Từ khi Internet vào Việt Nam, máy
tính gần như được phổ cập cũng là lúc chúng tôi bắt đầu làm việc viết
báo cáo báo cầy bằng máy tính, không còn phải nhờ đánh máy văn bản với
các báo cáo quan trọng như trước nữa. Nhất là khi gia đình tôi cũng được
nối mạng, thì lại tha hồ đọc tin, nghe bình luận tin tức trên báo nước
ngoài như BBC, VOA, SBTN, RFA… nhất là báo Người Việt (tất nhiên chỉ dám
đọc trộm khi ngồi nhà).
Phước Lộc Thọ, biểu tượng của người Việt Little Saigon. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) |
Đọc
báo thấy được cuộc sống thực của dân bản xứ, cũng như dân Việt, nhận
thấy báo nước ngoài tin tức đưa ra thường chính xác, độ tin cậy cao, chứ
không đi mây về gió, nhiều lý luận như báo trong nước. Nhu cầu đọc báo
nước ngoài đã trở thành thói quen, qua báo biết được cuộc sống, phẩm
chất tốt của con người được ca ngợi, tôn vinh. Hành xử giữa người với
người dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, bác ái của người ngoại
quốc. Trong khi Việt Nam cũng có khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh, xã hội
công bằng, văn minh…” mà sao lòng người không thật, mở bất kỳ một tờ báo
trong nước, đều những lý thuyết suông về chủ nghĩa xã hội, mặc dù ông
tổng bí thư nói không biết đến bao giờ mới đạt được CNXH ở Việt Nam,
thấy không muốn đọc. Còn những tin giật gân giết người, cướp của, hiếp
dâm, hay ca sĩ này, nghệ sĩ kia lấy chồng lần thứ hai, hay bỏ chồng… đã
có đội ngũ bán báo dạo đọc loa trên đường, không muốn nghe vẫn cứ lọt
tai.
Càng
đọc tin, truyện ngắn, tiểu thuyết càng muốn tìm hiểu về đất nước, con
người của xứ sở cờ hoa bằng mắt thấy tai nghe, muốn một lần được đến Mỹ,
mặc dù đã được đi mấy nước Châu Âu.
Quyết
phải đến Mỹ một lần nên tôi tìm hiểu xin visa Mỹ. Đọc trên mạng thấy
mọi người nói xin visa Mỹ khó lắm, người đạt được visa Mỹ rất ít so với
hồ sơ nộp ở sứ quán. Thế là để tăng khả năng đạt visa Mỹ, tôi phải nhờ
công ty du lịch nộp hồ sơ hộ, vì sợ mình lóng ngóng lại hỏng việc.
Khi
đi phỏng vấn, người phỏng vấn là bạn người Mỹ, rất trẻ và đẹp trai, bạn
nói năng nhẹ nhàng, những câu hỏi của bạn rất bất ngờ, khiến người được
hỏi phải trả lời đúng sự thật, vì nói dối mà không chuẩn bị trước sẽ lộ
ngay. Đoàn tôi có ba người cùng phỏng vấn gồm hai vợ chồng tôi và cô em
dâu họ. Ba người phỏng vấn đạt hai người, rất là sốc và buồn khi nghe
nói cô em không đạt visa, cũng không biết lý do. Nhưng thôi, phải chuẩn
bị hành lý lên đường đến với giấc mơ Mỹ của bao nhiêu người Việt Nam.
Chuyến
bay của tôi transit tại Taipei (Đài Loan) sau khi bay 13 giờ đến Mỹ,
tôi theo dòng người vào làm thủ tục check in. Lượng hành khách quá đông,
xếp hàng làm thủ tục đi 4, 5 vòng mới vào được đến nơi, nhưng không
thấy các nhân viên Hải Quan mà làm thủ tục bằng máy. Đó là ngạc nhiên
lần thứ nhất trong bao nhiêu ngạc nhiên khác nhất là về người Mỹ, và
người Mỹ gốc Việt.
Loay
hoay một hồi cũng xong, và dòng chữ “Welcome To America” hiện ra, những
từ này từ đây được nghe nhiều, thấy ấm lòng lữ khách.
Xếp
hàng đi tiếp lúc này mới thấy ba nhân viên hải quan. Lạ là ở sân bay
Los Angeles họ bố trí rất nhiều người nói được tiếng Việt hướng dẫn
chúng tôi. Sau khi nhận dấu đóng “cộp” vào hộ chiếu, tôi yên tâm đi
tiếp.
