Header Ads

  • Breaking News

    Việc lưu trữ và tập trung dữ liệu

    Làm thế nào chúng ta biết được hiệu quả và hiệu năng của việc chúng ta làm, trên bình diện cá nhân cũng như tập thể, ngắn hạn cũng như dài hạn?


    Franklin Delano Roosevelt.

    Câu trả lời, theo tôi, là gồm nhiều yếu tố, trong đó thông tin/dữ liệu, lý luận/phân tích, và thời gian/bối cảnh mang tính quan yếu.

    Khó có thể đo lường bất cứ thành quả nào một cách dài hạn nếu không có đủ thời gian và không nắm rõ bối cảnh vấn đề. Khó có thể đo lường giá trị thật sự của bất cứ một thành quả nào nếu không sử dụng đúng dụng cụ đo, phương pháp đo và không đối chiếu với các kinh nghiệm thành bại thực tiễn của quá khứ (tức không dựa trên phương pháp khoa học). Và khó, nếu không phải là bất khả, để đo lường bất cứ một thành quả lớn hay nhỏ nào nếu không có đủ thông tin và dữ liệu khả tín, xác thực.

    Góc nhìn lịch sử

    Lịch sử, hay cụ thể hơn, biến cố lịch sử nào cũng gây nhiều tranh cãi. Nó luôn có vô số góc cạnh để nhìn, nhất là khi vấn đề phức tạp và gây nhiều tranh cãi.

    Biến cố lịch sử sau đây là một thí dụ.

    Trật tự thế giới hiện nay đang bị thách thức, và tương lai của trật tự trông bất định. Cũng vì thế nên các học giả hàng đầu thế giới đã tranh luận sôi nổi về trật tự này trong thời gian qua, những người mà đại đa số vào thời điểm hình thành trật tự này chưa ra đời. Các học giả tin rằng không đánh giá đúng về nguồn gốc, chức năng và ảnh hưởng của trật tự này thì không thể nào cải tiến hay (tái) xây dựng một trật tự mới có giá trị như mong đợi.

    Ngoài các khác biệt rõ ràng giữa xu hướng cấp tiến và hiện thực, ngay cả giữa trường phái cấp tiến với các nhà nghiên cứu sử học cũng có lắm bất đồng. Đó là cuộc tranh luận gây nhiều chú ý giữa học giả và người điều hợp chương trình trên kênh CNN Fareed Zakaria với nhà sử học nổi tiếng hiện nay Niall Ferguson trong loạt tranh luận có tên The Munk Debate Series: Is the Liberal International Order Over?

    Ferguson thì cho rằng cái gọi là trật tự quốc tế cấp tiến (liberal international order) thật ra không có trật tự, không phải quốc tế, và cũng chẳng cấp tiến chút nào.

    Trong khi đó, theo Fareed Zakaria thì khoảng một năm sau biến cố Pearl Harbor, tổng thống Hoa Kỳ Franklin Delano Roosevelt gặp Thủ tướng Canada William Lyon Mackenzie King (người nắm giữ chức vụ này lâu đời nhất tại Canada, trên 21 năm) tại văn phòng bầu dục. Lần gặp mặt này, tuy Hoa Kỳ chỉ mới chính thức tham chiến và viễn ảnh chiến tranh chấm dứt vẫn còn khá xa vời, Roosevelt hoàn toàn tin tưởng vào thế tất thắng của phe đồng minh. Nhưng điều Roosevelt quan tâm hơn là viễn ảnh tương lai: làm thế nào để xây dựng một thế giới hợp tác và cạnh tranh chứ không phải đối đầu và chiến tranh nữa. Lịch sử thế giới cho đến thời điểm đó phần lớn mang đậm nét chiến tranh, xung đột, đế quốc thực dân, chủ nghĩa thương mại bảo hộ/quốc gia và chế độ bóc lột.

