Header Ads

  • Breaking News

    Nghi vấn quanh vụ tàu chở dầu Việt Nam tới Bắc Hàn

    Reuters cho hay một tàu VN chở 2.000 tấn dầu cập cảng Bắc Hàn trong thời điểm Thượng đỉnh Trump-Kim gây hoài nghi liệu Hà Nội có vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.

    Đường đi tới Bắc Hàn của tàu chở dầu Viet Tin 01
    Tàu Viet Tin 01 của Việt Nam được thấy đậu ở bờ tây cảng Nampo của Bắc Hàn hôm 25/2, theo dữ liệu của Refinitiv. Dữ liệu này ghi nhận chuyển động của tàu, thông tin chuyến hàng và điểm đến chính theo đúng đăng ký của chủ tàu.

    Theo Reuters, hiện chưa rõ liệu tàu này có dỡ hàng tại cảng Nampo hay không.

    Theo lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Bắc Hàn bị hạn chế nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

    'Bước di dại dột'

    "Tôi cho rằng nếu tàu chở dầu này vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc thì sẽ là rắc rối lớn với Việt Nam về mặt pháp lý," Tiến sỹ Nguyễn Quang A nói với Mỹ Hằng của BBC hôm 4/3.

    "Việc này diễn ra đúng lúc ông Kim Jong-un họp thượng đỉnh ở Việt Nam thì người ta có thể suy luận rằng Việt Nam có thể nhân cơ hội này để lấy lòng người Bắc Hàn. Nếu đúng như vậy thì vi phạm còn trầm trọng hơn nữa."

    "Tôi không khẳng định rằng Việt Nam vi phạm, hay trước đó đã liên hệ với Liên Hiệp Quốc để xin phép rồi. Việt Nam từng xin phép cho nhập cảnh một số đại biểu Bắc Hàn bị Liên Hiệp Quốc cấm vận, nghĩa là những người mà không nước nào được cho phép nhập cảnh, và đã được Liên Hiệp Quốc châm chước cho việc đó. Đó là với người. Còn với hàng hóa, nhất là dầu, tôi không rõ nhưng tôi nghi là có vi phạm."

    "Với đường đi của con tàu như vậy, lại diễn ra ở thời điểm nhạy cảm như vậy thì dù có không vi phạm, tôi cho rằng đây là bước đi hết sức dại dột của Việt Nam, hoàn toàn không đáng. Vì so với Hàn Quốc và Mỹ thì Bắc Hàn chỉ đứng thứ ba trong quan hệ với Việt Nam."

    Theo Reuters, tàu Viet Tin 01 có kế hoạch chở nhiên liệu tới Daesan ở Hàn Quốc vào 28/2 theo dữ liệu điểm đến đã đăng ký.

    Điểm dừng trước đó của Viet Tin 01 là Đài Loan, Singapore và Bangladesh.

    Một nhân viên thuộc Tổng công ty Vận tải Viet Trust có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh - chủ sở hữu tàu - nói với Reuters là bà không biết tàu này đang ở đâu. Bà này nói Viet Trust có hai tàu là Viet Tin 01 và Viet Tin Lucky hiện đang ở ngoài khơi bờ biển phía Tây Thái Lan.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi yêu cầu bình luận của Reuters.

    Hãng tin NK Pro chuyên theo dõi sự phát triển của Bắc Hàn cho biết trong một tường thuật hôm thứ Năm 28/2 rằng nếu Viet Tin 01 thực sự chở dầu cho Bắc Hàn, việc này "có thể đẩy lùi các nỗ lực cấm vận của Liên Hiệp Quốc".

    Đường đi bất thường

    NK Pro cũng cho rằng sự xuất hiện của một tàu chở dầu thuộc sở hữu nước ngoài trong vùng biển Bắc Hàn là 'bất thường' và trái với các biện pháp hiện được Bắc Hàn ưa dùng để nhập khẩu nhiên liệu bị hạn chế, đó là tham gia vào hoạt động trao đổi dầu trực tiếp giữa các tàu trên biển.

    Phân tích bổ sung của NK Pro cho thấy lưu lượng vận hành thường xuyên, trong thời gian sắp diễn ra Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai, của một số tàu bị Liên Hợp Quốc cấm vận hoặc có dính líu tới mạng lưới buôn lậu từ Bắc Hàn vào Việt Nam, làm dấy lên câu hỏi về cam kết của Hà Nội đối với nghĩa vụ thực thi lệnh trừng phạt.

    Đường đi bất thường của Viet Tin 01 cũng cho thấy Bắc Hàn vẫn có khả năng 'lách' lệnh trừng phạt, theo NK Pro.

