Khám xét nhà sau lệnh nhiều tháng
Truyền
thông trong nước vào ngày 10/6 đồng loạt loan tin về việc Bộ Công an
cùng với Cơ quan chức năng Đà Nẵng đã tiến hành khám xét nhà ở của
Blogger Trương Duy Nhất được cho nhằm phục vụ cho việc mở rộng điều tra
vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước gây thất
thoát, lãng phí liên quan tới Phan Văn Anh Vũ tức “Vũ nhôm”, một cựu sĩ
quan công an đang thụ án tù với nhiều cáo buộc, trong đó có liên quan
đến việc thâu tóm đất đai công sản ở các thành phố lớn.
Bộ Công an khám xét nhà Blogger Trương Duy Nhất. |
Tuy
nhiên, thông tin từ gia đình Blogger Trương Duy Nhất cho biết giấy
quyết định khám xét nhà được ký từ ngày 16/1, tức là trước ngày khám xét
nhà đến vài tháng.
Chúng
tôi liên lạc với nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên từ Hà Nội và
cũng là một thân hữu của Blogger Trương Duy Nhất. Ông là người thường
xuyên có liên hệ với gia đình blogger Trương Duy Nhất thời gian qua.
“Đến
đầu giờ chiều tôi có nghe bạn bè trong Đà Nẵng báo tin là có cuộc khám
xét nhà Nhất, họ đến và đọc lệnh khám xét nhưng mà lệnh khám xét được ký
vào ngày 16/1 mà nhất bị bắt vào 28/1 và bây giờ là 10/6 mới tiến hành
khám xét. Hôm nay như vậy gọi là chính thức khởi tố, kể từ khi bắt hôm
26/1 cho đến tiếp tế và hôm nay khám nhà coi như chính thức khởi tố vụ
án cũng như loan báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng để xác
nhận Trương Duy Nhất có dính lịu đến Vũ nhôm.”
Blogger
Trương Duy Nhất, người chuyên viết các bài chỉ trích chính quyền, mất
tích tại Thái Lan vào ngày 26/1 khi đang xin quy chế tị nạn. Tuy nhiên,
Bộ Công an vào tháng 3 vừa qua cho báo chí biết ông Nhất bị bắt giữ vào
ngày 28/1 và bị giam giữ ở trại giam T16 ở Hà Nội.
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ thành phố Hồ Chí Minh cho chúng tôi biết việc khám xét nhà vào thời điểm này là một điều rất lạ.
““Điều
này lạ bởi vì khi khám xét nhà là thu thập chứng cứ liên quan đến vụ
án, liên quan đến hành vi phạm tội mà những việc đó thường có khi họ làm
cùng lúc với việc khởi tố, cho nên lệnh đã có từ tháng 1 đến giờ mới
tiến hành là điều rất lạ.”
Ngăn cản gia đình và luật sư tiếp xúc bị can trái luật
Cũng
trong cùng ngày báo chí nhà nước loan tin về việc truy tố blogger
Trương Duy Nhất, luật sư Trần Vũ Hải, người được gia đình ông Nhất mời
đại diện cho blogger nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Hiện
nay tôi đang đăng ký là luật sư bào chữa cho anh Trương Duy Nhất và đến
nay chưa thấy có phản hồi, theo thông tin tôi được biết thì họ đã tiến
hành khám xét còn việc khởi tối thì đã khởi tố trước đó rồi.”
Thông
tin từ facebook cá nhân của Luật sư Trần Vũ Hải cho biết, từ ngày 25/3,
văn phòng luật sư đã nhiều lần đến Bộ Công an cũng như gửi đơn đến cơ
quan điều tra của Bộ để làm thủ tục đăng ký làm người đại diện bào chữa
cho blogger Trương Duy Nhất nhưng đến nay vẫn không được hồi đáp.
Do
đó, vào ngày 31/5 Luật sư đã gửi đơn kiến nghj đến lãnh đạo Bộ Công an,
Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Liên đoàn Luật
sư Việt Nam và Tp Hà Nội đề nghị can thiệp. Bản kiến nghị viết rằng Bộ
Công an đã vi phạm điều 78 Bộ luật tố tụng hình sự về việc Bộ Công an
không trả lời luật sư bào chữa.
“Trong
thời hạn 24 h kể từ khi nhận đủ giấy từ từ người bào chữa (VPLS đã gửi
đủ giấy tờ theo quy định từ ngày 25/2/2019), Cơ quan điều tra phải thông
báo ngay cho người đăng ký bào chữa…. Như vậy đến nay (31/5/2019), Cơ
quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã không thực hiện đúng theo thời hạn
này so với quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, ảnh hưởng nghiêm trọng
đến quyền được nhờ người bào chữa của ông Trương Duy Nhất và quyền hành
nghề luật sư của chúng tôi.”
Luật
sư Đặng Đình Mạnh cho Đài Á Châu Tự Do biết, việc hạn chế người thân
hay luật sư gặp thường chỉ áp dụng cho những nhóm tội liên quan xâm phạm
an ninh quốc gia, nhưng nhìn chung, không có tội nào cấm bị can gặp gia
đình và luật sư.
“Với
tội của anh Nhất thì ban đầu mọi người nghĩ nó liên quan đến vấn đề an
ninh quốc gia, do lầm tưởng anh có nhiều hoạt động liên quan đến đấu
tranh dân chủ nhưng hóa không phải, mà những tội liên quan đến kinh tế
thì hoàn toàn không có giới hạn đối với luật sư hay đối với gia đình
trong giai đoạn điều tra như vậy.”
Ngoài ra Luật sư Mạnh khẳng định rằng, cơ quan điều tra đang lạm quyền trong gia đoạn này.
“Đây
nếu nó không thuộc về nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia thì khi luật
sư tới họ bắt buộc cơ quan điều tra phải tiếp nhận luật sư và tiến hành
cấp giấy chứng nhận bào chữa để luật sư làm việc, bắt đầu từ giai đoạn
điều tra chứ không được giới hạn như trong vụ án này, đo đó tôi nghĩ
luật sư Trần Vũ Hải nên khiếu nại việc này.”
Blogger
Trương Duy Nhất là người từng có nhiều bài viết chỉ trích chính phủ.
Ông cũng là blogger của Đài Á Châu Tự Do. Trước khi bị bắt, ông đã sang
Thái Lan để xin tị nạn vì lo ngại mình có thể bị bắt giữ vì những thông
tin quan trọng mà ông biết về chính phủ. Tuy nhiên, ông đã mất tích đột
ngột hôm 26/1 tại Bangkok. Con gái blogger cho Đài Á Châu Tự Do biết cha
cô hoàn toàn không có ý định trở về Việt Nam. Điều này làm dấy lên
những nghi ngờ về việc an ninh Việt Nam đã sang Thái Lan bắt cóc blogger
Trương Duy Nhất.
Quốc
tế lên án vụ mất tích của blogger Trương Duy Nhất và đòi hỏi chính
quyền Việt Nam phải có câu trả lời về sự mất tích khó hiểu này. Tuy
nhiên cho đến giờ, giới chức Việt Nam vẫn chưa có lời giải thích nào về
vấn đề này.
(RFA)
Không có nhận xét nào