    Zakaria biện luận rằng Roosevelt không thể tiếp tục ủng hộ một trật tự thế giới như thế nữa. Viễn kiến của Roosevelt là: một, phải làm cho Trục Quyền (Axis powers, gồm Đức Ý Nhật) đầu hàng hoàn toàn vô điều kiện; hai, phải yêu cầu Anh quốc và Pháp quốc không tái xây dựng đế quốc của họ khắp nơi như trước đây. Theo Roosevelt thì cần phải xây dựng một thế giới mà tự do và quyền tự quyết có tác dụng bao quát hơn; ba, Roosevelt mong muốn một thế giới có tự do mậu dịch, thương mại, nhưng cũng cần dựa trên luật lệ rõ ràng và cơ cấu hẳn hoi để qua đó các bất đồng hay tranh chấp chính trị có thể được giải quyết một cách ôn hòa (như Liên Hiệp Quốc). Roosevelt không sống để nhìn thấy viễn kiến của ông được thực hiện ra sao sau Thế Chiến II, nhưng trong suốt thời gian tại vị, ông Roosevelt nỗ lực không ngừng để thực hiện viễn kiến đó.

    Zakaria cho rằng viễn kiến của Roosevelt đã đưa đến sự hình thành trật tự quốc tế cấp tiến.

    Bằng chứng? Vô số. Nhưng đáng kể nhất là từ chính nhật ký của cố Thủ tướng Mackenzie King. Ông đã ghi lại chi tiết nội dung cuộc trao đổi lịch sử này. Điều đáng nói ở đây là thủ tướng Mackenzie King viết nhật ký tất cả những gì ông nghĩ hoặc làm gần sáu thập niên hoạt động chính trị của mình. Thư viện Quốc gia của Canada nơi lưu trữ tất cả những nhật ký của ông “Diaries of William Lyon Mackenzie King”, từ năm 1893 đến 1950, gồm khoảng 50 ngàn trang viết, khi đánh máy còn lại khoảng 30 ngàn trang, và nếu chồng chất các nhật ký của ông lên nhau thì nó sẽ cao hơn 7 mét.

    Có lẽ ít có lãnh đạo chính trị viết nhật ký nhiều và chi tiết như Mackenzie King. Nhưng phần lớn các lãnh đạo quốc gia, nói riêng, giới trí thức văn nghệ sĩ cũng như nhiều người dân bình thường trong xã hội Tây phương, nói chung, có thói quen viết nhật ký.

    Nó nằm trong văn hóa và giáo dục của họ. Những dữ liệu này góp phần quan trọng trong việc soi sáng những tư tưởng và hành động của những nhân vật công cộng. Các nhật ký cũng như các tài liệu liên quan đến các nhà lãnh đạo chính trị quốc gia được lưu trữ tại các thư viện quốc gia hay các đại học lớn để giới sinh viên và nghiên cứu sử dụng viết luận văn, viết báo hay viết luận án của mình, nếu thích hợp. Các thí dụ điển hình khác là cố Thủ tướng Úc Malcolm Fraser hay cố Thủ tướng Anh Winston Churchill.

    Sự tỉ mỉ, chu đáo trong từng lời nói câu viết, và tinh thần lưu trữ tài liệu, tôn trọng sự thật của người ta, nhất là giới lãnh đạo quốc gia, là điều rất đáng khâm phục và học hỏi.

    Tất nhiên các nhật ký này không phải là nguồn dữ liệu duy nhất. Người nghiên cứu phải luôn luôn đối chiếu với bao nguồn khác để xem mức độ khả tín của từng vấn đề cũng như bức tranh tổng thể. Người nghiên cứu sử thường muốn biết ngay vào lúc đó, trong cương vị là một lãnh đạo quốc gia, họ đang suy nghĩ gì trong đầu, đang dự tính các chiến lược ra sao, viễn kiến của họ là gì, và các động lực và mong đợi là gì vào lúc đó.

    Việt Nam thì … khác.

    Có người, điển hình như nhà văn Nguyễn Hiến Lê, từng nói rằng viết về lịch sử hay các vấn đề quốc tế dễ hơn viết về Việt Nam bởi tìm dữ liệu, nhất là dữ liệu gốc, thì rất gian nan.

    Tư duy tôn trọng dữ kiện, tài liệu, lưu trữ hồ sơ hay bằng chứng, hình như không nằm ở trong văn hóa hay giáo dục của người Việt Nam. Đối với thế hệ một rưỡi hay trước, qua nhiều năm làm việc và quan sát của tôi, phần lớn họ cũng không để ý hay quan tâm gì đến dữ liệu hay văn bản, trừ phi nó thuộc công việc chuyên môn của họ. Trong các sinh hoạt cộng đồng thì họ cũng không quan tâm bao nhiêu.

    Có người từng biện luận rằng đó là vì “bút sa gà chết!”, vì nền văn hóa chính trị của Việt Nam từ xưa đến nay đầy cạm bẫy, mà bằng chứng chỉ chút họa thêm vào thân! Tâm lý này đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từng sống hoặc lớn lên trong môi trường như thế! “Ngàn năm bia miệng…” phản ảnh tâm trạng bất lực của bao điều bất công trong xã hội, ngay cả ngày hôm nay! Trong bối cảnh như thế, hiển nhiên chúng ta không thể mong đợi các phong trào dân chủ và các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam lưu trữ các hồ sơ gì nhạy cảm để phải gặp bao phiền toái khó khăn ngoài bao áp lực chính trị và an ninh khác.

    Có thể vì thế mà lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay, phần lớn, vẫn chủ yếu được viết theo một chiều. Chiều của bên thắng trận. Tư duy này rất có hại cho sự phát triển của dân tộc. Nó chỉ biện minh tuyên truyền cho bên thắng trận, nhưng trên đường dài, nó che lấp mọi sai lầm dối trá, gây chia rẽ sâu sắc và bịt mắt những thế hệ tương lai. Nó tiếp tục dẫn dắt các thế hệ tiếp theo vào con đường mòn của lịch sử.

    Chúng ta cần thay đổi tư duy này nếu muốn các thế hệ hôm nay và mai sau tránh lập lại những vết xe lịch sử; những bài học bằng máu và nước mắt của hàng triệu sinh linh của hàng ngàn năm qua. Muốn tránh thì phải biết sự thật, hay phải biết phần lớn những gì đã xảy ra trong một biến cố nào đó mà được công nhận là sự thật. Một sự thật tương đối thôi, chứ không hề có cái sự thật tuyệt đối! Để biết sự thật thì ngoài tinh thần quyết tâm đi tìm hiểu cội nguồn vấn đề, điều quan trọng sau cùng là phải có dữ liệu có văn bản để đối chiếu. Có đầy đủ dữ liệu, cách diễn giải tất nhiên sẽ khác nhau nhưng người đọc có thể tự mình rút ra các nhận định hay bài học. Còn ký ức hay nhân chứng, dù quan trọng, nhưng không thể thay thế văn bản được.

    Sự quan tâm và tôn trọng của một người đối với dữ liệu và văn bản, nhất là qua hành động lưu trữ và bảo vệ nó, nói lên được rất nhiều về lòng tự trọng cũng như sự tôn trọng của người đó đối với sự thật. Đó cũng là một thói quen và là một đức tính tốt cần nên tập. Những ai làm việc cho các cơ quan công quyền trong các nền dân chủ đều phải tập như thế. Không chỉ lưu trữ hồ sơ (record-keeping) thôi là đủ, mà còn phải lưu trữ đúng theo các bộ luật ban hành, các tiêu chuẩn, cung cách hành động và các quy tắc quy định khác nhau. Chẳng hạn như tại Úc, lưu trữ hồ sơ phải tuân theo các Bộ luật như Privacy Act 1988, Public Servic Act 1999, Freedom of Information Act 1982, Evidence Act 1995, Electronic Transaction Act 1999, Crimes Act 1914, Copyright Act 1968, Archives Act 1983 vân vân… Tất cả nhân viên khi bắt đầu công việc của mình đều được đào tạo kỹ càng để hiểu về bổn phận và trách nhiệm của mình trong việc lưu trữ hồ sơ. Họ phải tôn trọng các chính sách, các hướng dẫn, các thủ tục và tiêu chuẩn khi lưu trữ hồ sơ. Họ phải bảo vệ nó, và không được quyền hủy hoại nó, nếu nó đã là bằng chứng của hoạt động nghề nghiệp. Hủy hoại hồ sơ là một hành vi không thể chấp nhận trước nền công lý và pháp luật.