    Không đúng thời điểm

    Trong khi Kim Jong-un ngồi tàu bọc thép vượt qua Trung Quốc hướng thẳng về Hà Nội thì tàu chở dầu của công ty Viet Trust có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh lại vượt biển theo hướng ngược lại, tiến về bờ tây Bắc Hàn.

    Và mặc dù thông tin về đường đi của tàu đôi khi có thể bị sai sót hoặc bị giả mạo, tàu chở dầu Việt Nam đã bắt đầu thể hiện hành vi bất thường từ lâu trước khi nó đến bờ biển Bắc Hàn, NK Pro cho hay.

    Theo dữ liệu hàng hải mà NK Pro có được, tàu chở dầu Viet Tin 01 bắt đầu hành trình gần một kho chứa dầu của Singapore thuộc sở hữu của Vopak Terminal Singapore vào ngày 31/1.

    Trước khi rời vùng biển Singapore, vào ngày 2/2, Viet Tin 01 báo cáo một điểm đến tại vịnh Nampo của Bắc Hàn, nhưng sau đó 1 tiếng 45 phút lại đổi thành điểm đến 'Kaohsiung'.

    Theo NK Pro, thông tin về điểm xuất phát và điểm đến của các tàu tới Bắc Hàn thường được nhập thủ công hoặc nhập sai để ngăn các dữ liệu này được phát tới mạng lưới Hệ thống nhận dạng tự động (AIS).

    Dữ liệu sau đó cho thấy Viet Tin 01 di chuyển đến Cao Hùng ở phía Tây Nam Đài Loan, mặc dù nó không có vẻ ghé vào bất kỳ cảng hay cơ sở nào trong khu vực này, thay vào đó chỉ lảng vảng gần bờ biển Đài Loan.

    Sau khoảng 20 giờ, Viet Tin 01 một lần nữa thay đổi thông tin điểm đến là Daesan Hàn Quốc, trước khi đi về phía bắc tới bán đảo Triều Tiên.

    Viet Tin 01 sau đó đi qua Hàn Quốc và dừng ở một khoảng cách ngắn về phía tây cảng Nampo của Bắc Hàn vào ngày 24/2, nơi nó biến mất khỏi các hệ thống theo dõi trong khoảng hai ngày.

    Viet Tin 01 xuất hiện trở lại hai ngày sau đó tại kho dầu Nampo, một chỉ báo rằng có khả năng nó đã vô hiệu hóa thiết bị phát sóng vị trí trong lúc ở đây, mặc dù đã nhanh chóng bật lại rạng sáng 26/2.

    Mặc dù rất khó để đánh giá chính xác nội dung thực tế của các chuyến hàng chỉ từ thông tin đường đi của tàu và ảnh vệ tinh, nhưng sự bất thường trong đường đi của Viet Tin 01 với nhiều kỹ thuật buôn lậu đã bị Hội đồng chuyên gia Liên hợp quốc (PoE) 'lật tẩy' trong báo cáo năm 2018, theo NK Pro.

    Các chuyến hàng

    Theo cơ sở dữ liệu của Equasis Maritime, một tàu chở hàng nặng 5.300 tấn của Huaxin Shipping Hong Kong trước đây từng bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt do sử dụng một tàu khác tên là Asia Bridge 1 để buôn lậu 8.000 tấn than của Bắc Hàn vào Cẩm Phả, Việt Nam, vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc.

    Trong nhiều tháng gần dây, dữ liệu cho thấy thường xuyên có các chuyến hàng của một số tàu tới vùng biển Việt Nam. Những tàu này có mối liên hệ với những tổ chức nổi tiếng vi phạm lệnh trừng phạt và với giới buôn lậu vũ khí.

    Danh sách của PoE còn bao gồm một số tàu gắn cờ Bắc Hàn, từng ngưng phát sóng tín hiệu vị trí khi tiến tới gần Việt Nam và khi tín hiệu bật trở lại thì điểm đến được biết là Sài Gòn.

    Trong khi bản chất của các chuyến tàu này rất khó để xác định từ các nguồn mở thu thập được, thì chúng phản ánh một khuynh hướng đã được các chuyên gia của PoE chỉ rõ sau hàng loạt các vụ điều tra tàu chở hàng vi phạm lệnh cấm vận Liên Hiệp Quốc cập cảng Việt Nam năm 2017, NK Pro cho hay.

    Và dù không có tàu nào tới Việt Nam thời gian gần đây nằm trong danh sách đen của Liên Hiệp Quốc thì mối liên hệ chặt chẽ của họ với các nước bị Liên Hiệp Quốc cấm vận hoặc với mạng lưới buôn lậu cũng gióng một hồi chuông cho cả Washington và Hà Nội, theo NK Pro.

    (BBC)

    Không có nhận xét nào