Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam, trung gian thương mại của Mỹ và Trung Quốc ?

    "Để đối phó với Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng cần một kế hoạch Con Đường Tơ Lụa Mới, mà ở đó Việt Nam là một trong những mắt xích quan trọng". Đây là quan điểm của chuyên gia Conor Sen thuộc cơ quan đầu tư New River Investment tại Atlanta trình bày trên trang mạng của hãng tin Bloomberg, ấn bản ngày 29/05/2019. RFI xin giới thiệu bài viết.
    Việt Nam, trung gian thương mại của Mỹ và Trung Quốc ?

    Trong một cuộc chiến thương mại, điểm mạnh của một quốc gia chính là nhược điểm của đối phương. Mỹ nhập hàng của Trung Quốc nhiều hơn so với khối lượng hàng của Hoa Kỳ bán cho quốc gia châu Á này. Điều đó có nghĩa là "nếu đôi bên cắt đứt quan hệ, Trung Quốc bắt buộc phải tìm những thị trường rộng lớn khác để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa. Ngược lại, Mỹ cũng sẽ phải đi tìm các nguồn cung cấp khác để lấp vào chỗ trống mà Trung Quốc để lại". Bài toán tưởng chừng là đơn giản, nhưng lại không dễ tìm ra đáp án.

    "Hiện tại có nhiều quốc gia trên thế giới cũng có nhân công rẻ, nhưng tại đây, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, sản xuất và khả năng vận chuyển hàng hóa còn bị giới hạn".

    Trong hoàn cảnh này, để giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc, tác giả bài viết cho rằng, chính quyền Trump cần giúp các nước nhỏ như Việt Nam, Indonesia hay Mêhicô phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường sản xuất ... tương tự như điều mà Bắc Kinh đã và đang làm với một số quốc gia qua dự án Một Vành Đai Một Con Đường (OBOR).

    Việt Nam, một mắt xích quan trọng

    Conor Sen đặc biệt chú ý đến trường hợp của Việt Nam : Việt Nam thường được coi là có nhiều thuận lợi để các tập đoàn đa quốc gia di dời cơ sở về đây. Bởi "Việt Nam có nhân công rẻ hơn so với Trung Quốc, Việt Nam nằm sát cạnh Trung Quốc và cũng là một đối tác thương mại ngày càng quan trọng hơn đối với Hoa Kỳ. Hai mươi năm trước tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ với bạn hàng Việt Nam không vượt quá ngưỡng 1 tỷ đô la. Trong 12 tháng trở lại đây, Việt Nam xuất khẩu hơn 53 tỷ đô la qua Hoa Kỳ. Việc Washington đánh thuế vào hàng Trung Quốc bán sang thị trường Mỹ đã cho thấy những tác động rõ rệt đối với cán cân thương mại Mỹ-Việt". (Theo Bloomberg hôm 03/06/2019, Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ-Trung hiện nay).

    Tuy nhiên tác giả bài viết trên Bloomberg cũng lưu ý rằng, việc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang một nước nhỏ như Việt Nam không đơn giản.

    Để đẩy mạnh xuất khẩu thì các quốc gia này cần có được một hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc, từ hệ thống đường bộ đến đường sắt, từ hệ thống cung cấp điện cho các nhà máy đến các hải cảng.

    Do vậy việc di dời cơ sở từ Trung Quốc sang những nước như "Việt Nam, Thái Lan, Indonesia hay Mêhicô bắt buộc phải kèm theo các dự án đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng tại các quốc gia này".

    Bắc Kinh đã sớm ý thức được điều đó và đấy là động cơ thúc đẩy sáng kiến Con Đường Tơ Lụa mới, cho phép kết nối Hoa Lục với toàn thế giới. Nếu như Trung Quốc và Mỹ nay đã trở thành hai trung tâm kinh tế của thế giới, thì có lẽ "cũng đã đến lúc Hoa Kỳ cần có một kế hoạch đầu tư quy mô vào cơ sở hạ tầng ở khắp nơi để giữ các quốc gia khác trong tầm ảnh hưởng của Washington".

    Mỹ đợi gì để cũng có OBOR ?

    Vậy điều gì đã ngăn cản Hoa Kỳ cũng đưa ra một sáng kiến theo kiểu Một Vành Đai Một Con Đường như của Bắc Kinh ?

    Tác giả bài báo cho rằng, chính trị là trở ngại lớn nhất. Chuyên gia thuộc cơ quan New River Investment tại Atlanta, Conor Sen, ghi nhận, từ sau khủng hoảng tài chính 2008 chính trường Mỹ bị tê liệt. Quốc Hội, Thượng Viện và Hành Pháp luôn chống đối lẫn nhau. Trong lúc mà Hoa Kỳ bận tâm về những xung đột trên chính trường, tại Bắc Kinh, các chính quyền liên tiếp không hề gặp trở ngại.

