Header Ads

  • Breaking News

    Kami - Việt Nam: Sự bất bình đẳng được nuôi dưỡng ngày càng bộc lộ rõ


    Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc ngày 2/9/1945, ông Hồ Chí Minh đã dẫn từ bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ khẳng định rằng, "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Theo ông Hồ, suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. 

    Tuy nhiên trên thực tế, từ ngày đó cho đến nay, đã là 74 năm ở miền Bắc và 44 năm ở miền Nam, sự bình đẳng giữa các cá nhân trong xã hội Việt Nam nói chung hay việc đối xử công bằng giữa các tầng lớp dân chúng trong xã hội, trên tinh thần ai cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau hoàn toàn chưa hiện hữu. Bởi một thứ chủ nghĩa phi khoa học và phản động vẫn đang hiện hữu và thách thức 90 triệu người dân Việt Nam. Đó là chủ nghĩa Chủ nghĩa lý lịch.

    Để phụ họa cho điều đó, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành Ủy TP HCM, con cố Bí thư Tỉnh ủy Tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Tốt (bí danh Hai Bình), một cán bộ lão thành cách mạng ở tỉnh Tây Ninh có nói đại ý rằng, "Con em lãnh đạo được đảng tín nhiệm nối bước cha mẹ họ thì đó là hồng phúc của dân tộc".

    Người ta nói rằng, " Một người thầy thuốc lầm, ngu dốt, thì giết một người. Một người thầy giáo lầm, ngu dốt, thì giết chết một thế hệ. Một người lãnh đạo lầm, ngu dốt, thì giết không bao nhiêu thế hệ. Câu trên nói lên sự nguy hiểm, tai hại nếu như một quốc gia để những kẻ lầm lẫn và ngu dốt làm lãnh đạo.

    Đánh giá về tác hại của Chủ nghĩa lý lịch, trong một bài viết vào năm 2005 Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cho rằng, đó là sự coi nhẹ tinh thần đại đoàn kết dân tộc, và quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, do cách nhìn hẹp hòi. Điều đó đã gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế. Theo ông Kiệt, tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới việc làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng.

    Vậy mà trong lúc cái thứ "Chủ nghĩa lý lịch" đồi bại ấy vẫn tiếp tục hoành hành và chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thì một lần nữa sự bất bình đẳng trong việc tiến thân của các thành phần trong xã hội lại xuất hiện dưới một hình thức khác: Dùng tiền mua điểm để tạo đà thăng tiến cho con cái của họ.

    Theo nguồn tin của báo chí nhà nước, bị can Trần Xuân Yến - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La khai rằng, được cấp trên là Giám đốc tại Sở GD&ĐT tỉnh này, nhờ “giúp xem điểm” của 8/13 thí sinh. Và cả 8 trường hợp này đều được nâng điểm và đều có "gia thế khủng". Đó là:
    - Thí sinh số báo danh 1400.1293 nhờ nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm. Bố: Chánh Thanh tra tỉnh Sơn La. Mẹ: Chuyên viên Phòng GD&ĐT.
    - Thí sinh số báo danh 1400.1415 nhờ nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng 24 điểm. Bố: Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Sơn La. Mẹ: Giáo viên trường THPT Tô Hiệu TP Sơn La.
    - Thí sinh số báo danh 1400.1279 nhờ nâng điểm toán, vật lý, tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm. Bố: Cục trưởng Cục thuế tỉnh Sơn La. Mẹ: Phó chánh Văn phòng Tỉnh uỷ Sơn La.
    - Thí sinh số báo danh 1400.1394 nhờ nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng 24 điểm. Bố: Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng TP Sơn La.
    - Thí sinh số báo danh 1400.1480 nhờ nâng điểm toán, vật lý, hóa học để đạt tổng 24 điểm. Bố: Phó chủ tịch UBND TP Sơn La. Mẹ: Giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn.
    - Thí sinh số báo danh 1400.1545 nhờ nâng điểm toán, ngữ văn, lịch sử để đạt tổng 27 điểm. Bố: Hạt phó Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, Sơn La. Mẹ: Cán bộ Chi cục thuế Mai Sơn.
    - Thí sinh số báo danh 1400.1479 nhờ nâng điểm toán, ngữ văn, tiếng Anh để đạt tổng 27 điểm. Bố: Trưởng phòng GD&ĐT Trung học, Sở GD&ĐT Sơn La.
    Được biết, bình quân mỗi thì sinh được nâng điểm như thế phải chi tới 1 tỷ đồng.

