Header Ads

  • Breaking News

    Tiếp tục cai trị khi ông Trọng củng cố quyền lực ở Việt Nam

    Khi Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đột ngột qua đời tháng trước, ngay trước khi ông lên kế hoạch thăm New York và đọc diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp quốc, hàng loạt lãnh đạo nước ngoài gửi đến những lời chia buồn như đã thành thông lệ. Nhưng không có sự tiếc thương nào trong số các cơ quan giám sát nhân quyền, những người vốn chỉ trích sự đàn áp tàn bạo của chính quyền Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến. Ông Phil Robertson, phó giám đốc bộ phận Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã tóm tắt phản ứng của ông trong mấy chữ: “Đấy là sự giải thoát!”
    Ông Nguyễn Phú Trọng
    Ông Quang, một sĩ quan an ninh cộng sản, là người đã nhanh chóng thăng tiến để trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, được đưa lên vị trí Chủ tịch nước vào năm 2016. Cái chết của ông không phải là điều bất ngờ, vì ông đã liên tục ra nước ngoài trị bệnh từ năm ngoái, ông cũng ít khi xuất hiện trước công chúng trong những tháng gần đây, buộc giới chính khách ở thượng tầng chế độ Việt Nam phải lựa chọn người thay thế ông. Quả là quyết định bất ngờ, khi họ chọn Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng, là người được Trung ương Đảng nhất trí chỉ định làm Chủ tịch nước cho đến khi cả hai chức lãnh đạo của ông hết nhiệm kỳ vào đầu năm 2021.

    Diễn biến này đã được chính thức công nhận trong ngày hôm nay bởi Quốc hội không có thực quyền của Việt Nam, đã khiến một số nhà quan sát đặt câu hỏi rằng, liệu người đứng đầu chế độ Việt Nam hiện tại sẽ củng cố quyền lực theo khuôn mẫu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay không. Dù hệ thống chính trị mờ ám của Việt Nam khiến việc dự đoán những diễn biến sau này thật không dễ dàng, chuyện duy trì quyền lực vẫn hơi khó cho ông Trọng, là người đã ở vào tuổi 74 và sẽ phải rời chức vụ vào cuối nhiệm kỳ.

    Ông Lê Hồng Hiệp, một thành viên của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore bình luận: “Ông Trọng là một trong các chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử Việt Nam đương đại, nhưng ông ấy không giống như Tập Cận Bình. Hệ thống chính trị Việt Nam ngày càng đa nguyên hơn và dựa vào sự đồng thuận nhiều hơn Trung Quốc, vì vậy ngay cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, ông ấy vẫn cần tham khảo ý kiến của các đồng sự ở thượng tầng chế độ”. Quyền cai quản đất nước được đặt vào tay Bộ Chính trị với 19 Ủy viên, đặc biệt là nhóm lãnh đạo “tứ trụ” gồm Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản và Chủ tịch Quốc hội.

    Những lãnh đạo ở thượng tầng chế độ Việt Nam có khuynh hướng tránh mạo hiểm, đề cao sự ổn định hơn tất cả những yếu tố khác, một đặc điểm phần nào giải thích quyết định để ông Trọng nắm giữ thêm một chức lãnh đạo nhà nước. Ông đã đóng vai trò nhất định trong chính sách đối ngoại những năm gần đây, thực hiện một số chuyến thăm cấp cao đến thủ đô các nước như Washington, Bắc Kinh và Moscow, vì vậy ông sẽ không gặp nhiều khó khăn khi đảm nhiệm chức Chủ tịch nước, người đứng đầu chính thức của nhà nước Việt Nam.

    Trên thực tế, việc nhất thể hóa hai chức lãnh đạo nhà nước đã được bàn thảo vài lần, như một cách để tạo ra cấu trúc quyền lực cân xứng hơn cho hoạt động đối ngoại của đất nước. Trong khi chức danh Tổng Bí thư Đảng Cộng sản rất ít khi gặp được người cùng cấp ở các nước khác, “giờ thì lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể gặp gỡ người đứng đầu chính phủ các nước khác trên cơ sở giao thức ngoại giao bình đẳng”, nhà phân tích chính trị Việt Nam Carl Thayer nhận định. Quan trọng hơn, việc chuyển đổi từ “tứ trụ” thành “tam trụ” cũng có thể giúp củng cố cấu trúc quyền lực của Việt Nam vốn đã cồng kềnh của Việt Nam, đồng thời đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Dù trước mắt đó vẫn là sự sắp đặt thuận theo tình thế, nhưng nếu cấu trúc này chứng minh được khả năng, Đảng Cộng sản có thể chuẩn hóa sự chuyển đổi này.

