Header Ads

  • Breaking News

    Đỗ Thái Nhiên - Tư tưởng Phan Chu Trinh thành công hay thất bại?

    Hàng năm, ngày giỗ chí sĩ Phan Châu Trinh là cơ hội để Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng tưởng niệm và vinh danh nhà yêu nước Phan Tây Hồ. Đặc biệt, lễ giỗ Cụ Phan năm nay 2019, bên cạnh nghi thức cúng giỗ cỗ truyền, trong dư luận còn có vài suy nghĩ ngược chiều về giá trị tư tưởng của Phan Châu Trinh.

    Tư tưởng Phan Châu Trinh thành công hay thất bại ?

    Bất kỳ một câu chuyện, một vấn đề, một tư tưởng khi đi vào truyền thông bao giờ cũng phải được trình bày xuyên qua ba tiết mục: bản thể, nhận thức và phương pháp.

    Các quân trường đều giáo dục và đào tạo quân nhân đầy đủ ba chủ đề

    1) Thế nào là bản chất của binh nghiệp. Bản thể luận. 

    2) Những qui luật sống và chiến đấu của quân nhân. Nhận thức luận. 

    3) Khả năng sử dụng vũ khí cùng những phương pháp công và thủ trên nhiều trận mạc khác nhau. Phương pháp luận.

    Tư tưởng của Phan Châu Trinh bao gồm:

    Những bài viết về tư tưởng của Phan Châu Trinh.

    Thơ và văn Phan Châu Trinh.

    Hành động yêu nước của Phan Châu Trinh.

    Phân tích và tổng hợp các nhóm tài liệu kể trên, chúng ta sẽ có toàn bộ tư tưởng Phan Châu Trinh theo đúng bố cục: bản thể, nhận thức và phương pháp. Ba phương châm: Hậu Dân Sinh, Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí chỉ là một phần trong Phương pháp luận của tư tưởng Phan Châu Trinh. 

    Nói một cách chung nhất, bố cục ba thành phần của tư tưởng nhằm giải thích và hướng dẫn con người làm điều thiện, tránh điều ác trong mọi tình huống của đời sống. Câu hỏi gay gắt là hỏi rằng: sau khi học hỏi chi tiết về binh nghiệp từ quân trường, người lính có dám xông pha cõi bom đạn để bảo vệ Quê Hương hay không? Và hỏi rằng: sau khi có đầy đủ nhận thức về đúng và sai, con người có can đảm để bênh vực cái đúng, chống lại cái sai hay không? Tìm đâu ra những “dám”, những “can đảm” vừa kể? Câu trả lời nằm trong môn học Dân Khí của Phan Châu Trinh. Dân khí là lực đẩy cực mạnh làm cho tư tưởng Phan Châu Trinh thăng hoa. Chính trạng thái thăng hoa này đã biến tư tưởng Phan Châu Trinh thành một nguy cơ đối với tương lai chính trị của đảng CSVN.

    Với mục đích khai thác chiêu bài dân tộc, năm 2006 CSVN cho thành lập Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh do bà Nguyễn Thị Bình nguyên phó chủ tịch nước của CSVN làm chủ tịch, GSTS Chu Hảo, nguyên thứ trưởng khoa học công nghệ của CSVN làm phó chủ tịch. 

    2016 tại Hà Nội, trước 4000 sinh viên, TT Obama của Mỹ tuyên xưng Phan Châu Trinh là nhà triết học hàng đầu của Việt Nam.

    2017 TS Jonathan London, người Mỹ gốc Do Thái, nói và viết uyên bác Việt ngữ, vinh danh Phan Châu Trinh là nhà giáo dục xuất chúng.

    26/10/2018 GS Chu Hảo tuyên bố từ bỏ đảng CSVN để đi theo con đường khai sáng của chí sĩ Phan Châu Trinh.

    Các sự kiện kể trên đã đẩy CSVN đối diện với lo sợ: chẳng bao lâu nữa tư tưởng Phan Châu Trinh sẽ đè bẹp chủ nghĩa Marx, đè bẹp cái gọi là “đạo đức HCM”. Xuất phát từ tâm lý lo sợ kia ngày 23/2/2019, CSVN tuyên bố dẹp bỏ Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh. 

    Những trình bày ở trên nhằm đưa dẫn đến nhận định rằng: tư tưởng Phan Châu Trinh đã đạt đến ba thành quả:

    1)Tư tưởng Phan Châu Trinh hàm chứa bố cục ba thành phần: bản thể, nhận thức và phương pháp. Nó không thể bị phản bác một cách khoa học.

    2)Tư tưởng Phan Châu Trinh được học giả quốc tế trân trọng ca tụng.

    3)Tư tưởng Phan Châu Trinh làm hiển lộ sự ngụy biện của Marx Lenin và sự man trá trong tuồng tích “đạo đức HCM”.

    Với ba thành quả vừa dẫn trình, không còn nghi ngờ gì nữa chí sĩ Phan Châu Trinh đã thành công trên địa bàn tư tưởng. Tuy nhiên, thành công này đã bị bác bỏ bởi luận cứ cho rằng:

    “ Cụ Phan là nhà tư tưởng hay và mới nhưng chưa phải là một lãnh tụ giỏi, không có cán bộ và đồng chí nên không phát huy được tư tưởng của cụ, do đó thất bại.”

    Ngôn ngữ Việt Nam có thuật ngữ “thánh vương”. Thánh là người tài năng về tư tưởng. Vương là người tài năng về hành động. Một người vừa thánh vừa vương gọi là bậc thánh vương. Trên cõi hồng trần này tìm đâu ra một thánh vương? Đòi hỏi Cụ Phan vưa là nhà tư tưởng lỗi lạc vừa là người có khả năng tổ chức và điều động cán bộ, đồng chí tức là đòi hỏi Cụ Phan phải là bậc thánh vương. Đây là đòi hỏi vừa khắt khe vừa không hợp lý.

    Chế độ dân chủ là chế độ đối thoại. Đối thoại giữa người dân với người dân, giữa người dân với cơ quan công quyền, giữa các cơ quan công quyền với nhau. Đối thoại không nhằm tạo ngăn cách giữa người này với kẻ kia. Đối thoại chỉ nhằm nổi bật một chân lý. Chân lý trong ngày giỗ chí sĩ Phan Châu Trinh 2019 là chân lý rằng: Cụ Phan đã trao truyền cho hậu thế một kho tàng tư tưởng vô giá với bố cục bản thể, nhận thức và phương pháp, với phương châm “Chấn dân khí” kiệt xuất. Phương châm này chính là đòn bẩy hữu hiệu nhất trong việc biến tư tưởng trừu tượng thành hành động sống cụ thể./.

    Đỗ Thái Nhiên

    (Việt Báo)

    Không có nhận xét nào