Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ sáu 29 tháng 11 năm 2019

    Tổng thống Trump thăm lính Mỹ ở Afghanistan nhân dịp Lễ Tạ ơn

    Tổng thống Donald Trump đã có chuyến thăm bất ngờ, nhân dịp Lễ Tạ ơn, tới đơn vị quân đội Hoa Kỳ đồn trú ở Afghanistan hôm thứ Năm (28/11). Tổng thống nói, ông tin lực lượng Taliban ở đây sẽ đồng ý ngừng bắn, theo Reuters.

    “Taliban muốn thỏa thuận và chúng tôi đang tiếp xúc với họ”, ông Trump nói với các phóng viên sau khi tới Afghanistan trên chuyến bay đêm từ Hoa Kỳ. Chuyến bay được giữ bí mật vì lý do an ninh.

    “Tôi tin rằng nó phải là một lệnh ngừng bắn, họ từng không đồng ý nhưng bây giờ họ muốn thực hiện một lệnh ngừng bắn, tôi tin điều đó. Nó có thể sẽ diễn ra theo cách đó”, ông Trump nói.

    Các lãnh đạo của Taliban nói với Reuters, một lần nữa họ đã tổ chức các cuộc họp với quan chức cấp cao của Hoa Kỳ tại Doha (Qatar) kể từ cuối tuần trước, và họ có thể sẽ sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình chính thức.

    Người Hồng Kông cảm ơn Hoa Kỳ


    Vào tối thứ Năm (28/11), hàng ngàn người biểu tình đã tập trung tại Trung tâm Hồng Kông để bày tỏ lòng biết ơn đối với Washington vì đã cho ban hành Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Kông (S.1838). Người biểu tình bày tỏ hy vọng đạo luật này sẽ hỗ trợ họ trên con đường đấu tranh yêu cầu một nền dân chủ thực sự ở Hồng Kông, theo SCMP.

    Cuộc biểu tình diễn ra tại Edinburgh Place được tổ chức chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành luật S.1838, có thể xử phạt những người thực hiện hành vi làm suy yếu quyền tự trị của Hồng Kông.

    Những người tổ chức ước tính có khoảng 100.000 người dân Hồng Kông đã tham dự cuộc tuần hành cảm ơn Hoa Kỳ vào ngày Lễ Tạ ơn. Tuy nhiên, cảnh sát đưa ra con số ở mức 9.600 người tập trung vào lúc cao điểm, theo SCMP.

    Những người tổ chức biểu tình kêu gọi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Hồng Kông vi phạm nhân quyền và các công ty xuất khẩu vũ khí dùng cho việc kiểm soát đám đông ở hòn đảo.

    Iraq: An ninh tiếp tục bắn chết người biểu tình


    Lực lượng an ninh Iraq đã bắn chết ít nhất 45 người biểu tình hôm thứ Năm (28/11) sau khi một nhóm người biểu tình đốt tòa nhà lãnh sự quán Iran tại thành phố Najaf, miền Nam Iraq, để phản đối việc chính phủ chịu nhận sự chi phối của Teheran, Reuters đưa tin.

    Ít nhất 29 người đã thiệt mạng ở thành phố Nassiriya, thuộc miền nam Iraq, sau khi quân đội nổ súng vào những người biểu tình đang chặn một cây cầu vào đêm hôm thứ Năm. Cảnh sát và các tổ chức y tế cho biết, ngoài số người chết, có hàng chục người khác bị thương.

    4 người đã thiệt mạng ở Thủ đô Baghdad, nơi lực lượng an ninh nổ súng bằng đạn thật và đạn cao su vào người biểu tình tập trung gần cây cầu bắc qua sông Tigris. 12 người khác đã chết trong các vụ đụng độ ở thành phố Najaf.

    Ở Nassiriya, hàng ngàn người đã xuống đường khóc thương và đưa tang những người thiệt mạng do đạn của an ninh, bất chấp lệnh giới nghiêm.

    Mỹ cáo buộc Nga ủng hộ vũ khí hóa học

    Hoa Kỳ, hôm thứ Năm (28/11), cáo buộc Nga giúp chính phủ Syria che giấu việc sử dụng các loại vũ khí bị cấm trong cuộc nội chiến. Washington cho rằng Moscow đã cản trở công việc của cơ quan vũ khí hóa học quốc tế đang cố gắng xác định những người chịu trách nhiệm trong việc dùng vũ khí hóa học ở Syria, theo Reuters.

    Các bình luận này được ông Kenneth Ward, đại diện cho Mỹ tại Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) phát biểu trong cuộc họp thường niên của OPCW với sự có mặt của các đại diện tới từ các nước phương Tây và Nga.

    Hơn 40 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở thành phố Douma, một thị trấn ở ngoại ô thủ đô Damascus của Syria, vào ngày 7 tháng 4 năm 2018. Lực lượng ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad đã bị quốc tế lên án mạnh mẽ vì thực hiện hành vi tàn độc này nhắm vào dân thường.

    Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích Tổng thống Pháp

    Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lớn tiếng chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nói lãnh đạo Pháp là nhà tài trợ cho khủng bố, theo SBS News.

    Phát biểu của ông Cavusoglu đưa ra sau khi Tổng thống Macron lên án chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện cuộc tấn công chống lại người Kurd ở Syria.

