Header Ads

  • Breaking News

    Bắc Hàn xây lại bãi thử tên lửa: Ông Kim gửi thông điệp gì?

    Này, Bắc Hàn - có chuyện gì thế? Các anh đang làm gì thế? Là phóng viên chuyên về Triều Tiên, tôi thấy mình thường hỏi những câu nói trên, không khác gì với những gì tôi hỏi sau khi Thượng đỉnh tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận phi hạt nhân hóa như dự đoán.

    Trưng ra các dấu hiệu sắp phóng tên lửa, Kim Jong-un dường như đang thay đổi chiến thuật với Mỹ.
    Hầu hết các hãng thông tấn quốc tế không được tự do vào Bắc Hàn và Dinh thự Ryongsong của Kim Jong-un thực sự không trả lời báo chí. Điều tốt nhất mà giới phân tích hoặc phóng viên có thể làm là đọc các tín hiệu đến từ Bình Nhưỡng.

    Và trong tuần vừa qua, chúng tôi đã có vô số tín hiệu. Những tín hiệu này khiến nhiều người tin rằng Kim Jong-un đang có tham vọng lớn và sẵn sàng phóng vệ tinh. Ông ta sẽ làm thế chứ? Và nếu vậy, chắc chắn điều đó sẽ gửi một thông điệp rất khác với cuộc công kích năm ngoái - dẫn đến hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử.

    Các tín hiệu này bắt đầu bằng các báo cáo từ cơ quan tình báo Hàn Quốc, cho hay công việc đang được triển khai tại Sohae, một trong những địa điểm phóng tên lửa chính của Bắc Hàn.

    Bãi phóng này chưa bao giờ được sử dụng để phóng loại tên lửa khiến Donald Trump phải trút giận lên Twitter và mang lại cho Kim Jong-un biệt danh "Người đàn ông tên lửa". Nhưng Sohae đã được sử dụng cho năm lần phóng vệ tinh - hai trong số đó đã thành công. Nó cũng từng được sử dụng để thử nghiệm một số động cơ của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của Bắc Hàn.
    Bản quyền hình ảnh Getty Images

    Bình Nhưỡng bắt đầu tháo dỡ địa điểm này năm ngoái. Đây được coi là một cử chỉ thiện chí, dấu hiệu là Kim Jong-un sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc. Nhưng việc này bị dừng lại vào tháng Tám khi các cuộc đàm phán bị đình trệ. Bây giờ đã có bằng chứng từ các nguồn tin tình báo ở Hàn Quốc rằng Bắc Hàn dường như đang "xây dựng lại" cơ sở này.

    Đây hẳn không phải là vấn đề lớn?

    Sai rồi.

    Cuối tuần trước, nhiều hình ảnh vệ tinh được phân tích bởi chương trình Beyond Parallel của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) và 38 North cho rằng đây không phải đơn thuần là một công việc sửa chữa.

    Cả hai nhóm lưu ý rằng một phần của bãi phóng đã được xây dựng lại với tiến độ rất nhanh.

    Bệ phóng

    Cổng trên giàn phóng tên lửa đóng - che giấu hoạt động trên giàn, giàn này hỗ trợ tên lửa trước khi phóng.

    Tòa nhà chuyển giao gắn trên đường sắt - có thể di chuyển dọc theo đường sắt để chuyển vật liệu từ tàu đến bệ phóng.

    Bệ thử động cơ

    Cấu trúc động cơ hỗ trợ - được sử dụng để giữ động cơ tên lửa trong khi đang được thử nghiệm.

    Mái nhà đã được sửa - che phủ khu vực dùng để chứa nhiên liệu tên lửa

    Những hình ảnh sau đó cho phép giới phân tích kết luận rằng trạm phóng vệ tinh một lần nữa được đưa vào hoạt động.

    Còn hơn thế. Chuyên gia Kiểm Soát vũ khí Jeffrey Lewis từ Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cùng nhóm của ông xem xét các hình ảnh vệ tinh chụp địa điểm ICBM của Bắc Hàn, gần Bình Nhưỡng, được gọi là Sanumdong.

    Melissa Hanham thuộc One Earth Future, người làm việc với Jeffrey Lewis, nói: "Có một nhà kho khổng lồ và thật khó để theo dõi tất cả các hoạt động đang diễn ra. Nhưng chúng tôi có thể thấy rất nhiều xe tải và xe hạng nặng ra vào bãi đậu xe - những xe tải đó đủ lớn để chứa một tên lửa."

    Ngoài ra, vấn đề mấu chốt là sự hiện diện của một con tàu. Thông thường các tên lửa được vận chuyển bằng tàu hỏa từ Sanumdong đến Sohae.

    "Chúng tôi chắc chắn đã nhìn thấy một chuyến tàu tại Sanumdong vào cuối tháng Hai. Chuyến tàu đã khởi hành hôm nay. Mọi người đang xem xét ga tàu ở Sohae," bà nói.

    Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Bắc Hàn, Stephen Biegun, đã cố gắng ngăn chặn những ý kiến rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị phóng vệ tinh, chỉ trích "phán xét nhanh của rất nhiều chuyên gia nhằm đưa ra kết luận ngay lập tức về bất cứ điều gì xảy ra ở Bắc Hàn" .

    "Việc rất nhiều người đang vội vàng đưa ra kết luận về tất cả những điều này không thể nào hiểu nổi. Không chỉ báo chí, mà còn là các viện nhiên cứu và giới phân tích," ông Biegun nói hôm thứ Hai 11/3.


