Header Ads

  • Breaking News

    Venezuela: Dân chủ hay là chết

    Các thiết chế dân chủ của Venezuela đang bị hủy hoại nghiêm trọng, kho bạc trống rỗng, người dân tìm thức ăn trong bãi rác. Người dân đất nước này đang chết vì đói, vì những căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa trị (với tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức trung bình của châu Mỹ Latinh), và vì bạo lực – trong đó có một số trường hợp bị thương do súng đạn từ chính chính phủ của họ.

    Venezuela: Dân chủ hay là chết

    Hơn ba phần tư trong số 31 triệu người Venezuela muốn giải phóng mình khỏi vòng kìm kẹp của những người cầm quyền, một nhóm nhỏ chỉ gồm 150 nhân vật không khác gì mafia (phần lớn là quân đội), những người đã cưỡng đoạt nền dân chủ của đất nước, cướp bóc người dân, và tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo kinh hoàng. Chế độ 18 tuổi đời này – do Hugo Chávez thành lập và giờ được điều hành bởi Tổng thống Nicolás Maduro – thà bắt toàn bộ đất nước làm con tin hơn là từ bỏ quyền lực và có khả năng phải trả lời những câu hỏi về tội ác chống nhân loại trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Nhưng tình trạng này còn tiếp diễn được bao lâu?

    Người dân Venezuela đã tích cực theo đuổi việc thay đổi chính phủ. Trong cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 12 năm 2015, hai phần ba cử tri đã ủng hộ phe đối lập dân chủ. Kết quả ấy đáng lẽ ra đã phải nới lỏng vòng kìm kẹp của chế độ đối với đất nước và giúp tái thành lập các cơ chế kiểm soát và cân bằng vốn được vạch ra trong bản hiến pháp mà chính Chávez soạn thảo.

    Nhưng chế độ nước này đã làm suy yếu Quốc hội một cách có hệ thống thông qua các phán quyết của một Tòa án Tối cao gồm những người trung thành với chế độ được chọn ra bởi cơ quan lập pháp sắp mãn nhiệm. Cuối tháng 3 vừa qua, Tòa án Tối cao đã đi thêm một bước xa hơn, đó là chiếm đoạt toàn bộ quyền lực của Quốc hội – một hành động bất hợp pháp trắng trợn đến nỗi ngay cả một trong những người ủng hộ Chávez là Tổng Chưởng lý Luisa Ortega Díaz cũng phải lên án đây là hành động làm “băng hoại trật tự hiến pháp.”

    Bởi vậy, những người dân Venezuela tuyệt vọng đã quyết định xuống đường phản kháng. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 4, hầu như ngày nào họ cũng tổ chức biểu tình đòi một cuộc tổng tuyển cử khác, bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng do hành động công khai phản đối. Đúng như vậy, từ khi làn sóng biểu tình bắt đầu, lực lượng an ninh của chế độ đã sát hại 85 người biểu tình và làm bị thương hơn 1.000 người, bao gồm những hành động như ném bình xịt hơi cay vào đám đông và bắn đạn súng hơi vào ngực người dân ở cự ly gần. Hơn 3.000 người biểu tình đã phải đối mặt với những cáo buộc hình sự, chỉ vì họ đã thực hiện các quyền dân chủ của mình.

    Bị dồn vào thế bí, phe cầm quyền đã trở nên ngang ngạnh. Gần đây Tổng thống Maduro đã tuyên bố rằng nếu chế độ không thể tập hợp những lá phiếu cần thiết để tiếp tục nắm quyền thì nó sẽ dùng đến vũ khí của mình. Nhưng ông ta cũng sử dụng nhiều hành động chính trị cực đoan hơn để bảo vệ chế độ: bằng sắc lệnh tổng thống (thay vì bằng một cuộc trưng cầu ý dân, như hiến pháp yêu cầu) ông ta đã yêu cầu thành lập một hội đồng lập hiến, sẽ được chọn ra vào ngày 30 tháng 7, để soạn thảo một bản hiến pháp “chung” mới.

    Các cuộc biểu tình đến nay về cơ bản đã trở thành các cuộc nổi dậy của dân chúng, khi người dân Venezuela kêu gọi các lực lượng vũ trang tước quyền lực khỏi tay chế độ. Về phần mình, bà Ortega đã kêu gọi Tòa án Tối cao bác bỏ việc chế độ hối thúc viết lại hiến pháp, nhưng chính tòa án này đã tuyên bố yêu cầu của bà là “không thể chấp thuận.”

    Người dân Venezuela đã nhận ra rằng một bản hiến pháp Marxist-Leninist được phê chuẩn bởi những đại diện do chế độ chỉ định sẽ biến Venezuela thành một Cuba khác chỉ trong vòng một tháng. Câu hỏi là liệu phần còn lại của thế giới có khoanh tay đứng nhìn hay không.