    Hiện nay, hàng ngày, hàng giờ chúng ta phải chứng kiến và bất bình về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống khác thường của các đối tượng "hạt giống đỏ" - con ông cháu cha như Nông Quốc Tuấn, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Bá Cảnh v.v... Đây chính là những ví dụ điển hình về hậu quả của sự bất bình đẳng trong công tác lựa chọn cán bộ lãnh đạo, trong hệ thống chính trị độc đảng của đảng CSVN. Hệ lụy của nó rất dễ dàng thấy, khi các hạt giống đỏ đó thăng tiến quá nhanh, trong lúc năng lực và trình độ không đáp ứng được những yêu cầu để đảm trách các vị trí quan trọng đó, thì tất dẫn đến tình trạng đã có những phát biểu, những quyết định ngây ngô, thậm chí xúc phạm nhân dân.

    Cụ thể như việc ngày 19/5/2019 vừa qua, báo chí nhà nước đã dẫn văn bản của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh (con trai của nguyên Chủ tịch Nước Trần Đức Lương.) ký, kiến nghị giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý và chấn chỉnh những ai cố tình xuyên tạc về đợt "điều chỉnh giá điện" là một ví dụ điển hình. Đáng tiếc rằng chỉ sau đó không lâu, trước những bức xúc cao độ của dư luận xã hội, thì ngày 24/5/2019 Thanh tra Chính phủ đã có quyết định cho kiểm tra, xác minh việc chấp hành quy định điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua của Tập đoàn Điên lực (EVN) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.

    Người ta cho rằng, có lẽ khi chỉ đạo cho các đơn vị chức năng của Bộ Công thương ra văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thì Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã quên hẳn rằng ông là người đứng đầu, đại diện cho nhà nước trong việc kinh doanh, buôn bán. Thì lẽ ra với tư cách Bộ trưởng như cần phải biết cảm nhận, cũng như phải biết lắng nghe ý kiến của khách hàng khi giá bán điện đưa ra không hợp lý. Song ông Bộ trưởng Công Thương không hiểu được điều tối thiểu rằng, trong một cơ chế kinh tế thị trường, thì việc "thuận mua, vừa bán" là lẽ đương nhiên. Vậy hà cớ gì người bán lại cấm người mua có những ý kiến được gọi là trái chiều về giá cả hàng hóa.

    Qua sự việc của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, có thể nói đây không chỉ là hệ quả nguy hiểm của một ngành kinh doanh độc quyền nói riêng và một hệ thống chính trị độc đảng nói chung như ở Việt Nam hiện nay.

    Người ta cho rằng, "thượng bất chính, hạ tắc loạn". Khi ở thượng tầng kiến trúc các lãnh đạo cao cấp ở Việt Nam đã tìm cách nhồi nhét các con em của họ vào những vị trị lãnh đạo béo bở để có thể "ngồi mát, ăn bát vàng". Trong lúc những ông bố, bà mẹ ấy thừa hiểu rằng con cái của họ năng lực đến đâu, khả năng thế nào? Nhưng khổ một nỗi những ông bố, bà mẹ ấy cũng không khác gì con cái của họ, đó là không được dạy dỗ, đào tạo đầy đủ hoàn chỉnh. Bọn họ có chung một điểm là, cùng tiến thân bằng thứ Chủ nghĩa lý lịch, với tấm bằng "ba đời là bần cố nông".

    Hơn nữa trong một thể chế chính trị như ở Việt Nam hiện nay, khi đồng tiền có thể khuynh đảo mọi lĩnh vực, mọi vấn đề, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất như vấn đề công tác cán bộ. Đúng như triết lý của trùm xã hội đen Năm Cam "Cái gì không mua được bằng tiền, thì mua được bằng rất nhiều tiền!". Thì chuyện con em lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện bỏ tiền tỷ "mua bệ phóng" - mua điểm thi là chuyện bình thường, chẳng có gì là lạ cả. Dù ai cũng hiểu rằng, đó là những đồng tiền đều từ tham nhũng mà có.

    Từ việc những bị cáo tội nặng nhưng được hưởng án nhẹ hơn vì gia đình "có công với cách mạng", cho đến việc cộng điểm ưu tiên trong thi cử cho các đối tượng thí sinh ở vùng sâu, vùng xa v.v... Tất cả hoàn toàn không phải là sự ưu việt của một chế độ, hay một xã hội, mà những cái đó thực chất chỉ là những bằng chứng về sự bất bình đẳng giữa các thành phần dân chúng trong xã hội mà thôi.

    Xin được nhắc lại: Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

    Ngày 28 tháng 5 năm 2019

    © Kami

    (Blog RFA) 

    Không có nhận xét nào