Header Ads

  • Breaking News

    Về một lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa có một diễn văn quan trọng tại lễ khai mạc hội nghị Đối Thoại giữa các nền văn minh Á châu tổ chức tại Bắc Kinh hôm 15/5.
    Về một lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc – Tập Cận Bình

    Bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của nền văn minh Châu Á trong lịch sử phát triển nhân loại và kêu gọi các nền văn minh chung sống hòa bình, hài hòa để nhân loại phát triển. Bài phát biểu diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang leo thang, cũng có thể xem như là cách mà Tập chớp thời cơ đáp trả lại quan điểm của một số chính khách trong chính quyền Trump cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung có thể được xem là sự va chạm giữa các nền văn minh.

    Có thể nói Tập Cận Bình đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để vừa đáp trả, vừa kêu gọi các nước Á châu ủng hộ một Trung Quốc hòa bình văn minh trong cuộc chiến với Mỹ của Trump hiếu chiến và đang hiếp đáp các nền văn minh khác. Bài diễn thuyết rất hay nhằm thôi thúc tinh thần Á châu tạo cảm giác là vấn đề thương mại Mỹ Trung không phải là vấn đề của riêng Trung Quốc mà là vấn đề của các nước Á châu-đang bị ăn hiếp.

    Tập Cận Bình nhấn mạnh tinh thần nhân đạo nhân văn là cốt lõi của văn minh Á châu và văn minh Trung Hoa. Nhân dân Á Châu và Trung Quốc luôn mưu cầu thịnh vượng và phát triển hài hòa. Dĩ nhiên chủ tịch Trung Quốc cũng khơi gợi sự tự hào của các dân tộc châu Á đối với nền văn minh châu lục, đồng thời nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của nền văn minh Trung Hoa.

    Xuyên suốt bài nói, Tập Cận Bình xây dựng một hình ảnh Trung Quốc hiền hòa, chung sống hòa bình với các quốc gia láng giềng và thế giới. Bài phát biểu quá đẳng cấp, đúng vị thế của một nước lớn, đại diện (cứ cho là vậy) của một châu lục, của một nền văn minh. Bài diễn thuyết của Tập Cận Bình là những lời nói nhân văn, tuyệt vời, CÒN THỰC TẾ THÌ SAO?

    – Với chính sách đầu tư ra nước ngoài bất chấp lợi ích của các quốc gia khác về môi trường, về nhân quyền, Trung Quốc không cho thấy sự quan tâm và mong muốn phát triển hài hòa với sự phát triển của các quốc gia khác, Á châu cũng như thế giới.

    – Với sự ve vãn, mua chuộc các chính thể độc tài khắp nơi để có được những dự án đầu tư hạ tầng, những hợp đồng khai thác tài nguyên khoáng sản, bất động sản như một kiểu thực dân mới mang màu sắc Trung Quốc, Trung Quốc của Tập chủ tịch không cho thấy sự tôn trọng nhân dân và lợi ích các nước.

    – Với chính sách gây gấn với hầu hết các quốc gia có chung biên giới đất liền cũng như lãnh hải, đặc biệt ở vùng biển Đông Nam Á với đường lưỡi bò phi lý làm cơ sở cho cái gọi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Trung Quốc cho thấy sự tột cùng ích kỷ và hoàn toàn không cho thấy mong muốn sống chung hòa bình với các nước láng giềng như Tập nói.

    – Với chính sách nội trị hà khắc và đàn áp và đồng hóa các nhóm sắc tộc thiểu số trong nước như ở Tân Cương, Tây Tạng; ngăn chặn chính người dân Trung Quốc tiếp xúc với các mạng xã hội toàn cầu – vốn có thể được xem là cầu nối giữa các nền văn minh; chính sách sử dụng công nghệ hiện đại, trí tuệ nhân tạo không nhằm tự do hóa con người mà chăm chăm gia tang sự kiểm soát người dân như một trại súc vật khổng lồ phải ăn theo nói theo làm theo những chuẩn mực do chính bộ máy cầm quyền kiểm duyệt… Chính quyền Trung Quốc không cho thấy mong muốn tương hợp phát triển và văn minh.

    Và nhiều minh họa khác đi ngược lại những lời tốt đẹp, cao thượng của Tập Cận Bình về Trung Quốc ngày nay…

    Vì vậy có thể nói, khi kêu gọi Á châu đoàn kết bên cạnh Trung Quốc, Tập Cận Bình đã ảo tưởng về sự ảnh hưởng của Trung Quốc ngày nay ở góc độ văn minh, đặc biệt khi tinh thần thoát Á, chậm chí thoát Trung, dù có thể còn gây tranh cãi ít nhiều trong thời đại toàn cầu hóa, vẫn đang là phổ biến trong các quốc gia Á châu. Ngay cả các quốc gia hàng đầu châu lục cũng đã thoát Á (trong cách hiểu và thực thi những giá trị dân chủ phổ quát của nhân loại) từ lâu để mong tiến bộ.

    Cuối cùng, với tư cách là chủ tịch một Trung Quốc chuyên đi hiếp đáp các quốc gia nhỏ hơn ở chính Á châu, việc kích thích tinh thần dân tộc của chính mình đã khó khăn, thì xem ra mong muốn kích thích tinh thần chủng tộc Á châu có thể nói là điều hoàn toàn viễn tưởng.
     
     
    (baotiengdan.com)

    Không có nhận xét nào