Header Ads

  • Breaking News

    Thường Sơn - Hậu quả nào khi Việt Nam không ủng hộ ‘Bộ Tứ’ trong khu vực?

    Nếu không có ‘Bộ Tứ’ với vai trò rất cụ thể của người Mỹ, chế độ cầm quyền ở Việt Nam sẽ biết dựa vào ai để ‘tiến ra biển lớn’ trước họng súng chỉ chực chờ khạc lửa của ‘bạn vàng’ Bắc Kinh?

    HÌnh minh họa
    Một hiện tượng ‘lạ’ đã xảy ra: chỉ một tháng sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bất ngờ thực hiện chuyến thăm Việt Nam vào trung tuần tháng Mười năm 2018, một quan chức ngoại giao chỉ ở bậc trung cấp của Việt Nam là đại sứ mới của Việt Nam tại Ấn Độ - Phạm Sanh Châu - đã xuất hiện trước báo chí nước này và nói “chúng tôi không muốn thấy bất cứ một liên minh quân sự nào được hình thành bởi vì chúng tôi tin là nó không có lợi cho môi trường an ninh trong khu vực.”

    ‘Liên minh quân sự’ mà ông Châu đề cập chính là ‘Bộ Tứ’ Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ - một hợp tác an ninh nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định cho khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

    Được hỏi liệu Việt Nam có ủng hộ liên minh bốn cường quốc này không, Đại sứ Châu nói: “Nếu bất kỳ nước nào muốn bè phái, sử dụng vũ lực hoặc tìm cách dùng vũ lực, thì điều đó đi ngược lại với quan điểm của Việt Nam," theo Times of India.

    Đại sứ Phạm Sanh Châu (phải) trình quốc thư tại New Delhi. Vị đại sứ mới được bổ Nhiệm đến Ấn Độ nói Việt Nam không ủng hộ bất cứ liên minh quân sự nào trong khu vực. (VOA/SanhChau Pham's Facebook)

    Mặc dù chỉ là một quan chức bậc trung, nhưng cách nói của ông Phạm Sanh Châu được hiểu là đại diện cho quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đại diện cho cả ‘siêu bộ’ là Bộ Chính trị đảng ở Việt Nam, kể cả đại diện cho… Trung Quốc.

    Từ sau phát biểu của ông Châu, cho tới nay chưa có bất kỳ phản bác hay cải chính nào từ từ các cơ quan hữu quanViệt Nam, cho thấy ông Châu chỉ là một phương tiện để chuyển tải quan điểm của các cấp trên của ông ta.

    Như vậy, một lần nữa kể từ năm 2014 là lúc Bộ Chính trị Việt Nam phải chịu cú tát cháy mặt bởi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc khi giàn khoan này xâm phạm vào ‘vùng chủ quyền không thể tranh cãi’ của Việt Nam ở Biển Đông, Việt Nam lại quay trở về với chính sách cố hữu song chẳng có gì là bền vững và hiệu quả của chế độ này: không liên minh quân sự, không cho nước nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và không liên minh với bất kỳ nước nào để chống lại nước khác.

    Hoặc hiểu theo một cách khác: Việt Nam vẫn cố duy trì tư thế đu dây chính trị và quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ.

    Thế nhưng với cái thế đu dây rất dễ bị té lộn đầu ấy, mà trong thực tế Bộ Chính trị Việt Nam đã bị ‘đồng chí tốt’ Trung Quốc cho té lộn đầu ít nhất hai lần vào năm 2017 và 2018 khi Trung Quốc tung ra các đòn khủng bố về quân sự và ngoại giao tại mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ ở khu vực Bãi Tư Chính mà Việt Nam đang hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha để khai thác…, sẽ chẳng có gì giúp cho chế độ độc đảng ở Việt Nam dễ dàng khai thác dầu khí ở không chỉ mỏ Cá Rồng Đỏ mà còn ở mỏ Lan Đỏ và Cá Voi Xanh.

    Nếu không tính đến sự trợ giúp trực tiếp của lực lượng hải quân và không quân Mỹ…

    Cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, John Bolton - Cố vấn An ninh Mỹ - trong cuộc phỏng vấn của chương trình Hugh Hewitt có tiếng của Mỹ vào ngày 11/10/2018 đã lần đầu tiên nói bóng gió về khả năng Mỹ và Việt Nam sẽ ‘cùng khai thác dầu khí’.

    “Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không” - John Bolton nói, tuy không đề cập cụ thể Mỹ sẽ hợp tác khai thác với nước nào trong số các quốc gia đang tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan.

    Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, không thể khác hơn và thật ra cũng chẳng còn lựa chọn nào khác, hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông. Để Việt Nam có thể ‘can đảm bám Mỹ’, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.

    Nhưng một tháng sau sự kiện James Mattis đến Việt Nam, rất có thể lại xảy ra một sự cố đáng kể nào đó trong quan hệ Việt - Mỹ mà đã khiến Bộ Chính trị Việt Nam phải bật đèn xanh cho một quan chức bậc trung là Đại sứ Phạm Sanh Châu bật ra phát ngôn phản đối ‘Bộ Tứ’.

    Hậu quả tiếp tới là rất rõ: nếu không có ‘Bộ Tứ’ với vai trò rất cụ thể của người Mỹ, chế độ cầm quyền ở Việt Nam sẽ biết dựa vào ai để ‘tiến ra biển lớn’ trước họng súng chỉ chực chờ khạc lửa của ‘bạn vàng’ Bắc Kinh?

    Thường Sơn

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào