Header Ads

  • Breaking News

    Tâm Chánh - Đại biểu của đảng và đại diện cho dân

    Ai có thẩm quyền phân định nội dung phát ngôn của đại biểu QH Lưu Bình Nhưỡng đúng hay sai, lợi hay hại?

    Hình minh họa
    Nghị trường là một diễn đàn ngôn luận tự do nhưng thủ tục nghị trường lại là một qui phạm có tính pháp lí.

    Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến của mình trong phiên chất vấn. Bộ trưởng CA có trách nhiệm trả lời. Nếu ý kiến của đại biểu không đúng bộ trưởng phải thông qua lập luận, phản bác, tranh luận. Trong thực tế tranh luận cần phải phân định ai đúng ai sai cụ thể, chủ toạ phiên họp muốn xác định, phải tiến hành thủ tục biểu quyết. Thảo luận, tranh luận và biểu quyết ở QH đôi khi không đạt đến chân lý mà chỉ là một thoả hiệp chính trị.

    Cần phải lưu ý, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong nghị trường được mặc định là cử tri mà ông ấy đại diện. Tư cách này chính là luận lý để luật pháp dành cho nghị sĩ quyền miễn trừ.

    Tại phiên chất vấn, bộ trưởng công an đã không trả lời, tranh luận, phản bác nội dung được coi là không đúng của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, việc mà trong một nghị trường chuyên nghiệp chắc chắn tướng Tô Lâm phải vớ lấy như một cơ hội chính trị. Trả lời hay tranh luận, phản bác là bộ trưởng thực hành trách nhiệm với cử tri.

    Trong trường hợp này, bộ trưởng phải có trách nhiệm trả lời băng văn bản cho đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Các cáo buộc hay phản bác phải thể hiện bằng văn bản chính thức đó. Nếu cần thiết phải làm rõ, xác định trách nhiệm chính trị, các đại biểu QH thuộc ngành công an phải yêu cầu tiến hành điều trần với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Cần thiết hơn nữa QH có nghị quyết phê phán nội dung phát biểu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sai trái.

    Còn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không thể bị áp dụng bất cứ hình thức kỉ luật nào. Chỉ có cử tri nơi bầu cho ông Nhưỡng mới có thể kỉ luật ông ấy. Khi đó Mặt trận chủ trì hiệp thương và tiến hành trình tự thủ tục phế truất tư cách ĐBQH của ông Lưu Bình Nhưỡng.

    Logic vận hành quyền lực của QH là như vậy, không phải cách sinh hoạt đảng theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

    Đảng đoàn QH không phải là một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp xác định nội dung phát biểu của ông Nhưỡng là đúng hay sai.

    Tuy nhiên thực tế tranh chấp xung quanh chất vấn của ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng phát sinh ít nhất hai thực tiễn chính trị:

    Một là, đảng cầm quyền lãnh đạo đảng viên của mình trong nghị trường như thế nào?

    Nếu đảng viên Lưu Bình Nhưỡng phát biểu sai với quan điểm đường lối của đảng, đảng tiến hành kỉ luật là bình thường. Nhưng đảng viên Lưu Bình Nhưỡng đang là đại biểu của cử tri bầu ra ông ấy. Đảng không thể kỉ luật cử tri. Cũng như đảng không thể bắt buộc cử tri nói theo quan điểm của đảng.

    Logic thượng tôn pháp luật sẽ dẫn đến kết quả đảng phải thuyết phục đảng viên Lưu Bình Nhưỡng cải chính, tự nhận kỉ luật; hoặc phải vận động chính trị để cử tri phê phán nội dung sai đó và thông qua các thủ tục bãi miễn nếu thấy cần thiết.

    Trong điều kiện độc đảng cầm quyền, đảng đơn phương áp đặt kỉ luật với đảng viên Lưu Bình Nhưỡng là một hành vi chính trị chưa tôn trọng đúng mức quyền lực của nhân dân, đi ngược với cam kết đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật.

    Cần thấy rằng, thực tế có những cấp, những ngành thiết lập trật tự quản lí với viên chức của mình tham gia QH và HĐND vẫn theo lối cũ, khi họ là thuộc cấp của mình.
    Phải làm rõ, khi một đại biểu QH, phó giám đốc sở y tế phê phán bộ trưởng y tế thì mặc định là phê phán của cử tri với bộ trưởng.

    Mọi hành vi, thái độ, biểu hiện ngăn trở ngôn luận này thực chất là hạn chế quyền dân chủ của nhân dân, cần phải nghiêm cấm.

    Để tránh điều này, căn bản vẫn nên qui định khi viên chức trúng cử làm đại biểu dân cử, cần thiết không được tham gia bộ máy hành pháp. Có thể sau khi kết thúc vai trò đại biểu họ được thuận lợi trở lại vị trí công tác cũ, hoặc được cất nhắc đề bạt.

    Hai là, ngôn luận thực sự là quyền tự do biểu đạt của nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát quyền lực. Quyền tự do ấy không thể là công cụ trực tiếp của cơ quan nhà nước. Càng không nên là công cụ của các lực lượng chấp pháp. Quyền lực trấn áp mà còn có công luận trong tay thì ai đủ cơ tranh mà luận với giải?

    Bộ công an có một đội hình cơ quan báo chí đông đảo, lại điều hành trực tiếp lực lượng tác chiến mạng, nếu đấu tranh bằng ngôn luận, thì đó là một cuộc đấu bất đối xứng với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Không phải ngẫu nhiên mà từ những năm 1990 đảng chủ trương qui hoạch mạng lưới báo chí không để các cơ quan chấp pháp hay trực tiếp điều hành kinh tế xã hội như UBND, ngành công an…ra báo, nhất là nhật báo. Tiếc là nguyên tắc đúng đắn đó không được tiếp tục triển khai.

    Tâm Chánh

    (FB Tâm Chánh) 

    Không có nhận xét nào