Ngay
sau chuyến công du Pháp dự đại lễ tưởng niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến
Thứ Nhất trở về, sáng hôm qua, 13/11/2018, tổng thống Donald Trump liên
tục tung lên nhiều thông điệp Tweet đả kích dữ dội đồng nhiệm Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu bên cạnh đồng nhiệm Mỹ Donald Trump, nhân lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế Chiến Thứ Nhất. Ảnh ngày 11/11/2018. |
Vì
sao ? Phải chăng tổng thống Mỹ nổi giận trước hết là vì cặp Pháp-Đức
đang có nhiều nỗ lực chưa từng có, đặt nền móng cho một lực lượng phòng
vệ độc lập cho châu Âu, với hệ quả là Liên Hiệp Châu Âu sẽ ngày ít phụ
thuộc vào vũ khí Hoa Kỳ ?
Kể
từ hơn một năm nay, tức từ khi tổng thống Mỹ và phu nhân được đón tiếp
trọng thể tại Paris với tư cách khách mời danh dự, nhân lễ Quốc khánh
Pháp, có lẽ chưa bao giờ quan hệ giữa Donald Trump và Emmanuel Macron
lại căng thẳng đến như vậy.
Trước
khi đến Pháp dự lễ, tổng thống Mỹ đã gửi Tweet phê phán tổng thống Pháp
về dự án phòng thủ riêng của châu Âu. Trở về Mỹ, Donald Trump lần lượt
tung ra 4 thông điệp đả kích, về hàng loạt chủ đề khác nhau, từ ý tưởng
lập « quân đội » riêng của châu Âu của tổng thống Pháp, đến việc
Emmanuel Macron trong buổi lễ vừa qua đã lên án quyết liệt « chủ nghĩa
dân tộc », một chỉ trích gần như là trực tiếp nhắm vào cá nhân ông
Trump. Tổng thống Mỹ cũng bất bình khi cho rằng Pháp đã bất công với Mỹ
khi đánh thuế nhập khẩu rượu cao, trong khi Hoa Kỳ lại rộng rãi mở cửa
thị trường cho rượu vang Pháp…
Trong
đoạn Tweet cuối cùng gửi tổng thống Pháp, ông Donald Trump nhận xét : «
Vấn đề là Emmanuel (tên gọi thân mật của tổng thống Pháp) hiện đang khổ
vì tỉ lệ được lòng dân rất thấp tại Pháp : 26%, và một tỉ lệ thất
nghiệp gần 10% ». Tổng thống Mỹ tung ra lời hiệu triệu : « Hãy làm cho
nước Pháp vĩ đại trở lại! » như một sự mỉa mai. Hồi năm ngoái, chính
tổng thống Pháp đã từng dùng điệp khúc «Hãy làm cho hành tinh của chúng
ta vĩ đại trở lại!», để gián tiếp phê phán quan điểm đặt nước Mỹ trên
hết và quyết định rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, của ông
Donald Trump.
Giương Đông, kích Tây để chinh phục cử tri Mỹ
Ăn
miếng trả miếng. Đối lại những lời lẽ hùng biện lên án « chủ nghĩa dân
tộc » mù quáng, được ví như « sự phản lại chính lòng yêu nước » của
Emmanuel Macron, tổng thống Mỹ khẳng định là « không có quốc gia nào lại
dân tộc chủ nghĩa hơn nước Pháp, đó là một dân tộc rất kiêu hãnh. Chính
xác là như vậy ! ». Đáp lại các dòng Tweet dữ dội của tổng thống Mỹ,
điện Élysée tỏ ra bình thản. Trả lời báo giới, một cố vấn của tổng thống
Macron đánh giá là các thông điệp của ông Donald Trump chỉ có mục tiêu
duy nhất là nhắm vào các cử tri Mỹ, và đây là công việc nội bộ của nước
Mỹ.
Tuy
nhiên, đằng sau những lời lẽ cay nghiệt đối với đồng nhiệm Pháp, có lẽ
tổng thống Mỹ đang thật sự lo lắng và bất bình về các nỗ lực chưa từng
có của cặp bài trùng Pháp-Đức, đang đặt nền móng cho một lực lượng phòng
vệ độc lập cho châu Âu, về quan hệ Pháp – Đức đang ngày càng gắn bó.
Sợ Liên Hiệp Châu Âu tự trị về quốc phòng
Trước
mắt Washington đang hiện rõ viễn cảnh một nền công nghiệp châu Âu lớn
mạnh, và trong thời gian không xa, thị trường châu Âu sẽ đóng cửa với vũ
khí Hoa Kỳ. Theo quan điểm của ông Donald Trump, các nước châu Âu phải
chi tối thiểu là 2% GDP cho quốc phòng, và khoản tiền này chủ yếu sẽ
được dùng để mua vũ khí và dịch vụ quân sự của Mỹ. Tuy nhiên, tổng thống
Pháp đã thẳng thừng bác bỏ điều này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát
trên kênh truyền thông Mỹ CNN, hôm Chủ Nhật vừa qua, 11/11, ngay vào lúc
ông Donald Trump còn ở Paris, tổng thống Macron nhấn mạnh là ông «
không muốn thấy các nước châu Âu tăng ngân sách quốc phòng để mua vũ khí
Mỹ… Nếu chúng tôi (tức Liên Âu) tăng ngân sách, sẽ là để xây dựng sự
độc lập (về quân sự) của chúng tôi ».
Từ
một năm nay, Pháp và Đức liên tục có các dự án phòng vệ chung trong
lĩnh vực quân sự, về máy bay chiến đấu, máy bay không người lái, hay
thiết giáp. Một quỹ phòng vệ chung của châu Âu đã ra đời với 13 tỉ euro
vốn đầu tiên, cho phép khởi sự kể từ năm tới các nghiên cứu chung trong
lĩnh vực quân sự. Tháng 6 vừa qua, 9 nước châu Âu nhất trí thành lập
«Sáng kiến can thiệp châu Âu », nhằm tạo ra một « văn hóa chiến lược
chung » trong lĩnh vực quân sự. Đối với những người ủng hộ dự án xây
dựng châu Âu, thì một Liên Hiệp Châu Âu vững mạnh, không thể không độc
lập về quân sự.
Sáng
kiến một quân đội chung của châu Âu được tổng thống Pháp đưa ra cách
nay ít hôm, bị tổng thống Mỹ chỉ trích dữ dội, đã nhận được sự ủng hộ
mạnh mẽ của thủ tướng Đức. Phát biểu về tương lai châu Âu trước Nghị
Viện Châu Âu ở Strasbourg, ngày hôm qua 13/11, bà Angela Merkel khẳng
định Liên Âu cần một quân đội chung nhằm tăng cường khả năng tự vệ. Cũng
như lãnh đạo Pháp, thủ tướng Đức nhấn mạnh là lực lượng này sẽ phối hợp
với Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), sản phẩm của quan hệ
đồng minh lâu đời Âu – Mỹ.
Trọng Thành
(RFI)
Không có nhận xét nào