Header Ads

  • Breaking News

    Masan đang đầu độc môi trường ở Núi Pháo

    Mỏ Núi Pháo là mỏ có trữ lượng khai thác lộ thiên lớn nhất thế giới về vonfram, thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên.

    Báo cáo và đề nghị “cho ý kiến đối với việc xử lý vi phạm” gây ô nhiễm môi trường của Công ty Núi Pháo
    Theo người dân, nguyên nhân khiến đời sống của họ trở nên khó khăn, bệnh tật và nghèo đói là do chính các hoạt động của dự án này của Masan gây ra. Họ bị thông báo thu hồi đất, thống kê, kiểm đếm nhiều năm nhưng không được thu hồi đất, bồi thường tài sản, hàng ngày phải gánh chịu ô nhiễm khí độc, khói bụi, chất độc nguồn nước và tiếng ồn,…

    Tiếp tục ô nhiễm

    Trong một kết luận thanh tra do Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân ký vào giữa năm 2017, thì bốn lĩnh vực liên quan đến môi trường tại Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (thuộc tập đoàn Masan) gồm khoáng sản, đất đai, tài nguyên nước đều có vi phạm.

    Theo kết luận thanh tra, nước thải từ quá trình tuyển sunfua, bismuth có sử dụng hóa chất, xyanua trong quá trình tuyển, lưu lượng trung bình là 475 m3/h, được thu gom vào bồn thu nước thải tập trung tại khu vực tuyển bismuth và bơm về hồ thải đuôi quặng sulphure (hồ STC). Hồ STC chưa sử dụng vật liệu chống thấm theo đúng quy định. Kết luận thanh tra chỉ rõ việc chống thấm đáy hồ dựa vào điều kiện địa chất tự nhiên là chưa đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn xây dựng. Kết cấu thành, đáy và cách ngăn chưa được thiết kế đáp ứng theo tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, chưa sử dụng vật liệu chống thấm.

    Hồ chứa chất thải OTC cũng có vi phạm tương tự. Đáng lưu ý, tất cả hồ chứa chứa chất thải và đuôi quặng chưa sử dụng vật liệu chống thấm theo quy định lại nằm rất gần khu dân cư xóm 6, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ nên khiến các hộ dân vô cùng lo lắng về ô nhiễm nguồn nước.

    Sáng ngày 1-3-2019, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng Đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, đoàn công tác của Bộ đã đến thăm, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến tinh tuyển quặng tại mỏ núi Pháo thuộc quản lý của Công ty TNHH chế biến khoáng sản Núi Pháo.

    Nhật ký chuyến thực địa này của đoàn quan chức cho biết, sau khi thị sát khu vực hồ chứa bùn thải của công ty này; lắng nghe đơn vị doanh nghiệp trình bày một số phương án khắc phục ô nhiễm môi trường theo kết luận của Thanh tra Bộ, cam kết gắn khai thác, sản xuất chế biến khoáng sản với bảo vệ môi trường, đảm bảo an dân; Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh: Công ty TNHH chế biến khoáng sản Núi Pháo cần phải gửi thông số quan trắc nước tự động thường xuyên, định kỳ về Sở Tài nguyên và Môi trường, chính quyền địa phương sở tại để công khai cho nhân dân biết; việc xây dựng hồ chứa bùn thải phải đảm bảo an toàn, giám sát chặt chẽ từng khâu thi công để chống thấm nước thải ra ngoài môi trường.

    Đồng thời nghiên cứu phương án tổ chức thu hút nhà đầu tư vào xử lý bùn thải trong hồ chứa tinh lọc lấy khoáng sản, góp phần tăng thêm nguồn thu cho đơn vị. Công ty phải gắn khai thác với sản xuất chế biến tinh quặng và phải đặc biệt quan tâm giữ gìn môi trường. Hiện khí thải có mùi hóa chất còn hòa tan trong không khí... Về hơn 400m3 quặng sắt tận thu được ngoài danh mục cần báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét tạo điều kiện cho phép xử lý mang lại hiệu quả kinh tế cho đơn vị...

    Như vậy xem ra câu chuyện về ô nhiễm đã dậm chân tại chỗ, có khác chăng là phần khai thác tận thu ngoài giấy phép đã gia tăng.

    Vì bánh ít đã đi…

    Masan đã có những thông cáo báo chí gửi đến các tòa soạn khẳng định doanh nghiệp áp dụng các quy chuẩn khắt khe nhất để giám sát những tác động của hoạt động khai thác khoáng sản mỏ Núi Pháo đến môi trường và cộng đồng địa phương.

