Header Ads

  • Breaking News

    ‘Đổi 100 đô bị phạt 90 triệu’: Quỹ dự trữ ngoại hối lại sắp cạn?

    Tháng Mười năm 2018, vụ chính quyền thành phố Cần Thơ thình lình ‘đánh úp’ công dân Nguyễn Cà Rê khi ông này vào tiệm vàng chỉ để đổi tờ 100 USD do người thân của ông tặng đã khiến bật ra dấu hiệu có thể sắp rơi vào tình trạng cạn kiệt của Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

    Hình minh họa
    Thành tích gần nhất và lớn nhất của Quỹ dự trữ ngoại hối - được công bố bởi Ngân hàng nhà nước vào giữa năm 2018 - là đã tích góp được hơn 60 tỷ USD, một con số lớn chưa từng thấy trong lịch sử quỹ này.

    Nhưng lại chẳng có gì đáng khoe khoang thành tích ‘dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã trên 60 tỷ USD’. Bởi cho tới nay, con số tổng này chẳng mang một ý nghĩa gì về thực chất khi Ngân hàng nhà nước vẫn bưng bít hoàn toàn các phần cấu thành của nó gồm tiền mặt bằng USD và các ngoại tệ mạnh khác, vàng, trái phiếu mua của chính phủ Mỹ…

    Trong khi đó, thông tin từ Mỹ cho biết có đến 1/3 trong kho dự trữ ngoại hối của Việt Nam nằm dưới dạng trái phiếu mà chính phủ Việt Nam mua của chính phủ Mỹ, tức dự trữ ngoại hối thực của Việt Nam - ngay cả nếu đúng là con số hơn 60 tỷ USD như Ngân hàng nhà nước công bố - chỉ còn 2/3 của con số đó.

    Nhưng cho dù dự trữ ngoại hối thực của Việt Nam có đạt đến 60 tỷ USD tiền mặt chăng nữa, con số này mới chỉ đáp ứng cho khoảng 3 tháng nhập khẩu - mức tối thiểu phải thỏa mãn theo quy định quốc tế, trong khi Việt Nam còn phải dùng dự trữ ngoại hối để trả nợ nước ngoài và cho ngân sách vay mượn nhằm bù đắp ‘khó khăn túi thủng’…

    Vào thời kỳ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình, nạn bội chi và vung tiền vô tội vạ đã khiến kho dự trữ ngoại hối cạn đi nhanh chóng, chỉ còn khoảng 30 tỷ USD theo báo cáo. Đến thời thủ tướng mới là Nguyễn Xuân Phúc và thống đốc mới là Lê Minh Hưng, Ngân hàng nhà nước đã có một chiến dịch âm thầm, miệt mài và đầy thủ đoạn để tung ra một núi tiền đồng nhằm gom tích USD từ hệ thống ngân hàng và USD trôi nổi ở chợ đen lẫn từ khu vực dân cư, khiến chỉ trong vài năm, kho dự trữ ngoại hối của nhà nước đã được báo cáo tăng gấp đôi và được xem là ‘thành tích kiến tạo’ của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

    Nhưng rất có thể, đó là những đồng đô la cuối cùng mà Ngân hàng nhà nước có thể vét dễ dàng từ thị trường tự do. Từ tháng Năm - Sáu năm 2018, tình hình vét đô cho Quỹ dự trữ ngoại hối đã chậm hẳn lại, để cho đến nay không còn nghe báo cáo thành tích dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng phi mã. Cũng trong thời gian đó, chính phủ Nguyễn Xuân phúc và hai cơ quan tham mưu là Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính một lần nữa, trong nhiều lần kể từ năm 2011 đến nay - phải tính đến việc gom 500 tấn vàng trong dân, mà rất có thể sẽ được quy đổi sang USD để trả nợ nước ngoài. Cùng lúc, một chuyên gia Ngân hàng thế giới, không biết lấy thông tin từ đâu, đã ‘chỉ điểm’ cho chính phủ Việt Nam rằng trong dân Việt còn tới 60 tỷ USD nhàn rỗi - hàm ý tha hồ mà vét…

    Một lần nữa, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước và hẳn phải nhận được sự đồng thuận rất cao trong ‘tập thể Bộ Chính trị’ có thể đã phải tính đến kế vét đô bằng cách ép dân phải bán USD cho ngân hàng chứ không được giao dịch trên thị trường tự do, để sau đó các ngân hàng phải bán lại USD cho Ngân hàng nhà nước theo ‘giá nội bộ’.

    Cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ có thể là phát súng thăm dò, để nếu thuận lợi mà không bị một xã hội ‘cừu’ phản ứng nhiều thì sẽ mở màn cho chiến dịch ép buộc người dân phải bán đô cho ngân hàng như thế, làm giàu hơn cho Quỹ dự trữ ngoại hối để có tiền trả nợ cho nước ngoài vào năm 2018 và những năm sau.

    Hiện nay, các nguồn ngoại tệ mạnh từ viện trợ không hoàn lại, viện trợ ODA và kiều hối của ‘khúc ruột ngàn dặm’ đều khá bi đát. Từ năm 2014, chính thể Việt Nam đã không còn nhận được nguồn vốn ODA đáng kể nào, còn từ năm 2018 đã không còn ODA ưu đãi. Trong khi đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam vào năm 2017 và 2018 có thể sụt giảm đến phân nửa so với mức đỉnh 13,l5 tỷ USD vào năm 2015…

    Một sự trùng hợp rất đáng chú ý là chỉ vài ngày sau cú bắt và phạt công dân Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) truyền đạt yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong đó một lần nữa (lần thứ 4) nhắc “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước tiếp tục tập trung nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động các nguồn ngoại tệ, vàng trong dân phục vụ cho đầu tư phát triển”.

    Thường Sơn

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào