Header Ads

  • Breaking News

    TS. Phạm Quý Thọ - Đại hội 13: Chuyển giao quyền lực khó khăn trong thể chế bất ổn

    Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và ông anh bạn bốn tốt
    Tổng bí thư và ‘tam trụ’ (chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) là các vị trí quyền lực lãnh đạo tập trung cao nhất và mang tính nguyên tắc đối với chế độ đảng cộng sản toàn trị. Việc chuyển giao quyền lực có tầm quan trọng để ổn định chế độ. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế tập trung sang thị trường đòi hỏi sự phân quyền ngày càng lớn hơn, làm thay đổi cách lãnh đạo tập thể, nguyên tắc dân chủ tập trung… làm gia tăng sự bất ổn thể chế. Tại Đại hội 13 Đảng CSVN, dự kiến tổ chức đầu năm 2021, sự chuyển giao quyền lực, đặc biệt ở cấp cao nhất sẽ là thách thức trong tình hình thể chế bất ổn ngày càng phức tạp qua các nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt trong Khoá 12.

    Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất có thâm niên đảng kéo dài liên tục, hơn 20 năm là uỷ viên BCT, giữ nhiều cương vị trọng trách như Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư nhiệm kỳ Khoá 11 (2011-2016) và đương nhiệm Khoá 12 kiêm Chủ tịch nước từ 2017 đến nay… Ông thấu hiểu thực trạng suy thoái của bộ phận đội ngũ lãnh đạo đảng viên, kể cả cấp cao là nguy cơ lớn nhất với sự tồn vong chế độ. Với tư cách Trưởng Tiểu ban Nhân sự cho Đại hội 13 ông kêu gọi hãy làm tốt công tác cán bộ không để lọt những kẻ cơ hội lọt vào bộ máy lãnh đạo đảng các cấp, nhất là cấp trung ương.

    Trong bài phát biểu gần đây ông cho rằng thực trạng ‘‘tự diễn biến, tự chuyển hoá’, ‘suy thoái về tư tưởng và đạo đức’, tham nhũng, lợi ích nhóm… của ‘bộ phận không nhỏ’ cán bộ lãnh đạo đảng trong hệ thống chính quyền’ là nghiêm trọng nhất, đặc biệt đã diễn ra từ các nhiệm kỳ đại hội đảng gần đây, nhất là Khoá 12, mà chính ông trải nghiệm.

    Ông là người hơn ai hết hiểu một số ‘đồng chí’, được thế hệ đi trước tin tưởng giới thiệu, nắm trọng trách đã ‘suy thoái’ như thế nào. Mức độ nghiêm trọng ở chỗ đã hình thành phe nhóm trong đảng, đã tạo nên hiện tượng ‘bất tuân’ của đa phần các uỷ viên trung ương khoá 11 khi bỏ phiếu không ủng hộ quyết định của Bộ Chính trị về việc kỷ luật ‘đồng chí X’ (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) tại Hội nghị TƯ 6 Khoá 11 năm 2012.

    Hơn thế, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn biết rằng vẫn còn những ‘đồng chí’ thuộc ‘phe kia’, đã hình thành bởi sự thoả hiệp theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, hiện vẫn đang hoạt động trong bộ máy cầm quyền hiện hành. Liệu họ có thể là những kẻ cơ hội, ‘giấu mình, chờ thời’ hay có ứng xử kiểu “… gặp thời thế, thế thời phải thế” - như câu đối đáp của Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), danh sĩ đời hậu Lê và Tây Sơn, trước thách đố nghiệt ngã, thâm thù bởi Đặng Trần Thường, nghịch quan cùng thời xét xử.

    Hình minh hoạ. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại Hà Nội hôm 2/7/2015
    Hình minh hoạ. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (giữa) và cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng tại Hà Nội hôm 2/7/2015 Reuters

    Mặc dù, cho rằng cần tổng kết rút kinh nghiệm từ những khoá đại hội trước, nhưng trong bài viết ông đã chỉ ra các yêu cầu ‘kiên quyết không để lọt vào BCH TƯ khoá 13’ những người có một trong các khuyết điểm được mô tả bởi sáu nhóm biểu hiện ‘suy thoái’, đơn cử như ‘cơ hội chính trị’, ‘dân tuý’, ‘kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh’…

    Bởi vậy, ngay sau Đại hội 12 đầu năm 2016, dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Bí thư, Nghị quyết TƯ 4 đã được ban hành, làm cơ sở để ngăn chặn quá trình suy thoái này. Theo đó, hai nhóm giải pháp chủ yếu được Đảng tập trung là chống tham nhũng và sửa đổi, ban hành các quy định để củng cố tổ chức đảng. Trước hết, chiến dịch ‘đốt lò’, biểu tượng chống tham nhũng, được đẩy mạnh. Từ năm 2016, đầu nhiệm kỳ đến nay ‘gần 100 cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý đã bị kỷ luật và bị án tù, trong đó có các uỷ viên BCT, uỷ viên TƯ của khoá 11 và 12, thậm chí có nhiều các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang…

