Header Ads

  • Breaking News

    Có một kẻ đem bố ra đùa: Nhà văn Nguyễn Đình Chính

    Nguyễn Đình Chính rất thương bố, nhưng thương theo cách khác thường, rất... Nguyễn Đình Chính. Anh kể đã hai lần tổ chức cho bố đi thực tế... hát karaoke, một lần chỉ có hai bố con, một lần có thêm mấy ông bạn nhạc sỹ.
     

    Chính chép mấy bài: Đất nước rồi Lá đỏ đưa cho mấy cô tiếp viên dặn phải nói mình là sinh viên nhé! Nhà hàng nghe nói có nhà văn lớn sẽ đến vội phóng đi kiếm cho các cô tiếp viên mấy cái áo dài rất trang trọng, thanh tao, nhưng Chính không đồng ý, bảo các cô vào mặc lại váy ngắn như mọi khi.

    Ông Thi muốn hát Diệt phát xít và Người Hà Nội, nhưng thế nào mà những bài ấy lại không có trong "lít" của nhà hàng? Hát được một lúc thì một cô chợt nhận ra reo lên: “Ơ sao hai anh trông giống nhau thế? Hai anh là bố con à?!”. Rốt cục, cái niềm vui thế tục hoá mà ông con tận tình kết nối chẳng thể trọn vẹn.

    Anh có vẻ hay nói về bố mình bằng giọng giễu cợt, người không hiểu tưởng là anh đang báng bổ ?

    " ... Có thể nói là ông Thi thương tôi nhất và tôi cũng thương ông nhất. Bao nhiêu chuyện rắc rối của ông ấy tôi đều phải xông vào giải quyết, nhiều lúc bươu đầu sứt trán ấy chứ! Trong quan hệ hàng ngày bố con cũng rất trọng nhau.

    Ông Thi tác phong rất Tây, đến chơi nhà tôi bao giờ cũng gọi điện thoại trước, chỉ ghế nào ngồi ghế ấy, nếu dẫn ông ấy đi xem nhà thì ông ấy đi theo, chỉ đâu nhìn đấy, chứ không đi lang thang dòm ngó sờ mó đồ đạc như nhiều ông bố khác. Không bao giờ ông ấy ngồi vào giường.

    Ông ấy dạy chúng tôi đến nhà người khác không được ngồi vào giường của người ta. Tôi cũng luôn mặc quần áo nghiêm chỉnh để tiếp ông ấy. Lúc đầu còn đối thoại, trao đổi về một vấn đề gì đó, sau thì độc thoại mỗi người nói theo dòng suy nghĩ của mình…
    Nhưng hình như bố con tôi đều không có khả năng thể hiện sự thân mật với nhau hay biểu lộ tình cảm trước mọi người. Khi tôi làm ở tạp chí Diễn đàn Văn nghệ, hai bố con đi cùng ô tô, ông ấy gọi cậu lái xe của tôi chỉ bằng tuổi con tôi là anh, nhưng lại gọi tôi là thằng ngay trước mặt cậu ta.
    Tôi thì trưởng thành lên từ người công nhân lăn lộn với đời nên lời ăn tiếng nói có phần thô thiển, bỗ bã, du côn nữa. Mặt khác, tôi nhìn đời bằng cặp mắt của người đã giác ngộ, thấy mọi thứ chẳng có gì quan trọng..."

    Anh không chỉ bỗ bã và đùa cợt khi nói về bố mình. Anh còn có lần "mời" bố ra khỏi nhà, có đúng vậy không?

    À, việc ấy thế này. Bà Madeleine Riffaud hiện vẫn sống độc thân ở Paris, bà coi chúng tôi như con mình. Lần ấy bà có gửi sang cho mấy anh em tôi mỗi người 200 đô. Bà còn cẩn thận viết thư thông báo cho tôi là Chính có hai trăm đô đấy.

    Hôm bố tôi đến chơi, tôi hỏi: “Hình như con có tiền, 200 đô?”. “Ai bảo anh thế?". Tôi đưa lá thư ra. Mấy hôm sau ông Thi trở lại, ném tiền lên bàn, nói: “Đây! Con người chỉ biết có tiền thôi!”. Sau này tôi mới biết, ông có việc cần đã tạm tiêu hết số tiền ấy, tôi hỏi bất ngờ nên ông phải đi vay đâu đó để đưa tôi. Nhưng lúc ấy tôi giận lắm.

