Header Ads

  • Breaking News

    Pháp- Nhật tăng cường hợp tác quân sự tại Thái Bình Dương

    Bốn vị bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Pháp-Nhật gặp nhau 11/01/2019 tại Brest, căn cứ hải quân Pháp ở tây-bắc. Mục đích cuộc họp 2+2 này nhằm « thúc đẩy » dự án đối tác quân sự đã được khởi động cách nay 5 năm.

    Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tiếp bộ trưởng Quân Lực Pháp Florence Parly và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian (trái) cùng các ông Itsunori Onodera, Taro Kono trong khuôn khổ cuộc họp 2+2 Pháp- Nhật. Ảnh ngày 26/01/2018
    Tham dự hội nghị 2+2 tại Brest gồm ngoại trưởng Taro Kono và bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera. Phía Pháp có ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian và bộ trưởng bộ Quân Lực Florence Parly.

    Theo Reuters, cuộc trao đổi Pháp-Nhật được tổ chức theo công thức ngoại giao-quốc phòng mà Paris chỉ có với một nước bạn quan trọng ở vùng Ấn-Độ Thái Bình Dương, được thiết lập từ năm 2014 nhằm đáp ứng hai nhu cầu. Thứ nhất, Tokyo muốn khẳng định vai trò của Nhật trên trường quốc tế, tham gia các chiến dịch bảo vệ hoà bình, chống khủng bố và tìm kiếm sự hỗ trợ trước mối đe dọa bành trướng của Trung Quốc.

    Thứ hai, là Paris có lợi ích trong việc tham gia hoạt động và có tiếng nói trong khu vực chín triệu cây số vuông, trải dài từ Ấn Độ Dương đến tận Thái Bình Dương, nơi mà tự do hàng hải đang bị tham vọng của Bắc Kinh đe dọa.

    Tập trận vào mùa xuân

    Với căn cứ Nouméa ở đảo Nouvelle - Calédonie, chiến hạm Pháp có thể nhanh chóng đến Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tháng 2/2018, tuần dương hạm Vendémiaire, bằng thủy lộ này, tập trận với hải quân Nhật và sẽ trở lại Hoa Đông vào tháng 4/2019. Cũng trong năm 2019, lần đầu tiên hàng không mẫu hạm hạt nhân Charles de Gaulle sẽ được tái bố trí ở Ấn Độ Dương và sẽ tập trận với các chiến hạm Nhật tại « phía đông Ấn Độ Dương » theo thuật ngữ ngoại giao của bộ Quân Lực Pháp. Nhưng ngoài an ninh quốc phòng, còn có vế thứ hai là hợp tác chế tạo vũ khí.

    Theo một nguồn tin ngoại giao Nhật, Tokyo muốn cùng Paris ghi dấu một bước tiến cụ thể hơn trong cuộc họp 2+2 tại Brest : đó là tiến hành chế tạo tiềm thủy đỉnh tự hành chống thủy lôi do Thalès và Mitsubishi Heavy Industies thực hiện.

    Tú Anh

    (RFI)

    Không có nhận xét nào