có gì bất thường. Tòa dưới bác bỏ điều luật này, giữ luật hiện hành, tức là nếu thử nghiệm cho thấy thai nhi có vần đề là phá thai được ngay. TCPV phán hoãn quyết định để có thêm phán quyết của các tòa khác. Có nghĩa là luật mới của Indiana chưa được thi hành. Chưa thể nói bên nào thắng hay thua. Dù vậy, báo Washington Post bóp méo ngay: “TCPV không cho thi hành luật phá thai mới của Indiana”.

    - Vấn đề thai nhi bị phá: TCPV biểu quyết 7-2 chấp nhận áp dụng ngay luật của Indiana phải chôn hay thiêu thai nhi bị phá ngay để tránh việc buôn bộ phận của thai nhi. Đây là chiến thắng lớn của ông Pence. Hai phiếu chống là của hai bà thẩm phán cấp tiến Ruth Ginsberg và Sonia Sotomayor, với lý do muốn hoãn việc thi hành toàn bộ luật phá thai mới, chứ hai bà không chống lại việc chôn hay thiêu thai nhi ngay.

    Trong khi đó, thống đốc của Louisiana cho biết ông sẽ ký luật cấm phá thai rất gắt mới của tiểu bang, cấm phá thai sau 6 tuần thụ thai. Điểm đáng nói là luật phá thai mới này do một dân biểu DC thảo và thống đốc ký cũng là DC luôn.

    SÁCH MỚI

    Anh nhà báo Michael Wolff trước đây đã viết sách bôi bác thậm tệ chính quyền Trump dựa trên những khám phá của anh ta trong hậu trường Tòa Bạch Ốc. Anh này gian trá, giả bộ ủng hộ ứng cử viên Trump để chui vào làm việc một thời gian trong ê-kíp Trump. Sau đó khui ra cả trăm chuyện ‘xấu’ để bôi bác qua cuốn sách “Fire and Fury”.

    Theo nhiều người làm việc trong Tòa Bạch Ốc khi đó, phần lớn các chuyện giựt gân của anh Wolff là tin phịa. Dù vậy, sách vẫn bán chạy hơn tôm tươi trong khối dân Mỹ cuồng chống Trump.


    Bây giờ, anh Wolff khai thác vấn đề để tiếp tục kiếm tiền, ra sách mới lấy tên là “Siege: Trump Under Fire”, tạm dịch là “Bao Vây: Trump Trên Lò Lửa”.

    Sách bàn về cuộc điều tra của công tố Mueller. Điểm quan trọng nhất mà sách mới nêu ra là công tố Mueller đã chuẩn bị xong việc truy tố TT Trump về tội cản trở công lý, với rất nhiều chi tiết và bằng chứng, nhưng giờ chót hủy bỏ ý định, không truy tố chuyện này nữa.

    Nghe quá hấp dẫn, sẽ thu hút được rất nhiều tay cuồng chống Trump mua về đọc để… tự sướng. Vấn đề là… cũng vẫn là fake news của anh Wolff.

    Ngay sau khi báo Anh The Guardian trích dẫn một số đoạn liên quan đến chuyện này trước khi sách được xuất bản, văn phòng công tố Mueller đã ra thông báo toàn bộ câu chuyện như anh Wolff viết là… phịa.

    Trong khi đó, có một cuốn sách cũng mới ra lò, có cái tên rất dài là “We’ve Got People: From Jesse Jackson to AOC, the End of Big Money and the Rise of a Movement”. Đại khái viết về sự trổi dậy của cánh cấp tiến cực đoan trong đảng DC.

    Điểm đặc biệt của sách này là đoạn ghi về phản ứng của bà Hillary khi nghe tin TT Trump cách chức giám đốc FBI, ông James Comey. Bà mừng quá, nhẩy tưng tưng, thiếu điều muốn ra họp báo cám ơn TT Trump. Nhưng bị các cố vấn kéo áo lại, khuyên bà trái lại, nên đả kích quyết định của TT Trump theo đúng bài bản chính thức của đảng DC khi đó.

    Bà Hillary hận ông Comey thấu trời vì theo bà, ông này chính là thủ phạm khiến bà rớt đài khi ông tung tin mở lại cuộc điều tra về vụ email một chục ngày trước ngày bầu cử tổng thống.


    Vũ Linh tóm lược

    Không có nhận xét nào