    Nói chung, hầu như, nếu không phải là tất cả, mọi việc công đều dựa trên bằng chứng hẳn hoi. Không có bằng chứng thì không bảo vệ được những quyết định của mình. Như thế thì khi bị thách thức, bị kháng cáo, tại các phiên tòa công lý tại Úc như Administrative Appeal Tribunal, hay các tòa án liên bang như Federal Circuit Court, Full Federal Court hoặc High Court (Tòa Tối Cao/Thượng Thẩm), thì rất khó, nếu không phải là bất khả, để bảo vệ lấy luận điểm của một người, dù người đó có đúng hoàn toàn trên mặt lý đi chăng nữa.

    Mọi tổ chức lớn hay nhỏ, công hay tư, doanh nghiệp hay phi lợi nhuận v.v… càng thành công và vững mạnh càng phải có văn hóa lưu trữ hồ sơ chuyên nghiệp. Không thể phát triển và không thể chuyên nghiệp nếu vẫn có tư duy xử lý hồ sơ tùy tiện.

    Thay đổi thói quen là một điều khó. Nhưng muốn xây dựng một quốc gia pháp quyền, chứ không phải một quốc gia mà lãnh đạo hay người trách nhiệm tùy tiện quyết định theo cảm nghĩ hay cảm hứng lúc đó, thì phải thay đổi thói quen. Đây là một vấn đề tinh thần: nhận thức bằng tri thức.

    Luật An ninh mạng: Cơ hội hay đe dọa?

    Khủng bố tại một số nước Trung Đông xảy ra thường xuyên, có lúc hàng ngày, giữa các giáo phái hoặc phiến quân Shiite và Sunni, giữa các nhóm khủng bố Taliban hoặc ISIS với các chính quyền mới được thiết lập, đặc biệt là tại các vùng ngoại ô nơi an ninh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Mỗi khi có biến sự như thế, điển hình như tại Pakistan hay Afghanistan v.v… thì các cơ quan nghiên cứu độc lập như Cổng Thông tin Khủng bố Nam Á (SATP) hay Viện Pak cho Nghiên cứu Hòa bình (PIPS), v.v… lưu trữ từng sự kiện với các thông tin cơ bản. Ngoài ra mỗi ba tháng hoặc sáu tháng, họ cho phổ biến các bản báo cáo đánh giá về an ninh, các nghiên cứu về nhiều lĩnh vực khác nhau, các tóm tắc chính sách (policy briefs) hay các báo cáo và các sách mang tính học thuật dựa trên những dữ liệu thu thập này. Các tổ chức nhân quyền, Liên Hiệp Quốc cũng như các trường đại học và cơ quan công quyền của các chính phủ trên toàn thế giới chịu ảnh hưởng bởi các dữ liệu và phân tích này khi tìm hiểu về tình hình chính trị và an ninh nơi đây.