    Khi đảm nhận vai trò lớn hơn trong hoạt động đối ngoại, ông Trọng sẽ phải tiếp tục duy trì thế cân bằng ngoại giao mong manh của Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai siêu cường cạnh tranh lợi ích chiến lược trong khu vực. Là một nhà lý thuyết xây dựng đảng lâu năm, rõ ràng ông Trọng gần gũi hơn về ý thức hệ với Trung Quốc và công nhận lợi ích kinh tế khi đầu tư vào Trung Quốc. Nhưng những nỗ lực trước đó để đưa Việt Nam lại gần Trung Quốc hơn trong nhiệm kỳ trước của ông Trọng đã gặp phải không ít trở ngại. Năm 2014, Trung Quốc đã kích động mâu thuẫn khi triển khai một giàn khoan dầu ở vùng tranh chấp lãnh hải gần quần đảo Hoàng Sa, trong khu vực mà Hà Nội tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế, châm ngòi một loạt các cuộc biểu tình bạo loạn chống Trung Quốc ở Việt Nam. Và chỉ trong mùa hè này, những cuộc biểu tình bạo động chống Trung Quốc tiếp tục nổ ra ở Việt Nam bởi một số các chính sách bị người dân xem là hy sinh chủ quyền Việt Nam chỉ để củng cố mối quan hệ thương mại gần gũi hơn với tay láng giềng phương bắc.

    Khi đảm nhận vai trò lớn hơn trong hoạt động đối ngoại, ông Trọng sẽ phải tiếp tục duy trì thế cân bằng ngoại giao mong manh của Việt Nam giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

    Hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn đã giống như đổ dầu vào ngọn lửa là tinh thần chống Trung Quốc của người Việt, đã khiến Việt Nam có khuynh hướng nghiêng dần về phía Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Chính ông Trọng đã đến thăm Tòa Bạch Ốc vào năm 2015, rồi đến năm 2016, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố loại bỏ lệnh cấm vận vũ khí có từ thời Chiến tranh Việt Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis vừa thực hiện chuyến thăm Việt Nam thứ hai chỉ trong năm nay.

    Nhưng sự chuyển hướng này, vốn dựa nhiều vào tính toán chiến lược hơn là ý chí cá nhân của bất kỳ nhà lãnh đạo nào, có khả năng vẫn sẽ được duy trì mà không cần ông Trọng đảm đương cả hai chức lãnh đạo. Tương tự như vậy, hầu hết giới quan sát dành rất ít sự kỳ vọng cho những thay đổi trong chính sách đối nội. Quả không sai, các nhà hoạt động nhân quyền vốn hoan nghênh sự ra đi của ông Quang, sau cùng cũng chẳng thấy tình hình có gì khả quan hơn khi ông Trọng ngày càng đàn áp dữ dội hơn, với những chiến thuật nghiêm ngặt được chính quyền Việt Nam thông qua dưới sự giám sát của ông.

    Việt Nam năm nay đã trải qua ​​một cuộc đàn áp nhân quyền đặc biệt khốc liệt, với các án tù nặng nề nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến, cùng với luật an ninh mạng được thông qua nhằm tăng cường quyền kiểm soát của nhà nước đối với các trao đổi trên mạng. Trong tháng Tám, các nhà hoạt động nổi bật, blogger Phạm Đoan Trang, là người thường viết bài phê bình các hành động đàn áp nhân quyền của chính quyền Việt Nam, đã bị đánh đập tàn nhẫn khi an ninh xông vào một buổi hòa nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh. Và ngay cả khi các tù nhân lương tâm được thả ra, chính quyền vẫn tống xuất họ, chứ không chấp nhận tiếng nói của họ vang lên trong nước.

    Bên cạnh việc đàn áp giới bất đồng chính kiến, ông Trọng cũng tìm cách đẩy lùi nạn tham nhũng. Đây là vấn nạn mà các nhà lãnh đạo cộng sản trước đây cũng cố gắng giải quyết, nhưng ông Trọng có ý định theo đuổi một chiến dịch lâu dài và quy mô để làm sạch chế độ. Tham nhũng trước đó đã lan tràn ở Việt Nam, nhưng hiện tượng này trở nên rất phổ biến dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là người đã bị hất ra khỏi giới lãnh đạo chóp bu của đảng sau cuộc chiến quyền lực với ông Trọng trong năm 2016. Ông Hiệp nhận định:“Tham nhũng không chỉ làm suy yếu uy tín của đảng, mà còn gây ra rất nhiều hậu quả kinh tế, vì vậy tôi nghĩ rằng vấn nạn này giờ đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng hơn với đảng. Và danh sách các quan chức có thể dính vào tham nhũng và bị điều tra vẫn còn kéo dài”.

    Chiến dịch chống tham nhũng cũng tạo ra cho ông Trọng một vũ khí mạnh mẽ để loại bỏ các đối thủ tiềm năng, đưa ông vào một vị thế tốt để bảo đảm rằng một trong những người cùng phe cánh sẽ kế thừa vị trí của ông vào cuối nhiệm kỳ. Dù không chắc, vẫn có khả năng là ông Trọng sẽ làm tiếp cả nhiệm kỳ thứ ba nếu không có người kế thừa nào đủ khả năng. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản bị giới hạn ở hai nhiệm kỳ, nên ông sẽ cần quyền miễn trừ đặc biệt để làm như vậy, nhưng vẫn có khả năng. Mọi con mắt đang đổ dồn vào Đại hội Đảng năm 2021, màn chuyển giao quyền lực kế tiếp trong chế độ toàn trị ở Việt Nam. Từ giờ đến lúc đó, không có gì thay đổi.

    Elliot Waldman

    Dịch giả: Châu Minh Dũng
    * Elliot Waldman là biên tập viên của World Politics Review.
    (Tiếng Dân)

    Không có nhận xét nào