Header Ads

  • Breaking News

    Duterte – Tập Cận Bình: ‘Tình nghĩa đôi ta có thế thôi’?

    Tổng thống hay biểu cảm của Philippines, Rodrigo Duterte, đã từng nói về người đồng cấp phía Trung Quốc của mình rằng “Tôi chỉ đơn giản là yêu ông Tập Cận Bình” (“I just simply love Xi Jinping”). Nhưng tình cảm ấy đã phai nhạt. Thất vọng vì các tàu Trung Quốc đã bao vây hòn đảo lớn nhất mà Philippines chiếm đóng ở Biển Đông, ông Duterte đã lớn tiếng yêu cầu Trung Quốc “ngừng lại” và đe dọa sẽ phản ứng mạnh mẽ. Cùng ngày 04/04, các lực lượng của Mỹ và Philippines đã diễn tập đổ bộ lên một bãi biển nhìn ra Biển Đông trong cuộc tập trận chung song phương lớn nhất kể từ năm 2016, năm ông Duterte tuyên bố “tách rời” khỏi Mỹ, đồng minh quân sự chính thức duy nhất của Philippines. Sự “xoay trục” của Philippines từ Mỹ sang Trung Quốc, điều mà chính phủ của ông mơ mộng sẽ giúp giảm bớt sự đối đầu với Trung Quốc do các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông, đã trở thành một cú xoay mất trụ.
    Duterte – Tập Cận Bình: ‘Tình nghĩa đôi ta có thế thôi

    Trong hơn ba tháng, một đội tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tập trung quanh đảo Thị Tứ (Thitu), một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có một căn cứ quân sự nhỏ và hơn 200 dân thường (xem bản đồ). Hành động này dường như là một phản ứng của Trung Quốc đối với công việc xây dựng mà Philippines tiến hành trên đảo, sửa chữa đường băng và làm một con đường dốc trên bãi biển cho các phương tiện nhỏ sử dụng.


    Ông Duterte đã đáp lại bằng giọng điệu đặc trưng. “Tôi có lính ở đó”, ông cảnh báo phía Trung Quốc. “Nếu các anh có động thái gì ở đó, thì đó sẽ là một câu chuyện khác. Tôi sẽ nói với các binh sĩ của mình: ‘Hãy chuẩn bị cho các nhiệm vụ [tấn công] tự sát.” Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng một cách hơi cứng rắn hơn, lưu ý rằng Philippines và Trung Quốc gần đây “đã nhắc lại cam kết thúc đẩy hợp tác và nói về các biện pháp tăng cường lòng tin lẫn nhau”.

    Từ những năm 1990, Trung Quốc đã chiếm giữ các rạn san hô và bãi đá ngầm ở Biển Đông mà Philippines và các nước khác tuyên bố chủ quyền, rồi tiến hành xây dựng trên đó. Năm 2012, sau khi hải quân Philippines cố gắng bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough mà cả Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền, các tàu Trung Quốc đã tuần tra vùng biển xung quanh và đôi khi buộc ngư dân Philippines quay về. Philippines tiến hành một vụ kiện tại tòa trọng tài quốc tế. Năm 2016, ngay sau khi ông Duterte trở thành tổng thống, tòa ra phán quyết ủng hộ Philippines, nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough là vô căn cứ.

    Chủ nghĩa dân tộc rất thịnh hành ở Philippines (cũng như ở Trung Quốc), và trong thời gian trước cuộc bầu cử năm đó, ông Duterte đã dọa sẽ lên một chiếc ca nô và tự mình ra bảo vệ yêu sách của Philippines đối với bãi cạn Scarborough. Nhưng một khi đắc cử, thay vào đó, ông đã chọn cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Ông đã giữ im lặng về phán quyết của tòa trọng tài, phán quyến mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc bác bỏ. Về phần mình, Trung Quốc cũng cam kết sẽ đầu tư lớn vào đường bộ, hải cảng và đường sắt ở Philippines. Và mặc dù Trung Quốc cũng buộc một số tàu của Philippines quay đầu nhưng Bắc Kinh đã không xây dựng bất kỳ cơ sở quân sự nào trên bãi cạn Scarborough.

    Nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần. Phe đối lập đã buộc tội ông Duterte bán nước cho Trung Quốc. Cũng không có nhiều đầu tư mà Trung Quốc hứa hẹn trở thành hiện thực. Và bây giờ thì người Trung Quốc đang thử ranh giới phản ứng của Philippines xung quanh đảo Thị Tứ. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Duterte, một người có tính bốc đồng cũng như hay biểu cảm, dường như đã có một sự thay đổi suy nghĩ. Nhưng như ngay chính Duterte thừa nhận, Philippines sẽ thua nếu tiến hành chiến tranh với Trung Quốc, vì vậy ông sẽ không dại gì khai mào một cuộc chiến như vậy.
     

    Nguồn: “The Philippines changes tack on China—again”, The Economist, 12/04/2019.

    Biên dịch: Phan Nguyên
     

    Không có nhận xét nào