Header Ads

  • Breaking News

    Mạnh Vãn Chu kiện chính quyền Canada về vụ bắt giữ

    Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei kiện Canada về vụ bắt giữ bà tại sân bay Vancouver hồi năm ngoái theo yêu cầu của Mỹ.

    Bà Mạnh Vãn Chu đang được tại ngoại và sống ở Vancouver, Canada
    Bà Mạnh bị bắt giam hồi tháng 12/2018 vì bị nghi ngờ gian lận và vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.

    Chính quyền Mỹ đang yêu cầu dẫn độ bà.

    Nhưng bà Mạnh hiện đã đệ đơn kiện chính phủ, cơ quan dịch vụ biên giới và cảnh sát Canada vì "vi phạm nghiêm trọng" các quyền dân sự của bà.

    Trung Quốc công kích vụ bắt giữ bà và nói quá trình dẫn độ là một "vụ chính trị".

    Bà Mạnh phủ nhận mọi cáo buộc.

    Chi tiết vụ kiện

    Đơn kiện nộp lên Tòa án Tối cao British Columbia hôm 1/3 nhắm vào Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP), Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada (CBSA) và chính phủ liên bang do được cho là đã vi phạm các quyền dân sự của bà.

    Bà cho biết các viên chức CBSA giữ và thẩm vấn bà tại sân bay trước khi bà bị RCMP bắt giữ.

    Các viên chức giữ bà lại để khai thác thông tin, xâm phạm các quyền của bà theo Hiến chương Quyền và Tự do của Canada.

    Vụ bắt giữ bà là "trái pháp luật" và "tùy tiện", đơn kiện ghi, và các viên chức "cố tình không cho bà biết lý do thực sự của vụ này, không đề cập về quyền tham vấn luật sư và quyền giữ im lặng".
    Bản quyền hình ảnh Reuters

    Phản ứng là gì?

    Trung Quốc tuyên bố việc Mỹ yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh là "lạm dụng hiệp ước dẫn độ song phương" giữa Canada và Mỹ, và đã bày tỏ "sự phản đối kiên quyết" và "sự bất mãn mạnh mẽ" về quy trình này.

    Nhưng Canada nói rằng họ đang tuân theo luật pháp. Hai công dân của nước này được cho là đã bị giam giữ ở Trung Quốc để trả đũa cho vụ bà Mạnh.

    Vài ngày trước, Canada cho biết sẽ cho phép dẫn độ bà Mạnh theo yêu cầu của Hoa Kỳ, nhưng tòa án sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

    Hoa Kỳ muốn bà Mạnh bị đưa ra xét xử về các cáo buộc gồm có gian lận liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

    Việc giam giữ cấp cao đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ và Canada.

    Chính quyền Mỹ đã đệ trình gần 20 cáo buộc chống lại Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới và bà Mạnh vào tháng Một, cùng với yêu cầu chính thức về việc dẫn độ bà.

    Các cáo buộc bao gồm gian lận ngân hàng, cản trở công lý và trộm cắp công nghệ.

    Huawei và bà Mạnh đều phủ nhận tất cả các cáo buộc.

    Bộ Tư pháp Canada sẽ quyết định liệu vụ dẫn độ sẽ được tiến hành tại tòa án Canada hay không.

    Quyết định này sẽ dựa trên việc yêu cầu dẫn độ có tuân thủ hiệp ước dẫn độ Mỹ-Canada hay không và nếu tuân thủ thì không thể từ chối tiến hành.

    "Một phiên xét xử dẫn độ không phải là một phiên tòa và cũng không đưa ra phán quyết về việc có tội hay vô tội," Bộ Tư pháp cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng họ đã cho phép tiến hành dẫn độ bà Mạnh.

    "Nếu một người bị dẫn độ khỏi Canada để đối mặt với việc truy tố ở một quốc gia khác, thì cá nhân đó sẽ bị xét xử ở phiên tòa tại quốc gia đó."

    Người sáng lập Huawei, Nhậm Chính Phi mô tả vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, con gái ông, giám đốc tài chính của công ty, là "có động cơ chính trị"
    Trong một tuyên bố, nhóm bảo vệ của bà Mạnh nói rằng họ thất vọng vì quyết định này "bất chấp bản chất chính trị của các cáo buộc của Hoa Kỳ" và trước những bình luận của tổng thống Mỹ.

    Donald Trump đã hai lần đề nghị ông sẽ can thiệp vào vụ kiện của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ chống lại bà Mạnh nếu điều đó đem lại lợi ích an ninh quốc gia hoặc giúp đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

    "Khách hàng của chúng tôi khẳng định rằng bà ấy vô tội về bất kỳ hành vi sai trái nào và rằng việc truy tố và dẫn độ của Hoa Kỳ cấu thành sự lạm dụng các quy trình pháp luật", họ nói.

    Chuyện gì xảy ra tiếp theo?

    Bà Mạnh hiện đang được tại ngoại tại Vancouver và sẽ được tại ngoại trong khi các thủ tục tố tụng tại tòa án đang được tiến hành.

    Bà là người tiếp theo dự kiến xuất hiện tại Tòa án Tối cao British Columbia vào 6/3, ngày Canada có thể sẽ chính thức ban bố "Thẩm quyền tiến hành" việc dẫn độ bà Mạnh sang Mỹ.

    Phiên điều trần dẫn độ của bà cũng dự kiến diễn ra vào thời điểm đó.

    Quyết định này vẫn là một bước đầu trong quá trình.

    Nếu một thẩm phán đồng tình với các bằng chứng được đưa ra trong phiên điều trần dẫn độ, ông hoặc bà ta sẽ cho phép thực hiện dẫn độ cá nhân đó.

    Bộ trưởng Tư pháp sau đó sẽ quyết định có đưa người này sang Mỹ hay không.

    Bà Mạnh có thể kháng cáo trong suốt quá trình. Trong một số trường hợp hiếm, một vài vụ dẫn độ đã kéo dài hơn một thập kỷ.

    (BBC) 

    Không có nhận xét nào