Lấy
hành lý đã có nhân viên của hãng đứng đó sẵn sàng hướng dẫn giúp đỡ.
Khi ở nhà nghe nói dùng xe đẩy của phi trường mất $5, thấy hơi tiếc tiền
nên tự kéo vali vậy.
Gần
đến cửa ra, trước mặt thấy hai nhân viên an ninh ách lại hỏi, hơi run,
hóa ra họ hỏi: “Ông mang bao nhiêu tiền đến Mỹ?” trả lời “Hơn $2,000”
thế là cho đi và lại “Welcome…”
Taxi
ở Mỹ là vấn đề chúng tôi suy nghĩ nhiều khi còn ở nhà, liệu có bị chặt
chém không, bác tài có đưa đúng chỗ hay lại đi vòng vòng kiếm thêm như ở
Việt Nam? Khi ra cửa tìm taxi, tôi giơ địa chỉ khách sạn đã đặt trước
ra, được hướng dẫn tận tình, nào là đi đến cột nào, chỗ đó là giành cho
taxi đi về khu vực đó… Và kia rồi bác tài xế đang đợi, và nói luôn giá,
“Ông đến đó hết chừng này tiền.” Ok lên xe.
Đến khách sạn là 1 giờ sáng, mệt nhưng rất phấn khích vì ngày mai bắt đầu được tham dự vào cuộc sống tuy là du lịch của Mỹ.
Khách
sạn của Mỹ khác hẳn các nước Châu Á, cũng như Châu Âu, vì nó rộng, nhà
tắm vòi sen khác hẳn loại thường dùng, mở để nước ấm đủ cho mình sử dụng
khá lâu, nước chảy mạnh. Tuy là mình đã mất tiền thuê nhưng trong lòng
vẫn thấy tiếc của vì nước lãng phí nhiều quá (nước giàu có khác).
Ước
mơ đến Mỹ đã thành hiện thực mà sao khó ngủ thế, đúng là đồng hồ sinh
học thay đổi. Nghe nói ở Mỹ cửa hàng thường mở muộn khoảng 10 giờ sáng,
nên cứ yên tâm không vội ra đường. Đường phố ở đây rộng và sạch sẽ, mua
sim điện thoại trước đã, cuốc bộ xa, nắng, nóng nhưng được cái vào bóng
cây thấy mát ngay. Quả là thiên nhiên ưu đãi người dân ở đây, không như ở
Việt Nam Tháng Tám nắng rám trái bòng, ngồi trong nhà mất điện toát mồ
hôi hột.
Ngày
đầu tiên ở Geneva Mtel, sau khi đi New York về sẽ ở Trade Wind Hotel.
Thế là đi tìm Trade Wind. Giở bản đồ ra Trade Wind cách Geneva khoảng 3,
4 km. Hỏi đường, lúc đầu hỏi bác tài người Mỹ đen, trên xe tải, bác lấy
điện thoại xoay một hồi chỉ cho mình một hướng, đi một đoạn thấy gần
như đường cụt, lại hỏi thăm hóa ra hướng ngược lại, nhưng vẫn phải tìm
cho ra. Tìm được khách sạn, lại cuốc bộ về thấy ngại quá, gọi taxi thì
sợ hao tiền, vì ăn uống ở bên này mỗi suất kể cả tiền tip khoảng 200
ngàn tiền Việt, ở nhà kiếm tiền đồng, sang đây tiêu tiền quyển xót ruột
quá, nên thôi, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó, nhiều khi nhịn bữa vừa
giảm cân vừa đỡ hao tiền.
Hai
ngày ở Geneva qua rất nhanh, lại đóng gói hành lý lên đường ra sân bay
nhập với đoàn du lịch từ Việt Nam sang sau, vừa đi bờ Đông về.
Bữa
cơm Việt đầu tiên trên đất Mỹ là nhà hàng Phở Thanh, thấy không khác
Việt Nam là mấy, cũng ồn ào, xô bồ. Đi bao nhiêu đường đất lại đến một
nơi thế này chán quá. Nhưng cảm giác này qua rất nhanh vì hôm sau được
đưa đi khám phá Hollywood, Las Vegas, Hoover Dam ở Nevada.