    Cụ thể là từ năm 2013, Công ty đã ký kết các hợp đồng quan trắc môi trường với các đối tác uy tín như công ty quốc tế SGS, Gusho Kohsan của Nhật Bản, Viện Khoa học môi trường và Sức khỏe cộng đồng. Bình quân mỗi ngày, các đối tác tiến hành lấy hàng chục mẫu thử để kiểm tra, và tổng số mẫu đã được lấy và thử nghiệm từ năm 2013 đến nay đã lên đến con số 15.563 mẫu, trong đó có 14.232 mẫu nước thải, số còn lại là các mẫu khác như nước sinh hoạt, mẫu đất và đuôi quặng… và nhờ đó, kết quả quan trắc nước thải do Công ty Núi Pháo thực hiện đều nằm trong giới hạn cho phép.

    Thế nhưng các kết quả quan trắc môi trường môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên chủ trì, phối hợp với Công ty Núi Pháo giám sát và thực hiện định kỳ cho thấy trong nước thải ra môi trường của Công ty Núi Pháo và suối Cát (nguồn tiếp nhận nước thải) đã bị ô nhiễm kim loại nặng và hóa chất. Hàm lượng Asen, Sắt, Thủy Ngân, Flo, tổng Xianua đã vượt giới hạn cho phép.

    Cụ thể: Trong nước thải từ nhà máy (tại Đập khe vối) đã phát hiện tổng Xianua vượt tiêu chuẩn cho phép đến hàng chục lần, cá biệt có đợt vượt giới hạn đến 231 lần (năm 2014). Trong nước mặt suối Cát tiếp nhận nước thải của Công ty Núi Pháo cơ quan chức năng cũng đã phát hiện Xianua vượt giới hạn cho phép đối với nước mặt từ 30 lần - 217 lần. Từ năm 2015, tại khu vực xóm 6, xã Hà Thượng - khu xóm nằm xung quanh hồ chứa quặng đuôi có hiện tượng xuất lộ nước tự nhiên, gây úng ngập đất đai, vườn bãi của người dân. Kết quả phân tích nước xuất lộ trong khu đất nhà dân có hàm lượng sắt, mangan cao vượt tiêu chuẩn cho phép 2-5 lần.

    Báo cáo số 147/BC-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chỉ ra rằng: Riêng năm 2015 Công ty Núi Pháo đã sử dụng tới 94.215 tấn hóa chất, trong khi đó theo kế hoạch khai thác được phê duyệt Công ty Núi Pháo chỉ được phép sử dụng 26.438 tấn hóa chất/năm. Điều đó có nghĩa doanh nghiệp khai khoáng này đã sử dụng hóa chất tăng gấp 300% cho phép.

    Số loại hóa chất được Công ty Núi Pháo sử dụng tăng hơn 13 loại so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên& Môi trường phê duyệt năm 2008. Các hóa chất có khối lượng sử dụng vượt quy định là Nari Hydroxit vượt 10 laanfm đồng sunfat vượt 1,3 lần và chất tạo đông tụ trong tuyển nổi- Quebracho D2 vượt 1,6 lần…

    Mặc dù có sự thay đổi tăng về sản lượng sản xuất tinh quặng, diện tích sử dụng đất và hóa chất so với nội dung được phép nhưng Công ty Núi Pháo không hề báo cáo và xin ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

    Theo quy định tại Điều 5, Điều 7, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, khi thay đổi quy mô sản xuất so với báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty Núi Pháo thuộc đối tượng phải lập phương án cải tạo phục hồi môi trường, bổ sung trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Khi chưa báo cáo và không có ý kiến của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì rõ ràng dư luận có cơ sở để hoài nghi về việc ô nhiễm môi trường tại Dự án Núi Pháo của Masan.

    Mặt khác, căn cứ theo Quyết định số 3733/2002/QĐ-BYT ngày 10-10-2002 của Bộ Y tế về 21 tiêu chuẩn vệ sinh lao động, trong đó quy định vùng sản xuất luyện kim màu độc hại bắt buộc phải cách xa khu dân cư tối thiểu từ vùng phát tán bụi, sản xuất đến nơi sinh sống là 1.000 m. Thực tế thì từ năm 2014, khi nhà máy của Dự án Núi Pháo đi vào khai thác thì đời sống của người dân quanh khu vực nhà máy bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi lẽ, điều kiện kinh doanh, buôn bán bị ngưng trệ; đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng do khí độc và nguồn nước ô nhiễm,...
     
    Nguyễn Hồng Phúc

    (VNTB)

    Không có nhận xét nào