Header Ads

  • Breaking News

    Trung Quốc: Kẻ trộm lợi dụng tính năng nhận diện khuôn mặt để đánh cắp tiền

    Mới đây, một thanh niên Trung Quốc đã bị đánh cắp toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng sau khi bạn cùng phòng quét mặt khi anh ta lúc đang ngủ để thanh toán trực tuyến qua tính năng nhận dạng khuôn mặt. Sự cố này một lần nữa lại gây quan ngại về tính bảo mật của các công nghệ dựa trên sinh trắc học.

    (Hinh ảnh: Shutterstock)
    Nhật báo Kinh tế Thành Đô ngày 8/4 có bài viết kể về câu chuyện mất cắp tiền trong thẻ ATM đầy ly kỳ của một thanh niên tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Thanh niên tên Viên này sống với hai người bạn cùng phòng là Lưu và Dương. Gần đây, khi kiểm tra số dư trong tài khoản ngân hàng, Viên đã bị sốc khi phát hiện số tiền chỉ còn chưa đến 1 tệ, trong khi anh giữ khoảng hơn 12.000 tệ trong thẻ. Viên đã lập tức báo cảnh sát địa phương.

    Sau điều tra sơ bộ, cảnh sát nghi ngờ hai người bạn cùng phòng của Viên có thể là thủ phạm đánh cắp tiền. Khi cảnh sát tiến hành thẩm vấn, Lưu và Dương đã thú nhận sử dụng điện thoại thông minh của Viên để mở khóa bằng tính năng nhận diện khuôn mặt, sau đó sử dụng WeChat Pay để chuyển tiền vào tài khoản của mình. May mắn là số tiền sau khi bị đánh cắp đã được trả lại cho Viên.

    Đa số các smartphone hiện nay đều được trang bị tính năng nhận diện khuôn mặt, tuy nhiên không phải tất cả đều yêu cầu quét mống mắt. Điện thoại của Viên nằm trong số đó, thiết bị này chỉ đơn giản tích hợp phần mềm nhận diện khuôn mặt thông thường nên có thể có thể mở khóa ngay cả khi nhắm mắt.

    Trong những năm gần đây, các công ty công nghệ Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ và công nghệ nhận diện khuôn mặt ngày càng phổ biến. Dịp Tết Nguyên đán 2018, thời điểm người dân Trung Quốc ồ ạt di chuyển từ thành thị về quê, các ga tàu của Trung Quốc bắt đầu triển khai hệ thống thanh toán qua tính năng nhận diện khuôn mặt trên quy mô lớn, thay cho hệ thống kiểm tra vé và số ID truyền thống.

    Ngoài ra, Alipay – dịch vụ thanh toán di động của gã khổng lồ công nghệ Alibaba cũng đã triển khai trạm “thanh toán dựa trên tính năng nhận diện khuôn mặt” đầu tiên tại một cửa hàng ở Thượng Hải hồi tháng 12/2018. Khách hàng chỉ cần quét mã hàng hóa trước, sau đó đưa khuôn mặt của mình vào trước camera là có thể tiến hành thanh toán. Ngay cả UnionPay and WeChat Pay, hai nhà cung cấp ví điện tử phổ biến nhất của Trung Quốc cũng áp dụng hệ thống nhận diện khuôn mặt để sử dụng trong bán lẻ, du lịch và thanh toán di động. Người dân thậm chí còn có thể rút tiền mặt từ ATM bằng cách sử dụng khuôn mặt.

    Tuy nhiên, các chuyên gia về công nghệ từ lâu đã bày tỏ quan ngại đến các vấn đề bảo mật liên quan đến công nghệ dựa trên sinh trắc học. Ông Đàm Kiếm Phong, chủ tịch Shanghai People Network Security Technology, một công ty an ninh mạng phát biểu với báo Nhân Dân Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3/2017, nếu mật khẩu của bạn bị đánh cắp, bạn có thể cài đặt lại, nhưng thông tin sinh trắc học không thể thiết lập lại được. Khi các đặc điểm nhận diện khuôn mặt của bạn bị đánh cắp, bạn không thể nào đổi sang khuôn mặt khác. Ông nói: “Trong thời đại của dữ liệu khổng lồ này, một khi quá trình xác thực sinh trắc học đã hoàn tất, mọi thông tin sẽ được chuyển đổi sang mã máy – và miễn là nó vẫn còn ở dạng đó, nó có thể bị can thiệp.“

    Ông Đàm cũng khuyến nghị người dùng không nên sử dụng tính năng nhận diện khuôn mặt cho các hoạt động trực tuyến. Bản thân ông Đàm không chọn tính năng nhận diện vân tay hay nhận diện khuôn mặt để kích hoạt các thiết bị điện tử của mình hay thanh toán di động. Dù vậy, hiện nay nhiều người Trung Quốc lại ưa chuộng tính năng này nhờ sự tiện lợi của nó.

    Tính năng nhận diện khuôn mặt cũng được các nhà chức trách Trung Quốc sử dụng rộng rãi thông qua các camera an ninh. Năm 2015, Bộ Công an Trung Quốc đã khởi động dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt mạnh mẽ nhất thế giới. Mục tiêu của họ là có thể xác định bất kỳ ai trong số hơn 1,3 tỷ công dân bằng cách kết hợp quét khuôn mặt cùng hình ảnh trên chứng minh thư trong vòng ba giây với tỷ lệ chính xác 90%. Điều này khiến các chuyên gia nhân quyền và an ninh không khỏi quan ngại về việc quyền riêng tư công dân bị xâm phạm nghiêm trọng.

    Hoàng Giang (Theo The Epoch Times)

    Không có nhận xét nào