    Luis Almagro, tổng thư ký Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), đã kêu gọi các nước thành viên quan tâm đến những vi phạm hiến pháp và nhân quyền nghiêm trọng của chế độ Venezuela. Tại Đại hội đồng OAS ở Mexico tháng trước, 14 quốc gia (Argentina, Brazil, Bahamas, Canada, Chile, Colombia, Guyana, Jamaica, Mexico, Hoa Kỳ, Peru, St. Lucia, Uruguay, và Paraguay) đã đề xuất một dự thảo nghị quyết về cách mở một cuộc đối thoại với chế độ Venezuela – nhưng vô ích.

    Một cuộc đối thoại như vậy sẽ tập trung vào việc thúc đẩy chế độ Venezuela tuân theo những cam kết do Tòa thánh Vatican điều đình vào mùa thu vừa qua, bao gồm việc tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong năm nay, phóng thích các tù nhân chính trị, lập lại quyền lực hợp hiến của Quốc hội, và chấp nhận sự trợ giúp nhân đạo. Nhưng, dù nghị quyết được 20 thành viên OAS ủng hộ, 10 thành viên đã từ chối do phụ thuộc vào dầu mỏ và tài chính của Venezuela. Điều này khiến nghị quyết thiếu ba phiếu để đạt được đa số hai phần ba cần thiết.

    Coi đây là một thắng lợi, chế độ Venezuela càng thêm táo bạo trong việc gia tăng bạo lực nhằm vào người biểu tình và tổ chức một cuộc đảo chính giả chống lại chính mình. Trong cuộc bao vây Cung điện Lập pháp gần đây, một sĩ quan thuộc Vệ binh Quốc gia Venezuela đã tấn công nghị sĩ Julio Borges, chủ tịch Quốc hội – thiết chế duy nhất còn mang tính chính danh. Chế độ cũng đã ra quyết định bổ nhiệm một phó tổng chưởng lý mới thuần tính hơn nhằm thay thế bà Ortega, người đã bị đóng băng tài khoản ngân hàng và bị cấm xuất cảnh.

    Phe đối lập đang phản ứng, tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân chính thức thông qua Quốc hội, dựa trên điều 333 và 350 trong hiến pháp. Người dân Venezuela sẽ có thể tạo áp lực lên kế hoạch viết lại hiến pháp của Tổng thống Maduro và phe đối lập sẽ có thể thúc đẩy một cuộc tuyển cử mới, phục hồi mọi cơ chế kiểm soát và cân bằng, và thiết lập một chính phủ “thống nhất quốc gia.” Cuộc trưng cầu sẽ diễn ra vào ngày 16 tháng 7 tại mọi nhà thờ ở Venezuela, với sự có mặt của các giám sát viên quốc tế.

    Đã đánh mất toàn bộ tính chính danh của mình, chế độ bất lương và sát nhân của Venezuela đang đứng trước một mối đe dọa. Nhiều nước thành viên OAS đã chính thức áp đặt các lệnh trừng phạt đối với những quan chức có liên quan đến phe phái buôn bán ma túy hung bạo của chế độ – tiểu nhóm này chịu trách nhiệm cho việc sát hại những người trẻ trên đường phố và tra tấn khoảng 300 tù nhân chính trị. (Liên minh châu Âu chưa tham gia vào nỗ lực này.)

    Bằng việc từ chối một quá trình chuyển giao dân chủ, chế độ Venezuela chỉ đang kéo dài nỗi khổ của đất nước và bắt người dân phải trả những cái giá cao hơn. Dù phe cai trị không sẵn sàng thương lượng, một thỏa thuận được đưa ra thông qua OAS hay Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể sẽ tỏ ra là một thỏa thuận khó mà từ chối được trong bối cảnh hiện nay.

    Một thỏa thuận như vậy đòi hỏi phải tổ chức ngay một cuộc tổng tuyển cử và hoãn triệu tập hội đồng lập hiến, điều này có thể tiến hành một cách nhanh chóng và dễ dàng theo hiến pháp hiện hành. Nếu thành công, nó có thể giúp lấy lại lòng tin và sự hợp tác quốc tế. Trước mắt, nó sẽ trả lại đất nước cho người dân Venezuela đang trong tình trạng tuyệt vọng, đói kém, và bị đàn áp.

    * Enrique ter Horst, nguyên đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tại El Salvador và Haiti, là phó Cao ủy viên Liên Hợp Quốc về Nhân quyền.


    Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Thư
    Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
    Nghiên Cứu Quốc Tế
    Nguồn: Enrique ter Horst, “Death or Democracy in Venezuela,” Project Syndicate,           05/07/2017.

    Không có nhận xét nào