    Đơn cử một số trường hợp ‘nổi cộm’. Năm 2018 nguyên uỷ viên BCT Đinh La Thăng bị án tù 30 năm, nguyên Bí thư thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, các nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin nhận hối lộ trong đại án AVG… Mới đây, Uỷ viên BCT, nguyên bí thư Hà Nội bị cảnh cáo và luân chuyển công tác là phó trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội. Ông Lê Thanh Hải bị cách chức nguyên uỷ viên BCT thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015. Nguyên tư lệnh Quân chủng hải quân bị khai trừ đảng, và theo quy trình, sẽ bị xét xử theo pháp luật…

    Mặt khác, một loạt các chỉ thị, quyết định của đảng về kỷ luật, và nêu gương của cán bộ cấp trung ương, về tiêu chuẩn cụ thể cho các vị trí lãnh đạo cho đến cấp cao nhất được ban hành, sửa đổi để làm căn cứ cho công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới…

    Sau Đại hội 12 đầu năm 2016, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dần tập trung được quyền lực đảng, hơn thế khi ông kiêm giữ vị trí Chủ tịch nước. Ông hiện ở thế ‘thượng phong’ để có thể kiểm soát tình hình bất ổn. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về giới hạn độ tuổi, không quá hai nhiệm kỳ và sức khoẻ… sự chuyển giao quyền lực cao nhất là một trọng trách, bởi vậy việc tìm kiếm sự ổn định chế độ là ưu tiên cá nhân. Bởi vậy, ông dồn tâm sức cho công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội 13.

    Ngoài việc nhấn mạnh các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, đức và tài… ông yêu cầu cán cán bộ làm công tác tổ chức đảng phải nhìn người ‘tinh tường’, đánh giá đúng bản chất cán bộ đảng, đừng để ‘bề ngoài che đậy sơ sài bên trong’… Và theo Quyết định 224/QD-TW năm 2014 về Quy chế bầu cử trong Đảng thì Ban chấp hành khoá trước có vai trò quan trọng đề cử cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho khoá sau… Ông đặt vấn đề quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân giới thiệu nhân sự lãnh đạo đảng.

    Chuyển đổi sang kinh tế thị trường, dù có định hướng XHCN hay không, đều khiến bùng nổ các hoạt động kinh tế đa dạng, phức tạp, phát sinh mạng lưới các mối quan hệ xã hội chằng chịt, phức tạp ngoài tầm kiểm soát của cơ chế hiện hành. Bởi vậy, trong quá trình vận hành hệ thống chuyển đổi sẽ có nhiều loại cán bộ lãnh đạo với các hình thức thể hiện hành vi khác nhau, trong đó khó tránh khỏi không ít kẻ bị ‘cám dỗ’ bởi lòng tham, ‘sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng’ nếu món lợi đủ lớn và nhiều kẻ trục lợi bởi ‘lỗi hệ thống’ đang thay đổi…

    Bất luận ‘lò đốt củi’ tham nhũng của ông Tổng Bí thư vẫn đang cháy, mới đây, vụ án ‘băng nhóm ‘Đường Nhuệ’ núp bóng doanh nghiệp, ‘tung tác’ trong thời gian dài do được bảo kê bởi một số lãnh đạo tỉnh Thái Bình, vừa bị khởi tố điều tra với sự tham gia của Bộ Công an. Việc phá rừng nghiêm trọng ở Kon Tum cũng do được bảo kê, hơn thế vụ việc được phát hiện và đưa lên công luận bởi phóng viên chứ không phải chính quyền. Trong điều kiện cả nước đối phó với đại dịch COVID-19, thì cán bộ lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC) Hà Nội và một số tỉnh vẫn ‘tham nhũng’ bằng cách nâng khống gấp nhiều lần giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm virus corona chủng mới, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước…

    Chuẩn bị nhân sự cho Đại hôi 13, Đảng muốn loại bỏ những kẻ ‘suy thoái về tư tưởng và đạo đức’, đồng thời tuyển chọn đội ngũ cán bộ ‘vừa hồng vừa chuyên’, nhưng một bộ máy cầm quyền với sự đan xen phức tạp các loại cán bộ lãnh đạo sẽ là khó khăn đối với chuyển giao quyền lực, kể cả ở cấp cao nhất. Nhân sự lãnh đạo là công việc nội bộ của Đảng, ngoài ra, trong tình thế bất ổn hiện nay thì ‘các vị trí tứ trụ’ cho chế độ vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện hành những ai được ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ‘hậu thuẫn’ sẽ có thể có ưu thế.

    Phạm Quý Thọ

    * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

    (RFA)

    Không có nhận xét nào