Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam sẽ mua vũ khí Mỹ như thế nào

    Mỹ chính thức bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào tháng 5/2016, nhân chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Hà Nội.

    Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải) và Đại tướng Ngô Xuân Lịch, tại Sài Gòn 17/10/2018.

    Trong thời gian hai năm qua, hoạt động trao đổi quốc phòng giữa hai nước diễn ra rất sôi nổi. Đó là những cuộc gặp gỡ cấp cao của giới chức quốc phòng hai nước, những chuyến thăm cảng Việt Nam của tàu chiến Mỹ, mà sự kiện mang tính lịch sử nhất là tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Đà Nẵng vào tháng 3/2018, những tuyên bố của Việt Nam ủng hộ tự do hàng hải và hàng không mỗi khi tàu chiến Mỹ thách thức chủ quyền Trung Quốc tại các đảo đá và bãi cạn đang tranh chấp ở Biển Đông.

    Bên cạnh đó còn có những tin tức về việc Việt Nam mua vũ khí Mỹ, hay là Mỹ biếu không cho Việt Nam những vũ khí cũ.

    Ngay trong chuyến viếng thăm Hà Nội vào tháng 5/2016 của Tổng thống Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là ông Ash Carter tuyên bố cung cấp một khoảng tín dụng trị giá 18 triệu đô la Mỹ để mua sắm các thiết bị quốc phòng của nước này.

    Bắt đầu từ tháng 5/2017, cho đến tháng 3/2018, Hoa Kỳ đã chuyển giao cho Việt Nam, theo những thông tin được công bố, 12 ca nô và 2 tàu tuần duyên cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.

    Tháng 8/2018, có tin đưa ra từ Bộ Quốc phòng Mỹ là Việt Nam ký một hợp đồng trị giá gần 100 triệu đô là mua vũ khí. Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó tránh bình luận tin này.

    Theo luật sư Vũ Đức Khanh, từ Canada, trong buổi thảo luận với đài RFA vào đầu tháng 10, có nói rằng sắp tới đây Việt Nam có thể đưa ra những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ trị giá lớn để làm vừa lòng Tổng thống Donald Trump, người muốn có cân bằng mậu dịch với những quốc gia khác, trong đó Việt Nam đang là nước xuất siêu vào Mỹ.

    Luật sư Vũ Đức Khanh: Có thể Việt Nam sẽ cân bằng cán can mậu dịch với Mỹ bằng các hợp đồng vũ khí.
    Ngoài ra cũng có một thông tin khác có liên quan đến vấn đề mua bán vũ khí là Quốc hội Hoa Kỳ, hiện đang cấm vận quốc gia nào mua vũ khí của Nga, đã đồng ý loại Việt Nam và Ấn Độ ra khỏi danh sách đó, đồng ý để Việt Nam vẫn tiếp tục dùng vũ khí Nga để duy trì sức mạnh của quân đội mình.

    Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc này. Ông Mattis đã nêu vấn đề Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển sang dùng vũ khí Mỹ trong khi đã dùng vũ khí Nga hơn nửa thế kỷ nay, để chống lại với lý lẽ muốn cấm vận mà Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng xuất phát từ các công ty sản xuất vũ khí Mỹ, hoặc các tiểu bang có các công ty này hoạt động.

    Máy bay săn tàu ngầm P-3C Orion, là loại vũ khí mà Việt Nam cần để phòng thủ Biển Đông. AFP
    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập từ Singapore cho biết rằng hiện Việt Nam sử dụng đến 80% vũ khí do các quốc gia thuộc Liên Xô cũ sản xuất, trong đó chủ yếu là từ nước Nga. Theo ông, từ câu chuyện loại trừ Việt Nam ra khỏi danh sách cấm vận, cho thấy Mỹ đang có một chính sách mở đối với Việt Nam về chuyện mua vũ khí, đó là Mỹ sẽ bán những gì và những khi nào mà Việt Nam cần, tức là chuyện mua vũ khí từ Mỹ là quyết định của Việt Nam.

    Theo thông tin của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Mỹ đã muốn bán rẻ hoặc biếu không các máy bay săn tàu ngầm đang được quân đội Mỹ sử dụng là P-3C, và Việt Nam đã gửi nhiều đoàn của Bộ Quốc phòng đến Mỹ để khảo sát đề nghị này, nhưng chưa đưa ra quyết định, và theo Tiến sĩ Hợp, Hà Nội có thể cân đối ngân sách để mua những máy bay hoàn toàn mới.

    Bình luận về tin Việt Nam ký hợp đồng mua gần 100 triệu đô la vũ khí Mỹ hồi tháng 8/2018, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng nếu có thì không phải là những vũ khí lớn mà là những thiết bị quốc phòng như ra đa phòng không và phòng thủ bờ biển.

    Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp: Không có rào cản nào trong việc mua vũ khí từ Mỹ cả..
    Theo ông, trong tương lai chuyện mua vũ khí của Việt nam sẽ tiếp tục theo hướng đó, và không có rào cản nào trong chuyện Mỹ bán vũ khí cho Việt Nam.

    Bình luận về vấn đề mua vũ khí Mỹ của Việt Nam, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng mặc dù chuyện đó là quan trọng, nhưng không phải là vấn đề lớn hiện nay trong quan hệ Việt Mỹ. Mà vấn đề lớn nhất là Mỹ cần có một đối tác chính danh là Việt Nam tại khu vực Biển Đông, Châu Á Thái Bình Dương để củng cố tiềm lực hàng hải mà Mỹ đã duy trì trong suốt vài trăm năm nay.

    Theo Giáo sư Long, Mỹ đang cần một nơi dừng chân của tàu chiến trong khu vực Biển Đông, một khi mà quan hệ với đồng minh cũ Philippines không thể còn được đoán định một cách chắc chắn. Ông nói rằng chỉ cần một chuyến hải hành của tàu chiến Mỹ ở Biển Đông là có thể đã tốn hàng trăm triệu đô la Mỹ, vì vậy để một quốc gia đối tác dùng vũ khí Mỹ để bảo vệ quyền lợi chung của hai nước là vấn để rất dễ dàng nhìn thấy là vô cùng có lợi.


    Kính Hòa
    RFA

    Không có nhận xét nào