    Tác giả bài tham luận cho rằng : "Để phân thắng bại trong cuộc đọ sức Mỹ - Trung hiện nay, nếu căn cứ vào trọng lượng kinh tế, những mối liên hệ thương mại của một quốc gia với phần còn lại của thế giới, hay tiêu chuẩn kỹ thuật", thì đã đến lúc Quốc Hội Mỹ cần tìm ra một giải pháp để dung hòa nhiều mục tiêu cùng một lúc.

    Những mục tiêu đó gồm : đẩy mạnh tăng trưởng, mở cửa chính sách di dân, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng các mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác, tăng tốc các phát minh về mặt kỹ thuật, và cũng có thể là tăng thêm ngân sách cho các chương trình nghiên cứu của chính phủ.

    Không thực hiện được những mục tiêu đó, hệ quả sẽ tai hại về nhiều mặt : "Một là Mỹ sẽ rơi vào thế bị cô lập, kể cả so với các nước đồng minh, trong lúc Trung Quốc ngày càng kết nối nhiều hơn với phần còn lại của thế giới. Mỹ vẫn lệ thuộc vào hàng nhập từ Trung Quốc. Thứ hai là, nếu Hoa Kỳ kém cỏi về công nghệ cao, tăng trưởng chậm, sẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc bắt kịp nước Mỹ. Sau cùng nếu chính trường Mỹ không ổn định thì liệu rằng mô hình của Hoa Kỳ có còn sức thu hút trong mắt thế giới nữa hay không ?".

    Việt Nam, cổng vào thị trường Mỹ cho hàng Trung Quốc

    Theo điều tra của tờ báo tài chính Nhật Bản, Nikkei Asia Review ấn bản ngày 29/05/2019, Việt Nam cùng với Đài Loan và Mêhicô trở thành những cửa ngõ để đưa hàng Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Đây là một biện pháp cho phép Bắc Kinh "tránh né" đòn áp thuế của Hoa Kỳ.

    Điều tra của tờ báo tài chính Tokyo này tập trung vào 5 mặt hàng, gồm máy móc và phụ tùng, thiết bị điện, đồ nội thất, đồ chơi, xe hơi và phụ tùng xe. Bốn trong số này (ngoại trừ đồ chơi) trong tầm ngắm của các đòn áp thuế do chính quyền Trump ban hành.

    Đối với danh sách thu hẹp được báo Nikkei quan tâm, tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam trong quý 1/2019 tăng hơn 20 %. Nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cũng trên 5 mặt hàng vừa nêu, tăng đến 57,7 %.

    Trong khi đó, do hậu quả của cuộc đọ sức thương mại giữa Washington và Bắc Kinh, máy móc và phụ tùng, thiết bị điện, đồ nội thất, đồ chơi, xe hơi và phụ tùng xe Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ giảm 15,5 %.

    Báo Nikkei nêu lên khả năng các nhà máy sản xuất tại Trung Quốc đã ngưng hoặc giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ, nhưng đổi lại thì đã "chuyển nhiên liệu và phụ tùng tới các nước châu Á và Mêhicô". Tại đây những sản phẩm này được hoàn thành trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Hai trường hợp cụ thể được bài báo nêu đích danh là tập đoàn Compal Electronics của Đài Loan đã chuyển một số hoạt động từ Trung Quốc sang Đài Loan và Việt Nam. Trường hợp thứ nhì là nhà cung cấp giầy thể thao Mỹ Brook Sport cũng đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở đang hoạt động tại Trung Quốc sang Việt Nam. Thậm chí một số công ty Trung Quốc như Shenzhen H&Tintelligent Control hay CTL đã xây dựng cơ sở tại Việt Nam.

    Tờ báo tài chính Nhật Bản trích dự phóng của viện nghiên cứu Mizuho Research Institute, trụ sở tại Tokyo, nếu tiếp tục là cánh cổng để hàng Trung Quốc được chuyển tới tay người tiêu dùng ở Mỹ, tổng sản phẩm nội địa của Việt Nam có triển vọng tăng thêm 0,5 %.

    Về mặt chính thức, Tổng Cục Hải Quan Việt Nam ngày 10/06/2019 vừa ra thông cáo tăng cường chiến dịch kiểm tra tránh để hàng nước ngoài mang bao bì Việt Nam nhằm xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản hay châu Âu. Các lĩnh vực được Hải Quan Việt Nam đặc biệt quan tâm bao gồm từ hàng dệt may đến thủy sản, nông sản, thép, nhôm ...

    Còn về phía Bắc Kinh, hôm đầu tháng tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp báo bác bỏ những nguồn tin cho rằng, Trung Quốc dùng Việt Nam là trạm trung chuyển để đưa hàng vào thị trường Mỹ. 
     
    (RFI)

    Không có nhận xét nào