    Người Việt không phải là không có khả năng làm chuyện này. Cũng không phải là không có nguồn lực để thực hiện. Tôi không tin và không nghĩ vậy. Tôi nhận xét rằng chúng ta dường như không coi trọng và không quan tâm đủ mà thôi. Nếu chúng ta bắt đầu ngay bây giờ, trong một năm tới chúng ta sẽ xây dựng được cơ sở dữ liệu cho những gì xảy ra trong năm 2018 và 2019. Phải làm sao để mọi hành vi sai trái của chế độ phải chịu trách nhiệm giải trình, nếu không bây giờ thì sau này. Sau đó chúng ta từng bước xây dựng bằng cách thu thập dữ liệu của một thập niên qua, rồi dần dần các thập niên qua. Mỗi người có thể phụ một tay thì công việc sẽ sớm thành tựu. Khi có đủ dữ liệu tập trung vào một nơi được quản lý chuyên nghiệp, giới chuyên gia và nghiên cứu toàn cầu sẽ dựa vào đó để đưa ra những phân tích và nhận định có giá trị, kể cả việc xu hướng tương lai diễn biến ra sao. Chúng ta sẽ bớt đi thói quen nói càng nói đại mà chẳng dựa trên bằng chứng dữ kiện nào cả (thói quen này rất tai hại ở chỗ người ta dễ nghe theo tin vịt/fake news và sau đó đi phổ biến các tin vịt này vì họ vẫn không ý thức rằng nó không có thật). Nó cũng thay đổi cả nếp suy nghĩ và văn hóa Việt Nam. Các ảnh hưởng này sẽ tác động trên bình diện toàn cầu và lên cả sự cầm quyền của chế độ dù họ có ra sức bưng bít và tuyên truyền bao nhiêu đi nữa.

    Ngoài ra thói quen tôn trọng lưu trữ hồ sơ dữ liệu và đánh giá lượng định mọi vấn đề dựa trên bằng chứng dữ liệu hẳn hoi sẽ giúp cho chúng ta vừa tránh được các lỗi lầm không cần thiết trong quá khứ, vừa giúp cho chúng ta từng bước cải tiến các chương trình làm việc của mình một cách hiệu quả hơn. Trong mọi vấn đề và lĩnh vực.

    Luật An ninh mạng (LANM) đã được quốc hội Việt Nam thông qua tháng Sáu năm 2018 và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019. Hiển nhiên nhiều người quan ngại có nên tiếp tục nói lên quan điểm của mình, nếu đã làm từ trước đến nay, hay phải tự kiểm duyệt lấy lời nói hay hành động của mình. Bạn Vi Yên thuộc nhóm SAVENET đã trình bày một số suy nghĩ thiết thực và hữu lý về vấn đề này. Nhóm SAVENET cũng có chuẩn bị một cẩm nang biên soạn công phu để hướng dẫn những ai quan tâm đến vấn đề hiểu và biết cách đối phó tốt nhất, vì “có tri thức sẽ không sợ hãi” vô cớ.

    LANM đang là một thách thức cho phong trào dân chủ và xã hội dân sự tại Việt Nam. Nó là một công cụ nữa trong hộp đồ nghề trấn áp đồ sộ của chế độ hiện nay. Trong những ngày tháng tới, có nhiều khả năng chính quyền sẽ sẵn sàng sử dụng vật tế thần để răng đe những người khác, đặt người sử dụng vào thế thủ, thế bị động. Ngược lại, những người khác sẽ từng bước theo dõi mọi hành động và phản ứng của chế độ.

    Nhưng theo dõi thôi không ăn nhằm gì cả. Gần chín thập niên hoạt động trên đất nước Việt Nam, trong đó hơn bảy thập niên cầm quyền tại miền Bắc và bốn thập niên trên toàn nước, chế độ đã gây bao nhiêu tang tóc và làm bao nhiêu lỗi lầm. Họ vẫn ngang nhiên phủ nhận hầu như tất cả các thảm họa mà chính họ gây ra. Họ vẫn độc quyền sự thật vì khả năng bưng bít và tuyên truyền của họ, nhưng phần khác vì vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn và uy tín nào sưu tầm và lưu trữ tất cả các dữ liệu thô (raw data) về các tội ác và sai lầm của chế độ từ trước đến nay. Các dữ liệu thô là nền tảng thiết yếu của mọi cuộc nghiên cứu học thuật. Chết trong đồn công an, cướp đất và dân oan, tham nhũng trong mọi lĩnh vực, sách nhiễu tình dục, ấu dâm trong nhà trường v.v… xảy ra quá thường xuyên để rồi người ta cảm thấy nó bình thường. Khi người dân chấp nhận điều bất thường như là bình thường thì nó vô cùng nguy hiểm bởi mọi thang giá trị không còn ý nghĩa nào cả. Trong khi đó tất cả mọi sai trái cần phải bị lên án và cần phải được ghi chép lại đầy đủ và trung thực. Điều cần quan tâm là dù lý luận có hay ho đến mấy nhưng dữ liệu không đầy đủ, không xác thực hoặc thiếu kiểm chứng, thì mọi sự khả tín và mọi tính học thuật đều vô nghĩa.

