Header Ads

  • Breaking News

    So sánh bản án dành cho tướng tá công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân với bản án bác sỹ Hoàng Công Lương

    Nhất nhật tại tù… Lẽ ấy nên xem ra mọi so sánh đều khiên cưỡng. Thế nhưng trong hai vụ án cùng tuyên trong ngày 30-1-2019, cho thấy chốn công đường ở Việt Nam, ‘công lý’ quả tình chỉ là tên của một anh hề có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, hay nhân dân gì đó mà thôi.

    So sánh bản án dành cho tướng tá công an Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân với bản án bác sỹ Hoàng Công Lương

    Sau 3 ngày xét sơ thẩm, chiều 30-1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với các bị cáo trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ ‘nhôm’) thâu tóm 7 khu đất, nhà ở có vị trí đắc địa tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

    Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân được đưa ra xét xử về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cáo trạng nói rằng hành vi của hai cựu thứ trưởng gây bức xúc trong dư luận, gây mất lòng tin của nhân dân và làm giảm uy tín của ngành công an nên cần thiết phải xử lý nghiêm.

    Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Thành 30 tháng tù, bị cáo Trần Việt Tân 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Cũng trong chiều ngày 30-1-2019, sau 2 tuần lễ xét xử, chiều 30-1, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân tỉnh Hoà Bình đã tuyên án đối với các bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 9 người chết tại tỉnh này.

    Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo là bác sĩ Hoàng Công Lương 42 tháng tù về tội vô ý làm chết người.

    Trước đó vào ngày 28-1-2019, gia đình các nạn nhân viết đơn đề nghị Tòa Án nhân dân tỉnh Hòa Bình trả lại tự do cho người bị oan trái. Trong đơn viết rõ, bác sĩ Lương đã làm đúng chuyên môn và nhiệm vụ cũng như quy trình khám chữa bệnh tại đơn nguyên thận nhân tạo, không có trách nhiệm đảo bảo chất lượng nguồn nước RO, nguyên nhân trực tiếp gây chết người do để tồn đọng axit. Trên cơ sở đó họ đưa ra quan điểm rằng bác sĩ hoàn toàn không có tội.

    Đây là lần thứ 6 người thân của các nạn nhân cùng nhau lên tiếng để bảo vệ bác sĩ Lương bị oan sai. Họ thành khẩn mong tòa xử đúng người đúng tội để người ra đi được thanh thản còn người ở lại vơi bớt đau thương, vì chừng nào vụ án còn tiếp diễn thì nỗi đau càng tăng. Đến nay, họ cũng chưa được nhận được khoản bồi thường thiệt hại nào.

    Theo cách hiểu giản dị, công lý nghĩa là lẽ phải, là sự công bằng đã được chấp nhận bằng niềm tin của một xã hội có pháp luật và được bảo vệ trước những biến cố. Công lý cũng có thể là những quy tắc, chuẩn mực mà người ta sẽ mang ra để soi xét hành vi của con người. Ở chốn công đường, ‘công lý’ không thể chỉ là tên gọi của một anh hề có danh xưng nghệ sĩ ưu tú.

    Thế nhưng quá bất ngờ khi hai quan chức cấp cao trong ngành công an là cựu thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đã thao túng hậu trường chính trị, nhũng nhiễu pháp luật về đất đai, khiến dân tình thêm oán ghét, sút giảm niềm tin của công chúng vào đảng cầm quyền thì lại nhận mức án quá nhẹ nhàng, còn thua cả các vụ án từng gây xôn xao dự luận như vụ “Một thanh niên lãnh 7 năm tù… vì bắt 1 con vịt về nhậu” [1], “Lâm Đồng: Vì hai con vịt, ba nông dân bị 13 năm tù!” [2]; “15 năm tù cho thiếu niên cướp 100 nghìn để mua bánh mì?” [3].

    Còn với việc bỏ tù bác sĩ Hoàng Công Lương đã tạo ra một tiền lệ xấu trong ngành y. Bởi, pháp luật buộc bác sĩ phải biết loại thuốc nào sử dụng với bệnh nào. Nhưng pháp luật không buộc bác sĩ phải biết thuốc đó là thuốc ‘dỏm – giả’ khi nó đã được cấp phép lưu hành, mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh.

    Theo logic đó, khi cấp cứu khẩn cấp, bác sĩ có thể nhẩn nha “ngồi chờ” để nơi cấp phát thuốc lấy giấy chứng nhận thuốc đảm bảo chất lượng; dụng cụ y tế đủ sạch; các loại dịch truyền đủ tiêu chuẩn… còn bệnh nhân có được cấp cứu kịp thời hay không; sống hay chết thì lại phải theo đúng “quy trình” để đảm bảo an toàn về pháp lý cho bác sĩ.

    Trong tố tụng, với mức án tù giam từ 36 tháng trở xuống thì trong quá trình thi hành án, với các cựu thứ trưởng trong ngành công an, dễ dàng được chuyển qua khung án treo với lý do kiểu như… ‘cải tạo tốt, không cần áp dụng biện pháp cách ly tạm thời với xã hội nữa’…


    Nguyễn Cao
    Nghiệp đoàn báo chí Việt Nam

    Không có nhận xét nào