Header Ads

  • Breaking News

    Chương trình hợp tác Langcang - Mekong: Phước lành hay tai họa ?

    Chương trình Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) vừa đánh dấu năm thứ ba trong tuần qua với lời loan báo rằng mậu dịch của Trung Hoa với năm quốc gia thành viên – Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam – đã vượt quá 260 tỉ USD trong cùng thời gian, làm nổi bật vai trò chi phối của Trung Hoa trong nền kinh tế của các quốc gia nầy.
    Đập thủy điện Hạ Sesan 2 trong tỉnh Stung Treng của Cambodia

    được khánh thành ngày 17 tháng 12 năm 2018 [Ảnh: Ly Lay]
    Là một cơ chế hợp tác tiểu vùng liên kết sáu quốc gia dọc theo sông Mekong, có tên là Lạn Thương (Lancang) ở Trung Hoa, LMC được thành lập vào tháng 3 năm 2016, và kể từ đó, Trung Hoa đã trở thành một nhà đầu tư và bảo lãnh tự nguyện cho tất cả mọi thứ, từ nông nghiệp cho đến du lịch, như là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)) rộng lớn hơn.

    Trung Hoa là một đối tác mậu dịch lớn nhất của tất cả các quốc gia Mekong, và mặc dù danh sách đầy đủ các dự án của LMC không được công bố, LMC đã hỗ trợ tài chánh cho ít nhất 132 dự án trong vùng Mekong trong năm qua.

    Đập đóng một vai trò then chốt
    LMC đã quảng bá sự liên kết và hợp tác xuyên biên giới như một ưu tiên, và việc xây dựng các dự án hạ tầng cơ sở như Đường Xe lửa Trung Hoa-Lào và Trung Hoa-Thái Lan giúp cho sự hội nhập và thương mại xuyên biên giới được dễ dàng.

    Tuy nhiên, trong sự phát triển bừa bãi được nở rộ qua LMC, có lẽ không có gì có nhiều ảnh hưởng đến các cộng đồng và môi trường ở địa phương bằng các đập mọc lên khắp nơi trong vùng. Các quốc gia như Cambodia và Lào đang đầu tư nhiều hơn vào thủy điện với sự trợ giúp của Trung Hoa và bán điện lại cho nước nầy với giá rẻ.

    Trung Hoa bắt đầu xây đập trên sông Lạn Thương từ thập niên 1990s, với ước tính có khoảng 60 đập và hồ chứa đang vận hành, trên 30 đập đang được xây và trên 90 đập được dự trù. Không có đối tác LMC nào được tham vấn hay nhận được dữ kiện quan trọng về lưu lượng của các đập.

    Sông Lạn Thương/Mekong dài 4.350 km chảy qua tỉnh Vân Nam (Yunnan) trước khi vào Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Thực thế, các đập của Trung Hoa có thể điều tiết lưu lượng của sông Mekong – mạch sống của 284 triệu người phụ thuộc vào nó và các phụ lưu để đánh cá hay trồng trọt và cũng là nguồn nước và đường giao thông.

    Ngoài những quan tâm về địa chánh trị, những lo sợ về phát triển khả chấp và các vấn đề môi trường như số cá giảm, lưu lượng sông và độ phì nhiêu của đất cũng gây áp lực đối với năm quốc gia nầy.

    Theo một nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) được công bố trong năm qua, hiện có 11 đập thủy điện lớn được đề nghị trên dòng chánh ở hạ lưu và 120 đập trên phụ lưu có thể đe dọa đến hệ sinh thái và kinh tế của khu vực.

    Không có gì ngạc nhiên khi những mối quan tâm nầy đã không được đề cập đến trong lễ kỷ niệm kéo dài một tuần lễ được tổ chức ở tất cả các quốc gia trong tháng qua.

    Chuyển nhượng chủ quyền lãnh thổ


    Trung Hoa cũng sở hữu các đập chiến lược dọc theo sông Mekong, thí dụ điển hình là đập Hạ Sesan 2, con đập thứ bảy do Trung Hoa xây dựng ở Cambodia. Công ty Năng lượng Quốc tế Hydrolancang (Hydrolancang International Energy), một công ty quốc doanh của Trung Hoa, là cổ đông chánh (51%) trong liên doanh với số vốn 800 triệu USD cùng với Tập đoàn Hoàng gia (Royal Group) của Cambodia (39%) và Điện lực Quốc tế Việt Nam (EVN International) (10%). Được vận hành từ tháng 12 vừa qua, nhá máy thủy điện sẽ được chuyển giao cho chánh phủ Cambodia sau 40 năm hoạt động.

    Sự chuyển nhượng chủ quyền lãnh thổ của dự án Hạ Sesan 2 gợi lại trường hợp của cảng Mambantota ở Sri Lanka, một thí dụ sáng ngời về việc làm thế nào các khoản cho vay nặng lãi của BRI có thể trở thành bẫy nợ. Mặc dù có những nghi ngờ về sự thành công của việc xây dựng cảng trong một vùng xa xôi ở miền nam Sri Lanka, quốc gia nầy vẫn tiến hành kế hoạch với sự hỗ trợ tài chánh của Trung Hoa. Thế nhưng, dự án không sinh lợi và Sri Lanka buộc phải nhượng quyền kiểm soát cảng và các phần đất chung quanh trong 99 năm khi không thể trả nợ cho Trung Hoa trong tháng 12 năm 2017.

    Có lẽ thấy được điều nầy nên Myanmar đã thu nhỏ kế hoạch xây dựng cảng Kyauk Pyu do Trung Hoa tài trợ từ 7,3 tỉ xuống còn 1,3 tỉ USD, một cảng được Trung Hoa xem như hành lang để vận chuyển dầu và khí đốt đến tỉnh Vân Nam mà không qua eo biển Malacca. Sau đó Myanmar nói rằng dự án sẽ hoàn toàn do tư nhân tài trợ.

    Trung Hoa cũng có kế hoạch phá ghềnh đá trong sông Mekong cho tàu bè trọng tải 500 tấn. Tuy nhiên, điều nầy cũng khiến cho các tàu tuần dễ dàng đi lại để bảo vệ các tàu buôn – đưa đến nguy cơ quân sự hóa Mekong, một con sông chảy ra Biển Đông.

    Mặc dù đầu tư của Trung Hoa là một nguồn tài chánh cho các quốc gia Mekong, lãnh đạo của các quốc gia nầy nên cứu xét thật kỹ lưỡng những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi lao vào nhiều dự án LMC qua các thỏa thuận thường không rõ ràng và không có tính ràng buộc. Mặc dù số sự án hạ tầng cơ sở trong vùng có thể giảm sút nặng nề nếu Trung Hoa rút ra khỏi LMC, nhưng tiếp tục phát triển tự hủy hoại qua các dự án do Trung Hoa hỗ trợ có thể xóa sổ nhiều cộng đồng da dạng phụ thuộc vào dòng sông vĩ đại nầy để sống còn.



    Jason Thomas – Bình Yên Đông lược dịch

    Không có nhận xét nào