Đi
tour thì mong được shoping. Ở nhà nghe nói các thuốc vitamin, dầu cá,
ginkgo biloba bán nhiều ở Cosco, nhưng hướng dẫn viên lại đưa vào một
cửa hàng gần Little Saigon. Một cô bé người Mỹ bán giá trên trời, nhưng
người hướng dẫn viên nói là “thuốc nơi này thật hơn hẳn các loại thuốc
bán ở nơi khác trên đất Mỹ.” Thế là cả đoàn mua rất nhiều, trong đó có
tôi, mua hộp dầu cá $80, trong khi hộp này bán tại Cosco giá ít hơn nửa
với nhãn hiệu y chang.
Sau
này tiếp xúc với nhiều Việt kiều mới hiểu hướng dẫn viên đưa đoàn vào
cửa hàng đó, khách mua nhiều sẽ được tiền hoa hồng (sao giống Việt Nam
mình thế nhỉ?). Một chị trong đoàn vì mua nhiều quá, khi phát hiện giá
thuốc ở đây quá cao, đã nói với hướng dẫn viên rằng khi về Việt Nam sẽ
báo cáo việc này với công ty du lịch. Người hướng dẫn viên nghe vậy buộc
lòng đưa chị đem trả lại hầu hết số thuốc đã mua (khác Việt Nam rồi).
Khi
đi New York, thăm tượng Nữ Thần Tự Do, trên thuyền gặp gia đình một
Việu Kiều. Gia đình họ sang đây từ sau 1975, vẫn mang nét thật thà, hiếu
khách của người miền Nam trước “giải phóng.” Bác gái đi với con trai và
con dâu, đưa người nhà vừa ở Việt Nam sang thăm tượng Nữ Thần Tự Do.
Bác nhiệt tình mời chúng tôi về nhà bác chơi, cứ nói “về nhà tôi, tôi
đưa cô chú đi mua sắm ở nơi rất rẻ, không đắt như khi cô chú đi tour
đâu,” mà kẹt nỗi hôm sau chúng tôi về lại Los rồi. Lần đầu gặp mặt sao
thấy thân thiết như người nhà, sao họ là người mới quen trên đường mà
giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, trong khi các bạn hướng dẫn viên cùng trên
một đất nước, chỉ tìm cách kiếm chác của đồng bào mình? Nếu không có một
gia đình bạn Việt Kiều đi từ năm 1979 khi “Đảng đánh đuổi người Hoa”
thì chắc tôi chỉ dám đến Mỹ một lần thôi, vì mọi thứ ở bên này giá cao
hơn nhiều so với Việt Nam, đi lại không thuận tiện, hầu như các gia đình
có xe riêng, hỏi về phương tiện công cộng rất ít người biết.
Về
lại Los, người bạn cũ học cùng cấp II ở Hà Nội, gọi điện thoại nói đến
đón vợ chồng tôi. Chúng tôi ngại quá, vì bạn cũ từ thời trẻ trâu, thậm
chí chỉ nhớ loáng thoáng khuôn mặt bạn, đoán bạn đến chắc rủ ra cà phê,
cà pháo thôi, không ngờ bạn nói đón hai vợ chồng về nhà ở, còn khách sạn
trả tiền rồi thì bỏ đi.
Đã
qua một năm sau lần đến Mỹ, giờ ngồi nhớ lại vẫn thấy sao nước Mỹ tình
người nồng ấm đến thế? Vẫn là người Việt sao ở trong nước cha con, bạn
bè có thể từ bỏ nhau, vì trộm con chó mà thiệt mạng người, giết nhau vì
lý do không đâu. Trong khi bên Mỹ này, chính những người năm xưa bị Đảng
đánh đuổi vì họ là người Hoa phải bỏ nước ra đi trên những con thuyền
mạng sống bấp bênh, vậy mà bây giờ họ vẫn là những người bạn chí tình,
chí nghĩa, giúp người không vụ lợi. Cả hai vợ chồng bạn đưa chúng tôi
tham quan khu Phước Lộc Thọ, khu chợ của người Việt, đi chùa… Sống trong
nhà bạn thấy con của bạn được giáo dục nề nếp, nhà cửa gọn gàng, sạch
sẽ, con cái quan tâm đến bố mẹ, cũng như bố mẹ chăm chút cho con, nhưng
con không hề ỷ lại bố mẹ, dù cho bố mẹ luôn háo hức phục vụ. Nếp sống
này phải mất nhiều năm nữa các gia đình Việt Nam mới theo kịp.
Tạm
biệt nước Mỹ, tạm biệt những người hiếu khách, cả người Mỹ lẫn Việt
Kiều tôi đã gặp trong chuyến đi, các bạn để lại ấn tượng đẹp mãi mãi
chúng tôi không thể quên.
An Nhi
(Người Việt)
Không có nhận xét nào