Header Ads

  • Breaking News

    Lý Thái Hùng - Vì sao Vụ Kỷ Luật Giáo sư Chu Hảo nổ lớn?

    Sự kiện Ủy ban kiểm tra trung ương đảng CSVN hôm 25 tháng 10 đưa ra biện pháp kỷ luật đối với Giáo sư Chu Hảo, cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ-Môi trường trước đây và hiện là Giám đốc nhà xuất bản Tri Thức đã làm dậy sóng dư luận, chỉ hai ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng đăng đàn làm Chủ tịch nước.


    Dựa trên một số sách chính trị được xuất bản nhiều năm trước đây của nhà xuất bản Tri Thức, Ủy ban kiểm tra cáo buộc Giáo sư Chu Hảo đã “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vì đi ngược lại chủ trương, đường lối của đảng. Những lý cớ nói trên là một sự tránh né của ông Trọng và Ủy ban kiểm tra trung ương. Thực chất, Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật một phần là từ thái độ chống bá quyền phương Bắc.

    Ngày 10 tháng 11 năm 2015, trên trang web Nguyễn Xuân Diện, Giáo sư Chu Hảo đã công bố lá thư gửi đến các đại biểu quốc hội CSVN về việc đón tiếp Tập Cận Bình đang viếng thăm Việt Nam. Trong lá thư, Giáo sư Chu Hảo đã viết: “Vì sao quý vị không có bất kỳ hành động công khai nào phản đối, ngăn chặn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đăng đàn phát biểu tại Quốc hội nước ta, thực chất là với tư cách kẻ xâm lược, đại diện cho bè lũ bá quyền Đại Hán chưa khi nào rời bỏ âm mưu thôn tính Đất nước ta và nô dịch Dân tộc ta?... Quý vị có thấy hổ thẹn với tiền nhân khi cam chịu tham gia đón tiếp long trọng đại diện cho bè lũ xâm lược tại phòng họp mang tên Diên Hồng - biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần toàn dân đoàn kết chống ngoại xâm?”

    Có ít nhất ba người đã tuyên bố từ bỏ đảng CSVN ngay sau khi Giáo sư Chu Hảo bị kỷ luật là Nhà văn Nguyên Ngọc, Giáo sư Mạc Văn Trang và ông Trần Nam. Cả ba vị đều cho rằng những cáo buộc của Ủy ban kiểm tra trung ương “thực chất là một hành động vu khống”. Hiện nay số người tuyên bố bỏ đảng, bỏ đoàn đã gia tăng và một số trí thức đã lên tiếng trong lá thư ngỏ phổ biến vào sáng ngày 27 tháng 10, cho rằng biện pháp kỷ luật của Ủy ban kiểm tra trung ương là “không chính đáng, không đúng sự thật, thể hiện sự trấn áp thô bạo.”

    Câu hỏi đặt ra là tại sao Ủy ban kiểm tra trung ương và nhất là ông Nguyễn Phú Trọng vừa mới nắm trong tay hai quyền lực đảng và nhà nước, lại mở đầu cuộc tuyên chiến với giới trí thức trong lúc xã hội tiềm ẩn rất nhiều bất ổn về mặt dân sinh.

    Mặc dù Ủy ban kiểm tra trung ương và Ban bí thư chưa đưa ra biện pháp kỷ luật nào đối với Giáo sư Chu Hảo, ngoài những cáo buộc “suy thoái về tư tưởng chính trị”, “tự chuyển hóa”, nhưng rõ ràng là ông Nguyễn Phú Trọng và phe nhóm đang bắt đầu thử nghiệm chiến dịch đốt lò nhắm vào thành phần trí thức, văn nghệ sĩ, kể cả giới báo chí, vừa cổ súy dân chủ hóa đất nước, vừa chống lại những hành động bá quyền Bắc Kinh, sau đợt đốt lò “chống tham ô nhũng lạm” (mà thực chất là diệt trừ mầm mống đối lập) trong hai năm vừa qua.

    Cách đây 6 năm, trong bài phát biểu tại Hội nghị cán bộ học tập Nghị Quyết 4 về “những vấn đề cấp bách xây dựng đảng” vào ngày 27 tháng 2 năm 2012, ông Trọng đã cho rằng bài học xương máu về công tác xây dựng đảng rút ra từ biến cố tan rã của Liên Xô không chỉ là tập trung phòng chống tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, lãng phí, bè phái, cục bộ, mà chính là sự suy thoái cả về tư tưởng chính trị và đạo đức của cán bộ, phai nhạt lý tưởng cách mạng.

    Theo ông, tham nhũng chỉ là diện, suy thoái về tư tưởng mới là điểm dẫn đến sụp đổ chế độ. Vì thế, ông Trọng đã coi việc “ngăn chận, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, là khâu đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng đảng.”

    Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng cũng thấy rằng không thể công khai tuyên chiến trên mặt trận tư tưởng khi mà nạn tham nhũng đang phát triển như những bầy sâu trong mọi cơ quan đảng và nhà nước, với sự xuất hiện một giai cấp quý tộc đỏ. Vì thế mà sau khi loại được phe cánh Nguyễn Tấn Dũng trong Đại Hội 12 vào tháng 1 năm 2016, ông Trọng mới tiến hành chiến dịch đốt lò, đưa hơn 250 cán bộ cao cấp, trong đó có gần 50 cán bộ cấp Trung Uơng, vào những biện pháp kỷ luật như bị tù, tước chức vụ, sa thải khỏi đảng vân, vân…

    Những biện pháp kỷ luật đối với các tham quan như Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Bắc Son… đi cùng với các bài viết tâng bốc về thân thế thanh liêm, trong sạch của ông Trọng được cho phổ biến rộng rãi trên các báo, giúp ông Trọng tóm thu quyền lực vào trong tay một cách nhanh chóng. Nói cách khác, nhờ sự thu tóm quyền lực này đã giúp cho ông Trọng có một cơ hội quý hiếm, nắm trong tay hai thứ quyền lực đảng và nhà nước, trở thành một lãnh tụ có nhiều uy quyền nhất tại Việt Nam hiện nay, kể từ sau khi ông Hồ chết vào năm 1969.

    Vì thế mà sau khi được Trung ương đảng bỏ phiếu 100% đề cử chức danh Chủ tịch nước thay thế ông Trần Đại Quang hôm 3 tháng 10, ông Nguyễn Phú Trọng đã bắt đầu tiến hành khâu “đột phá” trong toàn bộ chiến dịch đốt lò. Đó là thanh trừng giới trí thức có lập trường chống Tàu và việc Giáo sư Chu Hảo bị mang ra “đấu tố” đầu tiên trong phiên họp lần thứ 30 của Ủy ban kiểm tra trung ương đảng từ ngày 17 đến 19 tháng 10 chỉ là bước thử nghiệm nhằm đo lường phản ứng của dư luận.

    Suốt trong 30 kỳ họp xem xét và kiểm tra những vi phạm kỷ luật do các cấp đề xuất, đa số những vụ án mà Ủy ban kiểm tra trung ương đưa ra các biện pháp kỷ luật đều đã được tung lên mặt báo trước đó khá lâu và phần lớn là những vụ tham ô, chạy chức. Riêng đối với việc kiểm tra những vi phạm của Giáo sư Chu Hảo, có thể Ủy ban đã chuẩn bị từ trước, nhưng đối với công luận thì đây là yếu tố bất ngờ.

    Kết luận về những điều gọi là vi phạm của Giáo sư Chu Hảo, Ủy ban kiểm tra đã cho rằng “khuyết điểm của ông Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.” Dựa theo kinh nghiệm của các vụ án thì khi Ủy ban dùng đến các từ ngữ “rất nghiêm trọng”, “đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật” thì Giáo sư Chu Hảo khó có thể tiếp tục điều hành Nhà xuất bản Tri Thức và có thể bị lột chức Thứ trưởng.

    Là một người từng học ở Liên Xô và bỏ nhiều năm nghiên cứu về “xây dựng đảng”, ông Nguyễn Phú Trọng đã coi vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị và chống bá quyền phương Bắc là nguyên nhân chính yếu làm tan rã đảng, thì trận chiến đối đầu với giới trí thức đang bước vào một khúc quanh mới. Ông Trọng và đảng CSVN sẽ đối diện với hai vấn đề: làn sóng kêu gọi bỏ đảng sẽ ngày càng gia tăng, và phong trào chống bá quyền Bắc Kinh sẽ bộc phát mạnh mẽ ở trong đảng và ngoài xã hội trong thời gian tới.

    Nói tóm lại, việc kỷ luật Giáo sư Chu Hảo không phải là một “kiểm tra vi phạm” bình thường, mà phải coi đây là trận chiến mới mà ông Trọng và phe nhóm đang chuẩn bị triệt hạ những mầm phản kháng trong giới trí thức, nhà văn nhà báo, sau khi đã thu tóm trong tay quyền kiểm soát đảng và nhà nước như Tập Cận Bình đã và đang làm ở Trung Quốc. Tuy nhiên cả ông Trọng và ông Tập có thể triệt hạ những quan tham bằng các thủ đoạn khống chế phe nhóm; nhưng triệt hạ giới trí thức để bịt miệng xã hội là một thách đố mà chưa có chế độ độc tài nào thành công. 

    Lý Thái Hùng

    (FB Việt Tân) 

    Không có nhận xét nào