    Mỹ nói rõ rằng việc Bắc Hàn phóng một tên lửa, ngay cả khi chỉ để phát triển chương trình không gian của họ chứ không phải để làm giàu kho vũ khí ICBM, sẽ khiến Donald Trump thất vọng.

    Vì vậy, Kim Jong-un có thực sự mạo hiểm trước cơn thịnh nộ của một tổng thống khó lường và khiến mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Bắc Hàn lâm nguy?

    Grace Lui thuộc Trung tâm Nghiên cứu Martin Centre for Nonproliferation Studies James Martin cho biết "chắc chắn có vẻ như họ có thể phóng một vệ tinh".

    "Tôi nghĩ rằng nó phụ thuộc vào cách Trump và chính quyền Trump phản ứng với hoạt động này cho đến nay," bà nói.

    "Nếu rõ ràng rằng ông Trump sẽ hủy mối quan hệ Mỹ - Bắc Hàn hoàn toàn chỉ vì một vụ phóng tên lửa, thì Kim có thể sẽ không [phóng].

    "Nhưng điều quan trọng cần ghi nhớ là với tư cách là một quốc gia có chủ quyền, Bắc Hàn có quyền phóng tên lửa, và phản ứng bất lợi từ Mỹ sẽ là kết quả của một lựa chọn vội vàng, diễn giải vụ phóng tên lửa như một hành động leo thang."

    Hoa Kỳ và Bắc Hàn đã từng mâu thuẫn như vậy. Chính quyền Obama đã dành hai năm để đàm phán thông qua các kênh khác nhau với Bắc Hàn để đưa ra thỏa thuận đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân, đưa ra lệnh cấm thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo để đổi lấy gói viện trợ lương thực và các nhượng bộ khác. Thỏa thuận này được công bố vào ngày 29/2/2012, và được gọi là Thoả thuận Ngày nhuận.

    Chỉ hai tuần sau, Bắc Hàn tuyên bố họ sẽ phóng một vệ tinh. Hoa Kỳ nói đó sẽ là một sự vi phạm thỏa thuận, nhưng Kim Jong-un - chỉ mới vài tháng trong vai trò lãnh đạo của mình - vẫn quyết định phóng vệ tinh, khiến thỏa thuận này thất bại.

    Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nói rằng Bắc Hàn có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tiếp theo nếu không giải trừ vũ khí hạt nhân. Việc phóng một vệ tinh sẽ vấp phải rủi ro trong thử thách sự kiên nhẫn của Donald Trump và sự lên án của quốc tế.

    Tuy nhiên, điều đáng ghi nhớ là Bắc Hàn nhận thức rõ thế giới đang theo dõi mình. Bình Nhưỡng biết có những vệ tinh đang bay trên đầu, gửi những hình ảnh về hoạt động bí mật của họ cho các nhà phân tích ở Mỹ.

    Vì vậy, hoạt động tại Sohae và Sanumdong có thể là một chiến thuật có chủ ý. Kim Jong-un có thể đang diễn trò để đạt được mục đích.

    "Những hành động này dường như được thực hiện để thúc đẩy chính quyền Trump từng bước tiến tới đàm phán, một kế hoạch mà các quan chức Mỹ đã rõ ràng từ chối," Adam Mount thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho biết.

    "Bình Nhưỡng đang cho các quan chức Mỹ thấy rằng họ chỉ có ít cơ hội để chốt lại tình hình hiện tại."

    Khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Hà Nội, ông Trump dường như đã yêu cầu Bắc Hàn phải đáp ứng "tất cả hoặc không có gì" đối với thỏa thuận phi hạt nhân hóa. Trong khi ông Kim luôn nói muốn thực hiện "từng bước". Những khác biệt này về cơ bản là những gì dẫn đến việc cả hai bên rời khỏi bàn đàm phán mà không đạt thỏa thuận nào.

    Ông Kim có thể đang cố gắng nhắc nhở ông Trump rằng cách tiếp cận này có nghĩa Bắc Hàn chưa phải đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào.

    "Hình ảnh vệ tinh có thể cho chúng ta biết rằng Bình Nhưỡng đã thay đổi chiến thuật. Nó có thể cho chúng ta biết một phần tín hiệu họ đang gửi tới Washington", ông Mount nói. "Nó cho chúng ta biết rằng các cuộc đàm phán đang bước vào một giai đoạn mới và cực kỳ bấp bênh. Nhưng nó không thể cho chúng ta biết toàn bộ câu chuyện hoặc ý định của Bắc Hàn trong những tuần tiếp theo."

    Trong bài phát biểu năm mới, ông Kim, người luôn theo dõi sát sao những tín hiệu chính trị đó, đã đưa ra những gì nghe có vẻ như là một đe dọa. Ông cảnh báo rằng ông sẽ tìm kiếm một "con đường mới" nếu Mỹ đánh giá sai sự kiên nhẫn của ông.

    Việc không đạt được thỏa thuận tại Hà Nội đã khiến cả hai nhà lãnh đạo suy ngẫm về tương lai của mình. Ông Kim có thể đang trưng ra mọi dấu hiệu của việc chuẩn bị phóng tên lửa, nhưng ông có thể không tiếp tục làm vậy.

    Nếu ông ta làm như vậy, tương lai của mối quan hệ Trump-Kim có thể phụ thuộc vào việc những cái đầu lạnh nào sẽ thắng thế.

    Laura Bicker BBC News, Seoul

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào