Header Ads

  • Breaking News

    Số phận của hiệp ước vũ khí bị ông Trump “cấm cửa” tại Mỹ

    Dân trí Tổng thống Donald Trump cho rằng quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế là cách để ông bảo vệ chủ quyền của nước này trong bối cảnh ngành công nghiệp vũ khí Mỹ vẫn phát triển mạnh.

    Số phận của hiệp ước vũ khí bị ông Trump “cấm cửa” tại Mỹ
    Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) ở bang Indiana hôm 26/4, Tổng thống Donald Trump thông báo ông sẽ rút Hiệp ước buôn bán vũ khí quốc tế (ATT) khỏi quá trình phê chuẩn của Thượng viện. Động thái này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không còn bị ràng buộc bởi ATT dù cựu Tổng thống Barack Obama đã đồng ý đặt bút ký tham gia hiệp ước hồi năm 2013.

    Hiệp ước ATT được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào tháng 4/2013 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/12/2014. Cho đến nay đã có 101 quốc gia tham gia hiệp ước và có hiệu lực tại 100 quốc gia. 29 quốc gia khác đã ký hiệp ước nhưng vẫn chưa phê chuẩn.

    Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), hiệp ước ATT ra đời nhằm làm giảm “thương vong của con người do các hoạt động chuyển giao vũ khí trái phép và vô trách nhiệm, đồng thời cải thiện an ninh và ổn định khu vực”. Ngoài ra, hiệp ước ATT cũng “thúc đẩy trách nhiệm và tính minh bạch” trong hoạt động buôn bán vũ khí giữa các chính phủ.

    Theo ACA, hiệp ước ATT “không ảnh hưởng tới luật kiểm soát súng nội bộ của một quốc gia hay các chính sách sở hữu vũ khí khác”.

    Tuy nhiên, ATT yêu cầu các nước thành viên phải “thiết lập và duy trì hệ thống kiểm soát quốc gia, bao gồm một danh sách kiểm soát quốc gia” và “chỉ định các cơ quan quốc gia có năng lực” để điều chỉnh hoạt động buôn bán vũ khí thông thường.


    Theo cựu quan chức Nhà Trắng Michael Maloof, một khi được phê chuẩn, các hiệp ước quốc tế sẽ ràng buộc luật pháp Mỹ và thay đổi các điều khoản trong hiến pháp.

    Nếu được duy trì, hiệp ước ATT sẽ được sử dụng để công kích Tu chính án số 2 của hiến pháp Mỹ, trong đó cho phép người dân có quyền giữ và mang vũ khí. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump hủy hiệp ước ATT, đây sẽ là vấn đề gây tranh cãi.

    Hiệp ước ATT không chỉ có hiệu lực đối với các vũ khí quân sự hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, pháo, máy bay chiến đấu và trực thăng, tàu chiến, tên lửa và bệ phóng tên lửa. ATT còn được áp dụng với cả các “vũ khí hạng nhẹ và vũ khí cỡ nhỏ”.

    Trong bình luận mới nhất của mình, Tổng thống Trump cũng gọi hiệp ước ATT là sai lầm và là mối đe dọa với quyền tự do của Mỹ, chẳng hạn quyền được sở hữu vũ khí. Ông chủ Nhà Trắng coi đây là biện pháp bảo vệ chủ quyền của nước Mỹ.

    Hiệp ước ATT cũng yêu cầu các nước thành viên phải “thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát quốc gia nhằm điều chỉnh việc xuất khẩu các loại đạn dược được bắn, được phóng hoặc được vận chuyển” bởi các vũ khí hạng nặng liệt kê ở trên, cũng như các “bộ phận và thiết bị được sử dụng để lắp ráp” các vũ khí đó.

    Hiệp ước ATT kêu gọi siết chặt kiểm soát việc buôn bán vũ khí vì chúng có thể được sử dụng để “vi phạm hoặc tạo điều kiện cho các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, các hành vi khủng bố hay tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, các hành vi bạo lực giới hoặc bạo lực nhằm vào phụ nữ và trẻ em.

    Ngay cả khi không có điều khoản nào trong hiệp ước ATT tiềm ẩn các nguy cơ gây khó khăn cho hoạt động buôn bán vũ khí và đạn dược nội bộ của Mỹ, việc tuân thủ hiệp ước cũng tạo ra bước ngoặt trong ngành kinh doanh vũ khí. Trong khi đó, các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ vốn thống trị ngành này trên toàn cầu, xét về số lượng vũ khí áp đảo.

    Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), cơ quan chuyên theo dõi các hoạt động buôn bán vũ khí toàn cầu, ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ chiếm 57% trong Top 100 công ty sản xuất vũ khí và cung cấp dịch vụ quân sự năm 2017. Trong bảng xếp hạng này Nga đứng ở vị trí thứ hai với tổng doanh thu lên tới 37,7 tỷ USD, đứng sau công ty Lockheed Martin của Mỹ (doanh thu 44,9 tỷ USD).

    Thành Đạt

    Theo RT

    Không có nhận xét nào