    Vài lời kết


    Thay đổi xã hội, văn hóa và chính trị là việc làm vô cùng gian nan. Để thành công thì nó phải là sự liên kết và tổng hợp nguồn lực của phần lớn người dân trong và ngoài quốc gia đó, để cân bằng và tạo áp lực thay đổi. Muốn tránh lập lại các sai lầm của lịch sử thì cần phải ý thức, nhất là bằng cách tự đánh giá, về các hoạt động của chính mình hiện nay. Chẳng hạn, nếu mục tiêu là dân chủ hóa, thì những tư duy và hành động của mình hiện nay có nguy cơ nào góp phần vào việc tái lập một chế độ độc tài ở một hình thức khác chăng!

    Thay đổi xã hội luôn bắt đầu từ mỗi cá nhân, và trong mỗi cá nhân phải bắt đầu bằng chính tư duy của người đó. Muốn làm được như thế thì những người quan tâm cần phải nhìn lại chính mình, rà xét lại các công việc mình đã làm trong thời gian qua, và đánh giá và rút rỉa kinh nghiệm trong thời gian tới. Ngoài ra chúng ta phải nhìn các thử thách như là cơ hội, rà xét lại cách làm việc để nâng cao hiệu quả hơn trong thời gian tới và đề ra những chiến lược và chính sách thích hợp để thuyết phục người khác cùng thực hiện. Còn nếu chỉ nhìn thử thách là đe dọa thôi thì chúng ta vẫn cứ trấn thủ, mà trấn thủ thì không thay đổi được chính mình, huống chi người khác. Mọi chế độ độc tài đều tìm cách đặt người dân vào tư thế bị động, cô đơn/lập, bị đe dọa, và phản ứng thay vì chủ động. Mục tiêu sau cùng của LANM là thế. Nhưng sử dụng tri thức thì chúng ta sẽ tránh rơi vào bẫy của chế độ. Chúng ta cần nhận thức rằng LANM cũng như rừng luật khác của chế độ rốt cuộc họ cũng chỉ dùng luật rừng. Bởi phần lớn những gì họ đã và đang làm trong bao thập niên qua đều bất chính và vi hiến. Hiến pháp và pháp luật của nhà nước Việt Nam đi ngược lại bao nhiêu điều trong các công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị, về tra tấn, quyền trẻ em v.v… mà Việt Nam đã ký kết và cam kết nhưng chẳng coi ra gì.

    Do đó chiến lược thiết yếu vẫn là tấn công, đặt chế độ vào thế bị động, phản ứng. Họ có quá nhiều lỗi lầm và sai sót trong chính sách và hành động. Không cần làm lớn chuyện hay chính trị hóa vấn đề. Chỉ cần phân tích và lý luận vững vàn dựa trên các bằng chứng hẳn hoi là đủ thuyết phục và hiệu quả.

    Chúng ta sẽ không thể làm được các việc này một cách hệ thống và khoa học nếu không dựa trên các dữ kiện khả tín và các phương pháp phân tích và lý luận khoa học khách quan. Tôn trọng hồ sơ, dữ kiện, bằng chứng và “nói có sách, mách có chứng” là các bước quan trọng hàng đầu không thể bỏ qua nếu muốn có kết quả sau cùng có giá trị lâu dài và vững ổn.


    Phạm Phú Khải
    Úc Châu, 6 tháng Giêng năm 2019
    Blog VOA

    Không có nhận xét nào