Header Ads

  • Breaking News

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hoa Kỳ thấy Việt Nam là ‘đối tác đáng tin cậy’

    Bên lề hội nghị về khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ ngày 26/3, phóng viên Ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) cùng một số đơn vị truyền thông khác đã có buổi phỏng vấn người được coi là một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Bộ Quốc phòng Việt Nam hiện nay, thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Sau đây là trích đoạn buổi phỏng vấn này.

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Hoa Kỳ thấy Việt Nam là ‘đối tác đáng tin cậy’
    VOA: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về sự hợp tác của Hoa Kỳ và Việt Nam trong nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh trong thời gian vừa qua.

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Những điều đã làm được trong quá khứ là rất tốt rồi. Nhưng chúng ta không thể dừng lại ở đây mà phải tiếp tục. Ví dụ như đối với MIA của Mỹ, chính phủ Mỹ cũng đã nói với chúng ta và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ để những người lính Mỹ cuối cùng ở Việt Nam sẽ tìm được về với gia đình của họ. Nhưng ngược lại chúng ta cũng mong muốn Mỹ làm việc với Việt Nam để làm sạch, để không còn những hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam nữa. Chúng ta quay trở lại vấn đề đầu tiên là đây không chỉ là vấn đề nhân đạo mà còn là lợi ích của cả hai nước. Nó chính là lòng tin, nó là sự gắn kết mà từ đó chúng ta có rất nhiều lĩnh vực hợp tác khác. Hợp tác phải có lòng tin và đấy chính là nền móng cho những lĩnh vực hợp tác khác.

    VOA: Thưa ông, ông nói muốn hợp tác thì phải có niềm tin. Vậy việc xây dựng niềm tin giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong những năm qua đã đi được đến đâu rồi?

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việc xây dựng niềm tin có nhiều khía cạnh và công việc khác nhau mà khắc phục hậu quả chiến tranh chỉ là một khía cạnh. Nhưng việc khắc phục hậu quả chiến tranh lại cho thấy chúng ta thực sự muốn hợp tác, muốn quan hệ bình đẳng hữu nghị và cùng có lợi với quốc gia đã từng có chiến tranh với chúng ta là Hoa Kỳ. Và ngược lại Hoa Kỳ cũng nhìn thấy ở chúng ta là một đối tác đáng tin cậy ở chỗ chúng ta nói là làm, chúng ta có đặc tính khoan dung của một dân tộc rất hoà hiếu. Như trong clip chúng ta đã xem có cụm từ “không để ai lại phía sau” thì đối với Việt Nam đó là sự khoan dung, còn đối với Hoa Kỳ thì đó là lời thề quốc gia. Nếu mà chúng ta đảm bảo tin cậy như vậy thì đó là nền móng cho tất cả những lĩnh vực hợp tác khác. Và chúng ta nhận thức rằng chúng ta không muốn đối đầu với nhau nữa. Chúng ta muốn hợp tác.

    VOA: Qua việc tiếp xúc với những người có trách nhiệm bên phía Hoa Kỳ thì chúng tôi nhận thấy không còn câu hỏi là liệu có nên hợp tác với Việt Nam hay không mà quan trọng là hợp tác như thế nào và lấy tiền ở đâu ra cho việc hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh này. Theo ông trong thời gian tới sẽ tập trung vào những công việc gì?