    Hôm thứ Năm (28/11), Tổng thống Macron khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không thể mong đợi sự ủng hộ từ các đồng minh NATO, đồng thời nói rằng Ankara đã phát động cuộc tấn công Syria để đặt các bên trước một “sự kiện đã rồi”.

    Hồng Kông: Cuộc chiến sống còn vì hai chữ Tự do

    Vào tối 28/11/2019, hàng trăm người dân Hồng Kông tập trung tại khu vực Edinburgh Place, trung tâm Hồng Kông cho cuộc tuần hành họ gọi là Lễ Tạ ơn, một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành đạo luật mới cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông vi phạm nhân quyền. Người biểu tình vẫy những lá cờ Mỹ và bày tỏ biết ơn Lưỡng viện Hoa Kỳ cũng như Tổng thống Trump đã nhanh chóng thông qua dự luật.

    Ngay trong những ngày căng thẳng tại Đại học Bách Khoa Hồng Kông (PolyU), khi cảnh sát ở đặc khu bao vây khuôn viên của trường, nơi những người biểu tình và các sinh viên chống chọi và cầm cự, Lưỡng viện Hoa Kỳ đã gấp rút thông qua hai dự luật biểu thị sự ủng hộ cho người dân Hồng Kông.

    Ngày 27/11/2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành cả hai luật này, đúng với trông đợi của nhiều người. Quyết định của Tổng thống Trump diễn ra vào thời điểm giữa chính quyền của ông và Bắc Kinh đang bước vào giai đoạn đàm phán thương mại mang tính quyết định. Ông đã ký luật, dù rằng, trước đó ông đã nói, ông cũng cần một thỏa thuận thương mại.

    Trong cuộc bầu cử cấp quận ở Đặc khu trong hôm 24/11, đảng ủng hộ dân chủ đã chiến thắng áp đảo các đảng phái thân Bắc Kinh. Kết quả của phong trào vì dân chủ ở Hương Cảng đã cho thế giới thấy rằng tự do là có thể đạt được, nhưng cũng thấy rõ rằng, người Hồng Kông đã có quá nhiều mất mát.

    Những nỗ lực sống còn của người Hồng Kông

    Dữ liệu từ các báo cáo cho biết, hơn 1500 người phải nhập viện, hơn 3000 người bị bắt giữ. Một số người đã bị bắn trọng thương, nhiều cái chết thương tâm của người biểu tình được cho là do cảnh sát gây ra. Vụ việc cảnh sát vây ráp người biểu tình sinh viên trong trường PolyU và sử dụng các phương tiện vũ trang như xe vòi rồng, súng gây choáng… khiến cộng đồng quốc tế thêm phần lo ngại bởi nó đã phơi bày về hoạt động trấn áp bằng bạo lực của chính quyền Đặc khu trưởng Carrie Lam.

    Hồi tháng 8/2019, Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng), một nhân viên Đại sứ quán Anh tại Hồng Kông đã bị chính quyền Trung Quốc bắt và giam giữ 15 ngày, hứng chịu những đòn tra khảo. Dưới sức ép của Anh, Simon đã được thả và tiết lộ rằng trong quá trình bị cảnh sát Trung Quốc tra tấn tại Thâm Quyến, anh cũng thấy một nhóm người Hồng Kông bị hỏi cung tại đó. Đã có tin tức nói rằng, có một lượng lớn người biểu tình Hồng Kông bị bắt đã bị áp giải đến Trung Quốc.

    Giới truyền thông cũng đã đưa tin, người biểu tình Hồng Kông bị bắt giữ không chỉ bị ngược đãi, tra tấn, xâm hại tình dục và “tự sát”, việc bị chuyển sang đại lục là điều khiến họ sợ hãi, bởi người Hồng Kông vốn quen sống trong một môi trường thượng tôn pháp luật, còn đại lục, là nơi nổi danh không có tư pháp độc lập, không có những phiên tòa công bằng, nơi mà cảnh sát có thể tra tấn, thủ tiêu một ai đó mà không để lại manh mối.

    Kim Jong Un ‘toại nguyện’ với vụ phóng thử tên lửa đa năng siêu lớn hôm 28/11

    Triều Tiên vào chiều hôm qua (28/11), đã bắn thử hai quả đạn tầm ngắn, lãnh đạo Kim Jong Un trực tiếp giám sát và bày tỏ “sự toại nguyện” sau khi “thử nghiệm thành công” hệ thống tên lửa phóng đa năng siêu lớn, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin hôm thứ Sáu (29/11).

    “Vụ thử nghiệm hàng loạt nhằm mục đích cuối cùng là kiểm tra ứng dụng chiến đấu của hệ thống tên lửa đa phóng siêu lớn đã chứng minh sự vượt trội về quân sự và kỹ thuật của hệ thống vũ khí và tính xác thực của nó”, KCNA cho biết. “Lãnh đạo Tối cao bày tỏ toại nguyện về kết quả thử tên lửa”.

    Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết, vào lúc 16h59 phút chiều 28/11, Triều Tiên đã bắn hai quả đạn và rơi xuống bờ biển phía Đông (biển Nhật Bản), đồng thời cơ quan này cũng xác nhận chưa rõ chủng loại và tầm bay của hai tên lửa này.

    Về phía Nhật Bản, Bộ Quốc phòng cho biết, Triều Tiên dường như đã phóng hai tên lửa đạn đạo, chúng không bay vào không phận hay rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản.
     

    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào