Header Ads

  • Breaking News

    Miền Tây 'đói' lũ vì nước ở thượng nguồn sông Mekong xuống thấp

    Nông dân miền Tây lo ngại lũ không về thì đồng ruộng sẽ cằn cỗi, sâu bệnh, chuột bùng phát; nắng hạn, xâm nhập mặn khốc liệt hơn.

    Nông dân huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng trên cánh đồng khô cằn. Ảnh: Thành Nguyễn.

    Ra thăm cánh đồng 8 ha khô cằn, trơ gốc rạ của gia đình, lão nông Lê Văn Lam (69 tuổi) ở xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp tỏ ra lo lắng. Ông cho biết, mọi năm lũ nhỏ nhưng nước thượng nguồn vẫn đổ về tràn đồng lấp xấp. Nhưng nay, kênh nội đồng cạn kiệt như lúc cao điểm nắng hạn tháng 2, 3. "Sống ở đây mấy chục năm mới tôi thấy cảnh lạ lùng này", ông nói.

    Vụ hè thu này, nhiều diện tích lúa vùng Đồng Tháp Mười có năng suất thấp do thời tiết bất thường, sâu bệnh nhiều. Giá thành tăng 3.500 - 3.800 mỗi kg nhưng giá bán thấp, khiến nông dân hòa vốn hoặc lãi rất ít sau 3 tháng canh tác.

    "Mọi người tranh thủ mở đồng cho lũ vào để đón phù sa, tháo chua rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh nhưng ai nấy đều thất vọng", ông Lam than vãn và cho biết, nếu không có lũ, vụ sau chắc chắn chi phí sẽ tăng lên vì đồng ruộng càng bạc màu, mầm bệnh bùng phát, chuột sinh sôi tung hoành cắn phá lúa, hoa màu...

    Cùng cảnh khó, các làng nghề mưu sinh mùa lũ cũng đìu hiu. Theo ông Lê Hữu Tý - chủ cơ sở sản xuất lưới tại làng lưới Thơm Rơm (TP Cần Thơ), mọi năm vào dịp này cảnh mua bán ở địa phương rất xôm tụ. Khách hàng khắp miền Tây và cả Campuchia nườm nượp về lấy lưới bán cho ngư dân đánh cá. Nhưng nay, lũ không có, hàng chục tiệm nơi đây rơi vào cảnh ế ẩm, sức tiêu thụ giảm 70%.

    "Với 45 năm làm nghề gắn liền với con nước lên xuống, tôi nhận thấy khoảng 5 - 10 năm thì lặp lại chu kỳ lũ nhỏ một lần. Nhưng năm nay thì khác rồi. Ngay cả Thái Lan, Campuchia còn chưa có lũ thì nói gì miền Tây, đoạn cuối của dòng Mekong", ông Tý nói.

    Ngày 28/7, mực nước trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) là 1,19 m; sông Tiền tại Tân Châu 1,09 m, lần lượt thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 1,15 - 1,72 m. Cơ quan khí tượng thủy văn dự báo, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sắp tới lên nhưng không đáng kể. Cụ thể, ngày 1/8, mực nước tại Tân Châu đạt 1,43 m; Châu Đốc là 1,53 m, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1-1,68 m.

    Ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài khí tượng Thuỷ văn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, hiện nay nước từ thượng nguồn chưa đổ về là "đặc biệt bất thường". Cả tỉnh Đồng Tháp, mực nước thấp hơn năm ngoái rất nhiều; riêng vùng đầu nguồn thấp hơn 1 - 1,4 m. "Hiện, mực nước dao động chủ yếu do ảnh hưởng của thủy triều, đến cuối tháng 7 vẫn chưa có gì thay đổi. Sang tháng 8, nước từ thượng nguồn có thể đổ về nhưng không đột biến", ông Bình cho biết.

    Lũ không về miền Tây do nước ở thượng nguồn sông Mekong đang xuống thấp trong nhiều năm. Theo thông báo của Ủy hội sông Mekong, mực nước sông Mekong trong đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 ở mức thấp nhất, dưới mức tối thiểu từng ghi nhận trong nhiều năm. Hiện ở Chiang Saen, tỉnh Chaing Rai, Thái Lan, mực nước đo được là 2,1 m, thấp hơn nhiều so với mức 3,02 m - mực nước trung bình đo được trong 57 năm (1961 - 2018).

    Tại Vientiane (Lào) là 5,54 m, thấp hơn 0,7 m so với trung bình nhiều năm. Ở tỉnh Kratie của Campuchia, nước sông cao 9,31 m, thấp hơn 5,4 m so với trung bình nhiều năm và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức thấp nhất trong lịch sử.

    Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về môi trường cho biết, tổng lượng nước trung bình một năm của sông Mekong là 475 tỷ m3. Ở thượng nguồn, nước chủ yếu do tuyết tan từ cao nguyên Tây Tạng nhưng đóng góp khá ít, chỉ chiếm 16% và Myanmar đóng góp 2%.

    Còn lại 82% lượng nước Mekong do mưa ở Lào, Thái Lan, Campuchia và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lượng mưa tại Lào chiếm 35% tổng lượng nước. Phần lưu vực tại Thái Lan và Campuchia đóng góp 18% mỗi nơi. Còn lượng mưa tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ chiếm 11%.

    "Theo bản tin dự báo của Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, vùng lưu vực Mekong đang có hiện tượng El Nino yếu, khả năng mưa trong 1 - 2 tháng tới thấp. Tại Vientiane mưa rất ít và mực nước cũng thấp kỷ lục", ông Thiện nói và cho biết điều này đồng nghĩa với việc mùa lũ ở miền Tây sẽ rất thấp. Dự báo, mùa khô đầu năm 2020, tình trạng xâm nhập mặn rất khốc liệt.

    Đồng quan điểm, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, mực nước sông Mekong xuống thấp còn do tác động của con người. Năm nay bị khô hạn, các quốc gia ở thượng nguồn đều tìm cách giữ nước lại bằng các đập thủy điện. Trong đó, đập Xayabury (Lào) vừa xây xong. Họ đóng đập, chặn ngang dòng sông Mekong để chạy thử tổ máy, làm nước không chảy xuống vùng Hạ Lào, Biển Hồ (Campuchia) và Đồng bằng sông Cửu Long.

    "Thông thường, cuối tháng 7 Biển Hồ tràn nước (diện tích 10.000 km2 vào mùa khô; 16.000 km2 vào mùa mưa, độ sâu 1 - 9 m). Nhưng hiện nước ở đó rất ít, nên chắc chắn năm nay lũ về miền Tây nhỏ", tiến sĩ Tuấn nhận định.

    Trước tình hình này, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động điều tiết nước, đảm bảo cho sản xuất vụ hè thu; đồng thời, đề phòng ảnh hưởng hạn mặn bất thường. Ngành nông nghiệp, môi trường các địa phương cần hướng dẫn người dân tích trữ nước mưa, canh tác loại cây trồng cần ít nước và sử dụng nước tiết kiệm...

    Cửu Long

    (vnexpress.net)

    Không có nhận xét nào