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Theo tôi thì câu hỏi lấy tiền ở đâu ra và hợp tác như thế nào? Nó tuỳ thuộc vào mục đích của mỗi công việc mà chúng ta hướng tới. Thế thì cái việc khắc phục hậu quả chiến tranh như tôi đã nói mục đích đầu tiên là nhân đạo nhưng quan trọng hơn là xây dựng nền móng cho mối quan hệ giữa 2 nước. Thế thì bây giờ chúng ta phải làm như thế nào. Trước đây thì chúng ta chỉ khắc phục hậu quả chiến tranh bằng cách làm sạch bom, mìn, chúng ta làm sạch dioxin hay chúng ta làm công tác MIA thôi. Nhưng thời gian tới đây chúng ta phải nâng nó lên ở một mức độ cao hơn, tức là gắn nó với vấn đề phát triển. Trước đây nó chỉ là nhân đạo, nhưng bây giờ nó còn là vấn đề môi trường, vấn đề phát triển, thậm chí là vấn đề khoa học công nghệ nữa. Thì như vậy, mình nhìn rõ cái cầu nối giữa quá khứ và tương lai. Tôi lấy ví dụ, MIA chúng ta đã làm và về mặt phát triển thì làm cái gì? Nó giảm bớt đi và khắc phục dần dần để không còn “hội chứng Việt Nam” nữa. “Hội chứng Việt Nam” là một hậu quả chiến tranh, gây ra ảnh hưởng vô cùng nặng nề thậm chí còn hơn cả bom, mìn hay dioxin nữa. Chúng ta bớt cái đó đi thì rõ ràng tạo ra một thế hệ mới không còn bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh ấy. Người ta xây dựng đất nước của người ta với sự thanh thản và người ta vẫn tự hào về những gì người ta làm. Hay đối với Việt Nam chẳng hạn, trước đây làm sạch dioxin ở Đà Nẵng. Đây là vấn đề rất lớn. Nó chỉ là làm sạch dioxin ở một căn cứ cũ của Mỹ thôi. Nhưng đó là gì, là 40 ha đất vàng, đất sạch mà chúng ta đã giao lại cho thành phố Đà Nẵng, giao lại cho Bộ Giao thông vận tải để mở rộng sân bay Đà Nẵng. Nó tạo điều kiện cho Đà Nẵng vốn là một thành phố đáng sống thì bây giờ càng đáng sống hơn vì không còn cái ung nhọt dioxin đấy nữa; và thực sự là như thế. Đấy chính là phát triển. Hay là qua công việc ở Đà Nẵng, chúng ta rút ra được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật trong lĩnh vực xử lý môi trường mà đây lại là vấn đề nóng của thế giới. Từ xử lý dioxin chúng ta rút ra bài học cho việc xử lý các chất thải công nghiệp, rồi xử lý các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu tác động tới môi trường thì chúng ta phải làm thế nào. Thì rõ ràng đây là bài học quý giá cho cả Mỹ và Việt Nam. Sắp tới đây chúng ta sẽ làm tiếp tục ở Biên Hoà. Đà Nẵng có 40 ha thôi, còn ở Biên Hoà là 1.000 ha và đó là sân bay rất lớn ở khu vực rất sôi động tại tam giác phát triển miền đông. Thế thì chúng ta khắc phục hậu quả chiến tranh nhưng khi chúng ta đưa 1.000 ha ấy vào phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh thì rõ ràng đây là vấn đề của tương lai. Còn vấn đề kinh phí lấy ở đâu ra thì phải căn cứ vào mục đích của phía Mỹ. Còn chúng ta cũng phải bỏ kinh phí ra cơ mà có phải một mình phía Mỹ đâu và nguồn lực của chúng ta là chủ yếu.

    VOA: Vấn đề chất độc dioxin vẫn đang còn tranh cãi. Có nhiều người cho rằng dioxin không liên quan tới những hậu quả chiến tranh ở Việt Nam hiện nay. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

    Tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi thì tôi khuyên những người đó nên sang Việt Nam. Khi mà họ gặp nạn nhân của chất độc dioxin da cam, gặp con và cháu họ, cho tới nay là 3 đời rồi và đi đến những chỗ bị nhiễm chất độc dioxin da cam cho họ đứng ở đấy khoảng 10 phút thôi để hít thở và cảm nhận không khí cũng như cái mùi của nó thì họ sẽ thấy những điều họ đã nghĩ cần phải nghĩ lại trên cơ sở khoa học của Mỹ, quốc tế và của Việt Nam. Người ta đã kết luận rồi.

    (VOA) 

    Không có nhận xét nào