Header Ads

  • Breaking News

    Điểm tin thế giới ngày Thứ hai 17 tháng 6 năm 2019

    Trung Quốc sẽ cản ông Trump ‘chơi lá bài Hồng Kông’ với ông Tập tại G-20

    Tờ báo Hồng Kông SCMP cho hay, các cuộc biểu tình rầm rộ ở Hồng Kông có thể mang lại một đòn bẩy bất ngờ cho Tổng thống Trump nếu ông gặp ông Tập Cận Bình tại Nhật Bản vào tuần tới. Nhưng Bắc Kinh sẽ gắng sức ngăn chặn sự việc gây tranh cãi ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ – Trung, theo các nhà phân tích Trung Quốc.

    Các cuộc biểu tình về dự luật dẫn độ Hồng Kông đã làm rung chuyển thành phố trong 2 tuần qua, làm tăng thêm một khả năng không chắc chắn về một cuộc gặp dự kiến giữa hai nhà lãnh đạo tại Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản. Trung Quốc vẫn chưa xác nhận liệu ông Tập có gặp ông Trump hay không để chấm dứt cuộc thương chiến Mỹ – Trung kéo dài một năm.

    Wang Yong, Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị tại Đại học Bắc Kinh nói rằng, sự việc ở Hồng Kông sẽ có thể là “một lá bài” tối đa hóa lợi thế cho Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán.


    Những người sống sót kêu gọi Liên Hợp Quốc điều tra cuộc đàn áp quảng trường Thiên An Môn 1989

    Các nạn nhân và những người sống sót sau vụ đàn áp quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989 đã cùng nhau đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc và đang yêu cầu điều tra sự kiện năm đó, theo Nikkei.

    Với sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ Những nhà bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders), bao gồm Vương Đan (Wang Dan) và Wuerkaixi – cựu lãnh đạo sinh viên và hai người đứng đầu trong danh sách những người trốn chạy sau vụ Thiên An Môn mà Trung Quốc “truy nã” – hôm thứ Hai, họ đã yêu cầu Trung Quốc chấp thuận một nhóm độc lập xem xét những gì đã diễn ra.

    Nếu Bắc Kinh từ chối hợp tác, những người khiếu nại nói rằng họ sẽ tìm cách sử dụng Nghị quyết 5/1 để chỉ định một chuyên gia độc lập nghiên cứu tình hình và báo cáo lại với hội đồng

    Cựu thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong được thả tự do

    Nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đã ra khỏi nhà tù hôm thứ Hai sau khi bị giam 5 tuần vì cáo buộc khinh thị tòa án, theo Reuters.

    Chàng trai 22 tuổi, nổi tiếng là một thủ lĩnh sinh viên trong phong trào biểu tình năm 2014, tuyên bố anh sẽ tham gia vào phong trào quần chúng của thành phố để yêu cầu trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) phải từ chức.

    Hoàng Chi Phong được thả tự do chỉ một ngày sau khi gần 2 triệu người Hồng Kông đã xuống đường hôm Chủ nhật để yêu cầu bà Lâm từ chức và chính quyền thành phố phải từ bỏ hoàn toàn dự luật dẫn độ gây tranh cãi. (Chi tiết)

    Ngoại trưởng Luxembourg: Sai lầm khi nghĩ thủ tướng mới của Anh có thể đàm phán lại thỏa thuận Brexit

    Ông Jean Asselborn hôm thứ Hai nói rằng, sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng một tân thủ tướng của Anh có thể đàm phán lại thỏa thuận Brexit, vì tất cả các yếu tố chính của hiệp ước đã được niêm phong, theo Reuters.

    Ông nói rằng dĩ nhiên một số chi tiết có thể được đàm phán nhưng các vấn đề chính – bao gồm dự luật Brexit, sự ủng hộ và quyền của người dân – đã được quyết định. Những ai nói rằng họ có thể đàm phán lại thỏa thuận này thì họ nói sai, ông Asselborn nói.


    Nông dân trồng rong biển Indonesia kiện 200 triệu đô la vì sự cố tràn dầu ở Úc

    Những người nông dân Indonesia trồng rong biển đòi hơn 200 triệu đô là từ Công ty Thăm dò và Sản xuất PTT của Thái Lan trong một vụ kiện bắt đầu vào thứ Hai (17/6). Khoản tiền nhằm bù đắp thiệt hại mà họ nói rằng do sự cố tràn dầu tồi tệ nhất nước Úc, theo SBS.

    Vụ kiện tập thể đại diện cho hơn 15.000 nông dân trồng rong biển, họ đã tuyên bố bị mất kế sinh nhai trong nhiều năm sau khi dầu tràn ra biển Timor trong hơn 74 ngày sau vụ nổ tại giàn khoan dầu Montara vào tháng 8/2009.

    Luật sư Ben Slade ở Maurice Blackburn, người đang tiến hành vụ án, cho biết trong một tuyên bố, rằng công ty mẹ ở Thái Lan tiếp tục phủ nhận tác động tàn phá do dầu tràn không kiểm soát trong nhiều tháng đã ảnh hưởng vùng trồng rong biển của nông dân Indonesia.


    Võ Thái Hà tóm lược

    Không có nhận xét nào