    Tôi bảo: “Bố chưa cho con cái gì. Cái xe đạp bố cũng không cho. Con phải đi làm từ năm 15 tuổi. Cái nhà này cũng là do tay con tự làm ra. Đây là nhà của con. Nguyên tắc của con là trong nhà của con không ai được phép mắng mỏ, xúc phạm con. Con mời bố ra khỏi nhà con!”.

    Thế là cụ lùi lũi cầm mũ đi ra, leo lên cái xe Pơ-giô đạp mãi không nổ máy. Vợ tôi hoảng quá bảo “Chết, anh phải chạy theo xin lỗi ông đi”. Mình cũng thấy ân hận, nhưng gạt đi, có xin lỗi thì cũng để đến chiều, chứ ai lại chạy theo ngay như thế?

    Đến hai giờ chiều, mình đang định dắt xe đi xuống Trung Tự xin lỗi cụ thì nhìn thấy cụ phăm phăm phóng xe đến nhà mình. Cụ bảo: “Bố xin lỗi Chính, sáng bố nóng quá”...

    Kể đến đây Chính cười ha hả với niềm vui của người con được giải thoát khỏi gánh nặng của sự hối hận và có phần khoái chí vì ngẫu nhiên “trúng số”: “Cụ trót tiêu rồi, có thể thông cảm được, nhưng mình có lẽ phải chứ! Nếu mình không đủ gan, mình vội đến xin lỗi cụ thì có khi cái lẽ phải ấy sẽ bị vùi đi! Cụ đã vô tình dạy cho mình hiểu cái đạo đức lớn nhất là lẽ phải”.

    Chính thương bố, muốn che chở, tiếp sức trẻ cho bố, nhưng luôn luôn có một tấm áo giáp sắt của thế hệ cha anh ngăn cách vòng ôm ấp ấy, nhân danh những khái niệm cao siêu.

    Và đứa con giàu "bặm trợn" đã có lúc phải vung búa đập vào chiếc áo giáp đó để tìm lại hơi ấm thịt da của bố. Nhưng hình như trong cái bỗ bã, cục cằn và quyết liệt của người con, có ẩn chứa một nỗi hận gì đó sâu sắc? Tôi cố gắng dò tìm cái ẩn số đó.

    Tôi hỏi Chính: Có cái gì trong con người ông Thi anh thấy không thích lắm?

    Ông Thi rất mạnh mẽ về tư tưởng, về lý tưởng, nhưng trong cuộc sống lại là người yếu ớt. Nhìn chung tôi không thích cách đối nhân xử thế của ông. Cái hồi ông ấy làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, có một vị lãnh đạo cấp cao đề nghị đến thăm một nhà văn nổi tiếng đang ốm nặng tại bệnh viện.

    Khi vị lãnh đạo kia đến, thấy có mỗi ông Thi ở đấy đón mình bèn hỏi “Sao không thấy ai nhỉ?”. Ý ông nói là sao không thấy các thành viên khác của Ban chấp hành Hội Nhà văn đến đón ông.

    Sau hôm ấy ông Thi buồn lắm, cứ tưởng người ta đến thăm người ốm vì tình người, ai ngờ lại chỉ mong có nhiều khán giả. Ông bảo: “Hóa ra cũng tầm thường”. Thế nhưng bản thân mình có lúc cũng nghĩ về ông Thi như ông Thi nghĩ về vị lãnh đạo kia. Mình rất kính trọng lý tưởng, hoài bão và sự lãng mạn của các cụ, nhưng có những lúc họ làm mình thất vọng.

    Trong đôi mắt sâu thẳm của Nguyễn Đình Chính có cái xa xăm mơ màng của bố, nhưng ánh lên vẻ dữ dằn mà mắt bố anh không bao giờ có. Đó là cái dữ dằn của một Tôn Ngộ Không tận tụy, trung thành, đầy bản lĩnh chiến đấu, quên mình bảo vệ Đường Tăng, nhưng vẫn bị thầy niệm chú thít vòng kim cô trên đầu và bị đời chê là hiếu đấu..."

    Không phải tôi mà Đỗ Minh Tuấn kể đấy Dinh Chinh Nguyen nhé
     
    Đỗ Minh Tuấn
     
    (FB Dinh Chinh Nguyen) 

    Không có nhận xét nào